024 3 8254 239 | hanoi@gso.gov.vn
Sách trắng doanh nghiệp Hà Nội năm 2022
  •   04/07/2023 16:06 PM

Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Trong những năm qua, HàNội đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Kinh tế tư nhân ở nước ta nói chung và kinh tế Thủ đô nói riêng đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay ở nước ta, tỷ trọng GDP của khu vực kinh tế tư nhân luôn duy trì ổn định trong khoảng 40%, bước đầu đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế, trình độ của đội ngũ doanh nhân được nâng cao và ngày càng lớn mạnh. Sự phát triển của kinh tế tư nhân góp phần xóa đói, giảm nghèo ở mức độ rộng khắp, là yếu tố chủ chốt và bền vững tạo ra việc làm và thu nhập cho lao động khu vực ngoài nhà nước. Khu vực này còn được cho là động lực thúc đẩy cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh b.nh đẳng, bởi đây là khu vực nhạy bén, năng động, dễ thích nghi với thị trường, sẵn sàng đổi mới để phát triển. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào năm 2020 đã tác động tiêu cực đến khu vực doanh nghiệp tư nhân, khiến các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng; doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và nguồn vốn. Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với biến chủng Delta nguy hiểm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch, vận tải, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí. Trong bối cảnh đó, ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành một số chính sách đặc thù và dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ứng phó với dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong giai đoạn này được UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh là: Giữ vững thành quả chống dịch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài giãn cách nghiêm ngặt. Đây là nguyện vọng và quyền lợi chung của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể cho từng địa bàn, nhóm ngành cần được thường xuyên cập nhật, hiệu chỉnh quán triệt và bám sát các văn bản, chủ trương chỉ đạo chung của Trung ương, cũng như phù hợp phân cấp quản lý Nhà nước hiện hành và đặc thù thực tiễn địa phương… Với mong muốn phản ánh một bức tranh toàn cảnh về thực trạng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nhằm cung cấp thông tin, phục vụ nghiên cứu, xây dựng định hướng, chiến lược và các chính sách phát triển doanh nghiệp, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, Cục Thuế Thành phố phối hợp nghiên cứu, phân tích số liệu, biên soạn và phát hành “Sách Trắng doanh nghiệp Hà Nội năm 2022”. Nội dung “Sách Trắng” bao gồm: Phần I: Bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 2019-2022. Phần II: Tổng quan về doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021. Phần III: Đề xuất một số giải pháp phát triển doanh nghiệp và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Phần IV: Bộ chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021. Đây là năm thứ hai thành phố Hà Nội biên soạn ấn phẩm “Sách Trắng doanh nghiệp”, vì vậy ấn phẩm khó tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình biên soạn trong việc tập hợp số liệu cũng như trong những đánh giá, phân tích về doanh nghiệp Hà Nội, rất mong quý độc giả thông cảm. Trân trọng cảm ơn ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân về nội dung, thông tin và hình thức của ấn phẩm để các năm tiếp theo ấn phẩm có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của độc giả và các đối tượng sử dụng thông tin. UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Tổng điều tra kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 - Một số kết quả chủ yếu
  •   19/09/2018 16:58 PM

Tổng điều tra kinh tế năm 2017 được thực hiện theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong 3 cuộc Tổng điều tra quy định trong Luật Thống kê và được tổ chức lần thứ năm trên phạm vi cả nước (các cuộc Tổng điều tra trước tiến hành vào năm 1995, 2002, 2007 và 2012). Tổng điều tra kinh tế nhằm thu thập thông tin cơ bản về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Tổng điều tra được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện thu thập thông tin khối doanh nghiệp và đơn vị hành chính, sự nghiệp. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 01 tháng 3 đến ngày 30 tháng 5 năm 2017. Giai đoạn 2, thực hiện thu thập thông tin về cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 01 đến ngày 30 tháng 7 năm 2017. Thời kỳ thu thập số liệu là năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 tùy theo từng chỉ tiêu và đơn vị điều tra, được quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra. Thành phố Hà Nội đã tiến hành triển khai cuộc Tổng điều tra theo đúng phương án do Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương ban hành. Từ kết quả của cuộc Tổng điều tra, Cục Thống kê thành phố Hà Nội tiến hành biên soạn ấn phẩm “Tổng điều tra kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 - Một số kết quả chủ yếu”. Cuốn sách sẽ cung cấp những số liệu tổng quát, đồng thời, đưa ra một số đánh giá chủ yếu về thực trạng các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp trên địa bàn Thủ đô nhằm phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) theo nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong quá trình biên soạn, do phạm vi rộng, lượng thông tin lớn, ở nhiều đối tượng khác nhau với nội dung phức tạp nên khó tránh khỏi sai sót, hạn chế. Cục Thống kê thành phố Hà Nội mong nhận được những ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân để rút kinh nghiệm cho công tác biên soạn những ấn phẩm tiếp theo. Nhân dịp này, Cục Thống kê thành phố Hà Nội trân trọng cảm ơn các Sở, ngành, các tổ chức, cá nhân và các đơn vị điều tra đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê thành phố Hà Nội thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017.CỤC THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thành phố Hà Nội
  •   03/08/2017 16:46 PM

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 là một trong những cuộc Tổng điều tra lớn của ngành Thống kê. Cuộc Tổng điều tra thu thập các thông tin cơ bản về nông, lâm nghiệp, thủy sản và nông thôn nhằm đáp ứng ba mục đích chính sau: Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn; Thứ hai, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn; Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác. Đơn vị điều tra của cuộc Tổng điều tra bao gồm: Hộ nông thôn; Hộ có tham gia hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị; Trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản; Ủy ban nhân dân xã; Ban quản lý khu nhà ở cho công nhân ở khu vực nông thôn; Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổ chức cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với VIETGAP và tương đương do các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định; các đơn vị có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản do Bộ Quốc phòng quản lý. Phạm vi cuộc Tổng điều tra được thực hiện trên cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra. Với thành phố Hà Nội, cuộc Tổng điều tra đã được thực hiện thành công tốt đẹp. Để cung cấp kịp thời kết quả Tổng điều tra, Cục Thống kê thành phố Hà Nội biên soạn ấn phẩm “Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thành phố Hà Nội”. Cục Thống kê thành phố Hà Nội rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân để lần biên soạn sau được tốt hơn.CỤC THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI