02438254 239 | hanoi@gso.gov.vn

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024

03/01/2025 16:59

Năm 2024, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thử thách, trong bối cảnh xung đột vũ trang kéo dài và xu hướng lan rộng ở nhiều điểm nóng, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh; kinh tế, thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng về cường độ nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả trước những tác động bên ngoài đồng thời chỉ đạo, điều hành giải quyết những vấn đề đột xuất phát sinh, ứng phó khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) gây ra. Trước tình hình đó, Thành phố đã bám sát, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, kỷ cương; chủ động, kịp thời, quyết tâm đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong điều hành nhất là tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo. Kết quả cụ thể các ngành, lĩnh vực quý IV và năm 2024 như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV ước tính tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,21%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,99%; khu vực dịch vụ tăng 7,41%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,97%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì phát triển, ước tính giá trị tăng thêm quý IV tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP chung của Thành phố trong quý IV/2024.

Khu vực công nghiệp - xây dựng

ước tính quý IV năm nay tăng 6,99% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,78 điểm % vào mức tăng GRDP chung của Thành phố, trong đó ngành công nghiệp tăng 7,08%, đóng góp 1,02 điểm %; ngành xây dựng tăng 6,87%, đóng góp 0,76 điểm %.

Khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá 7,41% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng GRDP quý IV/2024, trong đó một số ngành, lĩnh vực tăng cao, đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của Thành phố: Thông tin, truyền thông tăng 7,26%, đóng góp 1,02 điểm %; bán buôn, bán lẻ tăng 8,27%, đóng góp 0,80 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,87%, đóng góp 0,78 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 7,91%, đóng góp 0,56 điểm %; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,47%, đóng góp 0,43 điểm %; hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm lĩnh vực du lịch, lữ hành) tăng 10,81%, đóng góp 0,33 điểm %; kinh doanh bất động sản tăng 5,84%, đóng góp 0,24 điểm %; giáo dục và đào tạo tăng 7,4%, đóng góp 0,17 điểm %; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,91%, đóng góp 0,15 điểm %; quản lý Nhà nước tăng 6,77%, đóng góp 0,11 điểm %. Các ngành dịch vụ còn lại tiếp tục duy trì tăng trưởng: Nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 10,48% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ làm thuê các công việc trong hộ gia đình tăng 8,89%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,09%; dịch vụ khác tăng 2,66%.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý IV ước tính tăng 4,97%, đóng góp 0,44 điểm % vào mức tăng trưởng GRDP chung của Thành phố.

Tính chung năm 2024, GRDP của Thành phố ước tính tăng 6,52% so với năm trước (quý I tăng 5,41%; quý II tăng 6,80%; quý III tăng 6,71%; quý IV tăng 7,01%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến xung đột quân sự leo thang kéo dài tại một số quốc gia, khu vực, sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt... đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Nhiều nước gia tăng các hàng rào kỹ thuật, biện pháp bảo hộ thương mại, áp đặt các tiêu chuẩn mới đối với xuất, nhập khẩu; nhiều doanh nghiệp lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục khó lường, nhất là tác động của bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại tới sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền Thành phố và thích ứng nhanh của các doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng 6,52%, quy mô gần 59 tỷ USD, lớn thứ 2 cả nước là kết quả khá tích cực và đáng ghi nhận.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 ước tính tăng 2,52% so với năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Mức tăng năm nay thấp hơn mức tăng năm ngoái (năm 2023 tăng 2,73%) do điều kiện thời tiết trong năm không thuận lợi, đặc biệt cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho lúa và cây trồng vụ Mùa. Tuy nhiên với tinh thần chủ động kịp thời, nỗ lực vượt khó, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định. Chăn nuôi phát triển cả về năng suất và chất lượng; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được phát hiện, xử lý, khống chế kịp thời; sản lượng thịt xuất chuồng tăng so với năm trước, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và an sinh xã hội. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2024 tăng 3,5%; thịt trâu tăng 2%; thịt gia cầm tăng 3,7% (thịt gà tăng 4,1%); trứng gia cầm tăng 5,1%; sản lượng sữa bò tăng 1,9%. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì với tổng sản lượng thủy sản cả năm ước tăng 3,7%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2024 ước tính tăng 6,21% so với năm trước, đóng góp 1,34 điểm % vào mức tăng GRDP. Mức tăng năm nay cao hơn mức tăng 5,05% của năm trước ghi nhận những nỗ lực phục hồi tích cực của các doanh nghiệp cùng sự vào cuộc kịp thời của chính quyền Thành phố trong việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi; tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các Khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cũng tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư, thực hiện thủ tục điều chỉnh bổ sung mục tiêu, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án… Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì ổn định sản xuất và ký kết được thêm các đơn hàng mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô. Ước tính giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 6,2%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng chung (ngành chế biến, chế tạo tăng 5,82%; sản xuất phân phối điện tăng 9,48%; cung cấp nước và quản lý, xử lý, nước thải tăng 10,32%). Ngành xây dựng năm nay ước tăng 6,21%, đóng góp 0,52 điểm % vào mức tăng GRDP.

Khu vực dịch vụ tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế với mức tăng cả năm đạt 7,14%, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng GRDP chung toàn Thành phố, trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng GRDP: Thông tin, truyền thông tăng 6,12%, đóng góp 0,91 điểm %; bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%, đóng góp 0,85 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,15%, đóng góp 0,76 điểm %; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,24%, đóng góp 0,55 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 6,2%, đóng góp 0,49 điểm %; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,48%, đóng góp 0,41 điểm %. Các ngành dịch vụ còn lại duy trì tăng trưởng: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,8%; dịch vụ làm thuê các công việc trong hộ gia đình tăng 7,16%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 7,05%; giáo dục và đào tạo tăng 6,87%; quản lý Nhà nước tăng 6,37%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 4,7%; kinh doanh bất động sản tăng 4,21%; dịch vụ khác tăng 2,23%.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm năm 2024 ước tăng 4,0% so với năm trước, đóng góp 0,41 điểm % vào mức tăng GRDP chung của Thành phố.

GRDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8% so với năm 2023. Cơ cấu GRDP năm 2024: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%; khu vực dịch vụ chiếm 65,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,65% (cơ cấu GRDP năm 2023 tương ứng là: 1,98%; 23,17%; 64,89% và 9,96%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Năm 2024, ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho lúa và cây trồng vụ Mùa. Tuy nhiên với tinh thần chủ động kịp thời, nỗ lực vượt khó, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định. Chăn nuôi phát triển cả về năng suất và chất lượng; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và an sinh xã hội. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì.

2.1. Nông nghiệp

Sản xuất lúa: Diện tích gieo trồng lúa năm 2024 trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 153 nghìn ha, bằng 98,7% năm trước, trong đó lúa Xuân 81 nghìn ha, bằng 98,1%; lúa Mùa 72 nghìn ha, bằng 99,3%. Diện tích lúa năm nay giảm do một số địa phương tiếp tục chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp và sang các mô hình sản xuất khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như trồng cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản... Năng suất lúa cả năm ước đạt 56,4 tạ/ha, bằng 93,1% so với năm 2023 (lúa Xuân đạt 62,8 tạ/ha, tăng 0,1%; lúa Mùa đạt 49,2 tạ/ha, bằng 84,6%). Sản lượng lúa cả năm ước đạt 862,6 nghìn tấn, bằng 91,8% sản lượng năm 2023 (lúa Xuân đạt 508,7 nghìn tấn, bằng 98,2%; lúa Mùa đạt 353,9 nghìn tấn, bằng 84%) chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm và do tác động của cơn bão số 3 (YAGI) hồi đầu tháng 9/2024 gây mưa ngập ảnh hưởng nặng nề đến năng suất và sản lượng cây lúa vụ Mùa.

Cây hàng năm khác: Năm 2024, diện tích trồng ngô ước đạt 12,1 nghìn ha, bằng 99,5% năm 2023; năng suất đạt 49,8 tạ/ha, bằng 94,2%; sản lượng đạt 60,3 nghìn tấn, bằng 93,8%. Cây khoai lang: Diện tích ước đạt 1,3 nghìn ha, bằng 99,7%; năng suất 95 tạ/ha, tăng 3%; sản lượng 12,5 nghìn tấn, tăng 2,8%. Cây đậu tương: Diện tích ước đạt 1,2 nghìn ha, bằng 99,4%; năng suất 18 tạ/ha, tăng 0,5%; sản lượng 2,2 nghìn tấn, bằng 99,9%. Cây lạc: Diện tích ước đạt 2,1 nghìn ha, bằng 93,8%; năng suất 23 tạ/ha, bằng 98,4%; sản lượng 4,8 nghìn tấn, bằng 92,3%. Cây rau: Diện tích ước đạt 34 nghìn ha, bằng 98,2%; năng suất 219,4 tạ/ha, bằng 99,4%; sản lượng 745 nghìn tấn, bằng 97,6%.

Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm ước đạt 22,9 nghìn ha, bằng 96,1% năm trước, trong đó diện tích cây ăn quả đạt 19,4 nghìn ha, bằng 96,4%; cây lấy quả chứa dầu 24 ha, tăng 8,8%; cây chè 1,9 nghìn ha, bằng 94,6%; cây gia vị, dược liệu 227 ha, bằng 94,2%; cây lâu năm khác 1,4 nghìn ha, bằng 94,4%. Nhìn chung, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn Thành phố năm 2024 gặp nhiều khó khăn, trong đó ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm giảm diện tích cây trồng hiện có và giảm diện tích cây cho sản phẩm dẫn đến giảm sản lượng thu hoạch vào những tháng cuối năm như chuối, đu đủ, ổi, bưởi và nhóm cây cảnh lâu năm...; bên cạnh đó, thời tiết có mưa phùn, lạnh ẩm không thuận lợi cho nhóm cây xoài, nhãn, vải trong quá trình cây ra hoa, đậu quả làm sản lượng thu hoạch của nhóm cây này giảm mạnh: Diện tích cây xoài hiện có 413 ha, bằng 99,9% năm 2023; sản lượng ước đạt 2,2 nghìn tấn, bằng 55,8%. Mít 1,1 ngìn ha, tăng 1%; sản lượng 14 nghìn tấn, tăng 4,7%. Ổi 2,2 nghìn ha, tăng 2%; sản lượng 33,4 nghìn tấn, bằng 98,8%. Bưởi 7,5 nghìn ha, bằng 97,3%; sản lượng 115,2 nghìn tấn, bằng 98,9%; …

Tiến độ gieo trồng cây vụ Đông: Tính đến cuối tháng Mười Hai, toàn Thành phố đã trồng được 5,6 nghìn ha ngô, bằng 101% cùng kỳ năm trước; 796 ha khoai lang, bằng 89,2%; 679 ha đậu tương, bằng 94,2%; 172 ha lạc, bằng 76,4%; 14,6 nghìn ha rau, tăng 1,4%. Hiện nay, thời tiết tương đối thuận lợi tạo điều kiện cho cây màu sinh trưởng và phát triển; cây rau vụ Đông bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch.

Chăn nuôi: Năm 2024, hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt; tổng đàn vật nuôi giữ ổn định, các cơ sở, trang trại bám sát diễn biến của thị trường nên có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm của người dân Thủ đô. Đàn trâu hiện có 29,6 nghìn con, tăng 1,4% so với năm 2023; đàn bò 124 nghìn con, giảm 2,4%; đàn lợn 1,5 triệu con, tăng 1,7%; đàn gia cầm 42,3 triệu con, tăng 1,9% (trong đó đàn gà 28,4 triệu con, tăng 1,9%). Tính chung cả năm 2024, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 2,1 nghìn tấn, tăng 2% so với năm 2023; thịt bò 10,6 nghìn tấn, giảm 0,1%; sản lượng sữa bò 44,9 nghìn tấn, tăng 1,9%; thịt lợn 262,4 nghìn tấn, tăng 3,5%; thịt gia cầm 168,3 nghìn tấn, tăng 3,7% (trong đó thịt gà 126,5 nghìn tấn, tăng 4,1%); trứng gia cầm 2.965 triệu quả, tăng 5,1%.

2.2. Lâm nghiệp và thủy sản

Lâm nghiệp: Trong tháng Mười Hai, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,2 nghìn m3, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng củi khai thác đạt 77 ste, tăng 4,1%. Tính chung năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 119 ha, giảm 2,5% so với năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 630 nghìn cây, tăng 0,6%; sản lượng gỗ đạt 22,9 nghìn m3, giảm 4%; sản lượng củi đạt 832 ste, tăng 3,7%.

Năm 2024, thành phố Hà Nội có 20,3 nghìn ha đất lâm nghiệp có rừng, chiếm 6,1% tổng diện tích đất toàn Thành phố, phân bố chủ yếu ở huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Trong năm, trên địa bàn Thành phố xảy ra 9 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 9,7 ha, chủ yếu là cháy thảm thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt 24 nghìn ha (chủ yếu là diện tích nuôi cá), tăng 2,1% so với năm trước. Trong thời gian qua một số địa phương tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng cây hàng năm không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái và thích ứng biến đổi khí hậu. Các mô hình nuôi trồng hữu cơ và áp dụng tiêu chuẩn GAP được khuyến khích nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, nuôi thâm canh nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích mặt nước.

Sản lượng thủy sản tháng Mười Hai ước đạt 16,7 nghìn tấn (chủ yếu là sản lượng cá), tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 16,7 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khai thác 67 tấn, giảm 1,5%. Tính chung cả năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 132,3 nghìn tấn, tăng 3,7%, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 130,7 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khai thác đạt 1.675 tấn, giảm 0,6%.

3. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 có xu hướng phục hồi tích cực quý sau cao hơn quý trước, 4/4 ngành công nghiệp cấp 1 tăng so với năm trước, nhiều đơn hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tăng khá. Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; chỉ số tiêu thụ tăng 8,2%; chỉ số tồn kho cuối năm 2024 giảm 11,5% so với cuối năm 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Mười Hai ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% và tăng 7,2%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,3% và tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 0,4% và tăng 8,4%; ngành khai khoáng tăng 0,4% và giảm 0,9%.

Ước tính quý IV/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,9%; khai khoáng tăng 0,7%. Một số ngành IIP quý IV tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 35,5%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 14,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 12,7%; dệt tăng 8,8%. Hai ngành IIP giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 1,5%; in, sao chụp bản ghi giảm 0,6%.

Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với năm 2023, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,6%; khai khoáng tăng 0,5%. Trong năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng khá so với năm trước: Sản xuất máy móc thiết bị tăng 27,4%; sản xuất trang phục tăng 9,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 8%. Tuy nhiên, một số ngành chế biến, chế tạo chỉ số IIP giảm so với năm trước: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 3,9%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 0,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc giảm 0,1%.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Hai tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024 chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 8,2% so với năm 2023, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng: Máy móc, thiết bị tăng 30%; dệt tăng 29,3%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,7%; sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 9,2%; xe có động cơ tăng 8,2%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,2%; trang phục tăng 6,4%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 31,8%; da và sản phẩm liên quan giảm 20,5%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 7,9%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 1,7%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm cuối năm 2024 giảm 11,5% so với cuối năm 2023, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: In, sao chép bản ghi giảm 51,7%; da và sản phẩm liên quan giảm 49,8%; đồ uống giảm 40,5%; thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 39,3%; dệt giảm 36,2%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng: Sản phẩm từ kim loại tăng 17,8%; thuốc lá tăng 14,7%; sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 11,7%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 9,8%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 12/2024 ước tính tăng 0,5% so với cuối tháng trước và tăng 1,6% so với cùng thời điểm năm 2023. Tính chung cả năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,6% so với năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 1,5%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,3%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 0,9% so với năm trước; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành khai khoáng tăng 15,8%.

4. Đầu tư và xây dựng

Năm 2024, Thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư và đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các công trình, dự án trọng điểm kịp chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tính chung năm nay, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,7%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.

4.1. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố quý IV/2024 ước tính đạt 196,3 nghìn tỷ đồng, tăng 35,8% so với quý trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước đạt 79,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,3% tổng vốn đầu tư, tăng 49% và tăng 18,8%; vốn ngoài nhà nước đạt 105,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,6%, tăng 27,2% và tăng 7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 12 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,1%, tăng 37,5% và tăng 9,7%.

Chia theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý IV ước tính đạt 129,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng vốn đầu tư, tăng 41,4% so với quý trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 46,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,8%, tăng 26,2% và tăng 9,5%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,7%, tăng 36,9% và tăng 7,2%; bổ sung vốn lưu động đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7%, tăng 11,4% và tăng 8,9%; vốn đầu tư khác đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,1%, tăng 32,2% và tăng 3,5%.

