024 3 8254 239 | hanoi@gso.gov.vn
NIÊN GIÁM THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023
  •   03/07/2024 10:26

Năm 2023, kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn còn những bất ổn, phức tạp cùng nhiều yếu tố mới, bất ngờ, xuất hiện các rủi ro trong cả ngắn hạn và dài hạn. Những hệ lụy từ xung đột vũ trang tại Ucraina kéo dài và chiến sự tại Dải Gaza đã đẩy giá hàng hoá và năng lượng tăng cao. Nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nâng mức lãi suất nhằm giảm lạm phát; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp đã tác động đến chuỗi cung ứng và cầu tiêu dùng sụt giảm. Xu hướng kinh tế toàn cầu giảm tốc làm cản trở tiến trình phục hồi tăng trưởng thế giới trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, kinh tế chịu tác động rõ rệt, các thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Việt Nam sụt giảm, sức mua thị trường nội địa tăng thấp, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các chính sách, kịp thời, sát thực tế, chưa từng có tiền lệ giúp kinh tế Việt Nam cơ bản vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của Chính phủ, đẩy mạnh các chương trình phát triển KTXH trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo 1. Phát triển kinh tế Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2023 sơ bộ tăng 6,27% so với năm 2022 (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,91%; quý III tăng 6,22%; quý IV tăng 7%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất khẩu, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng 6,27% với xu hướng cải thiện qua từng quý là khá tích cực và đáng ghi nhận. Chia theo khu vực: Khu vực dịch vụ tăng 7,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,29%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,13%. Tăng trưởng GRDP năm 2023 được cải thiện qua từng quý thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân Thủ đô trong thực hiện đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. GRDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành đạt 151,1 triệu đồng (tương đương 6.348 USD), tăng 4,3% so với năm 2022. Năm 2023, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, văn hóa, thông tin… đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của Thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9,9% so với năm trước; Khách du lịch đến Hà Nội đạt 5.109 nghìn lượt người, gấp 1,93 lần năm trước, trong đó khách quốc tế 3.398 nghìn lượt người, gấp 2,7 lần; Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 16,1%. Một số ngành dịch vụ tăng trưởng cao so với năm trước: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 16,33%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 15,40%; bán buôn, bán lẻ tăng 10,48%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,77%; vận tải kho bãi tăng 7,70%; giáo dục và đào tạo tăng 6,70%; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,30%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,04%;... Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng duy trì mức tăng trưởng, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Ngành công nghiệp năm 2023 chịu ảnh hưởng tiêu cực khi hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Hà Nội giảm sút đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 3,0% so với năm 2022, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,0%. Một số ngành chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ: Sản xuất đồ uống tăng 15,5%; sửa chữa, bảo dưỡng lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 12,3%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 11,0%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 6,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 6,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 6,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 5,8%;.. Hoạt động xây dựng trong năm 2023, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; ngay từ đầu năm, Thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tại các doanh nghiệp và hộ dân cư trên địa bàn, việc cải tạo, xây mới nhà xưởng, công trình để ở cũng được khẩn trương thực hiện trong những tháng cuối năm. Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 496,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2022. Trong đó: Vốn Nhà nước 177,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3%; vốn ngoài nhà nước đạt 286,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%. Sản xuất nông nghiệp trong năm có nhiều giải pháp hiệu quả, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năng suất lúa và giá trị cây ăn quả đạt khá. Diện tích trồng cây lâu năm đạt 23,8 nghìn ha, tăng 1,0% so với năm trước, cơ cấu các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản (như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, vải, ổi...), cây cảnh có giá trị cao phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, sản lượng thịt xuất chuồng tăng so với năm trước, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và an sinh xã hội. Đàn lợn đến cuối năm có 1,46 triệu con, tăng 3,0% so với năm trước; đàn gia cầm 41,5 triệu con, tăng 2,1%; đàn trâu 29,3 nghìn con, tăng 2,1%; đàn bò 127,1 nghìn con, giảm 1,9%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm đạt 253,8 nghìn tấn, tăng 7,1% so với năm trước; sản lượng thịt gia cầm đạt 162,3 nghìn tấn, tăng 1,2%; sản lượng thịt trâu đạt 2.092 tấn, tăng 4,0%; sản lượng thịt bò đạt 10,6 nghìn tấn, giảm 0,1%. Ngành thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định, tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 127,6 nghìn tấn, tăng 3,4% so với năm 2022. Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh được cải thiện. Năng suất lao động năm 2023 đạt 320,9 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,3% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 73,2%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2022). Thành phố tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp và đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể: Khu vực dịch vụ năm 2023 chiếm 64,06% GRDP; công nghiệp và xây dựng chiếm 23,65%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,32% (Cơ cấu GRDP năm 2022 tương ứng là: 63,22%; 24,03%; 2,08% và 10,67%). 2. Thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023 đạt 3.145 tỷ USD, trong đó đăng ký mới 428 dự án với số vốn 643 triệu USD; 175 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 307 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 326 lượt, đạt 2.195 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD). Hoạt động của doanh nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển sức sản xuất, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong năm 2023, có 31,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 346,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 5,0% về vốn đăng ký so với năm trước. 3. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 411,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2022. Chi ngân sách địa phương năm 2023 đạt 126,9 nghìn tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 72,8 nghìn tỷ đồng, tăng 64,2% so với năm trước; chi thường xuyên 53,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 12/2023 đạt 5.335 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với thời điểm 31/12/2022; tổng dư nợ tín dụng đạt 3.617 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8%. Trong năm, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã thực hiện tốt chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.​ Tính đến cuối năm 2023, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.189 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 327 doanh nghiệp và Upcom có 862 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 598 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. 4. Một số vấn đề xã hội - Dân số, lao động và giải quyết việc làm Dân số trung bình năm 2022 là 8.587,1 nghìn người, tăng 1,8% so với năm 2022, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 49,1%; khu vực nông thôn chiếm 50,9%. Chia theo giới tính, dân số nam chiếm 49,7%; dân số nữ chiếm 50,3%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 4.015 nghìn người, chiếm 47,8% dân số toàn Thành phố; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 73,2% (thành thị đạt 84,7% và nông thôn đạt 63,9%), cao hơn 1,0 điểm % so với năm 2022. Thị trường lao động việc làm có chuyển biến tích cực; trong năm 2023, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 214,3 nghìn lao động, đạt 132,2% kế hoạch giao trong năm, tăng 5,6% so với năm 2022, trong đó: 19,7 nghìn người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 5,2 nghìn người được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động (Chủ yếu làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); 149,1 nghìn người có việc làm qua hình thức cung ứng dịch vụ việc làm từ các doanh nghiệp và hình thức khác… - Đảm bảo an sinh xã hội Năm 2023, Thành phố và các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách xã hội đối với người có công; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ người gặp khó khăn đột xuất. Công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô tiếp tục được quan tâm chú trọng. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Thành phố đã tặng gần 1,8 triệu suất quà cho các đối tượng chính sách ưu đãi, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, công nhân viên chức và người lao động đã nghỉ hưu, mất sức với tổng số tiền 834,8 tỷ đồng, đạt 150,6% kế hoạch năm và tăng 15,4% so với kết quả tặng quà Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tổ chức tốt các hoạt động Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với 343,6 nghìn suất quà tương đương 248,8 tỷ đồng đến các đối tượng chính sách theo quy định bảo đảm kịp thời, chu đáo. Cũng trong năm 2023, Thành phố đã giải quyết hơn 18,8 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 60,5 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 12 tháng năm 2023 cho trên 81 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.913 tỷ đồng, chi trả trợ cấp một lần là 217 tỷ đồng, chi điều dưỡng người có công 150 tỷ đồng. Đến 31/12/2023, trên địa bàn Thành phố có 202,4 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và gần 3 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố. - Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội Đến cuối năm 2023, Thành phố có 7,9 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, tăng 1,9% so với cuối năm 2022; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 93,5% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Hơn 2,1 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 5,9%; 82,2 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 9,5%; gần 2 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,1%. - Hoạt động văn hóa, thể thao Các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật phục hồi mạnh mẽ, tại các di tích lịch sử đã thu hút 3,3 triệu lượt khách đến tham quan, gấp 1,9 lần năm 2022 và vượt kế hoạch năm. Đặc biệt SEA Games 32 , thể thao Hà Nội góp phần quan trọng vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam với 1/3 tổng số huy chương toàn đoàn Việt Nam. Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19), Thể thao Hà Nội đã góp phần quan trọng vào thành công chung của Thể thao Việt Nam với 12 Huy chương (2 HCV, 3 HCB, 7 HCĐ). Kết quả thi đấu của thể thao thành tích cao Hà Nội đạt được trong năm 2023 là 3.309 huy chương, trong đó: 2.833 huy chương tại các giải đấu trong nước (1.026 huy chương Vàng, 878 huy chương Bạc, 929 huy chương Đồng) và 476 huy chương tại các giải đấu quốc tế (200 huy chương Vàng, 139 huy chương Bạc, 137 huy chương Đồng). - Giáo dục và đào tạo Giáo dục và đào tạo chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Đầu tư xây dựng trường công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 74,2%. Tính đến cuối năm 2023, toàn Thành phố có 2.815 trường mầm non và phổ thông với 66,4 nghìn lớp; gần 2,2 triệu học sinh đang theo học, 125 nghìn giáo viên. Về giáo dục nghề nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 314 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2023, đã tuyển sinh và đào tạo cho gần 246,1 nghìn lượt người, đạt 107% kế hoạch tuyển sinh năm 2023. - Y tế và phòng chống dịch bệnh Trong năm 2023, trên địa bàn Thành phố dịch bệnh được kiểm soát tốt. Song song với nhiệm vụ khống chế, kiểm soát dịch bệnh, giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân được quan tâm. Hệ thống bệnh viện cơ bản duy trì tốt, công tác khám chữa bệnh thường xuyên, số lượng bác sỹ đạt 16,6 bác sỹ/vạn dân; số giường bệnh bình quân 1 vạn dân đạt 36,4 giường. Hiện nay 84,4% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; cơ sở y tế tư nhân phát triển đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Khái quát lại, năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội cả nước và thành phố Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội Thành phố vẫn đạt được các kết quả rất quan trọng: GRDP tăng 6,27% với xu hướng cải thiện đà tăng trưởng qua từng quý. Tổng thu NSNN trên địa bàn vượt 13,5% dự toán và tăng 20% so với năm trước; thu hút hơn 3,1 tỷ USD vốn FDI; khách du lịch đến Thủ đô gần 5,1 triệu lượt người, tăng 93,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát, bình quân cả năm 2023 tăng 2,04%; sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, bảo đảm tốt nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; công tác giáo dục, y tế được quan tâm; lao động việc làm, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, trong năm qua kinh tế Thành phố còn gặp nhiều khó khăn: Tốc độ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch đề ra; sản xuất công nghiệp đạt thấp; kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chưa cao; tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

