024 3 8254 239 | hanoi@gso.gov.vn

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tháng Một năm 2024

14/03/2024 05:45

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

Hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào công tác thu hoạch cây màu vụ Đông; chuẩn bị gieo trồng cây vụ Xuân; chăm sóc và phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Vụ Đông năm nay, toàn Thành phố gieo trồng được 27,6 nghìn ha, bằng 100,2% vụ Đông năm trước, trong đó: Diện tích ngô đạt 5,5 nghìn ha, bằng 103,6% cùng kỳ năm trước; khoai lang 892 ha, bằng 100,6%; đậu tương 721 ha, bằng 100,7%; lạc 225 ha, bằng 84,9%; rau 14,4 nghìn ha, bằng 97,6%; đậu 100 ha, bằng 137%. Tính đến trung tuần tháng Một, Thành phố đã thu hoạch được trên 70% diện tích gieo trồng cây vụ Đông, trong đó ngô đạt 71,8%; khoai lang đạt 62,3%; đậu tương đạt 80,9%; lạc đạt 45,8%; rau đạt 87%; đậu đạt 99%.

Công tác chuẩn bị gieo cấy lúa vụ Xuân 2024 được các địa phương khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo đúng thời vụ; quản lý và chăm sóc tốt diện tích mạ đã gieo. Đồng thời, Thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến lịch lấy nước giúp các hộ dân chủ động lấy nước đổ ải, làm đất, chuẩn bị gieo cấy với mục tiêu đưa nước tới đâu, làm đất, giữ nước tới đó, không để thất thoát, lãng phí nguồn nước. Tính đến ngày 25/01/2024, tổng diện tích có nước đổ ải lúa vụ Xuân 2024 trên địa bàn Thành phố thực hiện 31,1 nghìn ha, đạt 38,9% kế hoạch; diện tích làm đất 17,4 nghìn ha, đạt 21,8%; diện tích gieo cấy 897 ha, đạt 1,1%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các cơ sở chăn nuôi đang tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi nhằm chuẩn bị nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đàn trâu hiện có 29,1 nghìn con, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 129,4 nghìn con, tăng 1,1%; đàn lợn 1,47 triệu con, tăng 9%; đàn gia cầm 41,2 triệu con, tăng 8,4% (đàn gà 27,5 triệu con, tăng 8,5%). Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 01/2024 ước đạt 173 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò đạt 960 tấn, giảm 1%; thịt lợn 21,9 nghìn tấn, tăng 5,8%; thịt gia cầm 13,5 nghìn tấn, giảm 2,9% (thịt gà 10,1 nghìn tấn, giảm 2,9%); sản lượng trứng gia cầm đạt 240 triệu quả, tăng 3,4%.

1.2. Lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng; thu hoạch gỗ và lâm sản. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực chuẩn bị triển khai phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Trong tháng Một, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1,8 nghìn m3, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng củi khai thác đạt 59 ste, tăng 3,5%.

Sản lượng thủy sản tháng Một ước tính đạt 9 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 8,9 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 58 tấn, giảm 1,7%.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Một ước tính giảm 3,7% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,5% và tăng 20,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,4% và tăng 8,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 4,4% và tăng 10,6%; công nghiệp khai khoáng giảm 0,7% và tăng 7,1%.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP tháng Một tăng cao so với cùng kỳ: Sản xuất thiết bị điện tăng 89,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 46,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 49%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 36,8%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 35,7%; dịch vụ in ấn và sao chụp bản ghi tăng 30,4%; sản xuất thuốc lá tăng 33,5%; dệt tăng 29,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 23,3%; sản xuất trang phục tăng 22,7%...

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Một ước tương đương tháng trước và giảm 2,7% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực nhà nước bằng tháng trước và tăng 1,8%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,2% và giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,1% và giảm 4,6%.

3. Thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 01/2024 ước tính đạt 4.005 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 5,1% kế hoạch năm 2024, trong đó NSNN cấp Thành phố thực hiện 1.570 tỷ đồng, tăng 32,7% và đạt 4,4%; NSNN cấp huyện 2.279 tỷ đồng, tăng 86,9% và đạt 5,9%; NSNN cấp xã 156 tỷ đồng, gấp 2,2 lần và đạt 4,8%.

Tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố

Dự án đường vành đại 4 - Vùng Thủ đô: Tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,1%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao Voi Phục (quận Ba Đình). Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân được 25,5% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Khởi công tháng 12/2022, cải tạo 21,7 km đoạn nút giao Ba La (quận Hà Đông) đến Thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50 m - 60 m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng mức đầu tư của dự án 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Thời gian thi công toàn dự án từ năm 2022 đến năm 2027. Đến nay dự án đã giải ngân 6,6% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Khởi công tháng 10/2023, với chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất), điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, Hòa Bình. Đường có mặt cắt ngang từ 120 m - 180 m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,2% kế hoạch vốn.

Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1: Với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 42% kế hoạch vốn.

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy) với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 72,5% kế hoạch vốn.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

 Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong tháng Một, Thành phố thu hút 866,8 triệu USD vốn FDI, trong đó: có 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 859,4 triệu USD; có 6 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 5,1 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 7 lượt, đạt 2,3 triệu USD.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp: Tháng Một năm 2024, Thành phố có 2.529 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, với số vốn đăng ký mới đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần; 3.660 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 50%; 12,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 56%; thực hiện thủ tục giải thể cho 457 doanh nghiệp, tăng 52%; 394 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 32%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

5. Thương mại, dịch vụ và du lịch

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Một năm 2024 gần sát dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tiếp tục xu hướng tăng so với những tháng cuối năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một ước tính đạt 68,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 44,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% và tăng 8,9%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% và tăng 14,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 45%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 3,7%.

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về việc đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đến nay Thành phố đã phê duyệt 32 đơn vị tham gia chương trình và cung ứng các mặt hàng tới 14,5 nghìn điểm bán, trong đó có trên 8 nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 500 bếp ăn tập thể. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa với tổng giá trị ước tính đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết Nguyên đán Quý Mão.

Thành phố tổ chức các hoạt động bán hàng phục vụ Tết tại 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ và 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa tại các quận, huyện, thị xã; 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; tổ chức 83 điểm chợ hoa Xuân; 20 hoạt động như: Hội chợ, hội hoa, chợ Tết, phiên chợ Tết, ... và hoạt động vui chơi, giải trí khác để phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân; cấp phép cho trên 190 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Tổ chức triển khai hơn 40 sự kiện nhằm kích cầu tiêu dùng; duy trì 100 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh; tiếp nhận hơn 2,9 nghìn chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; hơn 1.300 địa điểm kinh doanh xăng dầu mở cửa bán hàng phục vụ người dân trong những ngày nghỉ Tết. Song song với công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết, Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chú ý theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa; xử lý nghiêm tình trạng găm giữ hàng để đẩy giá lên cao.

5.2. Vận tải và bưu chính chuyển phát

Vận chuyển hành khách: Tháng Một, số lượt hành khách vận chuyển ước tính đạt 31,9 triệu lượt người, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1.059 triệu lượt người.km, tăng 1,3% và tăng 33,6%; doanh thu ước tính đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 15,8%.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Một ước tính đạt 129,2 triệu tấn, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 12,7 tỷ tấn.km, tăng 1,2% và tăng 21,1%; doanh thu ước tính đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 20,5%.

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải: Tháng Một ước tính đạt 7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát: Tháng Một ước tính đạt 999 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác chuẩn bị phương tiện vận tải phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng chuẩn bị các phương án nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, không được để bất kỳ người dân nào không có xe về quê đón Tết.

Các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh bố trí xe dự phòng, tăng cường thêm chuyến để phục vụ kịp thời người dân đi lại trong dịp Tết. Vào các ngày cao điểm, tại bến xe Giáp Bát dự kiến phục vụ 18 nghìn lượt khách/ngày, gấp 3 lần ngày thường với 950 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm phục vụ 5.000 lượt khách/ngày, gấp 3 lần với 500 lượt xe/ngày; bến xe Mỹ Đình phục vụ 18 nghìn lượt khách/ngày, gấp 3,5 lần với 900 lượt xe/ngày; tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông duy trì chạy hàng ngày với tần suất 10 phút/chuyến. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục lập thêm 8 chuyến tàu tuyến Bắc - Nam, nối thêm toa vào các đoàn tàu đã mở bán vé để cung cấp thêm hơn 4 nghìn chỗ ngồi cho người dân; Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội mở bán vé hơn 14 tàu khách chạy tăng cường trên các tuyến địa phương khu vực phía Bắc trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Các hãng hàng không (Vietnam Airlines; Pacific Airlines; Bamboo Airways; Vietjet Air, ...) đã bổ sung thêm nhiều chuyến bay từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố với nhiều khung giờ khác nhau, giá vé đa dạng và điều kiện hoàn, đổi vé linh hoạt góp phần giúp người dân thuận lợi, chủ động hơn trong những ngày cao điểm của dịp Tết Nguyên đán.

5.3. Du lịch

Để thu hút du khách đến tham quan, tạo không khí vui tươi đón năm mới, Du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, sự kiện và sản phẩm mới hấp dẫn để thu hút du khách. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng Một ước đạt 540 nghìn lượt người, tăng 2% so với tháng trước và tăng 84,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

Khách quốc tế đến Hà Nội tháng Một ước tính đạt 395 nghìn lượt người, tăng 1,9% và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Hàn Quốc đạt 49 nghìn lượt người, tăng 85,8% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc 33,5 nghìn lượt người, gấp 7,1 lần; Mỹ 31 nghìn lượt người, tăng 70,8%; Ô-xtrây-li-a 29,5 nghìn lượt người, gấp 2,6 lần; Nhật Bản 19,8 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần; Đài Loan 18 nghìn lượt người, gấp 4,1 lần; Anh 17,3 nghìn lượt người, tăng 84,4%; Pháp 16,5 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần; Đức 14,8 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần; Xin-ga-po 11,5 nghìn lượt người, gấp 2,1 lần; Ma-lai-xi-a đạt 10,5 nghìn lượt người, tăng 71,4%; Thái Lan 10 nghìn lượt người, giảm 5,5%.

Khách du lịch nội địa tháng Một ước tính đạt 145 nghìn lượt người, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.

5.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Một ước tính đạt 1.505 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 890 triệu USD, tăng 1,9% và tăng 55,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 615 triệu USD, tăng 1,8% và tăng 27,2%. Trong tháng, các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 212 triệu USD, tăng 71,7%; hàng dệt may đạt 190 triệu USD, tăng 36,4%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 177 triệu USD, tăng 10,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 152 triệu USD, tăng 37,2%; hàng nông sản đạt 120 triệu USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ, trong đó gạo đạt 58 triệu USD, gấp 11,3 lần; xăng dầu đạt 116 triệu USD, tăng 16%; hàng hóa khác đạt 380 triệu USD, tăng 55,9%. Riêng nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 4 triệu USD, giảm 73,4%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Một ước tính đạt 3.665 triệu USD, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 3.097 triệu USD, tăng 1,5% và tăng 41%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 568 triệu USD, tăng 10% và tăng 24,3%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 695 triệu USD, tăng 95,9%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 229 triệu USD, tăng 48,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 177 triệu USD, tăng 43%; sắt thép đạt 153 triệu USD, tăng 78,2%; kim loại khác đạt 117 triệu USD, tăng 69,4%; chất dẻo đạt 104 triệu USD, tăng 48,9%; hàng hóa khác đạt 1.524 triệu USD, tăng 83,6%. Trong tháng, 03/14 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như: Vải 73 triệu USD, giảm 4,9%; thức ăn gia súc 44 triệu USD, giảm 47,3%; xăng dầu 277 triệu USD, giảm 53%.

6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2024 tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước. Tháng Một có 8/11 nhóm hàng có CPI tăng so với tháng trước, trong đó cao nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,06% (tác động làm tăng CPI chung 0,22%) do giá gas, giá thuê nhà tăng. Nhóm giao thông tăng 0,43% (tác động làm tăng CPI chung 0,04%) do giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng ngày 11/01, ngày 18/01 và ngày 25/01/2024 (giá xăng tăng 0,91%, giá dầu tăng 1,39%). Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34% (tác động làm tăng CPI chung 0,01%) do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong dịp sát Tết Nguyên đán. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13% (tác động làm tăng CPI chung 0,04%), trong đó lương thực tăng 1,16%; thực phẩm giảm 0,01% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%. Các nhóm có CPI tăng nhẹ: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Có 3/11 nhóm hàng có CPI tháng Một giảm so với tháng trước: Thiết bị, đồ dùng gia đình và bưu chính, viễn thông cùng giảm 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%.