Tính chung cả năm 2024, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố đạt 548,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023. Trong đó, vốn Nhà nước 208,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%; vốn ngoài nhà nước 305 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1%. Chia theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 349,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng vốn đầu tư và tăng 12,3% so với năm trước; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 140,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,7% và tăng 7,9%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 29,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,3% và tăng 6,6%; bổ sung vốn lưu động đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2% và tăng 7,9%; vốn đầu tư khác đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,2% và tăng 3,5%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng Mười Hai ước tính đạt 9.823 tỷ đồng, tăng 8,3% so với thực hiện tháng trước và tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính quý IV năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 26,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với thực hiện quý trước và tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 10,9 nghìn tỷ đồng, tăng 38,9% và tăng 34,4%; NSNN cấp huyện 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% và tăng 48,6%; NSNN cấp xã 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 41,8% và gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 72,3 nghìn tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 87,3% kế hoạch năm 2024, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 28,3 nghìn tỷ đồng, tăng 31% và đạt 78,4%; NSNN cấp huyện 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng 41,2% và đạt 93,7%; NSNN cấp xã 3,3 tỷ đồng, tăng 92,5% và đạt 99,6%.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong tháng 12/2024 thành phố Hà Nội thu hút 342,2 triệu USD vốn FDI, trong đó: 44 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 57,9 triệu USD; có 22 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 15,4 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 50 lượt, đạt 269 triệu USD. Tính chung cả năm 2024, Hà Nội thu hút 2.162 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 293 dự án với số vốn đạt 1.212 triệu USD; 205 dự án bổ sung tăng vốn với 297 triệu USD; 279 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 652 triệu USD.

4.2. Hoạt động xây dựng

Trong năm, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tại các doanh nghiệp, hộ dân cư trên địa bàn hoạt động xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, văn phòng làm việc, công trình nhà ở được khẩn trương thực hiện. Tính chung cả năm 2024 giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 6,21% so với năm 2023, trong đó quý I tăng 5,17%; quý II tăng 5,83%; quý III tăng 6,21%; quý VI tăng 6,87%. 

Năm 2024 thành phố Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó: 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng). Lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn. Trong năm, Thành phố đã tổ chức khởi công và khánh thành các dự án gắn biển các công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong đó 12 công trình tiêu biểu tổ chức gắn biển trong đợt cao điểm. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, tập trung thực hiện các công trình trọng điểm của Thành phố với nguyên tắc các công trình trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn theo tiến độ thực hiện, trong đó tập trung bố trí vốn các dự án công trình trọng điểm chuyển tiếp, dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thành phố:

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt Sông Hồng, Sông Đuống và 8 nút giao khác. Sau hơn 1 năm khởi công, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 12,1% kế hoạch vốn.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 47,4% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 10,8% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 12,5% kế hoạch vốn.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội: Có mức đầu tư 16,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, 84,1% vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270 nghìn m³/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha. Đến nay hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy trên để xử lý đã cơ bản hoàn thành, ngày 01/12/2024 Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm trong thời gian 6 tháng.

5. Hoạt động của doanh nghiệp

Năm 2024 là năm nội lực của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do Covid-19, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm và gần đây là ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi). Các đơn hàng, dòng tiền, thông tin thị trường, tiếp cận vốn vay... vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Tính chung cả năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 7,2% so với năm trước, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 18%, doanh nghiệp giải thể tăng 28,9%.

5.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng Mười Hai, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.187 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 29,1 nghìn tỷ đồng, giảm 11,9%; 633 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,7%; 998 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 14,8%; 486 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,6%.

Tính chung năm 2024, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 29,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 303 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14,4% vốn đăng ký so với năm 2023; có 9,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 13%; gần 23,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18%; 4,8 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 28,9%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2024 cho thấy: Có 32% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn quý III; 47,1% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 20,9% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Những tháng đầu năm tới, do nhiều ngày làm việc trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ nên hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dự báo xu thế kinh doanh trong quý I/2025 như sau: Có 22,2% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý I/2025 sẽ tiếp tục tốt hơn so với quý IV/2024; 52,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 24,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Chia theo loại hình kinh tế, có 84,2% doanh nghiệp khu vực Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2025 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn FDI lần lượt là 74,3% và 75,9%.

6. Thương mại, dịch vụ và du lịch

6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Năm 2024, lĩnh vực thương mại, dịch vụ vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Thành phố, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 853,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 63,2% tổng mức và tăng 11%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Hai ước tính đạt 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 49,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 14,7%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 32,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 11,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 15 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 11,7%.

Ước tính quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 231,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với quý trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9% và tăng 11,2%; khách sạn, nhà hàng tăng 4% và tăng 12,8%; du lịch lữ hành giảm 6,1% và tăng 17,5%; dịch vụ khác tăng 5,7% và tăng 7,3%.

Tính chung cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 853,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng mức và tăng 11% so với năm trước (đá quý, kim loại quý tăng 35,3%; lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,7%; xăng dầu tăng 8,9%; ô tô con tăng 8,8%; hàng may mặc tăng 8,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 8,1%; hàng hóa khác tăng 15,3%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 117,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng mức và tăng 11,7% (dịch vụ lưu trú đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,5% và tăng 31,2%; dịch vụ ăn uống đạt 104,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 9,6%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 27,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 34,3%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 168,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,8% và tăng 6,8% (hành chính, văn phòng tăng 9,6%; giáo dục và đào tạo tăng 9%; dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 9%; dịch vụ y tế tăng 7,5%).

6.2. Vận tải và bưu chính chuyển phát

Hoạt động vận tải và bưu chính chuyển phát tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Tổng doanh thu hoạt động vận tải và bưu chính chuyển phát năm 2024 ước đạt 223,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023, trong đó vận chuyển hành khách tăng 16,1%; vận tải hàng hóa tăng 14,3%.

Vận chuyển hành khách: Số lượt hành khách vận chuyển tháng Mười Hai ước đạt 37,7 triệu lượt người, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1,1 tỷ lượt người.km, tăng 1,4% và tăng 8,2%; doanh thu ước tính đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 15,9%.