NIÊN GIÁM THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022
  •   14/03/2024 05:49

Năm 2022, kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo. Xung đột vũ trang tại Ukraine kéo dài cùng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga làm gián đoạn nguồn cung lương thực, đẩy giá năng lượng, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu tăng cao; áp lực lạm phát, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm. Ở trong nước, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là bối cảnh thế giới, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy nhanh tỉ lệ bao phủ tiêm vắc xin vượt trội, kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả Chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn tạo động lực cho ngành dịch vụ phát triển; ưu tiên khôi phục hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế - xã hội Thành phố phục hồi tích cực và đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện. 1. Phát triển kinh tế Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2022 sơ bộ tăng 8,96% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% - 7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, trong đó tăng trưởng các quý năm 2022 lần lượt là 5,91%; 8,22%; 15,30%; 6,99%. Chia theo khu vực: Khu vực dịch vụ tăng 10,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,59%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,72%. Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt mức cao thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân Thủ đô trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. GRDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt 141,9 triệu đồng (tương đương 6.098 USD), tăng 10,2% so với năm 2021. Năm 2022, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá. Các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, văn hóa, thông tin… phục hồi tích cực nhờ Thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 28,6% so với năm trước; Hoạt động xuất, nhập khẩu có nhiều điểm sáng với tổng kim ngạch đạt 58,2 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 41,1 tỷ USD, tăng 17,3%. Khách du lịch đến Hà Nội đạt 2.644 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần năm trước, trong đó khách quốc tế 1.254 nghìn lượt người, gấp 5,2 lần; Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 31,1%. Một số ngành dịch vụ tăng trưởng cao so với năm trước: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 41,10%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 34,84%; vận tải kho bãi tăng 16,39%; kinh doanh bất động sản tăng 10,93%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,40%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 8,90%; bán buôn, bán lẻ tăng 8,81%; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,48%; giáo dục và đào tạo tăng 6,35%; thông tin và truyền thông tăng 6,23%; dịch vụ khác tăng 18,52%. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng nhanh chóng vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao trong nhiều năm gần đây với mức tăng 8,8% so với năm 2021, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,0%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,0%. Một số ngành chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ: Sản xuất đồ uống tăng 18,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 19,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,8%; sản xuất trang phục tăng 10,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 9,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 9,3%. Hoạt động xây dựng trong năm 2022, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tại các doanh nghiệp và hộ dân cư trên địa bàn, việc cải tạo, xây mới nhà xưởng, công trình để ở cũng được khẩn trương thực hiện trong những tháng cuối năm. Tính chung cả năm 2022, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2021. Trong đó: Vốn Nhà nước 158,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn ngoài nhà nước đạt 274,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6%. Sản xuất nông nghiệp trong năm có nhiều giải pháp hiệu quả, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích trồng cây lâu năm đạt 23,6 nghìn ha, tăng 1,7% so với năm trước, cơ cấu các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản (như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, vải, ổi...), cây cảnh có giá trị cao phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn. Chăn nuôi phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn lợn đến cuối năm có 1,42 triệu con, tăng 3,4% so với năm trước; đàn gia cầm 40,6 triệu con, tăng 1,9%; đàn trâu 28,7 nghìn con, tăng 4,2%; đàn bò 129,6 nghìn con, giảm 0,7%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm đạt 236,9 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm trước; sản lượng thịt gia cầm đạt 160,4 nghìn tấn, giảm 1,5%; sản lượng thịt trâu đạt 2.011 tấn, tăng 7,5%; sản lượng thịt bò đạt 10,6 nghìn tấn, tương đương năm trước. Ngành thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định, tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 123,4 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2021. Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh được cải thiện. Năng suất lao động năm 2022 đạt 291,6 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,45 lần bình quân cả nước. Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tích cực cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp và đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể: Khu vực dịch vụ năm 2022 chiếm 63,26% GRDP; công nghiệp và xây dựng chiếm 24,02%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 2,07%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,65% (Cơ cấu GRDP năm 2021 tương ứng là: 63,06%; 23,78%; 2,25% và 10,91%). 2. Thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022 đạt 1.776 tỷ USD, trong đó đăng ký mới 379 dự án với số vốn 238 triệu USD; 204 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 904 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 409 lượt, đạt 634 triệu USD. Hoạt động của doanh nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển sức sản xuất, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong năm 2022, có 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 328,4 nghìn tỷ đồng. 3. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 106,6% dự toán. Chi ngân sách địa phương năm 2022 đạt 93,9 nghìn tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 12/2022 đạt 4.854 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ tín dụng đạt 2.946 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1%. Trong năm, các ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.​ Tính đến cuối năm 2022, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.197 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 341 doanh nghiệp và Upcom có 856 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 553 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. 4. Một số vấn đề xã hội - Dân số, lao động và giải quyết việc làm Dân số trung bình năm 2022 là 8.435,6 nghìn người, tăng 1,3% so với năm 2021, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 49,1%; khu vực nông thôn chiếm 50,9%. Chia theo giới tính, dân số nam chiếm 49,6%; dân số nữ chiếm 50,4%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 4.012 nghìn người, chiếm 47,6% dân số toàn Thành phố; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 72,2% (thành thị đạt 83,5% và nông thôn đạt 57,2%), cao hơn 1,1 điểm % so với năm 2021. Trong năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 203 nghìn lao động, đạt 126,9% kế hoạch giao trong năm, tăng 13% so với năm 2021, trong đó: 18,3 nghìn người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 5.258 người được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động (Chủ yếu làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); 116,7 nghìn người có việc làm qua hình thức cung ứng dịch vụ việc làm từ các doanh nghiệp và hình thức khác… - Đảm bảo an sinh xã hội Trong năm, Thành phố đã quan tâm đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tập trung rà soát hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của Thành phố. Tính đến cuối năm 2022, Thành phố đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND của Thường trực HĐND Thành phố cho trên 2,9 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Thành phố thực hiện Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 417 nghìn lượt lao động của gần 14 nghìn doanh nghiệp với số tiền 219 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ gần 396 nghìn người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp với số tiền đã chi trả là 198 tỷ đồng, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động là 21 nghìn lượt người với số tiền đã chi trả 21 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã tiếp nhận và phân bổ kịp thời hơn 1,8 nghìn tỷ đồng gồm tiền mặt và trang, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hơn 14 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, trao tặng hơn 10 nghìn thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cũng trong năm 2022, Thành phố đã giải quyết hơn 23,5 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 85,5 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 12 tháng năm 2022 cho trên 82 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.805 tỷ đồng, chi trả trợ cấp một lần là 150 tỷ đồng, chi điều dưỡng người có công 73,2 tỷ đồng. Đến 31/12/2022, trên địa bàn Thành phố có 202,4 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 2,8 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố. - Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội Đến cuối năm 2022, Thành phố có 7,7 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, tăng 3,4% so với cuối năm 2021; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Hơn 2 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 10,5%; 73,2 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 15,6%; 1,9 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 6,6%. - Hoạt động văn hóa, thể thao Các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật phục hồi mạnh mẽ, tại các di tích lịch sử đã thu hút 1,7 triệu lượt khách đến tham quan. Đặc biệt trong năm 2022, Thành phố tổ chức thành công SEA Games 31 tạo ấn tượng đẹp với bạn bè trong nước và quốc tế. Thể thao Hà Nội góp phần quan trọng vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam với vị trí Nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Kết quả thi đấu của thể thao thành tích cao Hà Nội đạt được trong năm 2022 là: 3.071 huy chương, trong đó: 2.692 huy chương tại các giải đấu trong nước (987 huy chương Vàng, 810 huy chương Bạc, 895 huy chương Đồng) và 384 huy chương tại các giải đấu quốc tế (146 huy chương Vàng, 116 huy chương Bạc, 122 huy chương Đồng). - Giáo dục và đào tạo Giáo dục và đào tạo chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Đầu tư xây dựng trường công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đẩy mạnh. Trong 2 năm 2021, 2022 đã công nhận mới thêm được 215 trường, đến nay tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 72,3%. Tính đến cuối năm 2022, toàn Thành phố có 2.800 trường mầm non và phổ thông với 63,8 nghìn lớp; gần 2,2 triệu học sinh đang theo học, 122 nghìn giáo viên. Về giáo dục nghề nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 355 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 307 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2022, đã tuyển sinh và đào tạo cho gần 251,5 nghìn lượt người, đạt 112% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 13,2% so với năm 2021. - Y tế và phòng chống dịch bệnh Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên Thế giới và trong nước với số ca mắc tăng cao. Bằng các giải pháp cụ thể, Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ phù hợp với mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới, đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng dịch trên địa bàn. Nhờ đó, Thành phố kiểm soát tốt dịch Covid-19, tỷ lệ số ca mắc mới, số ca phải nhập viện điều trị và số ca tử vong giảm mạnh so với đầu năm. Song song với nhiệm vụ khống chế, kiểm soát dịch Covid-19, giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân được quan tâm; áp dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám bệnh và kết nối thanh toán BHYT; triển khai đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh qua điện thoại tại một số bệnh viện; hoàn thiện bệnh án điện tử tại các đơn vị khám chữa bệnh. Hệ thống bệnh viện cơ bản duy trì tốt, công tác khám chữa bệnh thường xuyên, số lượng bác sỹ đạt 13,7 bác sỹ/vạn dân; số giường bệnh bình quân 1 vạn dân đạt 27,5 giường. Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; cơ sở y tế tư nhân phát triển đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Khái quát lại, năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến kinh tế - xã hội cả nước và thành phố Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội Thành phố đã phục hồi tăng trưởng tích cực và đạt được kết quả quan trọng ở nhiều ngành, lĩnh vực: GRDP ước tính tăng 8,96% (vượt kế hoạch 7,0 - 7,5%); thu ngân sách Nhà nước tăng 6,6% so với dự toán. Khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa đảm bảo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao; chỉ số giá tiêu (CPI) được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; thị trường lao động việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo và cải thiện. Đây chính là nền tảng, động lực quan trọng để Thành phố đánh giá giữa nhiệm kỳ và tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

