024 3 8254 239 | hanoi@gso.gov.vn

NIÊN GIÁM THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022

14/03/2024 05:49

Năm 2022, kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo. Xung đột vũ trang tại Ukraine kéo dài cùng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga làm gián đoạn nguồn cung lương thực, đẩy giá năng lượng, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu tăng cao; áp lực lạm phát, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.

Ở trong nước, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là bối cảnh thế giới, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy nhanh tỉ lệ bao phủ tiêm vắc xin vượt trội, kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả Chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn tạo động lực cho ngành dịch vụ phát triển; ưu tiên khôi phục hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế - xã hội Thành phố phục hồi tích cực và đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện.

1. Phát triển kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2022 sơ bộ tăng 8,96% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% - 7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, trong đó tăng trưởng các quý năm 2022 lần lượt là 5,91%; 8,22%; 15,30%; 6,99%. Chia theo khu vực: Khu vực dịch vụ tăng 10,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,59%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,72%. Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt mức cao thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân Thủ đô trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. GRDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt 141,9 triệu đồng (tương đương 6.098 USD), tăng 10,2% so với năm 2021.

Năm 2022, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá. Các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, văn hóa, thông tin… phục hồi tích cực nhờ Thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 28,6% so với năm trước; Hoạt động xuất, nhập khẩu có nhiều điểm sáng với tổng kim ngạch đạt 58,2 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 41,1 tỷ USD, tăng 17,3%. Khách du lịch đến Hà Nội đạt 2.644 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần năm trước, trong đó khách quốc tế 1.254 nghìn lượt người, gấp 5,2 lần; Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 31,1%. Một số ngành dịch vụ tăng trưởng cao so với năm trước: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 41,10%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 34,84%; vận tải kho bãi tăng 16,39%; kinh doanh bất động sản tăng 10,93%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,40%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 8,90%; bán buôn, bán lẻ tăng 8,81%; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,48%; giáo dục và đào tạo tăng 6,35%; thông tin và truyền thông tăng 6,23%; dịch vụ khác tăng 18,52%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng nhanh chóng vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao trong nhiều năm gần đây với mức tăng 8,8% so với năm 2021, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,0%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,0%. Một số ngành chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ: Sản xuất đồ uống tăng 18,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 19,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,8%; sản xuất trang phục tăng 10,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 9,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 9,3%.

Hoạt động xây dựng trong năm 2022, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tại các doanh nghiệp và hộ dân cư trên địa bàn, việc cải tạo, xây mới nhà xưởng, công trình để ở cũng được khẩn trương thực hiện trong những tháng cuối năm. Tính chung cả năm 2022, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2021. Trong đó: Vốn Nhà nước 158,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn ngoài nhà nước đạt 274,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6%.

Sản xuất nông nghiệp trong năm có nhiều giải pháp hiệu quả, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích trồng cây lâu năm đạt 23,6 nghìn ha, tăng 1,7% so với năm trước, cơ cấu các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản (như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, vải, ổi...), cây cảnh có giá trị cao phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn. Chăn nuôi phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn lợn đến cuối năm có 1,42 triệu con, tăng 3,4% so với năm trước; đàn gia cầm 40,6 triệu con, tăng 1,9%; đàn trâu 28,7 nghìn con, tăng 4,2%; đàn bò 129,6 nghìn con, giảm 0,7%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm đạt 236,9 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm trước; sản lượng thịt gia cầm đạt 160,4 nghìn tấn, giảm 1,5%; sản lượng thịt trâu đạt 2.011 tấn, tăng 7,5%; sản lượng thịt bò đạt 10,6 nghìn tấn, tương đương năm trước. Ngành thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định, tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 123,4 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2021.

Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh được cải thiện. Năng suất lao động năm 2022 đạt 291,6 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,45 lần bình quân cả nước. Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tích cực cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp và đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể: Khu vực dịch vụ năm 2022 chiếm 63,26% GRDP; công nghiệp và xây dựng chiếm 24,02%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 2,07%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,65% (Cơ cấu GRDP năm 2021 tương ứng là: 63,06%; 23,78%; 2,25% và 10,91%).

2. Thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022 đạt 1.776 tỷ USD, trong đó đăng ký mới 379 dự án với số vốn 238 triệu USD; 204 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 904 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 409 lượt, đạt 634 triệu USD.

Hoạt động của doanh nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển sức sản xuất, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong năm 2022, có 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 328,4 nghìn tỷ đồng.

3. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 106,6% dự toán. Chi ngân sách địa phương năm 2022 đạt 93,9 nghìn tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 12/2022 đạt 4.854 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ tín dụng đạt 2.946 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1%. Trong năm, các ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.​

Tính đến cuối năm 2022, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.197 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 341 doanh nghiệp và Upcom có 856 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 553 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

4. Một số vấn đề xã hội

- Dân số, lao động và giải quyết việc làm

Dân số trung bình năm 2022 là 8.435,6 nghìn người, tăng 1,3% so với năm 2021, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 49,1%; khu vực nông thôn chiếm 50,9%. Chia theo giới tính, dân số nam chiếm 49,6%; dân số nữ chiếm 50,4%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 4.012 nghìn người, chiếm 47,6% dân số toàn Thành phố; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 72,2% (thành thị đạt 83,5% và nông thôn đạt 57,2%), cao hơn 1,1 điểm % so với năm 2021.