Ước tính quý IV, số lượt hành khách vận chuyển đạt 111,5 triệu lượt người, tăng 4,4% so với quý trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 3,3 tỷ lượt người.km, tăng 5,1% và tăng 7,4%; doanh thu đạt 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% và tăng 15,1%. Tính chung năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 424,6 triệu lượt người, tăng 14% so với năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 12,7 tỷ lượt người.km, tăng 11,8%; doanh thu đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1%.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Mười Hai ước tính đạt 147 triệu tấn, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 14,4 tỷ tấn.km, tăng 1,7% và tăng 14,3%; doanh thu ước tính đạt 8,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 14,8%.

Ước tính quý IV, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 434,9 triệu tấn, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 42,2 tỷ tấn.km, tăng 6,9% và tăng 13,1%; doanh thu đạt 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% và tăng 13,9%. Tính chung cả năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,6 tỷ tấn, tăng 15% so với năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 159,1 tỷ tấn.km, tăng 12,7%; doanh thu đạt 93,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3%.

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải tháng Mười Hai ước tính đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý IV năm 2024 ước đạt 27,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với quý trước và tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, doanh thu đạt 94,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm trước.

Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng Mười Hai ước tính đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý IV năm 2024 ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước và tăng 22% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2024, doanh thu đạt 13,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm trước.

6.3. Du lịch

Năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp tục được các Tổ chức du lịch uy tín trên thế giới bình chọn, vinh danh với nhiều giải thưởng lớn. Điều này cho thấy Hà Nội là điểm đến du lịch hàng đầu đối với du khách trong và ngoài nước; khẳng định vị trí quan trọng và sự vươn lên mạnh mẽ của du lịch Thủ đô trên bản đồ quốc tế. Tính chung cả năm, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,5 triệu lượt người, tăng 28,2% so với năm trước.

Khách quốc tế tháng Mười Hai ước tính đạt 500 nghìn lượt người, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; ước tính quý IV/2024 đạt 1.396 nghìn lượt người, tăng 42,2% so với quý trước và tăng 26,7% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2024, khách quốc tế đạt 4.512 nghìn lượt người, tăng 35,4% so với năm 2023. Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc đạt 515,5 nghìn lượt người, tăng 8,9%; Trung Quốc 507,3 nghìn lượt người, tăng 64,1%; Mỹ 283,4 nghìn lượt người, tăng 19,3%; Nhật Bản 269,9 nghìn lượt người, tăng 22,6%; Anh 230,5 nghìn lượt người, tăng 37,4%; Pháp 210,7 nghìn lượt người, tăng 51,1%; Đức 156,8 nghìn lượt người, tăng 44,2%; Ma-lai-xi-a 122,7 nghìn lượt khách, tăng 6,2%; Xin-ga-po 109 nghìn lượt người, tăng 5%; Thái Lan 72,2 nghìn lượt người, giảm 24,8%.

Khách nội địa tháng Mười Hai ước tính đạt 187 nghìn lượt người, tăng 3% so với tháng trước và tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước; ước tính quý IV năm 2024 đạt 546 nghìn lượt người, tăng 6% so với quý trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2024, khách nội địa đạt 1.954 nghìn lượt người, tăng 14,2% so với năm 2023.

Năm 2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.035 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 493 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 08 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 6.198 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.299 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 158 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động. Đồng thời có 3.761 cơ sở lưu trú du lịch với 71,3 nghìn phòng; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn cả năm ước đạt 62%, tăng 2,9% so với năm trước. Tính đến cuối tháng 12/2024, có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trong đó 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm; 07 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí; 02 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

6.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Năm 2024, ghi nhận nỗ lực vượt bậc của hoạt động xuất nhập khẩu, Thành phố triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội cả năm đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 19,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu đạt 41 tỷ USD, tăng 9,4%. Kết quả này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Mười Hai ước tính đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 973 triệu USD, tăng 2% và tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 721 triệu USD, tăng 2,2% và tăng 19,4%. Trong tháng, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 256 triệu USD, tăng 46,9%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 233 triệu USD, tăng 10,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 186 triệu USD, tăng 22,5%; hàng nông sản đạt 119 triệu USD, tăng 1,5%; xăng dầu đạt 116 triệu USD, tăng 1,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 83 triệu USD, tăng 4,5%; hàng hóa khác đạt 428 triệu USD, tăng 16,5%. Bên cạnh đó có 2/12 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Hàng dệt may đạt 181 triệu USD, giảm 2,7%; điện thoại và linh kiện đạt 2 triệu USD, giảm 43,1%.

Ước tính quý IV kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 5,1 tỷ USD, tăng 0,3% so với quý III và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 19,1 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 8 tỷ USD, tăng 11,9%. Trong năm nay, một số nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm trước như: Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 2,8 tỷ USD, tăng 25,5%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,3 tỷ USD, tăng 23,4%;  hàng dệt may đạt 2,2 tỷ USD, tăng 7,7%; hàng nông sản đạt 1,5 tỷ USD, tăng 33,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 816 triệu USD, tăng 4,9%; hàng hóa khác đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12,9%. Bên cạnh đó, có 2/12 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm trước: Xăng dầu đạt 1,4 tỷ USD, giảm 0,4%; giầy dép và sản phẩm từ da đạt 369 triệu USD, giảm 5,8%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười Hai ước tính đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 2,2% và tăng 3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 615 triệu USD, tăng 2,4% và tăng 19,1%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 763 triệu USD, tăng 11,4%; xăng dầu đạt 325 triệu USD, tăng 22,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 283 triệu USD, tăng 62,2%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 265 triệu USD, tăng 17,6%; sắt thép đạt 198 triệu USD, tăng 30,5%; chất dẻo đạt 146 triệu USD, tăng 44,1%; kim loại đạt 139 triệu USD, tăng 20,3%; ngô đạt 101 triệu USD, tăng 12,5%; sản phẩm hóa chất đạt 81 triệu USD, tăng 3,2%. Riêng nhóm hàng hóa khác kim ngạch nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ.

