024 3 8254 239 | hanoi@gso.gov.vn

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỤC THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

QUA CÁC THỜI KỲ

I. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC THỐNG KÊ TP HÀ NỘI (CŨ) (TỪ NĂM 2008 TRỞ VỀ TRƯỚC)

Cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của ngành Thống kê Hà Nội, cơ cấu tổ chức của Cục cũng từng bước thay đổi, kiện toàn cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành.

Năm 1982, ban hành Nội quy về tổ chức và công tác của Chi cục Thống kê TP Hà Nội (theo QĐ số 592/TCCB ngày 19/08/1982 của Chi Cục trưởng Chi cục Thống kê TP Hà Nội). Chi cục Thống kê TP Hà Nội gồm 10 phòng và 16 phòng Thống kê quận, huyện.

* Các phòng:

- Phòng Thống kê Tổng hợp (báo cáo số liệu - Phương pháp chế độ chương trình kế hoạch nghiệp vụ)

- Phòng Thống kê cân đối- tài chính - ngân hàng - vật tư - tài sản

- Phòng Thống kê Công nghiệp

- Phòng Thống kê Nông - Lâm nghiệp

- Phòng Thống kê XDCB - GTVT - Bưu điện.

- Phòng Thống kê Lao động - Dân số - Văn hoá xã hội.

- Phòng TCCB - đào tạo

- Phòng Hành chính quản trị

- Thanh tra chuyên trách

- Xí nghiệp tính toán

* Các đơn vị Thống kê cấp quận, huyện:

- Phòng Thống kê Quận Ba Đình

- Phòng Thống kê Quận Hoàn Kiếm

- Phòng Thống kê Quận Hai Bà Trưng

- Phòng Thống kê Quận Đống Đa

- Tổ Thống kê Huyện Đông Anh

- Tổ Thống kê Huyện Gia Lâm

- Tổ Thống kê Huyện Thanh Trì

- Tổ Thống kê Huyện Từ Liêm

- Tổ Thống kê Huyện Ba Vì

- Tổ Thống kê Huyện Sơn Tây

- Tổ Thống kê Huyện Thạch Thất

- Tổ Thống kê Huyện Phúc Thọ

- Tổ Thống kê Huyện Đan Phượng

- Tổ Thống kê Huyện Hoài Đức

- Tổ Thống kê Huyện Mê Linh

- Tổ Thống kê Huyện Sóc Sơn

Từ năm 1982 đến năm 2001, Cục Thống kê TP Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định về tổ chức, bộ máy, những sửa đổi nội quy, quy chế cho phù hợp với thực tế của từng thời kỳ:

Từ năm 1988 đến năm 1993: Cục Thống kê TP Hà Nội và các phòng Thống kê quận, huyện trực thuộc UBND TP và UBND quận, huyện.

 Từ 1994 đến nay: Cục Thống kê TP Hà Nội và các phòng Thống kê quận, huyện trở về quản lý theo hệ thống ngành dọc.

Năm 2002, để phù hợp với tình hình mới, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội đã ra Quyết định số 189/QĐ-CTK ngày 20/5/2002 ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội”. Bản Quy chế gồm 8 chương, 45 điều, là văn bản khá hoàn thiện về hình mẫu tổ chức và hoạt động của cơ quan Thống kê Thủ đô trong tình hình mới.

Theo quy chế này, bộ máy văn phòng cơ quan Cục gồm 7 phòng: Tổng hợp - thông tin, Công nghiệp, Xây dựng cơ bản - Vận tải - Bưu điện, Thương mại - Giá cả, Nông - Lâm nghiệp và Thuỷ sản, Dân số - Xã hội - Môi trường, Tổ chức - Hành chính và 2 bộ phận: Thanh tra, Máy tính. Mỗi quận, huyện của thành phố có 1 phòng Thống kê.

Để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng được yêu cầu công tác, ngày 03/9/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê;

Ngày 22/3/2004, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 250/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội; Quyết định này quy định tổ chức của cơ quan Cục gồm 7 phòng (giải thể Phòng XDCB - GTVT, thành lập mới Phòng PPCĐ-TT-TĐ):

- Phòng Tổng hợp: bao gồm nghiệp vụ thống kê Tổng hợp và tài khoản quốc gia.

- Phòng Thống kê Nông nghiệp: bao gồm các nghiệp vụ thống kê nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.

- Phòng Thống kê Công nghiệp: bao gồm các nghiệp vụ thống kê công nghiệp và xây dựng.

