Báo cáo kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tháng Ba và quý I năm 2024
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,77%; khu vực dịch vụ tăng 5,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,94%.
Trong quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 3,76% (quý I/2023 tăng 2,14%), đóng góp 0,08 điểm % vào mức tăng GRDP. Những tháng đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thu hoạch cây màu vụ Đông đạt khá, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm thực hiện. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động tái đàn được quan tâm, đàn lợn tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng 1,2%; sản lượng thủy sản tăng 3,4%.
Khu vực công nghiệp, xây dựng quý I/2024 ước tính tăng 4,77% (quý I/2023 tăng 2,39%), đóng góp 0,84 điểm % vào mức tăng chung. Ngành công nghiệp còn gặp khó khăn, một số sản phẩm chủ lực sản xuất và xuất khẩu giảm, ước quý I tăng 4,31%, đóng góp 0,51 điểm % (ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; sản xuất phân phối điện tăng 15,37%; hoạt động cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,02%). Ngành xây dựng quý I/2024 ước tăng 5,72%, đóng góp 0,33 điểm % vào mức tăng chung.
Khu vực dịch vụ ước tính quý I tăng 5,84% (quý I/2023 tăng 7,66%), đóng góp 4 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 19,35%, đóng góp 0,76 điểm %; bán buôn, bán lẻ tăng 7,33%, đóng góp 0,77 điểm %; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,2%, đóng góp 0,13 điểm %; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,52%, đóng góp 0,64 điểm %; giáo dục và đào tạo tăng 6,1%, đóng góp 0,23 điểm %; chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 6,02%, đóng góp 0,37 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 5,22%, đóng góp 0,43 điểm %; thông tin và truyền thông tăng 2,87%, đóng góp 0,45 điểm %...
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý I/2024 ước tính tăng 4,94% (quý I/2023 tăng 1,44%), chiếm 0,58 điểm % vào mức tăng GRDP.
Cơ cấu GRDP quý I/2024: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,61%; khu vực dịch vụ chiếm 67,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,31% (cơ cấu GRDP quý I/2023 tương ứng là: 2,07%; 19,57%; 66,26% và 12,10%).
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Kết quả thu hoạch cây vụ Đông đạt khá, sản xuất vụ Xuân đảm bảo tiến độ khung thời vụ, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm thực hiện. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.
2.1. Nông nghiệp
Kết quả sản xuất vụ Đông: Diện tích cây trồng vụ Đông trên địa bàn Thành phố đạt 27,6 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích Ngô đạt 5,5 nghìn ha, tăng 3,6%; sản lượng đạt 29,1 nghìn tấn, tăng 2,2%. Khoai lang 892 ha, tăng 0,6%; sản lượng 8,4 nghìn tấn, tăng 8%. Đậu tương 721 ha, tăng 0,7%; sản lượng 1,3 nghìn tấn, tăng 7,9%. Lạc 225 ha, bằng 84,9%; sản lượng 499 tấn, bằng 83,4%. Đậu các loại 100 ha, tăng 37%; sản lượng 179 tấn, tăng 42,1%. Rau các loại 14,4 nghìn ha, tăng 0,4%; sản lượng 326,4 nghìn tấn, tăng 0,4%.
Tình hình sản xuất vụ Xuân: Tính đến trung tuần tháng Ba, Thành phố đã gieo trồng được 80,4 nghìn ha lúa vụ Xuân, bằng 97,4% cùng kỳ năm trước; 2,8 nghìn ha ngô, bằng 92,1%; 86 ha khoai lang, bằng 61,9%; 114 ha đậu tương, bằng 95,8%; 1,2 nghìn ha lạc, bằng 101,3%; 8,5 nghìn ha rau, bằng 100,9%; 222 ha đậu, bằng 145,1%. Hiện nay lúa và cây màu vụ Xuân sinh trưởng và phát triển theo đúng khung thời vụ. Các ngành chức năng đang tập trung chỉ đạo địa phương hướng dẫn người dân bảo vệ và chăm sóc tốt cây trồng; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Cây lâu năm: Diện tích trồng cây lâu năm trên địa bàn Thành phố đến nay ước đạt 23,8 nghìn ha, tăng 1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó diện tích cây ăn quả đạt 20,1 nghìn ha, tăng 1%; cây gia vị, dược liệu 241 ha, tăng 18,7%; cây lâu năm khác 1,5 nghìn ha, tăng 7,1%. Cơ cấu cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản, cây cảnh có giá trị cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng như: Diện tích bưởi gần 7,7 nghìn ha, tăng 0,8% so với năm 2023; nhãn 1,3 nghìn ha, tăng 3,3%; vải 329 ha, tăng 1,2%... Dự kiến diện tích cây ăn quả thời gian tới tiếp tục tăng, đặc biệt là cây đặc sản có chất lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao như: Bưởi diễn, cam canh, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, ổi tứ quý, đu đủ lai. Hiện nay một số địa phương đang tích cực quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, hỗ trợ giống chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ trong nước đồng thời hướng tới xuất khẩu nông sản sang thị trường nước ngoài.