Ước tính quý IV/2024 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 11,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với quý III và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 41 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 9,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,8 tỷ USD, tăng 8,5%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn trong năm nay: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 7,4 tỷ USD, tăng 16,5%; xăng dầu đạt 4,6 tỷ USD, giảm 11,2%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,7 tỷ USD, tăng 16,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,6 tỷ USD, tăng 42%; sắt thép đạt 2,2 tỷ USD, tăng 23,2%; kim loại đạt 1,5 tỷ USD, tăng 44,6%; chất dẻo đạt 1,4 tỷ USD, tăng 11,5%; hàng hóa khác đạt 14 tỷ USD, tăng 3,6%.

7. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 2,9% so với tháng 12/2023. CPI bình quân quý IV tăng 2,39% so với bình quân cùng kỳ; bình quân năm 2024 tăng 4,25% so với bình quân năm 2023.

Chỉ số giá tiêu dùng, tháng 12/2024 có 9/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước, trong đó tác động nhiều nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 11,8% (tác động làm tăng CPI chung 0,6%) do ngày 10/12/2024 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ra Nghị quyết 45/2024/NQ-HĐND Quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội quản lý theo đó giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố sẽ điều chỉnh tăng áp dụng mức giá mới. Nhóm giao thông tăng 0,79% (tác động làm tăng CPI chung 0,08%) do bình quân trong tháng giá xăng tăng 1,23%; giá dầu diezen tăng 0,44%. Bên cạnh đó, do nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng nên các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng so với tháng trước, tuy nhiên mức tăng nhẹ không tác động nhiều đến CPI chung: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,40%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,32%; nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,30%; thiết bị, đồ dùng gia đình, đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%. Cũng trong tháng Mười Hai, 2/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống giảm 0,23%, tác động làm CPI giảm 0,07% chủ yếu do giá thực phẩm giảm 0,53% (trong đó thịt gia cầm giảm 0,7%; các mặt hàng rau tươi, khô và chế biến giảm mạnh 5,65%). Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Bình quân quý IV/2024, CPI tăng 2,39% so với bình quân quý IV/2023, trong đó 8/11 nhóm hàng có CPI tăng: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 11,27%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,02%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,42%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 3,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,64%. Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân quý IV giảm so với bình quân cùng kỳ: Nhóm giáo dục giảm 7,59%; giao thông giảm 2,33%; bưu chính viễn thông giảm 0,95%.

Tính chung cả năm 2024, CPI bình quân tăng 4,25% so với bình quân năm 2023, trong đó 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng: Nhóm giáo dục tăng 15,64% (tác động làm CPI bình quân chung năm nay tăng 1,24%) do 3 tháng đầu năm 2024 các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,39% (tác động làm CPI tăng 0,33%). Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,12% (tác động làm CPI tăng 1,24%) do giá nước sạch tăng 25,19%; giá điện tăng 7,72%; giá nhà thuê tăng 8,31%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,33% (tác động làm CPI tăng 1,03%) do giá lương thực tăng 10,31% (trong đó giá gạo tăng 13,91%); thực phẩm tăng 2,52%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,94%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,38% (tác động làm CPI tăng 0,05%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,67% (tác động làm CPI tăng 0,10%); văn hóa, giải trí, du lịch tăng 1,65% (tác động làm CPI tăng 0,08%); giao thông tăng 0,52% (tác động làm CPI tăng 0,05%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19% (tác động làm CPI tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,47% (tác động làm CPI tăng 0,23%) chủ yếu do giá vàng cao dẫn đến giá đồ trang sức tăng 32,54% và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 25,32%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,19% (tác động làm CPI giảm 0,04%).

Chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 2,60% so với tháng trước, tăng 36,22% so với tháng 12/2023. Bình quân quý IV/2024 chỉ số giá vàng tăng 42,76% so với bình quân cùng kỳ quý IV/2023. Bình quân năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 32,93% so với bình quân năm 2023.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2024 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 4,35% so với tháng 12/2023. Bình quân quý IV/2024 chỉ số giá USD tăng 3,27% so với bình quân quý IV/2023. Bình quân năm 2024, chỉ số giá USD tăng 4,84% so với bình quân năm 2023.

8. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán

Thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đạt kết quả tích cực, lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng, tăng 24,7% dự toán Thành phố giao và tăng 23,8% so với năm trước. Chi ngân sách địa phương bảo đảm kịp thời cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.

8.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 ước thực hiện 509,3 nghìn tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,8% so với năm 2023, trong đó: Thu nội địa 473,8 nghìn tỷ đồng, vượt 25,2% và tăng 24,3%; thu từ dầu thô 4,8 nghìn tỷ đồng, vượt 58,8% và tăng 5,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 30,4 nghìn tỷ đồng, vượt 12,7% và tăng 25,4%.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa năm 2024: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 71,6 nghìn tỷ đồng, vượt 1,4% dự toán năm và tăng 7% so với năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 31,6 nghìn tỷ đồng, vượt 18,3% và tăng 11,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 91,9 nghìn tỷ đồng, vượt 16,9% và tăng 22%; thuế thu nhập cá nhân 49 nghìn tỷ đồng, vượt 19,4% và tăng 23,7%; thu tiền sử dụng đất 41,8 nghìn tỷ đồng, vượt 15,7% và gấp 2,8 lần cùng kỳ; thu phí và lệ phí 24,3 nghìn tỷ đồng, vượt 24,4% và tăng 21,3%; thu lệ phí trước bạ 7,9 nghìn tỷ đồng, vượt 21,6% và tăng 17,7%.

Chi ngân sách địa phương năm 2024 ước thực hiện 112,1 nghìn tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán năm và tăng 1,4% so với năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 56,6 nghìn tỷ đồng, đạt 73,5% và bằng 99,3%; chi thường xuyên 55,4 nghìn tỷ đồng, đạt 96,7% và tăng 3,7%.

