024 3 8254 239 | hanoi@gso.gov.vn

NIÊN GIÁM THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021

14/03/2024 05:48


Năm 2021 thành phố Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời là năm đầu tiên triển khai thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; nợ công tăng cao; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại và công nghệ giữa các nước lớn cũng tạo thêm khó khăn, thách thức đối với hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư thế giới. Ở trong nước, những tháng đầu năm 2021 tăng trưởng kinh tế có tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ cuối tháng Tư với biến chủng Delta lây lan nhanh, phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt sản xuất và đời sống. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho Thủ đô và sức khỏe của Nhân dân, thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp Ủy Đảng, chính quyền; sự chủ động, kịp thời, hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế; sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô được kiểm soát, kinh tế - xã hội đạt những kết quả nhất định.

1. Phát triển kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2021 tăng 2,92% so với năm 2020, trong đó: Tăng trưởng các quý năm 2021 lần lượt là: 6,43%; 5,63%; -6,89%; 6,69%. Chia theo khu vực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,85%; khu vực dịch vụ tăng 2,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,19%.  Tăng trưởng GRDP năm nay đạt mức thấp do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là trong quý III Thành phố thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng chống dịch, hầu hết các ngành, lĩnh vực bị suy giảm mạnh. GRDP bình quân đầu người năm 2021 theo giá hiện hành đạt 128,1 triệu đồng (tương đương 5.533 USD), tăng 3,6% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp và xây dựng. Cơ cấu GRDP năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,27% tổng sản phẩm trên địa bàn, công nghiệp và xây dựng chiếm 24,31%, dịch vụ chiếm 62,46%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,96%.

Trong năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp có nhiều giải pháp hiệu quả, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năng suất lúa cả năm khá cao, đạt 60,7 tạ/ha, tăng 3,2% so với năm 2020; sản lượng lúa đạt 983,8 nghìn tấn, tăng 1,1%. Diện tích trồng cây lâu năm đạt 23,2 nghìn ha, tăng 0,2% so với năm trước, cơ cấu các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản (như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, vải, ổi...), cây cảnh có giá trị cao phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn. Chăn nuôi phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn lợn đến cuối năm có 1,37 triệu con, tăng 25,3% so với năm trước; đàn gia cầm 39,9 triệu con, tăng 2,3%; đàn trâu 27,5 nghìn con, tăng 5,2%; đàn bò 130,5 nghìn con, tăng 0,1%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm đạt 228,2 nghìn tấn, tăng 8,2% so với năm trước; sản lượng thịt gia cầm đạt 164,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng thịt trâu đạt 1.871 tấn, tăng 6,2%; sản lượng thịt bò đạt 10,6 nghìn tấn, tăng 0,4%; sản lượng sữa bò 38,7 nghìn tấn, tăng 5,9%. Ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản lượng thủy sản cả năm tăng 3,0% so với năm 2020.

Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng nhanh chóng vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,2%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,7%; khai khoáng tương đương năm trước. Trong năm 2021, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 20,6%; sản xuất trang phục tăng 14%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,9%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 7,9%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 6,1%; sản xuất kim loại giảm 4,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,1%. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 giảm 5,8% so với năm 2020; chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cuối năm giảm 9%; chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,3% cho thấy công tác giải quyết việc làm trong năm được đảm bảo, cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất.

Ngành thương mại dịch vụ phục hồi tích cực đặc biệt là những tháng cuối năm khi Hà Nội cùng cả nước thực hiện mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt 555,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2020 do quý III giảm mạnh 37,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 so với năm 2020 được kiểm soát ở mức tăng 1,77%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 vẫn đạt 50,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 15,5 tỷ USD, tăng 2,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 35 tỷ USD, tăng 20,6%. Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh được cải thiện rõ rệt. Năng suất lao động năm 2021 đạt 264,8 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,55 lần bình quân cả nước (171,3 triệu đồng/người). Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tích cực cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp và đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...

2. Đầu tư và doanh nghiệp

Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 411,3 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Trong đó: Vốn Nhà nước 138,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7%; vốn ngoài nhà nước đạt 245,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 28 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4%.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD, đứng thứ 5 trong cả nước; trong đó đăng ký mới 380 dự án với số vốn 1.017 triệu USD. Năm 2021 các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 6,8% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Hoạt động của doanh nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng doanh nghiệp (sau TP. Hồ Chí Minh). Trong năm 2021, có 24,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 345,7 nghìn tỷ đồng. Kinh tế hộ tiếp tục phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, tác động tích cực đến kết quả chung của nền kinh tế.Để đ

3. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt dự toán đảm bảo cân đối thu, chi góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, năm 2021 thực hiện thu 267,7 nghìn tỷ đồng, đạt 113,7% dự toán Trung ương giao và đạt 106,5% dự toán HĐND Thành phố giao. Điều hành chi chủ động, tiết kiệm, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, chi ngân sách địa phương năm 2021 thực hiện 91,5 nghìn tỷ đồng, đạt 94,2% dự toán Trung ương giao, đạt 84,3% dự toán HĐND Thành phố giao đầu năm.