Chăn nuôi: Hoạt động chăn nuôi cơ bản thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn vật nuôi tăng khá, các cơ sở chăn nuôi bám sát diễn biến thị trường, có kế hoạch tái đàn phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân Thủ đô. Đến nay, đàn lợn có 1,45 triệu con, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023; đàn trâu 29,3 nghìn con, tăng 2,1%; đàn bò 127 nghìn con, giảm 1,6%; đàn gia cầm 40,6 triệu con, tăng 1,2% (đàn gà 26,9 triệu con, tăng 1,1%). Tính chung quý I/2024, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 64,1 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023; thịt trâu 526 tấn, tăng 2,1%; thịt bò 2,8 nghìn tấn, giảm 0,1%; thịt gia cầm 41,1 nghìn tấn, tăng 2,3% (thịt gà 30,9 nghìn tấn, tăng 2,3%); trứng gia cầm 718 triệu quả, tăng 3,1%.
2.2. Lâm nghiệp và thủy sản
Lâm nghiệp: Những tháng đầu năm sản xuất lâm nghiệp tập trung triển khai trồng mới cây lâm nghiệp phân tán, trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng Ba ước đạt 63 ha, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2023; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 237 nghìn cây, tăng 0,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,7 nghìn m3, giảm 4%; sản lượng củi đạt 60 ste, tăng 3,4%. Tính chung quý I/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 63 ha, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 318 nghìn cây, tăng 0,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5 nghìn m3, giảm 4%; sản lượng củi đạt 179 ste, tăng 3,5%.
Thủy sản: Thời gian qua một số hộ dân tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời ứng dụng kỹ thuật tiên tiến theo hướng bền vững, an toàn, vệ sinh môi trường, có năng suất và hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ước đạt 20,5 nghìn ha (chủ yếu diện tích nuôi cá), tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản trong tháng Ba ước đạt 9 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 8,9 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khai thác đạt 146 tấn, giảm 2%. Ước tính quý I/2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 27 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 26,7 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khai thác đạt 287 tấn, giảm 2,4%.
3. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2024 còn gặp khó khăn, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực sản xuất và xuất khẩu giảm. Ước tính quý I/2024, sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Ba ước tăng 17,4% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,6% và tăng 3,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,6% và tăng 13%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 0,8% và tăng 5,3%; ngành khai khoáng tăng 1,6% và giảm 5%. Ước tính quý I/2024, chỉ số IIP tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,6%; khai khoáng giảm 12,6%.
Trong quý I năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,1%; sản xuất thuốc lá tăng 9,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,7%, sản xuất trang phục tăng 5,8%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 5,7%. Bên cạnh đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 6%; dệt giảm 4,9%; in, sao chụp bản ghi giảm 4,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,3%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc giảm 21,7%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba tăng 39,7% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính quý I/2024, chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Dệt tăng 39,6%; in, sao chép bản ghi tăng 20,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 39,4%; sản xuất kim loại giảm 27,3%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 14,4%; sản xuất máy móc, thiết bị giảm 10,6%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thời điểm 31/3/2024 tăng 1,3% so với cuối tháng trước và giảm 5,5% so với cuối quý I/2023. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 68,9%; dệt giảm 42,3%; sản xuất máy móc, thiết bị giảm 41,2%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 23,3%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 86,9%; sản xuất đồ uống tăng 71,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 54,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 63,3%; sản xuất kim loại tăng 45,9%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 3/2024 tăng 0,7% so với cuối tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước. Ước tính quý I/2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 2,4% so với quý I/2023, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,4%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 2,2%; khu vực Nhà nước tăng 1,6%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 2,9% (trong đó sản xuất máy móc, thiết bị giảm 29,5%; dệt giảm 9,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 8,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 6,3%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 5,9%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,3%; ngành khai khoáng tăng 49,7%.
4. Đầu tư và xây dựng
Ngay từ những tháng đầu năm, Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý I/2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 22,4%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 946,8 triệu USD.
4.1. Thực hiện vốn đầu tư
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố quý I/2024 ước tính đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước 31,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,3% tổng vốn đầu tư và tăng 10%; vốn ngoài Nhà nước 48,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,2% và tăng 8,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,5% và tăng 4,4%.
Chia theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý I/2024 ước tính đạt 52,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 24,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,7% và tăng 5,7%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,7% và tăng 7,2%; bổ sung vốn lưu động đạt 4 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6% và tăng 5,6%; vốn đầu tư khác đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 4,3%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng Ba ước tính đạt 3.495 tỷ đồng, tăng 49,4% so với thực hiện tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 1.428 tỷ đồng, tăng 44,3% và tăng 12,4%; vốn NSNN cấp huyện 1.908 tỷ đồng, tăng 52,6% và tăng 21%; vốn NSNN cấp xã 159 tỷ đồng, tăng 60,9% và tăng 29,9%. Ước tính quý I/2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 9,8 nghìn tỷ đồng, đạt 12,6% kế hoạch năm, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 4 nghìn tỷ đồng, đạt 11%, tăng 9,3%; vốn NSNN cấp huyện 5,4 nghìn tỷ đồng, đạt 14% và tăng 32,8%; vốn NSNN cấp xã 413 tỷ đồng, đạt 12,7% và tăng 40,8%.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tháng Ba, thành phố Hà Nội có 15 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 33,1 triệu USD. Bên cạnh đó, có 14 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 12,5 triệu USD; có 9 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn đạt 1,8 triệu USD. Tính chung quý I/2024, toàn Thành phố thu hút 946,8 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 42 dự án với số vốn đạt 902,6 triệu USD; 31 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 21,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 30 lượt, đạt 22,6 triệu USD.