Một số lĩnh vực chi chủ yếu trong chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2024: Chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện 20,3 nghìn tỷ đồng, vượt 15,5% dự toán và tăng 14,7% so với năm trước; chi quản lý hành chính Nhà nước 9,4 nghìn tỷ đồng, vượt 7% và tăng 14,2%; chi hoạt động sự nghiệp kinh tế 8,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,9% và bằng 74,4%; chi đảm bảo xã hội 5,3 nghìn tỷ đồng, đạt 99,6% và tăng 25,7%; chi y tế, dân số và gia đình 3,4 nghìn tỷ đồng, vượt 4,7% và bằng 85,9%; chi bảo vệ môi trường 2,3 nghìn tỷ đồng, đạt 72,8% và tăng 2,8%.

8.2. Tín dụng ngân hàng

Tình hình thực hiện lãi suất: Trong năm 2024, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, lãi suất huy động tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp. Thời điểm tháng 12/2024 lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1 - 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,2 - 6,1%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Các NHTM trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí, thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Hoạt động huy động vốn: Ước đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.805 nghìn tỷ đồng, tăng 0,65% so với cuối tháng trước và tăng 8,8% so với thời điểm 31/12/2023, trong đó tiền gửi đạt 5.105 nghìn tỷ đồng, tăng 0,51% và tăng 9,33%; phát hành giấy tờ có giá đạt 700 nghìn tỷ đồng, tăng 1,65% và tăng 5,13%.

Hoạt động tín dụng: Ước đến 31/12/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 4.331 nghìn tỷ đồng, tăng 0,83% so với cuối tháng trước và tăng 19,74% so với thời điểm 31/12/2023, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.854 nghìn tỷ đồng, tăng 1,03% và tăng 23,21%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.477 nghìn tỷ đồng, tăng 0,68% và tăng 17,26%. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,72% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 12,77% trong tổng dư nợ; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,88%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,13%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,31%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%, cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.

8.3. Thị trường chứng khoán

Tính đến hết ngày 25/12/2024, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.199 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 313 doanh nghiệp và Upcom có 886 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 623,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1% so với cuối tháng trước và tăng 4,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó HNX đạt 158,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tháng trước và giảm 0,6%; Upcom đạt 464,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1% và tăng 6%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/12/2024 đạt 1.964 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối tháng trước và tăng 42,3% so với cuối năm trước, trong đó HNX đạt 349,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% và tăng 7,1%; Upcom đạt 1.614,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% và tăng 53,2%.

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tính đến hết giao dịch ngày 25/12/2024, khối lượng trung bình 1 ngày/tháng đạt 54,9 triệu CP được chuyển nhượng, tăng 13,8% so với trung bình 1 ngày/tháng trước và giảm 37,7% so với trung bình 1 ngày/tháng cuối năm trước; giá trị giao dịch đạt 1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% và giảm 41,4%. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trung bình 1 ngày/tháng đạt 48,8 triệu CP, tăng 19,8% và giảm 39,7%; giá trị đạt 0,9 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8% và giảm 43,8%. Tính đến hết giao dịch ngày 25/12, khối lượng giao dịch chung năm 2024 đạt 18 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 356,1 nghìn tỷ đồng, giảm 25,9% khối lượng và giảm 13,5% giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Mười Một, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 172 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 26 mã giao dịch; cá nhân 146 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới 11 tháng năm 2024 đạt 1.565 nghìn tài khoản.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động và giải quyết việc làm

Năm 2024 dân số trung bình Thành phố Hà Nội ước đạt 8,7 triệu người, tăng 1,5% so với năm 2023. Thị trường lao động việc làm có chuyển biến tích cực, số lao động được giải quyết việc làm trong năm tăng 5,4% so với năm trước; tỉ lệ thất nghiệp toàn Thành phố 1,7%, giảm 0,3 điểm %; thu nhập bình quân đầu người tăng 9,9%.

Dân số trung bình trên địa bàn Thành phố năm 2024 ước tính đạt 8.718 nghìn người, tăng 1,5% so với năm 2023, trong đó dân số khu vực thành thị 4.281 nghìn người, chiếm 49,1% tổng dân số và tăng 1,6%; dân số khu vực nông thôn 4.437 nghìn người, chiếm 50,9% và tăng 1,4%. Chia theo giới tính dân số nam 4.336 nghìn người, chiếm 49,7% và tăng 1,7% so với năm 2023; dân số nữ 4.382 nghìn người, chiếm 50,3% và tăng 1,4%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia vào hoạt động kinh tế là 4.165 nghìn người, trong đó 4.117 nghìn người đang làm việc làm, tăng 2,2% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của một nhân khẩu 7.546 nghìn đồng/tháng, tăng 9,9%.

Trong năm 2024, tình hình lao động việc làm trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, Hà Nội đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập. Theo kết quả sơ bộ Điều tra lao động việc làm năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp toàn Thành phố là 1,70%, giảm 0,31 điểm % so với năm trước, trong đó khu vực Thành thị là 2,54%, giảm 0,43 điểm %; khu vực nông thôn là 0,90%, giảm 0,21 điểm %.

Trong năm, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 225,9 nghìn lao động, đạt 139,9% kế hoạch năm, tăng 5,4% so với năm trước, trong đó Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố vay với số tiền là 3.990 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 53,8 nghìn lao động; đưa 4,9 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; hơn 19 nghìn lao động được tuyển dụng sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; hơn 148,2 nghìn lao động được cung ứng dịch vụ việc làm của doanh nghiệp và hình thức khác. Cũng trong năm 2024, Thành phố quyết định trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 76,8 nghìn người với số tiền 2.386 tỷ đồng (giảm 11% số người và giảm 1,2% số tiền trợ cấp so với năm 2023); hỗ trợ học nghề cho 1.150 người bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 4,6 tỷ đồng. 