Trong năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 203 nghìn lao động, đạt 126,9% kế hoạch giao trong năm, tăng 13% so với năm 2021, trong đó: 18,3 nghìn người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 5.258 người được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động (Chủ yếu làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); 116,7 nghìn người có việc làm qua hình thức cung ứng dịch vụ việc làm từ các doanh nghiệp và hình thức khác…

- Đảm bảo an sinh xã hội

Trong năm, Thành phố đã quan tâm đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tập trung rà soát hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của Thành phố. Tính đến cuối năm 2022, Thành phố đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND của Thường trực HĐND Thành phố cho trên 2,9 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Thành phố thực hiện Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 417 nghìn lượt lao động của gần 14 nghìn doanh nghiệp với số tiền 219 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ gần 396 nghìn người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp với số tiền đã chi trả là 198 tỷ đồng, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động là 21 nghìn lượt người với số tiền đã chi trả 21 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã tiếp nhận và phân bổ kịp thời hơn 1,8 nghìn tỷ đồng gồm tiền mặt và trang, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hơn 14 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, trao tặng hơn 10 nghìn thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng trong năm 2022, Thành phố đã giải quyết hơn 23,5 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 85,5 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 12 tháng năm 2022 cho trên 82 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.805 tỷ đồng, chi trả trợ cấp một lần là 150 tỷ đồng, chi điều dưỡng người có công 73,2 tỷ đồng. Đến 31/12/2022, trên địa bàn Thành phố có 202,4 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 2,8 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố.

- Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội

Đến cuối năm 2022, Thành phố có 7,7 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, tăng 3,4% so với cuối năm 2021; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Hơn 2 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 10,5%; 73,2 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 15,6%; 1,9 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 6,6%.

- Hoạt động văn hóa, thể thao

Các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật phục hồi mạnh mẽ, tại các di tích lịch sử đã thu hút 1,7 triệu lượt khách đến tham quan. Đặc biệt trong năm 2022, Thành phố tổ chức thành công SEA Games 31 tạo ấn tượng đẹp với bạn bè trong nước và quốc tế. Thể thao Hà Nội góp phần quan trọng vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam với vị trí Nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Kết quả thi đấu của thể thao thành tích cao Hà Nội đạt được trong năm 2022 là: 3.071 huy chương, trong đó: 2.692 huy chương tại các giải đấu trong nước (987 huy chương Vàng, 810 huy chương Bạc, 895 huy chương Đồng) và 384 huy chương tại các giải đấu quốc tế (146 huy chương Vàng, 116 huy chương Bạc, 122 huy chương Đồng).

- Giáo dục và đào tạo

Giáo dục và đào tạo chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Đầu tư xây dựng trường công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đẩy mạnh. Trong 2 năm 2021, 2022 đã công nhận mới thêm được 215 trường, đến nay tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 72,3%. Tính đến cuối năm 2022, toàn Thành phố có 2.800 trường mầm non và phổ thông với 63,8 nghìn lớp; gần 2,2 triệu học sinh đang theo học, 122 nghìn giáo viên.

Về giáo dục nghề nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 355 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 307 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2022, đã tuyển sinh và đào tạo cho gần 251,5 nghìn lượt người, đạt 112% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 13,2% so với năm 2021.

- Y tế và phòng chống dịch bệnh

Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên Thế giới và trong nước với số ca mắc tăng cao. Bằng các giải pháp cụ thể, Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ phù hợp với mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới, đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng dịch trên địa bàn. Nhờ đó, Thành phố kiểm soát tốt dịch Covid-19, tỷ lệ số ca mắc mới, số ca phải nhập viện điều trị và số ca tử vong giảm mạnh so với đầu năm. Song song với nhiệm vụ khống chế, kiểm soát dịch Covid-19, giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân được quan tâm; áp dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám bệnh và kết nối thanh toán BHYT; triển khai đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh qua điện thoại tại một số bệnh viện; hoàn thiện bệnh án điện tử tại các đơn vị khám chữa bệnh. Hệ thống bệnh viện cơ bản duy trì tốt, công tác khám chữa bệnh thường xuyên, số lượng bác sỹ đạt 13,7 bác sỹ/vạn dân; số giường bệnh bình quân 1 vạn dân đạt 27,5 giường. Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; cơ sở y tế tư nhân phát triển đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Khái quát lại, năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến kinh tế - xã hội cả nước và thành phố Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội Thành phố đã phục hồi tăng trưởng tích cực và đạt được kết quả quan trọng ở nhiều ngành, lĩnh vực: GRDP ước tính tăng 8,96% (vượt kế hoạch 7,0 - 7,5%); thu ngân sách Nhà nước tăng 6,6% so với dự toán. Khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa đảm bảo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao; chỉ số giá tiêu (CPI) được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; thị trường lao động việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo và cải thiện. Đây chính là nền tảng, động lực quan trọng để Thành phố đánh giá giữa nhiệm kỳ và tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.



File đính kèm