4.2. Hoạt động xây dựng
Hoạt động xây dựng trong quý I/2024 tiếp tục được quan tâm chú trọng. Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2024 thành phố Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó: 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng). Lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn. Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố đang khẩn trương thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.
Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thành phố:
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,6%.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 27,5% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 6,9% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,6% kế hoạch vốn.
Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1: Với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 45,4% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng quý III/2024.
Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Dự án được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 73,2% kế hoạch vốn. Dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 5/2024.
Dự án xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long: Có tổng chiều dài 33 km, chiều rộng 60,5m với 10 làn xe, kết nối từ đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ đến thị xã Sơn Tây. Dự án được chia thành 5 đoạn thi công, đến nay đoạn 1, 2, 3 của tuyến đã cơ bản hoàn thành, các đoạn còn lại đang tiếp tục khẩn trương thi công. Trong quý I/2024 đoạn 5 từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài, huyện Đan Phượng dài 5,8 km với tổng mức đầu tư 1.298 tỷ đồng đã được Thành phố phê duyệt chọn nhà thầu thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác cũng được Thành phố dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2024 như: Cầu Thượng Cát đoạn bắc qua sông Hồng với chiều dài 820 m, rộng 33 m, thiết kế 8 làn xe nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, tổng mức đầu tư 8.300 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2027. Cầu Vân Phúc có chiều dài 7,8 km với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, điểm đầu dự án tại vị trí giao cắt Quốc lộ 32 thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ và điểm cuối tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Xây dựng tuyến đường từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình) dài 92 km với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố. Dự án đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 19 km, điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao với Tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, điểm cuối tại vị trí đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
5. Hoạt động doanh nghiệp
5.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng Ba, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.925 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 24,4 nghìn tỷ đồng, giảm 22%; 365 doanh nghiệp giải thể, tăng 16%; 1.087 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tương đương cùng kỳ; 700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 16%. Tính chung quý I/2024, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 6.944 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 66,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1.121 doanh nghiệp giải thể, tăng 23%; gần 12,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 25%; 3.748 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024 cho thấy: Có 16,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý IV/2023; 48,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Những tháng tiếp theo, các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ khả quan hơn với 33,7% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý II/2024 sẽ tốt hơn so với quý I; 47,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 19,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Chia theo loại hình kinh tế, có 61,9% doanh nghiệp khu vực Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 65,6% và 61,7%.
6. Hoạt động thương mại, dịch vụ
6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong quý I/2024, Thành phố thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 65,4 nghìn tỷ đồng, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 42,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,6% và tăng 10,4%; khách sạn, nhà hàng đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% và tăng 10,4%; du lịch lữ hành đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% và tăng 54,2%; dịch vụ khác đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4% và tăng 1,3%.
Ước tính quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 199,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 129,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (Đá quý, kim loại quý tăng 19,5%; lương thực, thực phẩm tăng 11,5%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 8,8%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 8,7%; xăng dầu tăng 7,5%; hàng may mặc tăng 7,5%; hàng hóa khác tăng 13,3%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 24,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng mức và tăng 12,7% (dịch vụ lưu trú đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5%; dịch vụ ăn uống đạt 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1% và tăng 47,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 39,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,7% và tăng 1,6% (giáo dục và đào tạo tăng 11,5%; y tế tăng 9,6%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 9,4%; kinh doanh bất động sản tăng 7,5%).
6.2. Vận tải và bưu chính chuyển phát
Quý I/2024 là thời điểm trùng với Tết Nguyên đán nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân tăng cao. Nhờ chất lượng phục vụ được quan tâm, cùng với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, hoạt động vận tải đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa. Tổng doanh thu vận tải và bưu chính chuyển phát quý I/2024 ước tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách tăng 17,4%; Vận tải hàng hóa tăng 17,7%.
Vận tải hành khách: Trong tháng Ba, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 35,1 triệu lượt người, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 934 triệu lượt người.km, tăng 1,5% và tăng 17,5%; doanh thu ước tính đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 18,6%.
Ước tính quý I/2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 101,7 triệu lượt người, tăng 9,6% so với quý trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 2,9 tỷ lượt người.km, giảm 6,4% và tăng 22,6%; doanh thu đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% và tăng 17,4%.
Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Ba ước tính đạt 132,1 triệu tấn, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 12,9 tỷ tấn.km, tăng 0,9% và tăng 13,1%; doanh thu ước tính đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 15,1%.
Ước tính quý I/2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 391,4 triệu tấn, tăng 3,3% so với quý trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 38,5 tỷ tấn.km, tăng 3,1% và tăng 17,2%; doanh thu đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% và tăng 17,7%.
Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải tháng Ba ước tính đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I/2024 ước đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với quý trước và tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng Ba ước tính đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I/2024 ước đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với quý trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
6.3. Hoạt động du lịch
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, Thành phố chủ động đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”. Khách du lịch đến Hà Nội quý I/2024 tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Khách du lịch đến Hà Nội tháng Ba ước đạt 575 nghìn lượt người, tăng 27,3% so với tháng trước và tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Khách quốc tế đến Hà Nội tháng Ba ước đạt 445 nghìn lượt người, tăng 41,9% so với tháng trước và tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đạt 1.116 nghìn lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 đạt 705 nghìn lượt người). Trong đó khách từ Hàn Quốc đạt 135,2 nghìn lượt người, tăng 31,2%; Trung Quốc 113,1 nghìn lượt người, gấp 2,9 lần; Mỹ 88,5 nghìn lượt người, tăng 38,2%; Anh 67,7 nghìn lượt người, tăng 60,8%; Nhật Bản 65,1 nghìn lượt người, tăng 45,5%; Pháp 57,6 nghìn lượt người, tăng 67%; Đức 49,6 nghìn lượt người, tăng 69,7%; Ma-lai-xi-a 36,6 nghìn lượt người, tăng 43,4%; Xin-ga-po 22,9 nghìn lượt người, tăng 7,5%; Thái Lan 23 nghìn lượt người, giảm 32,9%.
Khách nội địa tháng Ba ước đạt 130 nghìn lượt người, giảm 5,8% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, khách nội địa đạt 412 nghìn lượt người, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 đạt 338 nghìn lượt người).
Tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác: Trên địa bàn Thành phố hiện có 3.759 cơ sở lưu trú du lịch với 71,1 nghìn phòng, trong đó 606 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 26,4 nghìn phòng, chiếm 37% tổng số phòng và 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Trong tháng Ba, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt 64,4%, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2023; ước tính quý I/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 62,1%, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2021 đạt 21,2%; quý I/2022 đạt 19,3%; quý I/2023 đạt 56,5%).
Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 39 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút, đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.
6.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố trong quý I/2024 tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn còn khó khăn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, tăng 3,7%; nhập khẩu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 1%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Ba ước tính đạt 1.254 triệu USD, tăng 8,2% so với tháng trước và giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 751 triệu USD, tăng 8% và giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 503 triệu USD, tăng 8,4% và giảm 20%. Trong tháng, các nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 168 triệu USD, giảm 19,5%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 145 triệu USD, giảm 17,4%; xăng dầu đạt 131 triệu USD, giảm 0,9%; hàng dệt, may đạt 121 triệu USD, giảm giảm 20,5%; hàng nông sản đạt 104 triệu USD, giảm 1,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 36 triệu USD, giảm 51,3%; hàng hóa khác đạt 341 triệu USD, giảm 12,7%; riêng nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 159 triệu USD, tăng 21,4%.
Tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2.331 triệu USD, tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.605 triệu USD, giảm 6,6%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 484 triệu USD, tăng 4,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 474 triệu USD, tăng 33,2%; xăng dầu đạt 402 triệu USD, tăng 18,7%; hàng nông sản đạt 320 triệu USD, tăng 49,8%; hàng hóa khác đạt 987 triệu USD, tăng 2,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu quý I giảm so với cùng kỳ: Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 526 triệu USD, giảm 8,3%; hàng dệt, may đạt 418 triệu USD, giảm 7,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 149 triệu USD, giảm 16,6%; giầy dép và các sản phẩm từ da đạt 73 triệu USD, giảm 32%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước tính đạt 2.754 triệu USD, tăng 11% so với tháng trước và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2.327 triệu USD, tăng 13,4% và giảm 14,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 427 triệu USD, giảm 0,2% và giảm 26,9%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 376 triệu USD, giảm 32,2%; sắt thép đạt 159 triệu USD, giảm 7,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 145 triệu USD, giảm 30,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 142 triệu USD, giảm 30,1%; ngô đạt 82 triệu USD, giảm 8,2%; kim loại khác đạt 79 triệu USD, giảm 9,4%; chất dẻo đạt 77 triệu USD, giảm 32,5%. Riêng nhóm hàng xăng dầu đạt 400 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7.255 triệu USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.381 triệu USD, giảm 12,4%. Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn trong quý I năm nay như: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1.269 triệu USD, giảm 0,3%; xăng dầu đạt 1.188 triệu USD, giảm 10,8%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 490 triệu USD, giảm 10,3%; sắt thép đạt 480 triệu USD, tăng 27,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 430 triệu USD, giảm 12%; chất dẻo đạt 264 triệu USD, giảm 11,4%; hàng hóa khác đạt 3.152 triệu USD, tăng 10,1%.
7. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,14% so với tháng trước, tăng 1,19% so với tháng 12/2023 và tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý I năm nay tăng 5,12% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng Ba, 5/11 nhóm hàng có CPI giảm so với tháng trước, trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,99% (tác động làm giảm CPI chung 0,31%) chủ yếu do giá nhóm hàng thực phẩm giảm 1,55%, trong đó giá thịt lợn giảm 3,62%; giá các loại rau tươi, khô, chế biến giảm 1,97%. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,21% do đã qua tháng cao điểm Lễ hội đầu năm; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình giảm 0,03%; nhóm đồ uống, thuốc lá giảm 0,01%. Trong tháng có 6/11 nhóm hàng CPI tăng nhẹ so với tháng trước: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,76% (tác động làm tăng CPI chung 0,15%) do giá gas tăng 0,54% so với tháng trước; sản lượng tiêu thụ điện, nước tăng dẫn đến bình quân trong tháng giá điện tăng 2,03%; giá nước tăng 8,99%. Nhóm giao thông tăng 0,1% (tác động làm tăng CPI chung 0,01%) do giá xăng tăng 0,37% so với tháng trước. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm giáo dục tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,29%.