- Phòng Thống kê Thương mại: bao gồm nghiệp vụ thống kê thương mại, khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ, giao thông, bưu điện và giá cả.

- Phòng Thống kê Dân số - Văn xã: bao gồm các nghiệp vụ thống kê dân số, lao động, mức sống, xã hội và môi trường.

- Phòng Phương pháp chế độ - Thanh tra - Thi đua: bao gồm các nghiệp vụ phương pháp chế độ, công nghệ thông tin, thanh tra và thi đua.

- Phòng Tổ chức - Hành chính: bao gồm các nghiệp vụ về tổ chức cán bộ, đào tạo, hành chính, quản trị và tài vụ cơ quan.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC THỐNG KÊ TỈNH HÀ TÂY (TỪ NĂM 2008 TRỞ VỀ TRƯỚC)

Lịch sử xây dựng và phát triển của ngành thống kê Hà Tây gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của ngành thống kê Việt Nam (Tổng cục Thống kê), đồng thời gắn liền với lịch sử tổ chức hành chính và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tây qua các thời kỳ.

Sau khi hòa bình được lập lại, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây có tổng số 17 huyện, thị xã; 259 xã với tổng số dân là 1137,4 nghìn người và đất canh tác là 408550 mẫu Bắc Bộ (3600 m2).

* Từ năm 1956 đến năm 1964

Năm 1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ số 695/TTg ngày 22 tháng 02 năm 1956 về tổ chức Cục Thống kê Trung ương, các cơ quan Thống kê địa phương và các tổ chức Thống kê của các Bộ. Theo đó, tại tỉnh Sơn Tây ngành thống kê cấp tỉnh là Ban Thống kê thuộc Ủy ban Kế hoạch - Thống kê Sơn Tây; tại tỉnh Hà Đông ngành thống kê cấp tỉnh là Ban Thống kê thuộc Ủy ban Kế hoạch - Thống kê Hà Đông. Tại các huyện có Thanh tra Thống kê huyện.

Năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 142/TTg về việc qui định lại tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan Thống kê các cấp, các ngành. Theo Nghị định của Chính phủ, từ Ban Thống kê thành lập Chi cục Thống kê thuộc Ủy ban Kế hoạch - Thống kê tỉnh. Tại tỉnh Sơn Tây có Chi cục Thống kê Sơn Tây do Ông Lê Văn Hợp giữ chức Chi cục trưởng, Ông Nguyễn Văn Minh giữ chức Chi cục phó; tại tỉnh Hà Đông có Chi cục Thống kê Hà Đông do Ông Tô Thảo giữ chức Chi cục trưởng, Ông Trần Sơn giữ chức Chi cục phó.

Năm 1960, thực hiện Nghị quyết số 5/NQ-TVQH ngày 21 tháng 12 năm 1960 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tách Cục Thống kê Trung ương ra khỏi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đặt thành cơ quan trực thuộc Chính phủ, đổi tên là Tổng cục Thống kê. Ở các tỉnh, thành phố, Chi cục Thống kê trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh. Chi cục Thống kê Sơn Tây và Chi cục Thống kê Hà Đông trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây và tỉnh Hà Đông.

Từ khi đất nước được giải phóng, trải qua các giai đoạn cách mạng, cùng với Thống kê cả nước, ngành thống kê tỉnh Hà Đông và tỉnh Sơn Tây trong quá trình xây dựng đã chú trọng phát triển về tổ chức, thường xuyên chăm lo đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ thống kê, bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phục vụ công tác xây dựng kế hoạch hóa của Nhà nước. Ngành Thống kê hai tỉnh đã hoàn thành tốt nghiệm vụ của ngành và địa phương giao, thông tin thống kê được tin cậy, giúp cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong công tác chỉ đạo và quản lý xã hội, phát triển kinh tế của địa phương, góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước.

* Từ năm 1965 đến năm 1975

Ngày 10 tháng 4 năm 1965, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Quyết định số 113/QĐ-TW quyết định hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây. Trung tâm của tỉnh là thị xã Hà Đông. Tỉnh Hà Tây có 14 huyện và 2 thị xã, gồm 311 xã, thị trấn. Dân số khi hợp nhất là 1333,6 nghìn người. Ngành Thống kê hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây được hợp nhất thành Chi cục Thống kê Hà Tây. Lãnh đạo Chi cục gồm có: Ông Tô Thảo giữ chức Chi cục trưởng, Ông Lê Văn Hợp – Chi cục phó, Ông Nguyễn Văn Minh – Chi cục phó, Ông Vũ Văn Trị được đề bạt Chi cục phó từ tháng 9 năm 1967. Cơ cấu tổ chức của Chi cục Thống kê Hà tây: tại văn phòng Cục gồm 5 phòng và Trường nghiệp vụ Thống kê; tại các huyện có 16 Phòng Thống kê cấp huyện trực thuộc Chi cục Thống kê tỉnh. Năm 1968, sáp nhập 3 huyện Bất Bạt, Tùng Thiện, Quảng Oai thành 1 huyện, lấy tên là huyện Ba Vì, vì vậy, còn 14 Phòng Thống kê trực thuộc Chi cục Thống kê. Năm 1970, thành lập thêm Trạm Máy tính trực thuộc Chi cục.