NIÊN GIÁM THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021
  •   14/03/2024 05:48

Năm 2021 thành phố Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời là năm đầu tiên triển khai thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; nợ công tăng cao; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại và công nghệ giữa các nước lớn cũng tạo thêm khó khăn, thách thức đối với hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư thế giới. Ở trong nước, những tháng đầu năm 2021 tăng trưởng kinh tế có tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ cuối tháng Tư với biến chủng Delta lây lan nhanh, phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt sản xuất và đời sống. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho Thủ đô và sức khỏe của Nhân dân, thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp Ủy Đảng, chính quyền; sự chủ động, kịp thời, hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế; sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô được kiểm soát, kinh tế - xã hội đạt những kết quả nhất định. 1. Phát triển kinh tế Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2021 tăng 2,92% so với năm 2020, trong đó: Tăng trưởng các quý năm 2021 lần lượt là: 6,43%; 5,63%; -6,89%; 6,69%. Chia theo khu vực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,85%; khu vực dịch vụ tăng 2,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,19%.  Tăng trưởng GRDP năm nay đạt mức thấp do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là trong quý III Thành phố thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng chống dịch, hầu hết các ngành, lĩnh vực bị suy giảm mạnh. GRDP bình quân đầu người năm 2021 theo giá hiện hành đạt 128,1 triệu đồng (tương đương 5.533 USD), tăng 3,6% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp và xây dựng. Cơ cấu GRDP năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,27% tổng sản phẩm trên địa bàn, công nghiệp và xây dựng chiếm 24,31%, dịch vụ chiếm 62,46%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,96%. Trong năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp có nhiều giải pháp hiệu quả, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năng suất lúa cả năm khá cao, đạt 60,7 tạ/ha, tăng 3,2% so với năm 2020; sản lượng lúa đạt 983,8 nghìn tấn, tăng 1,1%. Diện tích trồng cây lâu năm đạt 23,2 nghìn ha, tăng 0,2% so với năm trước, cơ cấu các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản (như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, vải, ổi...), cây cảnh có giá trị cao phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn. Chăn nuôi phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn lợn đến cuối năm có 1,37 triệu con, tăng 25,3% so với năm trước; đàn gia cầm 39,9 triệu con, tăng 2,3%; đàn trâu 27,5 nghìn con, tăng 5,2%; đàn bò 130,5 nghìn con, tăng 0,1%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm đạt 228,2 nghìn tấn, tăng 8,2% so với năm trước; sản lượng thịt gia cầm đạt 164,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng thịt trâu đạt 1.871 tấn, tăng 6,2%; sản lượng thịt bò đạt 10,6 nghìn tấn, tăng 0,4%; sản lượng sữa bò 38,7 nghìn tấn, tăng 5,9%. Ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản lượng thủy sản cả năm tăng 3,0% so với năm 2020. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng nhanh chóng vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,2%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,7%; khai khoáng tương đương năm trước. Trong năm 2021, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 20,6%; sản xuất trang phục tăng 14%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,9%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 7,9%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 6,1%; sản xuất kim loại giảm 4,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,1%. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 giảm 5,8% so với năm 2020; chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cuối năm giảm 9%; chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,3% cho thấy công tác giải quyết việc làm trong năm được đảm bảo, cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất. Ngành thương mại dịch vụ phục hồi tích cực đặc biệt là những tháng cuối năm khi Hà Nội cùng cả nước thực hiện mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt 555,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2020 do quý III giảm mạnh 37,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 so với năm 2020 được kiểm soát ở mức tăng 1,77%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 vẫn đạt 50,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 15,5 tỷ USD, tăng 2,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 35 tỷ USD, tăng 20,6%. Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh được cải thiện rõ rệt. Năng suất lao động năm 2021 đạt 264,8 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,55 lần bình quân cả nước (171,3 triệu đồng/người). Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tích cực cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp và đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... 2. Đầu tư và doanh nghiệp Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 411,3 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Trong đó: Vốn Nhà nước 138,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7%; vốn ngoài nhà nước đạt 245,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 28 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD, đứng thứ 5 trong cả nước; trong đó đăng ký mới 380 dự án với số vốn 1.017 triệu USD. Năm 2021 các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 6,8% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Hoạt động của doanh nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng doanh nghiệp (sau TP. Hồ Chí Minh). Trong năm 2021, có 24,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 345,7 nghìn tỷ đồng. Kinh tế hộ tiếp tục phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, tác động tích cực đến kết quả chung của nền kinh tế.Để đ 3. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt dự toán đảm bảo cân đối thu, chi góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, năm 2021 thực hiện thu 267,7 nghìn tỷ đồng, đạt 113,7% dự toán Trung ương giao và đạt 106,5% dự toán HĐND Thành phố giao. Điều hành chi chủ động, tiết kiệm, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, chi ngân sách địa phương năm 2021 thực hiện 91,5 nghìn tỷ đồng, đạt 94,2% dự toán Trung ương giao, đạt 84,3% dự toán HĐND Thành phố giao đầu năm. Hoạt động của các tổ chức tín dụng đạt kết quả tích cực, vốn huy động liên tục tăng; lưu thông tiền tệ và các dòng vốn bảo đảm đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh số cho vay tín dụng của ngân hàng năm 2021 đạt 5.383 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ tín dụng đạt 2.482 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6%; 100% ngân hàng đã triển khai dịch vụ internet banking, mobile banking và các loại ví điện tử. Đến cuối năm 2021, Thành phố có 7,5 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, tăng 3,1% so với cuối năm 2020; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số. Có 1,81 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 2,9%; 57 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 17,9%; 1,8 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,8%. 4. Một số vấn đề xã hội Dân số trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 là 8.330,8 nghìn người, tăng 1% so với năm 2020, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 49,2%; khu vực nông thôn chiếm 50,8%. Chia theo giới tính, dân số nam chiếm 49,6%; dân số nữ chiếm 50,4%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 3940 nghìn người, chiếm 47,3% dân số toàn Thành phố; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 71,1% (thành thị đạt 83,2% và nông thôn đạt 56,9%), cao hơn 0,9 điểm % so với năm 2020. Năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn Thành phố, nhất là người lao động và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những đối tượng yếu thế trong xã hội. Trước tình hình đó, Thành phố đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của Thành phố. Đến nay, Thành phố đã quyết định hỗ trợ bằng tiền mặt và cho vay gần 5,7 triệu lượt đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí 7.244 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước đảm bảo chi theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố Hà Nội là 2.709 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 4.095 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 440 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa được duy trì, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện diễn biến dịch Covid-19. Cùng với đó, Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các ngành, lĩnh vực, các sự kiện lớn về chính trị, xã hội. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, cổ động trực quan và các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày Lễ lớn của đất nước và Thủ đô, đặc biệt là các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Hoạt động thể thao được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, giành nhiều huy chương quốc tế cho thể thao Việt Nam. Thể thao quần chúng được quan tâm, nhất là việc xây dựng, lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao công cộng ngoài trời. Phong trào luyện tập và tham gia hoạt động thể dục, thể thao phát triển mạnh, trở thành nhu cầu tự giác trong nhân dân. Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy học trực tuyến, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Chất lượng giáo dục tiếp tục giữ vững với 139 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trong năm học 2020-2021; duy trì thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 toàn Thành phố đạt 98,9% (tăng 2 bậc so với năm 2020). Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia năm 2021 là 79% (năm 2020 là 76,9%). Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 71,1% (tăng 0,9 điểm % so với năm 2020), trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50,3% (tăng 1,8 điểm %). Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên Thế giới và trong nước với số ca mắc và tử vong tăng cao. Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo các cấp độ phù hợp với mỗi địa phương vào từng thời điểm khác nhau. Song song với nhiệm vụ khống chế, kiểm soát dịch Covid-19, giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân được quan tâm; áp dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám bệnh và kết nối thanh toán BHYT; triển khai đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh qua điện thoại tại một số bệnh viện; hoàn thiện bệnh án điện tử tại các đơn vị khám, chữa bệnh. Hệ thống bệnh viện cơ bản duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh thường xuyên, số lượng bác sỹ đạt 13,7 bác sỹ/vạn dân (năm 2020 là 13,5); số giường bệnh bình quân 1 vạn dân đạt 27,5 giường (năm 2020 là 27,1). Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; cơ sở y tế tư nhân phát triển đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Khái quát lại, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với biến chủng mới nguy hiểm, lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt sản xuất và đời sống, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp Ủy Đảng, chính quyền; sự chủ động, kịp thời, hiệu quả của Thành phố trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đẩy mạnh phục hồi kinh tế; sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, kinh tế - xã hội đạt những kết quả nhất định. GRDP năm 2021 tăng 2,92% với xu hướng phục hồi tích cực trong quý IV; thu ngân sách hoàn thành vượt dự toán Trung ương giao; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá; công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đây chính là nền tảng, động lực quan trọng để Thành phố bước vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