Bình quân quý I/2024, CPI tăng 5,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 8/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng: Nhóm giáo dục tăng 38,32% (tác động làm CPI bình quân chung quý I tăng 3,03%) do các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,46% (tác động làm CPI tăng 1,11%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,09% (tác động làm CPI tăng 0,96%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,52% (tác động làm CPI tăng 0,05%); giao thông tăng 1,7% (tác động làm CPI tăng 0,17%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,65%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,51% chủ yếu do giá đồ trang sức và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng đã tác động làm CPI bình quân chung tăng 0,27%. Trong quý I năm nay, có 3/11 nhóm hàng CPI bình giảm so với bình quân cùng kỳ: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,38%; bưu chính viễn thông giảm 1,49%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,27%.
Chỉ số giá vàng tháng Ba tăng 4,43% so với tháng trước, tăng 9,37% so với tháng 12/2023 và tăng 24,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 20,31% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Ba tăng 0,77% so với tháng trước, tăng 1,68% so với tháng 12/2023 và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
8. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán
Ngay từ đầu năm, Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án hoàn thành; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên trong năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quý I/2024 tăng 3,9% so với cùng kỳ; chi ngân sách địa phương tăng 29,4%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp.
8.1. Thu, chi ngân sách
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 3 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 146,9 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán pháp lệnh năm và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa 140,7 nghìn tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán và tăng 4,6%; thu từ dầu thô 1,2 nghìn tỷ đồng, đạt 38,9% và bằng 99,1%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 5 nghìn tỷ đồng, đạt 18,6% và bằng 89%.
Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 3 tháng đầu năm 2024: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 30,3 nghìn tỷ đồng, đạt 42,9% dự toán năm và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 33,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,8% và tăng 14,3%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 9,8 nghìn tỷ đồng, đạt 36,7% và tăng 12,3%; thuế thu nhập cá nhân 12,9 nghìn tỷ đồng, đạt 31,5% và tăng 0,6%; thu phí và lệ phí 5,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,3% và tăng 31,1%; thu tiền sử dụng đất 4,8 nghìn tỷ đồng, đạt 11,4% và gấp 2 lần cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ 1,5 nghìn tỷ đồng, đạt 23,7% và bằng 91,7%.
Chi ngân sách địa phương 3 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 21,6 nghìn tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán năm và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 9,5 nghìn tỷ đồng, đạt 11,7% dự toán và tăng 72,3%; chi thường xuyên 12,1 nghìn tỷ đồng, đạt 21,1% và tăng 8,2%.
8.2. Tín dụng ngân hàng
Tình hình thực hiện lãi suất: Tháng Ba, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,6 - 4,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,9 - 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,0 - 6,0%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 8,1 - 10,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm theo quy định của NHNN. Lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối tháng 3/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.337 nghìn tỷ đồng, tăng 0,79% so với tháng trước, và tăng 0,03% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 4.671 nghìn tỷ đồng, tăng 0,84% và tăng 0,02%; phát hành giấy tờ có giá đạt 666 nghìn tỷ đồng, tăng 0,46% và tăng 0,11%.
Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối tháng 3/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3.646 nghìn tỷ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 0,8% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.509 nghìn tỷ đồng, tăng 0,69% và tăng 0,27%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.137 nghìn tỷ đồng, tăng 0,55% và tăng 1,17%. Tính đến cuối tháng 3/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,85% trong tổng dư nợ. Các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.
Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 15,79% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,05%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,99%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,18%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,34%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%.
8.3. Thị trường chứng khoán
Tính đến hết tháng Hai năm 2024, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.192 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 322 doanh nghiệp và Upcom có 870 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 592,5 nghìn tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 158,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% và tăng 6%; Upcom đạt 434,1 nghìn tỷ đồng, giảm 1,9% và tăng 7,4%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng Hai đạt 1.467 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 318 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% và tăng 25%; Upcom đạt 1.149 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% và tăng 18,6%.
Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tháng Hai khối lượng giao dịch đạt 1.366 triệu CP được chuyển nhượng, giảm 14% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, giảm 12,7% và tăng 21,4%. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 1.282 triệu CP, giảm 15,5% và giảm 6,7%; giá trị đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, giảm 13,5% và tăng 19,1%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, khối lượng giao dịch đạt 2,95 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% về khối lượng và tăng 49,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Hai, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 124 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 15 mã giao dịch; cá nhân 109 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới 2 tháng đầu năm 2024 đạt 242 nghìn tài khoản.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Giải quyết việc làm
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thành phố đã quan tâm hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận được việc làm tốt, phù hợp với trình độ. Số lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024 là hơn 45,6 nghìn người, đạt 27,6% kế hoạch năm, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 3/2024, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 17,3 nghìn lao động, tăng 36,2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I/2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 45,6 nghìn lao động, đạt 27,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 886,9 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 13,9 nghìn lao động; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 54 phiên giao dịch việc làm với 1.715 đơn vị, doanh nghiệp tham gia và 11,5 nghìn lượt người được phỏng vấn, kết quả hơn 3,7 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch; có 1,1 nghìn người được giải quyết đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; 26,9 nghìn người được tạo việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố.