Năm 1973, đổi tên Chi cục Thống kê thành Cục Thống kê Hà Tây.

* Từ năm 1976 đến tháng 8 năm 1991

Năm 1976, tại kỳ họp lần thứ 4 của Quốc hội khóa VI, Nghi quyết hợp nhất hai tỉnh Hà tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Tỉnh Hà Sơn Bình có diện tích 6.726,8 km2, dân số 2.012,5 nghìn người, gồm 24 huyện và 3 thị xã với 519 xã, phường, thị trấn. Công việc sáp nhập 2 Cục Thống kê Hà Tây và Hòa Bình hoàn thành trong tháng 3 năm 1976. Cục Thống kê Hà Sơn Bình bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 4 năm 1976. Lãnh đạo Cục gồm có: Ông Nguyễn Thế Lục giữ chức Cục trưởng, Ông Vũ Văn Trị - Phó cục trưởng thường trực, Ông Hoàng Tiến Thuật – Phó cục trưởng và 249 cán bộ, công nhân viên. Cục gồm có 10 phòng ở Văn phòng Cục, 24 Phòng Thống kê ở 24 huyện, thị xã và Trường nghiệp vụ Thống kê Hòa Bình.

Nghị định 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính phủ về tổ chức hoạt động của Tổng cục Thống kê, theo đó Tổng cục Thống kê quản lý tập trung thống nhất hệ thống Thống kê theo cấp hành chính từ Trung ương đến cấp huyện (theo ngành dọc). Theo đó, hệ thống tổ chức của ngành Thống kê Hà Sơn Bình có nhiều thuận lợi, số cán bộ từ cấp huyện đến tỉnh được ổn định và tăng cường. Tuy nhiên, công tác tổ chức của ngành thời kỳ này cũng có nhiều thay đổi.

Năm 1979 thực hiện chuyển về Hà Nội 6 huyện, thị xã và 14 xã, 3 thôn của 4 huyện. Đến lúc này tỉnh Hà Sơn Bình có diện tích 5.747,6 km2, dân số 1.426,8 nghìn người, gồm 16 huyện và 2 thị xã với 409 xã, phường, thị trấn. Cục Thống kê Hà Sơn Bình đã kiện toàn lại tổ chức gồm 8 phòng ở Văn phòng Cục và 18 Phòng Thống kê cấp huyện.

Hoạt động của ngành Thống kê trong giai đoạn 1976 – 1991 có nhiều thuận lợi. Làm việc trong điều kiện hòa bình, cơ sở vật chất tuy còn đơn sơ nhưng đã tạm ổn định; cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Sau 20 năm xây dựng các phương pháp, chế độ báo cáo thống kê đã cơ bản ổn định. Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và phương pháp chế độ của cấp trên qui định, Cục Thống kê Hà Sơn Bình không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Từ tháng 9 năm 1991 đến tháng 7 năm 2008

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tháng 8 năm 1991 tỉnh Hà Sơn Bình chia tách để tái lập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình trên cơ sở địa giới hành chính của hai tỉnh được sáp nhập năm 1976. Tiếp nhận trở lại 6 huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Lúc này, tỉnh Hà Tây có 12 huyện và 2 thị xã, với tổng số 322 xã, phường, thị trấn. Tổng diện tích 2.196,3 km2.

Ngày 23/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/CP qui định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê. Tổng cục Thống kê trở lại quản lý theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện. Thực hiện Nghị định trên, các Phòng Kế hoạch - Thống kê huyện, thị xã tách làm hai phòng là: Phòng Kế hoạch và Phòng Thống kê. Cục Thống kê Hà Tây tiếp nhận 14 phòng Thống kê huyện, thị xã về Cục quản lý.