Chỉ số giá vàng tháng 01/2024 tăng 2,51% so với tháng trước và tăng 17,92% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2024 tăng 0,53% so với tháng trước và tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.

7. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán

7.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố tháng 01/2024 ước thực hiện 67,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16,5% dự toán và giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Thu nội địa 65,7 nghìn tỷ đồng, đạt 17,3% và giảm 14,4%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1,5 nghìn tỷ đồng, đạt 5,7% và giảm 4,5%; thu từ dầu thô 338 tỷ đồng, đạt 11,3% và giảm 16,6%.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa tháng Một: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 18,8 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm 2024 và giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 5,7 nghìn tỷ đồng, đạt 21,5% và tăng 2,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 21,3 nghìn tỷ đồng, đạt 27,1% và tăng 11,2%; thuế thu nhập cá nhân 4,2 nghìn tỷ đồng, đạt 10,2% và giảm 4,1%; thu tiền sử dụng đất 1,5 nghìn tỷ đồng, đạt 4,2% và gấp 2,5 lần; thu lệ phí trước bạ 600 tỷ đồng, đạt 9,2% và tăng 5,6%; thu phí và lệ phí 2,2 nghìn tỷ đồng, đạt 11,2% và tăng 28,8%.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 01/2024 ước thực hiện 7,4 nghìn tỷ đồng, đạt 5,1% dự toán và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển 2 nghìn tỷ đồng, đạt 2,5% dự toán và giảm 23,2%; chi thường xuyên 5,4 nghìn tỷ đồng, đạt 9,5%, giảm 2,6%.

7.2. Tín dụng ngân hàng

Tình hình thực hiện lãi suất: Tháng Một, lãi suất huy động tiền gửi bằng VND của các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn phổ biến ở mức 0,1-0,5 %/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng; 2,9-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng; 3,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,1-5,8%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,2-10,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất huy động USD của TCTD tiếp tục duy trì ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Hoạt động huy động vốn: Đến cuối tháng 01/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.230 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 4.621 nghìn tỷ đồng, tăng 1%; phát hành giấy tờ có giá đạt 609 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6%.

Hoạt động tín dụng: Đến cuối tháng 01/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 3.486 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.407 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.079 nghìn tỷ đồng, tăng 1%. Các TCTD tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu. Tính đến cuối tháng 01/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,98% tổng dư nợ. Các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 16,7% trong dư nợ cho vay; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,1%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,2%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,3%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,4%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,4%.

7.3. Thị trường chứng khoán

Tính đến hết tháng 12/2023, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.189 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 327 doanh nghiệp và Upcom có 862 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 598,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 159,5 nghìn tỷ đồng, giảm 0,3% và tăng 8,6%; Upcom đạt 438,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 8%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng Mười Hai đạt 1.380 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 326 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% và tăng 29,3%; Upcom đạt 1.054 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 10,1%.

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tháng Mười Hai, khối lượng giao dịch đạt 1.850 triệu CP được chuyển nhượng, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, giảm 19,2% và tăng 16,9%. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 1.699 triệu CP, giảm 23,5% và giảm 16,3%; giá trị đạt 32,9 nghìn tỷ đồng, giảm 21,2% và tăng 19,4%. Tính chung cả năm 2023, khối lượng giao dịch đạt 24,3 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 411,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% về khối lượng và giảm 14,7% về giá trị so với năm trước.

Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Mười Hai, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 207 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 28 mã giao dịch; cá nhân 179 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới năm 2023 đạt 1.521 nghìn tài khoản; rà soát trong tháng 12/2023 có 116,1 nghìn tài khoản bị đóng do không có giao dịch.