NIÊN GIÁM THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2020
  •   07/05/2024 06:26

Thành phố Hà Nội thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh có nhiều cơ hội, thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kể cả tình huống mới chưa có tiền lệ. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp. Chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh thương mại, đầu tư gia tăng. Thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề trên cấp độ toàn cầu, tác động sâu, rộng đến sản xuất và các mặt của đời sống xã hội. Thành phố quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cùng với thực hiện linh hoạt, sáng tạo các Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy và Đảng bộ Thành phố; Chương trình công tác toàn khóa; Nghị quyết của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách hàng năm. Với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội Thủ đô đã vượt qua khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và đạt được những kết quả nổi bật. 1. Tăng trưởng kinh tế Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn 2016-2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,38% (trong khung kế hoạch từ 7,3-7,8%). Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn trung bình giai đoạn 2016-2019, trong đó GRDP tăng 4,18%. Bình quân 5 năm 2016-2020, GRDP tăng 6,73%, tuy không đạt kế hoạch nhưng cao hơn mức tăng của cả nước (5,99%). Quy mô GRDP năm 2020 theo giá hiện hành đạt 1,02 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 43,9 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.329 USD, gấp 1,28 lần so với năm 2015 và gấp 1,92 lần mức bình quân của cả nước[1]. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,77% năm 2015 lên 86,74% năm 2020; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 2,54% giảm còn 2,24%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm từ 11,69% còn 11,02%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 2,87%. Năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giá trị gia tăng ngành này giảm 0,09%, bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 2,12%. Năm 2020, Thành phố chỉ đạo quyết liệt hoạt động tái đàn lợn và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, giá trị gia tăng ước tăng 4,54% và bình quân cả giai đoạn 2016-2020 tăng 2,60%. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực[2] theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, chăn nuôi quy mô lớn. Đồng thời chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây hàng năm 4.828,4 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm 2.775,3 ha; chuyển sang nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa 1.775,2 ha. Duy trì trên 200 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích khoảng 40 nghìn ha; hình thành 47 vùng trồng hoa tập trung với quy mô từ 10-20 ha/vùng. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ. Hình thành 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, trên 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đã có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Khu vực công nghiệp và xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 9,15%. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,48%; bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 8,61%. Trong đó: Ngành công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 7,99%. Năm 2020 tăng 5,19%; bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 7,43%/năm. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Có 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; 12 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Một số lĩnh vực công nghệ cao có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) với 16 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; có 02 trên tổng số 05 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước, trong đó nhiều sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp (CCN) tiếp tục được phát triển, hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, diện tích 1.304 ha; 06 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy 100%. Đã quy hoạch 159 CCN với tổng diện tích 3.039 ha, trong đó 70 CCN đang hoạt động ổn định với diện tích 1.583 ha, năm 2020 thành lập mới 43 CCN với diện tích 753,3 ha. Tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích phát triển; đã có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Lưới điện của Thành phố đảm bảo nhu cầu điện cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn với chất lượng điện và độ tin cậy được cải thiện đáng kể. Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 đạt 21,8 tỷ kWh, gấp 1,7 lần năm 2015 (tăng bình quân 11,1%/năm). Doanh nghiệp, người dân dẫn đầu cả nước trong phong trào thực hiện tiết kiệm điện; Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm, năm 2020 còn 3,72%. Ngành xây dựng tăng trưởng vượt trội với tốc độ trung bình 10,72%/năm (giai đoạn 2016-2019 tăng 11,25%; năm 2020 tăng 8,66%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,49%), tỷ trọng trong GRDP tăng từ 6,42% năm 2015 lên 7,86% năm 2020, góp phần quan trọng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô. Khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 7,31%. Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các ngành dịch vụ tăng 3,83%; bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,6%. Hạ tầng thương mại nội địa được chú trọng phát triển[3]. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 đạt 584,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,55 lần năm 2015, tăng trung bình 9,15%/năm (giai đoạn 2016-2019 tăng 10,83%/năm); các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh, chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm được kiểm soát[4], góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng cao hơn giai đoạn trước. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 44,2 tỷ USD, gấp 1,22 lần so với năm 2015, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD, trung bình giai đoạn 2016-2020 tăng 7,67%/năm (giai đoạn 2016-2019 tăng 10,6%/năm); Kim ngạch nhập khẩu đạt 29 tỷ USD, trung bình giai đoạn 2016-2020 tăng 2,45%/năm (giai đoạn 2016-2019 tăng 5,3%/năm). Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019, Hà Nội đón 12,3 triệu lượt khách nội địa, 4,8 triệu lượt khách quốc tế[5]; Hà Nội xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc, một trung tâm lớn của cả nước và lọt top 10 điểm đến hàng đầu thế giới. Bình quân giai đoạn 2016-2019, khách nội địa tăng 7,5%/năm, khách quốc tế tăng 21,2%/năm và doanh thu du lịch[6] tăng 7,5%/năm. Năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khách nội địa đạt 1,9 triệu lượt, khách quốc tế đạt 0,9 triệu lượt, giảm tương ứng là 84,5% và 81,8% so với năm 2019. Hoạt động của các tổ chức tín dụng đạt kết quả tích cực, vốn huy động liên tục tăng; lưu thông tiền tệ và các dòng vốn bảo đảm đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động bình quân đạt 15,3%/năm[7], tốc độ tăng dư nợ tín dụng đạt 12,23%/năm. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đến hết năm 2020 dư nợ cho vay đạt 549,5 nghìn tỷ đồng. 100% ngân hàng đã triển khai dịch vụ internet banking, mobibanking; các loại ví điện tử, tiện ích thẻ được mở rộng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. 2. Chất lượng tăng trưởng kinh tế Năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh được cải thiện rõ rệt. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 46% tăng trưởng GRDP. Năng suất lao động năm 2020 đạt 252,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,29 lần bình quân cả nước (110,4 triệu đồng/người); tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2016-2019 đạt 6,16% (cả nước tăng 6,0%). Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, GRDP năm 2020 tăng thấp nên năng suất lao động tăng 4,33% (cả nước là 5,39%); trung bình 5 năm 2016-2020 tăng 5,79% (cả nước tăng 5,89%). Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 tăng 15 bậc so với năm 2015, lên vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Hiệu quả đầu tư từng bước được cải thiện, hệ số ICOR giảm từ 5,0 năm 2015 xuống còn 4,2 năm 2020; bình quân giai đoạn 2016-2020 là 4,95. Kinh tế tri thức, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chú trọng phát triển. Các yếu tố của kinh tế thị trường, các loại thị trường dần phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, lao động, khoa học, công nghệ… Quản lý tài sản công chặt chẽ, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Thành phố được sắp xếp, đổi mới; hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên, giai đoạn 2016-2020 nộp ngân sách gấp 1,16 lần giai đoạn trước; góp phần giải quyết nhiều việc làm, thu nhập của người lao động năm 2020 tăng 1,2 lần so với năm 2015. Khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đóng góp 19,2% tổng thu nội địa trên địa bàn Thành phố. Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn; hỗ trợ tích cực doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có bước phát triển, đóng góp trên 50% GRDP, tăng hơn 1,2 điểm % so với năm 2015, giải quyết khoảng 83% lao động xã hội. 3. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 1,7 triệu tỷ đồng, gấp 1,63 lần giai đoạn trước, bằng 38,89% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách với trên 2,8 nghìn dự án, vốn đăng ký trên 1,6 triệu tỷ đồng. Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét; khu vực nhà nước giảm từ 43,4% năm 2015 xuống còn 34,3% năm 2020; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 45,9% lên 54,8%; khu vực đầu tư nước ngoài tăng từ 10,7% năm 2015 lên 10,9%. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,7 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước; năm 2020 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đầu tư nước ngoài đạt 3,8 tỷ USD; lũy kế giai đoạn 2016-2020 đã thu hút trên 3,1 nghìn dự án FDI mới thành lập với tổng vốn đầu tư đăng ký 26,5 tỷ USD, gấp 4,2 lần giai đoạn 2011-2015, trung bình đạt 5,3 tỷ USD/năm; vốn đầu tư thực hiện trong kỳ đạt 12,4 tỷ USD[8]. Giai đoạn từ 2016 đến nay các doanh nghiệp FDI đã đóng góp thu ngân sách đạt 3,9 tỷ USD (10,4% thu ngân sách); đáp ứng việc làm trên 310,4 nghìn lao động (chiếm 11% số lao động trong các doanh nghiệp); Để đáp ứng đóng góp gần 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Lũy kế vốn các dự án ODA giải ngân được gần 16 nghìn tỷ đồng[9]. Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 24,1% năm 2015 lên 46,6% năm 2020. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán; lũy kế giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015, tăng trung bình 11,8%/năm; đảm bảo cân đối thu, chi góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa và các khoản thu bền vững từ sản xuất, kinh doanh tăng; các khoản thu liên quan đến tài nguyên, đất đai giảm dần[10]. Điều hành chi chủ động, tiết kiệm, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; tỷ lệ nợ công của Thành phố đang ở mức thấp, khoảng 12% GRDP. Doanh nghiệp mới thành lập tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Lũy kế 5 năm có 126,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới[11], gấp 1,57 lần giai đoạn trước; vốn đăng ký bình quân khoảng 12,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 1,85 lần so với giai đoạn 2011-2015. Kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) được củng cố. Năm 2020 có 2.164 HTX và quỹ tín dụng nhân dân, tăng 19,5% so với năm 2015, trong đó 1.802 HTX đang hoạt động và 65,2% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tổ hợp tác, kinh tế hộ tiếp tục phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, tác động tích cực đến kết quả chung của nền kinh tế.các 4. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung đạt 97,7%; quy hoạch phân khu đạt 83,5% (tính chung tỷ lệ đạt 94,8%). Chất lượng quy hoạch được nâng cao, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử. Quản lý quy hoạch được chú trọng, ngày càng chặt chẽ, đạt kết quả tích cực trong thực tiễn. Thành phố tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, hiện triển khai một số tuyến đường sắt đô thị. Năm 2020, diện tích đất dành cho giao thông tăng, đạt 10,1% đất đô thị (năm 2015 là 8,65%); tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 14,9% (năm 2015 là 14,4%) do năm 2020 ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phải dừng hoạt động, giảm tần suất và giãn cách cự ly. Thành phố chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh, đô thị xanh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô, năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%. Tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Tổng diện tích sàn nhà ở đã phát triển mới giai đoạn 2016-2020 là 25,3 triệu m2, trung bình đạt 27,3 m2/người, vượt mục tiêu đề ra. Chỉnh trang, hoàn thiện hệ thống cấp nước, thoát nước, trồng cây xanh đồng bộ với hạ ngầm hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc[12]. Tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung đạt 1,5 triệu m3/ngày đêm (năm 2015 là 0,9 triệu m3/ngày đêm). Cuối năm 2020 có 100% hộ dân ở khu vực đô thị và 78% hộ dân ở khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch (năm 2015 là 37%). Điều kiện sinh hoạt và vệ sinh khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể. Hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây. Đầu tư hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng từ 95-98%. 5. Chương trình Xây dựng nông thôn mới Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 là 80,6 nghìn tỷ đồng[13]. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% xã có kết nối Internet. Đã có 13 huyện và 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 167 xã so với cuối năm 2015), đạt tỷ lệ 96,3%, hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Triển khai và xây dựng được 29 xã nông thôn mới nâng cao. Cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa; chuyển đổi hơn 9 nghìn ha diện tích trồng lúa sang các mô hình sản xuất hiệu quả cao hơn. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây ăn quả; chăn nuôi tập trung; trồng hoa, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu đã hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất an toàn thực phẩm. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo điều kiện phát triển sản xuất. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tốt; đã có 1.054 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu đề ra và chiếm 42% cả nước. Phát triển được 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng (năm 2015 đạt 33 triệu đồng/người). Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 32%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 95%. 6. Một số vấn đề xã hội 6.1. Dân số, lao động và giải quyết việc làm Dân số trung bình toàn Thành phố năm 2020 là 8.246,5 nghìn người, tăng 10,9% so với năm 2015; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 2,1%/năm, trong đó dân số thành thị chiếm 49,3%; dân số nông thôn chiếm 50,7%. Các chỉ tiêu về tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đều giảm qua từng năm. Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,9 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009yêu[14]. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2020 đạt 4.043 nghìn người, chiếm 49% dân số toàn Thành phố, tăng 4,5% so với năm 2015. Trong đó, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 70,2% (thành thị đạt 82,2% và nông thôn đạt 56,2%). Công tác giải quyết việc làm được quan tâm chú trọng. Giai đoạn 2016-2020, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 865,4 nghìn lao động, trong đó từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội ước cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội là 5,6 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 181 nghìn lao động; đưa gần 15,5 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; giải quyết việc làm qua hệ thống sàn giao dịch việc làm 108 nghìn lao động; giải quyết việc làm qua các hình thức khác 561 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 4,9% năm 2015 còn 3,5% năm 2020. 6.2. Bảo đảm an sinh xã hội An sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống Nhân dân Thủ đô được nâng cao. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ, kịp thời; ngoài ra Thành phố ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng của Hà Nội về phúc lợi xã hội[15]. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 90,1% dân số. Lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội đạt 37,6%, tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 36%[16]. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo[17]. Giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Thành phố đã giải ngân 17,4 nghìn tỷ đồng cho trên 523 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm. Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Chất lượng cuộc sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao; đảm bảo đầy đủ nhu cầu thiết yếu về các dịch vụ công cơ bản (điện, nước sạch, vệ sinh môi trường); cảnh quan đô thị, diện tích cây xanh, công viên được cải thiện. Hoàn thành hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo quy định của Quốc hội, Chính phủ và chính sách đặc thù theo Nghị quyết của HĐND Thành phố. 6.3. Văn hóa, thể thao Hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao được đẩy mạnh, đóng góp nổi bật vào phong trào chung của cả nước. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, tăng 60 nhà văn hoá cấp xã và 508 nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng so với năm 2016. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp khởi sắc, nhiều sản phẩm có chất lượng cao đứng đầu tại các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc. Phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển. Giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế được mở rộng; nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, uy tín, chất lượng cao được tổ chức tại Thủ đô. Các loại hình báo chí phát triển mạnh mẽ, nội dung và hình thức ngày càng phong phú, phản ánh được dòng chảy của xã hội, bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Tổ chức phố sách Hà Nội, phát triển văn hóa đọc; khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng,…), trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô. Từ năm 2019 Hà Nội chính thức là thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng Thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Hoạt động thể thao được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, giành nhiều huy chương quốc tế nhất cho thể thao Việt Nam. Thể thao quần chúng được quan tâm, nhất là việc xây dựng, lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao công cộng ngoài trời. Phong trào luyện tập và tham gia hoạt động thể dục, thể thao phát triển mạnh, trở thành nhu cầu tự giác trong Nhân dân. 6.4. Giáo dục và đào tạo Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia năm 2020 là 76,9% (tỷ lệ chung là 62,5%), hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra. Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,2% năm 2015 lên 70,2% năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 40,1%  lên 48,5%; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Nhiều doanh nghiệp tham gia, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực. Hà Nội dẫn đầu trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế. 6.5. Hoạt động y tế Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được cải thiện; an toàn thực phẩm được tăng cường; dịch bệnh trên người được kiểm soát. Giai đoạn 2016-2020, Thành phố đặc biệt quan tâm tới công tác khám, chữa bệnh toàn diện trên địa bàn. Thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Tăng cường công tác cải tiến chất lượng bệnh viện, quản lý bệnh viện và thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến khoa khám bệnh; triển khai bệnh viện vệ sinh, bệnh viện Xanh-Sạch-Đẹp; tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện. Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chuẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và khu vực. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Hệ thống bệnh viện cơ bản duy trì tốt công tác khám chữa bệnh thường xuyên với tổng số 12,7 nghìn giường kế hoạch (thực kê đạt 15,5 nghìn giường) và số lượng bác sỹ đạt 13,5 bác sỹ/vạn dân. Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; Thành phố đã triển khai 456 Trạm Y tế điểm, đạt 95,2%. Đặc biệt, năm 2020 trước sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ngay từ khi có dịch Covid-19; yêu cầu các cấp, các ngành coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần đặc biệt cảnh giác, có biện pháp xử lý nhanh chóng hiệu quả. Nhiều giải pháp tổng hợp để phòng, chống dịch được thực hiện nhằm đảm bảo tốt “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. 6.6. Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thành phố đã tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của các cơ quan Trung ương và quốc tế, các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa diễn ra trên địa bàn, nổi bật như: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng Thành phố lần thứ XVII... Trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị được duy trì, tai nạn giao thông giảm qua các năm; hạn chế xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy được tăng cường, góp phần kiềm chế số vụ cháy, nổ và thiệt hại về người, tài sản. Khái quát lại, sau 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả toàn diện và nổi bật, nhiều chỉ tiêu, kết quả dẫn đầu cả nước. Thực hiện tốt công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả. Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người gấp 1,28 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thu hút vốn đầu tư nước gấp 4,2 lần giai đoạn trước. Kinh tế tri thức, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chú trọng phát triển. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng; phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế./. [1] GDP/người năm 2020 cả nước là 2.779 USD.[2] Tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp 38,76%; chăn nuôi, thủy sản 58,11%; dịch vụ nông nghiệp 3,13%.[3] Đến 31/12/2020, Hà Nội có 28 trung tâm thương mại; 142 siêu thị; 1840 cửa hàng tiện ích; 455 chợ; 494 cửa hàng xăng dầu; 1708 cửa hàng kinh doanh LPG chai; 415 máy bán hàng tự động; 12,2 nghìn website ứng dụng thương mại điện tử; 02 cảng cạn ICD (tại Mỹ Đình - 5,2 ha và Gia Thụy - 01 ha). [4] CPI các năm như sau: 2016 tăng 3,0%; 2017 tăng 3,01%; 2018 tăng 4,22%; 2019 tăng 3,77%; 2020 tăng 2,67%.[5] Khách du lịch do cơ sở lưu trú phục vụ.[6] Doanh thu du lịch của các cơ sở lữ hành.[7] Đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD đạt 3,75 triệu tỷ đồng, chiếm 28% của cả nước, tăng 12,91% so với thời điểm ngày 31/12/2019; tổng dư nợ đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,58%. [8] Đầu tư nước ngoài hiện nay còn hiệu lực: 6.381 dự án; 3.749 lượt góp vốn mua cổ phần; tổng số vốn đầu tư 46,8 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 28,5 tỷ USD.[9] Trong đó, vốn ODA giải ngân 14,8 nghìn tỷ đồng, đạt 70,8% KH (ODA cấp phát 8.763 tỷ đồng, bằng 64,8% KH; ODA vay lại 6.021 tỷ đồng, bằng 81,8% KH); Vốn đối ứng 1.183 tỷ đồng. [10] Từ 62,6% năm 2015 lên 88,8% năm 2020.[11] Tổng số doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động năm 2020 là hơn 193 nghìn đơn vị.[12] Đã hoàn thành 174 tuyến phố (gồm 05 đợt)[13] Đầu tư trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn là 62,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước 56,5 nghìn tỷ đồng, ngoài ngân sách là 6 nghìn tỷ đồng[14] Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019.[15] Chi hỗ trợ cho người già trên 80 tuổi; chính sách hỗ trợ toàn bộ cho người khuyết tật; hỗ trợ toàn bộ bảo hiểm, tiền điện, truyền hình KTS, sữa học đường cho các hộ nghèo; miễn phí xe buýt cho người trên 60 tuổi; xét nghiệm tầm soát ung thư miễn phí cho người trên 40 tuổi...[16] Tương ứng đạt tỷ lệ 95% số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ, HĐND Thành phố giao.[17] Trong kỳ đã xây dựng 10 nghìn nhà ở cho người có công; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo.

Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội năm 2019
  •   17/05/2024 00:46

Kinh tế - xã hội Thành phố năm 2019 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường: Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, hoạt động thương mại, tài chính toàn cầu suy giảm do căng thẳng thương mại giữa các nước lớn gia tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp. Giá vàng tăng cao, giá dầu thô biến động mạnh; tình hình khu vực Biển Đông diễn biến phức tạp. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả đạt được trong năm 2018, nền kinh tế đối mặt với những khó khăn, thách thức đến mục tiêu tăng trưởng: Tình hình thời tiết, vấn đề ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành chăn nuôi; việc điều chỉnh giá điện và một số dịch vụ gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng; tình hình giải ngân vốn đầu tư công cũng như thực hiện một số dự án lớn còn chậm... Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thành phố đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thành phố về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, đồng thời đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác đối ngoại, xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển du lịch và dịch vụ,... Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực với những kết quả chủ yếu sau: 1. Phát triển kinh tế Kinh tế Hà Nội năm 2019 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh tăng 7,63% so với năm trước, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,37%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,12%; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,67%.Để Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp và xây dựng. Năm 2019 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,0% tổng sản phẩm trên địa bàn, công nghiệp - xây dựng chiếm 22,8%, dịch vụ chiếm 63,8% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,4%. Sản xuất nông nghiệp trong năm gặp khó khăn về bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, mặc dù Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, tuy nhiên do dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn Thành phố[1]. Bên cạnh đó, diện tích trồng lúa năm 2019 giảm so cùng kỳ năm trước (giảm 7.846 ha) chủ yếu do chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng trên đất lúa. Điểm nổi bật ở khu vực này là chăn nuôi trâu, bò và gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn, quy mô đàn có xu hướng tăng nhờ nhu cầu lớn, giá bán ổn định; ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, sản lượng thủy sản tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp được sự quan tâm của các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước với những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nên đạt được kết quả khả quan, nhất là những tháng cuối năm. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2019 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước[2]. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm và chỉ số sản xuất luôn ở mức tăng khá, cùng với chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần cho thấy sức tiêu thụ của thị trường đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Công tác ổn định giá cả thị trường được thực hiện tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 tăng 3,77%, thấp hơn mức tăng 4,22% của năm 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 tăng 11,9% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt 15.695 triệu USD, tăng 12,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 31.636 triệu USD, tăng 2,1%; khách quốc tế do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 4.803 nghìn lượt khách, tăng 4,5%; khách nội địa do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 12.288 nghìn lượt khách, tăng 4,6%; số lượt hành khách vận chuyển đạt 421,8 triệu người, tăng 10,7%; khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 805,2 triệu tấn, tăng 12%;... 2. Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và thành lập mới doanh nghiệp Trong năm 2019, Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đôn đốc sát sao các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng trong tiếp cận đất đai và triển khai dự án. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) liên tục tăng hạng trong các năm gần đây: Năm 2016 Hà Nội xếp ở vị trí 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2017 xếp vị trí 13/63; năm 2018 xếp thứ 9/63; năm 2019 xếp thứ 9/63. Trong năm 2019, Thành phố cấp mới 919 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký 1.606 triệu USD, trong đó: 765 dự án 100% vốn trực tiếp nước ngoài và 151 dự án liên doanh, liên kết. Về thành lập mới doanh nghiệp, Thành phố đã đẩy mạnh mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Năm 2019 đã có 27,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 511 nghìn tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 30% về vốn đăng ký so với năm 2018. 3. Một số vấn đề xã hội Dân số trung bình năm 2019 là 8.093,9 nghìn người, mật độ dân số trung bình là 2.410 người/km2, trong đó mật độ dân số tại các quận khá cao (mật độ dân số trung bình của 12 quận là 11.811 người/km2), cao gấp 4,9 lần so mật độ dân số trung bình toàn Thành phố. Lực lượng lao động năm 2019 đạt 4.122 nghìn người, chiếm 50,9% dân số toàn Thành phố. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 67,5%, trong đó thành thị đạt 79,6% và nông thôn đạt 54,8%. Hoạt động văn hóa, thông tin, biểu diễn nghệ thuật được duy trì tốt, nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật vào các ngày lễ lớn đã tạo không khí phấn khởi, vui tươi, thu hút sự theo dõi của đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô. Năm 2019 các đơn vị nghệ thuật đã tham gia biểu diễn 2,6 nghìn buổi, với 1,2 triệu lượt người xem. Hoạt động thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích nổi bật, năm 2019 giành được 487 huy chương (188 huy chương vàng, 155 huy chương bạc và 144 huy chương đồng) trong các giải thi đấu chính thức trên đấu trường khu vực và quốc tế. Thành phố đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc. Đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9%. Lĩnh vực y tế được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân năm 2019 đạt 26,7 giường, tăng 9% so với năm 2018. Đời sống dân cư từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2019 đạt 6.403 nghìn đồng, tăng 8,5% so với năm 2018. Khái quát lại, Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2019 kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách vượt kế hoạch, thu hút vốn đầu tư tăng cao, giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục ổn định và phát triển. [1] Năm 2019, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 259,1 nghìn tấn, giảm 22,4% so với năm 2018.[2] Sản xuất công nghiệp trong năm 2019 có sự phục hồi mạnh qua từng quý: IIP quý I/2019 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; quý II/2019 tăng 8%; quý III/2019 tăng 8,7% và quý IV/2019 đạt mức tăng cao nhất 10,1%.

Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội năm 2018
  •   28/06/2024 16:28

Năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa 12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội; năm đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố; năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ đầu nhiệm kỳ, ngay từ đầu năm, UBND Thành phố đã chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố, ban hành sớm các kế hoạch, chương trình hành động, củng cố kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị,... Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực với những kết quả chủ yếu sau: 1. Phát triển kinh tế Kinh tế Hà Nội năm 2018 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)Để [1] theo giá so sánh tăng 7,12%, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,34%, dịch vụ tăng 6,89%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,67%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục duy trì theo hướng giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp và xây dựng; năm 2018 cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,9% tổng sản phẩm trên địa bàn, công nghiệp - xây dựng chiếm 22,6%, dịch vụ chiếm 64,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,4%. Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù gặp khó khăn về thời tiết, nhất là bị ảnh hưởng đợt mưa lũ tháng 7/2018, diện tích bị ngập úng hơn 8.400 ha, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời và đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả của Thành phố, cùng với giá nông sản những tháng cuối năm tiếp tục ổn định đã tạo điều kiện kích thích sản xuất, kinh doanh; tình hình sâu bệnh có xảy ra nhưng ở phạm vi nhỏ và mức độ nhẹ; diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 6,5% so với cùng kỳ, nhưng năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng so với cùng kỳ, trong đó: Năng suất lúa tăng 3,1%; đậu tương tăng 4,7%; khoai lang tăng 2,5%,... Các loại cây lâu năm chủ lực cho giá trị cao như nhãn, vải được mùa, sản lượng tăng gấp gần 1,4 lần năm trước. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, sản lượng đàn vật nuôi và sản lượng trứng gia cầm đều tăng so với cùng kỳ, giá sản phẩm đầu ra tăng trong khi chi phí đầu vào cơ bản ổn định đã tạo điều kiện duy trì và mở rộng sản xuất; ước tính cả năm 2018, sản lượng thịt gia súc, gia cầm hơi xuất chuồng tăng 0,5% so với cùng kỳ, sản lượng trứng gia cầm tăng 7,8%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018 được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước với những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nên đã đạt được kết quả khả quan, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2018 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, những tháng cuối năm, chỉ số tiêu thụ sản phẩm và chỉ số sản xuất luôn ở mức tăng khá, bên cạnh đó chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần cho thấy sức tiêu thụ của thị trường đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động thương mại, dịch vụ, công tác ổn định giá cả thị trường thực hiện tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố tiếp tục khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; đã rà soát quy hoạch mạng lưới chợ; đẩy mạnh thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các chợ đầu mối để cung ứng hàng hóa, đáp ứng đa dạng nhu cầu nhân dân góp phần làm tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2018 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 13.909 triệu USD, tăng18,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 30.977 triệu USD, tăng 7,5%; khách quốc tế do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 13.639 nghìn lượt khách, tăng 16,5%; khách nội địa do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 11.780 nghìn lượt khách, tăng 17,5%; số lượt hành khách vận chuyển đạt 903 triệu lượt, tăng 9,7%; khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 602 triệu tấn, tăng 10,6%;... 2. Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và thành lập mới doanh nghiệp Trong năm 2018, các cấp lãnh đạo Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đôn đốc sát sao các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng trong tiếp cận đất đai và triển khai dự án. Đã tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển"; ngay tại Hội nghị, đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án, trong đó: 11 dự án FDI, 60 dự án đầu tư trong nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) liên tục tăng hạng trong các năm gần đây, năm 2016 Hà Nội xếp ở vị trí 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2017 xếp vị trí 13/63; năm 2018 xếp thứ 9/63. Trong năm 2018, Thành phố cấp mới 616 dự án (tăng 60 dự án) với vốn đầu tư đăng ký 5.032 triệu USD, trong đó: Dự án 100% vốn nước ngoài cấp mới 525 dự án, dự án liên doanh 90 dự án. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp được Thành phố quan tâm chỉ đạo toàn diện, Thành phố đã đẩy mạnh mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời đảm bảo thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 03 ngày. Năm 2018 đã có 25.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 280 nghìn tỷ đồng, tăng 5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về vốn đăng ký so với năm 2017. 3. Một số vấn đề xã hội Dân số trung bình năm 2018 là 7.852,6 nghìn người, mật độ dân số trung bình là 2.338 người/km2, dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao (mật độ dân số trung bình của 12 quận là 11.468 người/km2), cao gấp 4,9 lần so mật độ dân số trung bình toàn Thành phố. Lực lượng lao động toàn thành phố luôn chiếm trên 50% dân số, năm 2018 lực lượng lao động chiếm 51,2%, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 63,2%, trong đó thành thị đạt 76,1% và nông thôn đạt 47,2%. Hoạt động văn hóa, thông tin, biểu diễn nghệ thuật được duy trì tốt, nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật vào các ngày lễ lớn đã tạo không khí phấn khởi, vui tươi, thu hút sự theo dõi của quần chúng nhân dân Thủ đô, năm 2018 các đơn vị nghệ thuật đã tham gia biểu diễn 2.280 buổi, với trên 1 triệu lượt người xem. Hoạt động thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích nổi bật, năm 2018 giành được 363 huy chương (129 huy chương vàng, 113 huy chương bạc và 121 huy chương đồng) trong các giải thi đấu chính thức trên đấu trường khu vực và quốc tế. Thành phố đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9%, giảm 0,4 điểm phần trăm so năm 2017; y tế được đầu tư cơ sở vật chất, số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân năm 2018 đạt 24,5 giường, tăng 5,2% so với năm 2017; đời sống dân cư từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2018 đạt 6.054 nghìn đồng.Khái quát lại, Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2018 kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách vượt kế hoạch, thu hút vốn đầu tư tăng cao, giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục ổn định và phát triển. [1] Số liệu do Tổng cục Thống kê tính toán

Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội năm 2017
  •   28/06/2024 16:31

Năm 2017, năm thứ Hai triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, kế hoạch 5 năm 2016-2020, Thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với khối lượng công việc rất lớn, nhiều khó khăn, thách thức. Trong năm hiện tượng nắng nóng xuất hiện, sau đó mưa nhiều gây úng ngập diện rộng; tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp phần nào bị ảnh hưởng; bệnh dịch sốt xuất huyết lan rộng... Với bộ máy được kiện toàn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 được triển khai thực hiện với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt. 1. Dân số lao động Dân số đến 31/12/2017 là 7.739,4 nghìn người, mật độ dân số trung bình là 2.304 người/km2, dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao (mật độ dân số trung bình của 12 quận là 11.242 người/km2), cao gấp 4,9 lần so mật độ dân số trung bình toàn Thành phố. Lực lượng lao động toàn thành phố luôn chiếm trên 50% dân số, năm 2017 lực lượng lao động chiếm 51,2%, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 60,66%, trong đó thành thị đạt 75,6% và nông thôn đạt 44,3%. 2. Phát triển kinh tế Kinh tế Hà Nội năm 2017 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - theo giá so sánh) tăng 8,5%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) tăng 10,5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 9,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 9,6%; khách du lịch đến Hà Nội tăng 10%... Sản xuất nông nghiệp năm 2017 gặp nhiều khó khăn, thời tiết có biến đổi bất thường, các tháng đầu năm có nhiều đợt rét đậm, rét hại, các tháng giữa năm lại có các trận mưa lớn, xảy ra ngập úng vào thời điểm đầu vụ và cuối vụ nên đã tác động đến kế hoạch gieo trồng và sự sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất của các loại cây trồng. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm; tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm thông thường thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao, giá thức ăn chăn nuôi ổn định. Tuy nhiên, do chăn nuôi phát triển tự do chưa có định hướng, nên thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt hơi rất bấp bênh. Đầu năm, giá thịt lợn hơi giảm mạnh, có nhiều hộ, trang trại chăn nuôi đã phải bán thịt lợn hơi với giá dưới mức giá thành sản xuất nên dẫn đến thua lỗ, phá sản. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các ngành, các cấp nên giá thịt lợn hơi đã dần ổn định, người chăn nuôi đã có công và có lãi nên người dân vẫn mạnh dạn đầu tư tiếp tục chăn nuôi lợn. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước với những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nên đã đạt được kết quả khả quan. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2017 tăng 7,1% so cùng kỳ, những tháng cuối năm, chỉ số tiêu thụ sản phẩm và chỉ số sản xuất luôn ở mức tăng khá, bên cạnh đó chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần cho thấy sức tiêu thụ của thị trường đã có chuyển biến tích cực. Công tác ổn định giá cả thị trường thực hiện tốt, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chuyên đề và tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát về chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong nước và tổ chức các hội chợ tiêu dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cũng nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, bao bì đẹp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã có những khởi sắc, các trung tâm thương mại, siêu thị tăng đáp ứng nhu cầu tại chỗ và góp phần để tổng mức bán lẻ năm 2017 đạt 275.867 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ. 3. Về thu hút đầu tư Trong năm 2017, Thành phố đã tập trung cải cách hành chính công, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư về du lịch, một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của Việt Nam (Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định đến năm 2020 du lịch cơ bản là ngành kinh tế mũi nhọn). Ngoài ra, Thành phố còn kêu gọi, khuyến khích đầu tư vào các dự án, các sản phẩm du lịch tiêu biểu như công viên văn hóa, khu du lịch sinh thái... Do đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong năm 2017 tiếp tục tăng cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) liên tục tăng hạng trong các năm gần đây, năm 2016 Hà Nội đạt 60,74 điểm (tăng 1,74 điểm), xếp ở vị trí 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2017 xếp vị trí 13/64 tỉnh, thành phố; trong năm đã thu hút được 556 dự án mới có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, tăng 97 dự án so cùng kỳ, trong đó dự án 100% vốn nước ngoài cấp mới 482 dự án, dự án liên doanh 74 dự án, tăng 3,4%. 4. Một số vấn đề văn hóa - xã hội Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa được duy trì tốt, nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật vào các ngày lễ lớn đã tạo không khí phấn khởi, vui tươi, thu hút sự theo dõi của quần chúng nhân dân Thủ đô, năm 2017 các đơn vị nghệ thuật đã tham gia biểu diễn 3.307 buổi, tăng 32,3% so năm 2016. Hoạt động thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích nổi bật, năm 2017 giành được 489 huy chương trong các giải thi đấu chính thức trên đấu trường khu vực và quốc tế, tăng 138 huy chương so với năm 2016. Thành phố đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, chính sách người có công với cách mạng, triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,7%, giảm 0,67% so năm 2016; đời sống dân cư từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2016 đạt 4.834 nghìn đồng. Tóm lại, Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2017 kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách vượt kế hoạch, thu hút vốn đầu tư tăng cao, giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục ổn định và phát triển.

Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội năm 2016
  •   28/06/2024 16:33

Để đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, Cục Thống kê Thành phố Hà Nội biên soạn cuốn “Niên giám thống kê TP. Hà Nội 2016”, với nội dung bao gồm số liệu chính thức các năm 2010, 2011, 2014, 2015 và số liệu ước tính năm 2016. Do không tách được số liệu quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm nên số liệu của quận Nam Từ Liêm từ năm 2011 trở về trước là số liệu của huyện Từ Liêm cũ. Số liệu GRDP, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ, vốn đầu tư... có thay đổi so với các Niên giám thống kê trước đây do thay đổi cách tính từ giá sản xuất sang giá cơ bản và phạm vi tính áp dụng triệt để nguyên tắc thường trú để loại trừ việc tính trùng, bỏ sót kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn. Trường hợp số liệu có sự thay đổi so với Niên giám Thống kê trước, đề nghị khi nghiên cứu thống nhất sử dụng số liệu trong Niên giám Thống kê này. * Các ký hiệu nghiệp vụ cần lưu ý:  - Không có hiện tượng phát sinh.  ... Có phát sinh nhưng không thu thập được. Cục Thống kê TP. Hà Nội chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp và sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị về nội dung cũng như hình thức đối với ấn phẩm này. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý để Niên giám Thống kê ngày càng hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.

Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội năm 2015
  •   28/06/2024 16:36

Để đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, Cục Thống kê Thành phố Hà Nội biên soạn và phát hành cuốn Niên giám thống kê 2015. Niên giám Thống kê Thành phố Hà Nội năm 2015 bao gồm số liệu chính thức các năm 2010, 2011, 2013, 2014 và số liệu ước tính năm 2015. Do không tách được số liệu quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm nên số liệu của quận Nam Từ Liêm từ năm 2013 trở về trước là số liệu của huyện Từ Liêm cũ. * Các ký hiệu nghiệp vụ cần lưu ý:  -  Không có hiện tượng phát sinh.  ... Có phát sinh nhưng không thu thập được. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy có sai sót đề nghị bạn đọc góp ý để Cục Thống kê Thành phố Hà Nội nghiên cứu bổ sung, sửa chữa cho kỳ xuất bản sau.