Năm 2008, thời điểm trước khi sáp nhập, Cục Thống kê Hà Tây có 116 cán bộ, chia ra: cơ quan Cục 43 cán bộ, các Chi cục Thống kê 73 cán bộ

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC THỐNG KÊ TP HÀ NỘI HIỆN NAY (TỪ NĂM 2008 ĐẾN NAY)

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29 tháng 05 năm 2008 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3, từ ngày 01 tháng 8 năm 2008, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội được hợp nhất, địa giới hành chính Thủ đô mở rộng bao gồm: Thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh Phúc và 04 xã thuộc huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình; Cục Thống kê thành phố Hà Nội được thành lập trực thuộc Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo Quyết định số 982/QĐ-BKH ngày 31 tháng 7 năm 2008 trên cơ sở hợp nhất, sát nhập Cục Thống kê thành phố Hà Nội (cũ), Cục Thống kê tỉnh Hà Tây và Phòng Thống kê huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc kể từ ngày 01/8/2008; ngày 31/7/2008, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 711/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, theo đó bộ máy tổ chức của Cục Thống kê TP Hà Nội gồm:

* Cơ cấu tổ chức của cơ quan Cục gồm 7 đơn vị:

- Phòng Thống kê Tổng hợp.

- Phòng Thống kê Nông nghiệp.

- Phòng Thống kê Công nghiệp.

- Phòng Thống kê Thương mại.

- Phòng Thống kê Dân số-Văn xã.

- Phòng PPCĐ-TT-TĐ.

- Phòng Tổ chức-Hành chính.

* Ở cấp huyện: Mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có 01 Phòng Thống kê (29 đơn vị).

Ngày 24/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; theo đó ngày 29/9/2010 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ban hành Quyết định số 643/QĐ-TCTK về việc thành lập Chi cục Thống kê quận /huyện/ thị xã trực thuộc Cục Thống kê thành phố Hà Nội kể từ ngày 10/10/2010; Ngày 14/01/2011 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 20/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thống kê quận/ huyện/ thị xã/ thành phố thuộc tỉnh.

Ngày 14/01/2011 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 49/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội; Cục được tổ chức thành hệ thống dọc 2 cấp theo đơn vị hành chính đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất gồm:

* Cơ quan Cục: gồm 7 phòng nghiệp vụ

- Phòng Thống kê Tổng hợp.

- Phòng Thống kê Nông nghiệp.

- Phòng Thống kê Công nghiệp - Xây dựng.

- Phòng Thống kê Thương mại.

- Phòng Thống kê Dân số-Văn xã.

- Thanh tra Cục Thống kê.

- Phòng Tổ chức-Hành chính.

* Chi cục Thống kê quận/ huyện/ thị xã: gồm 29 đơn vị

Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2013/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; theo đó ngày 02/4/2014 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 217/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội; tiếp tục thực hiện Quyết định số 20/QĐ-TCTK, ngày 14/01/2011 của Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Chi cục Thống kê cấp huyện thuộc thành phố Hà Nội. Cục Thống kê thành phố Hà Nội được tổ chức thành hệ thống dọc 2 cấp theo đơn vị hành chính đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất gồm:

* Cơ quan Cục gồm 7 phòng nghiệp vụ:

- Phòng Thống kê Tổng hợp.

- Phòng Thống kê Nông nghiệp.

- Phòng Thống kê Công nghiệp - Xây dựng.

- Phòng Thống kê Thương mại.

- Phòng Thống kê Dân số - Văn xã.

- Phòng Thanh tra Thống kê.

- Phòng Tổ chức - Hành chính.

* Chi cục Thống kê quận/ huyện/ thị xã: gồm 30 đơn vị (Thực hiện Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 2 quận mới là quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm và 23 phường chính thức hoạt động từ ngày 01/4/2014, theo đó 2 Chi cục Thống kê Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm được thành lập theo Quyết định của Tổng cục Thống kê).

Ngày 18/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngày 22/4/2020 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 608/QĐ-BKH về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Thống kê, các phòng thuộc Cục Thống kê và Chi cục Thống kê quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 676/QĐ-BKH ngày 20/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngày 20/5/2020 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 1006/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh , thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Quyết đinh 1006/QĐ-TCTK, Cục Thống kê được tổ chức thành hệ thống dọc 2 cấp theo đơn vị hành chính đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất gồm:

* Cơ quan Cục gồm 5 phòng:

- Phòng Thống kê Tổng hợp.

- Phòng Thống kê Kinh tế.

- Phòng Thống kê Xã hội.

- Phòng Thu thập thông tin thống kê.

- Phòng Tổ chức - Hành chính.

* Chi cục Thống kê quận/ huyện/ thị xã: gồm 30 đơn vị.