8. Một số vấn đề xã hội

8.1. Công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Để chuẩn bị tốt công tác phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thành phố đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán từ rất sớm để bảo đảm người dân được đón Xuân mới vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Đến nay, Thành phố đã thực hiện trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan trên các tuyến phố, tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào Xuân mới. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, đường phố phong quang; môi trường của Thành phố trước, trong và sau Tết “sáng, xanh, sạch, đẹp”; thu gom rác thải tồn đọng trong các khu dân cư, đường phố và các điểm công cộng. Thành phố dự kiến tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm, với 32 trận địa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Tổ chức triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024). Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu những kết quả, thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố.

Thành phố tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, tạo môi trường an ninh, an toàn và bình yên để người dân Thủ đô vui xuân, đón Tết. Chủ động triển khai kế hoạch phân luồng, tổ chức giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, nhất là ở các khu vực cửa ngõ Thủ đô trước và sau Tết Nguyên đán.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2024 được quan tâm. Thành phố đã đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa bảo đảm về số lượng, chất lượng cung cấp ra thị trường.

8.2. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

Giải quyết việc làm: Tháng Một, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 15,5 nghìn lao động, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 400 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 6,3 nghìn lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm, với 633 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, kết quả có 1.290 lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch. Cũng trong tháng Một, Thành phố đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 5,2 nghìn trường hợp, với số tiền được hỗ trợ là 153,1 tỷ đồng; tư vấn, hỗ trợ để tìm việc làm mới cho 5,2 nghìn người lao động, trong đó hỗ trợ học nghề cho 54 người với số tiền 207 triệu đồng.

Bảo đảm an sinh xã hội: Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, công nhân, người lao động, ... được Thành phố chú trọng quan tâm đặc biệt. Với phương châm “không để ai không có Tết”, Tết Nguyên đán năm nay, Thành phố dự kiến tặng 1.078 nghìn suất quà với kinh phí 553 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách ưu đãi người có công; người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; ...

8.3. Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội

Theo kế hoạch Thành phố giao năm 2024: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 94,5% dân số; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc chiếm 45% số người trong độ tuổi lao động; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,5% và số người tham gia BHTN đạt 40% lực lượng lao động.

Tính đến hết tháng 01/2024, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94% dân số, với 7.992 nghìn người tham gia, tăng 4,7% so cùng thời điểm năm 2023 và tăng 0,04% so với cuối năm 2023; có 2.059 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 3,8% và tăng 0,07%; có 106,5 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 43,2% và tăng 0,14%; 1.992 nghìn người tham gia BHTN, tăng 3,8% và tăng 0,07%.

8.4. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy nổ

Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai và mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo số liệu tổng hợp từ Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ tháng Một (từ 15/12/2023 đến 14/01/2024) trên địa bàn Hà Nội như sau:

Phạm pháp hình sự: Trong tháng đã phát hiện 526 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 313 vụ do công an khám phá được; số đối tượng vi phạm bị bắt giữ theo luật là 671 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 775 vụ tội phạm vi phạm pháp luật về kinh tế với 847 đối tượng phạm pháp, thu nộp ngân sách 31,9 tỷ đồng.

Tệ nạn xã hội: Trong tháng đã phát hiện 107 vụ cờ bạc, bắt giữ 520 đối tượng. Tổng số vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về ma tuý bị phát hiện trong tháng là 734 vụ, bắt giữ 1.029 đối tượng. Trong đó, xử lý hình sự 712 vụ với 944 đối tượng.

Tai nạn giao thông: Trong tháng, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 151 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 03 vụ tại nạn giao thông đường sắt làm chết 63 người và bị thương 135 người. Trong các vụ tai nạn giao thông có 02 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm 04 người chết; 66 vụ nghiêm trọng làm chết 59 người và bị thương 26 người; 67 vụ tai nạn ít nghiêm trọng, bị thương 87 người và 19 vụ va chạm làm 22 người bị thương.

Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Trong tháng, phát hiện 1.250 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 1.261 đối tượng; số vụ vi phạm về bảo vệ môi trường bị xử lý là 1.195 vụ với 1.204 đối tượng; thu nộp ngân sách trên 4,8 tỷ đồng. Cũng trong tháng Một, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 99 vụ cháy không gây thiệt hại về người, trong đó có 16 vụ cháy trung bình, 83 vụ cháy nhỏ. Thiệt hại về tài sản ước tính giá trị ban đầu trên 800 triệu đồng, các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác định thiệt hại về tài sản do các vụ cháy gây ra./.


File đính kèm