Hoạt động của các tổ chức tín dụng đạt kết quả tích cực, vốn huy động liên tục tăng; lưu thông tiền tệ và các dòng vốn bảo đảm đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh số cho vay tín dụng của ngân hàng năm 2021 đạt 5.383 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ tín dụng đạt 2.482 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6%; 100% ngân hàng đã triển khai dịch vụ internet banking, mobile banking và các loại ví điện tử.

Đến cuối năm 2021, Thành phố có 7,5 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, tăng 3,1% so với cuối năm 2020; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số. Có 1,81 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 2,9%; 57 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 17,9%; 1,8 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,8%.

4. Một số vấn đề xã hội

Dân số trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 là 8.330,8 nghìn người, tăng 1% so với năm 2020, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 49,2%; khu vực nông thôn chiếm 50,8%. Chia theo giới tính, dân số nam chiếm 49,6%; dân số nữ chiếm 50,4%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 3940 nghìn người, chiếm 47,3% dân số toàn Thành phố; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 71,1% (thành thị đạt 83,2% và nông thôn đạt 56,9%), cao hơn 0,9 điểm % so với năm 2020.

Năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn Thành phố, nhất là người lao động và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những đối tượng yếu thế trong xã hội. Trước tình hình đó, Thành phố đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của Thành phố. Đến nay, Thành phố đã quyết định hỗ trợ bằng tiền mặt và cho vay gần 5,7 triệu lượt đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí 7.244 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước đảm bảo chi theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố Hà Nội là 2.709 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 4.095 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 440 tỷ đồng.

Các hoạt động văn hóa được duy trì, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện diễn biến dịch Covid-19. Cùng với đó, Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các ngành, lĩnh vực, các sự kiện lớn về chính trị, xã hội. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, cổ động trực quan và các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày Lễ lớn của đất nước và Thủ đô, đặc biệt là các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Hoạt động thể thao được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, giành nhiều huy chương quốc tế cho thể thao Việt Nam. Thể thao quần chúng được quan tâm, nhất là việc xây dựng, lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao công cộng ngoài trời. Phong trào luyện tập và tham gia hoạt động thể dục, thể thao phát triển mạnh, trở thành nhu cầu tự giác trong nhân dân.

Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy học trực tuyến, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Chất lượng giáo dục tiếp tục giữ vững với 139 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trong năm học 2020-2021; duy trì thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 toàn Thành phố đạt 98,9% (tăng 2 bậc so với năm 2020). Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia năm 2021 là 79% (năm 2020 là 76,9%). Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 71,1% (tăng 0,9 điểm % so với năm 2020), trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50,3% (tăng 1,8 điểm %).

Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên Thế giới và trong nước với số ca mắc và tử vong tăng cao. Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo các cấp độ phù hợp với mỗi địa phương vào từng thời điểm khác nhau. Song song với nhiệm vụ khống chế, kiểm soát dịch Covid-19, giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân được quan tâm; áp dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám bệnh và kết nối thanh toán BHYT; triển khai đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh qua điện thoại tại một số bệnh viện; hoàn thiện bệnh án điện tử tại các đơn vị khám, chữa bệnh. Hệ thống bệnh viện cơ bản duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh thường xuyên, số lượng bác sỹ đạt 13,7 bác sỹ/vạn dân (năm 2020 là 13,5); số giường bệnh bình quân 1 vạn dân đạt 27,5 giường (năm 2020 là 27,1). Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; cơ sở y tế tư nhân phát triển đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Khái quát lại, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với biến chủng mới nguy hiểm, lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt sản xuất và đời sống, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp Ủy Đảng, chính quyền; sự chủ động, kịp thời, hiệu quả của Thành phố trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đẩy mạnh phục hồi kinh tế; sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, kinh tế - xã hội đạt những kết quả nhất định. GRDP năm 2021 tăng 2,92% với xu hướng phục hồi tích cực trong quý IV; thu ngân sách hoàn thành vượt dự toán Trung ương giao; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá; công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đây chính là nền tảng, động lực quan trọng để Thành phố bước vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

File đính kèm