Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội năm 2017
Năm 2017, năm thứ Hai triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, kế hoạch 5 năm 2016-2020, Thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với khối lượng công việc rất lớn, nhiều khó khăn, thách thức. Trong năm hiện tượng nắng nóng xuất hiện, sau đó mưa nhiều gây úng ngập diện rộng; tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp phần nào bị ảnh hưởng; bệnh dịch sốt xuất huyết lan rộng... Với bộ máy được kiện toàn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 được triển khai thực hiện với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt.
1. Dân số lao động
Dân số đến 31/12/2017 là 7.739,4 nghìn người, mật độ dân số trung bình là 2.304 người/km2, dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao (mật độ dân số trung bình của 12 quận là 11.242 người/km2), cao gấp 4,9 lần so mật độ dân số trung bình toàn Thành phố.
Lực lượng lao động toàn thành phố luôn chiếm trên 50% dân số, năm 2017 lực lượng lao động chiếm 51,2%, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 60,66%, trong đó thành thị đạt 75,6% và nông thôn đạt 44,3%.
2. Phát triển kinh tế
Kinh tế Hà Nội năm 2017 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - theo giá so sánh) tăng 8,5%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) tăng 10,5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 9,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 9,6%; khách du lịch đến Hà Nội tăng 10%...
Sản xuất nông nghiệp năm 2017 gặp nhiều khó khăn, thời tiết có biến đổi bất thường, các tháng đầu năm có nhiều đợt rét đậm, rét hại, các tháng giữa năm lại có các trận mưa lớn, xảy ra ngập úng vào thời điểm đầu vụ và cuối vụ nên đã tác động đến kế hoạch gieo trồng và sự sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất của các loại cây trồng. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm; tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm thông thường thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao, giá thức ăn chăn nuôi ổn định. Tuy nhiên, do chăn nuôi phát triển tự do chưa có định hướng, nên thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt hơi rất bấp bênh. Đầu năm, giá thịt lợn hơi giảm mạnh, có nhiều hộ, trang trại chăn nuôi đã phải bán thịt lợn hơi với giá dưới mức giá thành sản xuất nên dẫn đến thua lỗ, phá sản. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các ngành, các cấp nên giá thịt lợn hơi đã dần ổn định, người chăn nuôi đã có công và có lãi nên người dân vẫn mạnh dạn đầu tư tiếp tục chăn nuôi lợn.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước với những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nên đã đạt được kết quả khả quan. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2017 tăng 7,1% so cùng kỳ, những tháng cuối năm, chỉ số tiêu thụ sản phẩm và chỉ số sản xuất luôn ở mức tăng khá, bên cạnh đó chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần cho thấy sức tiêu thụ của thị trường đã có chuyển biến tích cực.
Công tác ổn định giá cả thị trường thực hiện tốt, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chuyên đề và tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát về chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong nước và tổ chức các hội chợ tiêu dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cũng nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, bao bì đẹp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã có những khởi sắc, các trung tâm thương mại, siêu thị tăng đáp ứng nhu cầu tại chỗ và góp phần để tổng mức bán lẻ năm 2017 đạt 275.867 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ.
3. Về thu hút đầu tư
Trong năm 2017, Thành phố đã tập trung cải cách hành chính công, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư về du lịch, một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của Việt Nam (Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định đến năm 2020 du lịch cơ bản là ngành kinh tế mũi nhọn). Ngoài ra, Thành phố còn kêu gọi, khuyến khích đầu tư vào các dự án, các sản phẩm du lịch tiêu biểu như công viên văn hóa, khu du lịch sinh thái... Do đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong năm 2017 tiếp tục tăng cao.
Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) liên tục tăng hạng trong các năm gần đây, năm 2016 Hà Nội đạt 60,74 điểm (tăng 1,74 điểm), xếp ở vị trí 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2017 xếp vị trí 13/64 tỉnh, thành phố; trong năm đã thu hút được 556 dự án mới có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, tăng 97 dự án so cùng kỳ, trong đó dự án 100% vốn nước ngoài cấp mới 482 dự án, dự án liên doanh 74 dự án, tăng 3,4%.
4. Một số vấn đề văn hóa - xã hội
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa được duy trì tốt, nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật vào các ngày lễ lớn đã tạo không khí phấn khởi, vui tươi, thu hút sự theo dõi của quần chúng nhân dân Thủ đô, năm 2017 các đơn vị nghệ thuật đã tham gia biểu diễn 3.307 buổi, tăng 32,3% so năm 2016. Hoạt động thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích nổi bật, năm 2017 giành được 489 huy chương trong các giải thi đấu chính thức trên đấu trường khu vực và quốc tế, tăng 138 huy chương so với năm 2016.
Thành phố đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, chính sách người có công với cách mạng, triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,7%, giảm 0,67% so năm 2016; đời sống dân cư từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2016 đạt 4.834 nghìn đồng.
Tóm lại, Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2017 kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách vượt kế hoạch, thu hút vốn đầu tư tăng cao, giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục ổn định và phát triển.
Tập tin : NGTK Ha Noi 2017.pdf
Tin khác