Cũng trong quý I/2024, Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 14 nghìn người với số tiền hỗ trợ 450,4 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 11,3 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 181 người với số tiền hơn 735 tỷ đồng.
2. Bảo đảm an sinh xã hội
Trong quý I/2024, công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; hoạt động hỗ trợ, tặng quà được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cơ quan, địa phương, lực lượng chức năng đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đảm bảo người dân đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình; mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết. Đến ngày 07/02/2024 (tức 28 tháng Chạp năm Quý Mão), Thành phố đã hoàn thành công tác thăm hỏi tặng 2.220 nghìn suất quà Tết cho các đối tượng chính sách ưu đãi, người có công, người nghèo, người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền 1.033 tỷ đồng, đạt 186,5% so với kế hoạch tặng quà của Thành phố, tăng 198,6 tỷ đồng, tương đương tăng 23,8% so với kết quả tặng quà Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Cũng trong dịp này, Thành phố đã chi trả trợ cấp 2 tháng (tháng 01 và 02/2024) cho gần 80,4 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công với số tiền 367 tỷ đồng; trên 203,7 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng cũng được nhận trợ cấp theo quy định với số tiền 251 tỷ đồng. Tính chung quý I/2024, Thành phố đã chi cho công tác ưu đãi người có công là 593,8 tỷ đồng, trong đó thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 80 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 543,8 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 15 tỷ đồng; chi quà Tết 35 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố và Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp chỉ đạo chính quyền và Công đoàn các cấp tổ chức Chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ", "Chợ Tết Công đoàn năm 2024", "Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024"; tổ chức hỗ trợ, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên và người lao động; chăm lo cho đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết. Thành phố đã chi trên 188 tỷ đồng từ ngân sách Công đoàn, các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 513 nghìn lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Giáp Thìn. Riêng cấp Thành phố đã tổ chức các hoạt động chăm lo cho hơn 44 nghìn lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng; tổ chức 30 chuyến xe hỗ trợ hơn 1 nghìn công nhân lao động; hỗ trợ vé xe cho 4.395 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng; triển khai Chợ tết Công đoàn qua sàn giao dịch thương mại điện tử của Tổng Liên đoàn cho 1.197 đoàn viên với tổng số tiền gần 0,4 tỷ đồng. Công đoàn Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức trao 13,3 nghìn suất quà trị giá 6,7 tỷ đồng tặng cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời hỗ trợ vé xe ô tô cho công nhân về quê đón Tết.
3. Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội
Năm 2024, theo kế hoạch Thành phố giao: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 94,5% dân số. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 45% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,5%. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 40% lực lượng lao động.
Ước tính đến hết quý I/2024, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố đạt 94,15% dân số với 7.946 nghìn người tham gia, tăng 0,05% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Có 2.084 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 44,06% lực lượng trong độ tuổi lao động), tăng 1,33% và tăng 5,45%; gần 83,9 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 2,36%), tăng 2,08% và tăng 13,64%. Số người tham gia BHTN là 2.017 nghìn người (chiếm 39,84%), tăng 1,37% và tăng 5,62%.
Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng số tiền thu từ BHXH, BHYT, BHTN là 14,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN là 17,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 10,5 nghìn tỷ đồng; chi khám chữa bệnh BHYT 5,3 nghìn tỷ đồng).
4. Giáo dục, đào tạo và dạy nghề
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh trở lại trường nhanh chóng ổn định nề nếp, bảo đảm chương trình năm học. Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được giữ vững, năm thứ 12 liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp Trung học phổ thông.
Năm học 2023 - 2024, toàn Thành phố có 2.874 Trường mầm non, phổ thông; 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội với 66,1 nghìn phòng học; hơn 2,2 triệu học sinh; 124,5 nghìn giáo viên và 66,1 nghìn lớp (tăng 34 trường, 1.919 lớp và 68,9 nghìn học sinh; 846 phòng học so với cùng kỳ năm học trước). Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được Thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đến cuối tháng 3/2024, trên địa bàn Thành phố có 64,3% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia (công lập 79,3%). Trong đó tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia của các cấp học: Mầm non là 55% (công lập 77,5%); Tiểu học 72,7% (công lập 77,2%); Trung học cơ sở 81% (công lập 87%); Trung học phổ thông 37,1% (công lập 67,2%). Thành phố tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng, phấn đấu đến cuối năm 2024 công nhận mới 114 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó mầm non 40 trường, tiểu học 52 trường, THCS 19 trường, THPT 3 trường); công nhận lại cho 300 trường (mầm non 103 trường, tiểu học 83 trường, THCS 94 trường và THPT 20 trường).
Chất lượng giáo dục, đào tạo Hà Nội tiếp tục được giữ vững, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo, chủ động trong dạy và học, ngành Giáo dục Thủ đô đã đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học; phát huy hiệu quả các phong trào thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2023 - 2024, được tổ chức vào ngày 05 và 06/01/2024, cả nước có 5.812 thí sinh dự thi, trong đó thành phố Hà Nội có 234 học sinh của 10 Trường THPT tham gia; kết quả có 184 học sinh đoạt giải, gồm 14 giải Nhất, 61 giải Nhì, 54 giải Ba và 55 giải Khuyến khích (tăng 43 giải so với kỳ thi trước). Đây là kết quả cao nhất từ trước tới nay của học sinh Thành phố; năm thứ 12 liên tiếp Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT.
Về giáo dục nghề nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề. Trong đó, 67 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 75 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 113 doanh nghiệp, các loại hình khác. Trong quý I/2024, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 36,2 nghìn người (trong đó 955 người trình độ cao đẳng; 1,2 nghìn người trình độ trung cấp; 34 nghìn người trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng), đạt 15,4% kế hoạch tuyển sinh năm 2024, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm trước, góp phần cung cấp nguồn lao động có trình độ đào tạo cho thị trường lao động.
5. Tình hình dịch bệnh
Công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn được chú trọng; các địa phương thực hiện nghiêm túc vệ sinh an toàn thực phẩm mùa Lễ hội không để xảy ra hiện tượng ngộ độc lớn trên địa bàn.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 01/01 đến ngày 15/3/2024 tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát tốt, cụ thể như sau:
Bệnh Sốt xuất huyết Dengue ghi nhận 511 ca mắc, không có trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2023 có 115 ca mắc, 0 tử vong). Bệnh Tay chân miệng ghi nhận 160 ca mắc, 0 tử vong (cùng kỳ 94 ca mắc, 0 tử vong). Số ca mắc Covid-19 ghi nhận 498 ca mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong (cùng kỳ 131 ca mắc, 0 tử vong). Bệnh thủy đậu 197 ca mắc, 0 tử vong (cùng kỳ 412 ca mắc, 0 tử vong); liên cầu lợn 1 ca mắc, 0 tử vong; uốn ván 5 ca mắc, 0 tử vong; ho gà 17 ca mắc, 0 tử vong. Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Các dịch bệnh khác như dại, sởi và viêm não Nhật Bản... được kiểm soát tốt, không ghi nhận ổ dịch. Hiện nay, thời tiết mùa xuân nồm ẩm, dự báo trong thời gian tới, các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp như Covid-19, cúm, thủy đậu, ho gà, sởi, rubella, adeno vi rút... có thể có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2024. Các cơ quan chức năng của Thành phố đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là ở những nơi có khu du lịch, điểm di tích, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Quý I/2024 trùng với Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi động. Hoạt động thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm hướng tới các giải đấu chuyên nghiệp; phong trào thể thao quần chúng được tổ chức rộng khắp các địa phương.
Hoạt động văn hóa: Trong quý I/2024, Thành phố đã thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan, triển lãm ảnh chào đón năm mới Giáp Thìn và chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trang trí 229 cụm pano; 7 cụm mô hình; 2.000 băng rôn dọc; 3.024 Quốc Kỳ và Đảng Kỳ; 08 cụm cờ; 1 cuộc triển lãm chuyên đề; 4 buổi Tuyên truyền lưu động; 1 Bản tin Văn hoá Hà Nội số chuyên đề và nhiều bài đăng trên Cổng Thông tin điện tử Hà Nội với nội dung “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024”. Tiếp tục duy trì trang trí chiếu sáng mỹ thuật tại các tuyến phố, tuyến đường trọng điểm của Thủ đô, các vị trí cửa ngõ ra vào Thành phố, vị trí tại các vòng xoay, đảo giao thông... Tuyên truyền các hoạt động Tết kết hợp tuyên truyền, quảng bá các hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt đêm 30 Tết diễn ra
Chương trình Lễ hội ánh sáng, nghệ thuật - Rực rỡ Thăng Long tại khu vực Hồ Tây
với chủ đề: Giao Thừa Long Hội (Một ngày Kinh đô - Ngàn năm lịch sử); Rồng thiêng hội tụ nơi kinh kỳ, kết nối những hình ảnh đẹp nhất của vùng đất ngàn năm văn hiến, là sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu điểm trong thời khắc đón chào năm mới Giáp Thìn, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước, quốc tế và truyền thông, tạo thêm vị thế, sự hấp dẫn du khách đến với Thủ đô Hà Nội.
Tại các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố đã tổ chức tiếp đón các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân đến dâng hương, tham quan du lịch tất cả các ngày trong dịp Tết. Tính chung quý I/2024, các di tích đã đón hơn 861,5 nghìn lượt khách tham quan, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 31,6% kế hoạch năm; doanh thu phí tham quan 52,6 tỷ đồng, đạt 70,1%. Các đơn vị nghệ thuật trong quý I tiếp tục biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và phục vụ đông đảo các tầng lớp Nhân dân với 572 buổi diễn có thu và phục vụ chính trị, đạt 26,1% kế hoạch năm; doanh thu 14,8 tỷ đồng, đạt 30,6%; thu hút 156,1 nghìn lượt khán giả, đạt 20,9%. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội quý I/2024 cũng đón 15,2 nghìn lượt khách; Thư viện Hà Nội phục vụ bạn đọc tại chỗ, cho mượn về nhà và qua không gian mạng với số lượng trên 500 nghìn lượt người, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2023; phục vụ hơn 1,2 triệu lượt tài liệu, tăng 50,2%; số lượng người cấp mới và đổi thẻ thư viện gần 2 nghìn người, tăng 52,5%.
Hoạt động thể thao: Trong tháng Ba, Thành phố tiếp tục cử các đoàn huấn luận viên, vận động viên đi tập huấn, thi đấu các giải đấu trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp tổ chức các giải thi đấu chuyên nghiệp theo kế hoạch. Thể thao thành tích cao Hà Nội 3 tháng đầu năm 2024 đạt được 19 huy chương tại các giải đấu quốc tế (1 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc, 8 huy chương Đồng) và 93 huy chương trong nước (36 huy chương Vàng, 21 huy chương Bạc, 36 huy chương Đồng).
Về thể thao quần chúng, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại các quận, huyện, thị xã đã triển khai tổ chức 635 giải đấu, hội thi thể dục thể thao tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân tại địa phương và các vùng lân cận. Các hoạt động thể dục thể thao đa dạng, phong phú, phù hợp với mọi lứa tuổi, từ những môn thể thao cổ truyền của dân tộc như: Các trò chơi dân gian, Vật cổ truyền, Bắn nỏ, Cờ người, Đẩy gậy, Kéo co, Nhảy bao... đến những môn thể thao được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Võ, Quần vợt, Bóng bàn...
7. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Theo số liệu tổng hợp từ Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ tháng Ba (từ 15/02/2024 đến 14/3/2024) trên địa bàn Hà Nội như sau:
Phạm pháp hình sự: Trong tháng đã phát hiện 583 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 254 vụ do công an khám phá. Số đối tượng vi phạm bị bắt giữ theo luật là 482 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 83 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế với 130 đối tượng, thu nộp ngân sách 3,6 tỷ đồng. Cộng dồn quý I/2024, phát hiện 1.614 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ theo luật 1.666 đối tượng; 1.289 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, bắt giữ 1.465 đối tượng; thu nộp ngân sách 46,1 tỷ đồng.
Tệ nạn xã hội: Trong tháng đã phát hiện 32 vụ cờ bạc, bắt giữ 197 đối tượng. Tổng số vụ vi phạm pháp luật về ma tuý bị phát hiện là 142 vụ, bắt giữ 246 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 140 vụ với 202 đối tượng.
Tai nạn giao thông: Tháng Ba, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 105 vụ tai nạn giao thông làm 47 người chết và bị thương 80 người. Trong đó, 103 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 46 người chết, 79 người bị thương và 2 vụ tai nạn đường sắt làm 1 người chết và 1 người bị thương. Chia theo mức độ nghiêm trọng, có 2 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm 4 người chết và 1 người bị thương; 48 vụ nghiêm trọng làm chết 43 người và bị thương 20 người; số vụ tai nạn ít nghiêm trọng và va chạm có 55 vụ làm 59 người bị thương. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, xảy ra 385 vụ tai nạn giao thông (380 vụ tai nạn đường bộ và 5 vụ tai nạn đường sắt), làm 175 người chết và 313 người bị thương.
Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Trong tháng, phát hiện 188 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 195 đối tượng; xử lý 201 vụ với 202 đối tượng; thu nộp ngân sách 1,7 tỷ đồng. Cũng trong tháng Ba, trên địa bàn Thành phố xảy ra 79 vụ cháy, làm 1 người bị chết và 2 người bị thương, trong đó có 1 vụ cháy nghiêm trọng, 21 vụ cháy trung bình và 57 vụ cháy nhỏ. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, ghi nhận 2.074 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 2.096 đối tượng; 288 vụ cháy làm 6 người chết và 3 người bị thương.
Khái quát lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn khó khăn, nhưng với sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt được các kết quả quan trọng trong quý I: Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng; thu NSNN trên địa bàn đạt 36% dự toán năm, tăng 3,9%. Thực hiện đầu tư từ NSNN do địa phương quản lý tăng 22,4%; thu hút gần 950 triệu USD vốn FDI. Sản xuất nông nghiệp đạt khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,3%; khách du lịch đến Hà Nội tăng 46,5%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế Thành phố quý I cũng gặp nhiều khó khăn: Tốc độ tăng trưởng chậm so với kế hoạch; sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt thấp; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng cao so với cùng kỳ; số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể còn lớn.
Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nước và Thủ đô Hà Nội. Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai, thực hiện các Văn bản, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực. Tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2024. Hoàn thành nhanh, gọn từng dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; xử lý hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án nhà ở xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Hai là, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng nhằm gia tăng năng lực sản xuất trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo định hướng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố.
Ba là, theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường; tăng cường công tác quản lý, điểu hành, bình ổn thị trường giá cả, kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Chủ động dự báo, xây dựng, cập nhật kịch bản điều hành giá và phương án, lộ trình điều chỉnh một số dịch vụ công, dịch vụ y tế, giáo dục theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bốn là, tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch Hà Nội, các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố; xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ khách du lịch tra cứu thông tin du lịch Hà Nội.
Năm là, thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Tiếp tục chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển của Thành phố. Nâng cao thương hiệu, sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm đặc sản vùng miền, làng nghề có sự tham gia đông đảo của cộng đồng.
Sáu là, thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội; hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách thường xuyên và đột xuất. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.
Tập tin : KTXH T3 va QI.2024_HaNoi.pdf
Tin khác