2. Bảo đảm an sinh xã hội

Năm 2024, Thành phố và các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách xã hội đối với người có công; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ người gặp khó khăn đột xuất. Công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô tiếp tục được quan tâm chú trọng.

Công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội

: Năm 2024 tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 11,3 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan. Tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố là 2.521 tỷ đồng, trong đó thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 78,5 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 2.169 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 185 tỷ đồng; chi quà và chế độ ngày Lễ, Tết 71 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 96 tỷ đồng.

Công tác trợ giúp xã hội và hỗ trợ đột xuất: Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 203 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các quận, huyện, thị xã đã chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch cho các đối tượng với tổng kinh phí chi trả cả năm là 1.757 tỷ đồng. Tại các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.102 người (gồm người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,76 triệu đồng/người/tháng, trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng và chi khác 350 nghìn đồng/tháng. Bên cạnh đó, công tác thăm hỏi và hỗ trợ đột xuất từ đầu năm đến nay là 1,2 tỷ đồng.

Về thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa: Trong năm, Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 38,5 tỷ đồng, vượt 68,5% kế hoạch; tặng 2.030 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5,7 tỷ đồng, vượt 63,1% kế hoạch; tu sửa nâng cấp 63 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 166 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch; vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 209 nhà ở cho người có công với cách mạng với kinh phí 8,6 tỷ đồng, vượt 57,1 % kế hoạch. Thực hiện chăm sóc, điều dưỡng người có công và thân nhân tại các cơ sở tập trung là 20,4 nghìn người với kinh phí 95,9 tỷ đồng; tại nhà 35,5 nghìn lượt người, kinh phí 65,6 tỷ đồng; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, 57/57 Mẹ Việt Nam anh hùng đang được các cơ quan đơn vị phụng dưỡng.

Các chính sách và giải pháp giảm nghèo bền vững tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện toàn diện: Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2024, trong năm Thành phố có 690 hộ thoát nghèo, vượt 81,6% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 còn 0% theo chuẩn nghèo của Thành phố, chỉ tiêu về giảm nghèo đã về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025; số hộ cận nghèo là 9.928 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,43% (nếu so với chuẩn nghèo Trung ương thì số hộ cận nghèo của Hà Nội còn 890 hộ, tỷ lệ 0,04%). Bên cạnh đó, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", hưởng ứng Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí 265 tỷ đồng.

3. Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội

Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2024 tiếp tục được Thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng, vượt chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao.

Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội, tính đến 31/12/2024 trên địa Thành phố tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 95,3% dân số (vượt 0,8% kế hoạch năm) với 8.170 nghìn người tham gia, tăng 2,5% so với thời điểm 31/12/2023. Có 2.151 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 46% lực lượng trong độ tuổi lao động (vượt 1% kế hoạch năm), tăng 4,5% so với cuối năm 2023. Hơn 107 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chưa bao gồm các trường hợp đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH), chiếm 2,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,4% kế hoạch, tăng 21,2% so với cuối năm trước. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 2.070 nghìn người, chiếm 44,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 4,2% kế hoạch, tăng 4,7%.

Tính đến cuối năm 2024, tổng số tiền thu từ BHXH, BHYT, BHTN là 69 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023, vượt 2,6% kế hoạch năm. Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN là 77,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm trước, trong đó: Chi lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng là 45,4 nghìn tỷ đồng; chi khám chữa bệnh BHYT 25,8 nghìn tỷ đồng.

 4. Giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Năm 2024, Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục chủ động, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học; chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn Thành phố đạt 99,8%, tăng 4 bậc so với năm 2023. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 65,1%.

Ngay từ đầu năm 2024, Thành phố đã chuẩn bị tốt các điều kiện về chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, mua sắm bổ sung tài sản, thiết bị dạy học cho các trường, trong đó đặc biệt ưu tiên các trường thành lập mới, xây dựng mới và các trường công nhận lại chuẩn quốc gia. Trong năm học này, toàn Thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường so với năm học trước), 01 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với 70,2 nghìn lớp học, 2.238 nghìn học sinh (tăng khoảng 48 nghìn học sinh) và 130 nghìn giáo viên.  Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 105 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; 09 văn phòng đại diện nước ngoài; 946 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 105 trung tâm bồi dưỡng kỹ năng. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 65,1% (công lập 80,4%), trong đó tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia của các cấp học: Mầm non là 56,6% (công lập 79,8%); Tiểu học 73,1% (công lập 77,7%); Trung học cơ sở 81,7% (công lập 87,6%); Trung học phổ thông 37,1% (công lập 67,2%).

Chất lượng giáo dục, đào tạo Hà Nội luôn được giữ vững. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp toàn Thành phố đạt 99,8%, tăng 0,24% so với năm 2023, có 194 trường trong tổng số 269 trường tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% (tăng 54 trường so với năm 2023). Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT tổ chức ngày 05 và 06/01/2024, Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải với 184 giải (14 giải nhất, 61 giải nhì, 54 giải ba và 55 giải khuyến khích), tăng 43 giải so với năm học trước, năm thứ 12 liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi Quốc gia; kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đoàn Hà Nội đạt 03 giải (2 giải nhất, 1 giải ba); kỳ thi Thiên văn và Vật lý Thiên văn quốc tế lần thứ 17 tại Brazil giành 5 huy chương (2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng); kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) lần thứ 35 Hà Nội có 1 học sinh xuất sắc giành Huy chương Vàng và tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2024, Hà Nội cũng giành 1 Huy chương Vàng. Bên cạnh đó, Hà Nội có 7 dự án của học sinh tham gia cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp'' lần thứ VI, tất cả đã xuất sắc vượt qua hơn 700 dự án của các tác giả, nhóm tác giả trên toàn quốc với 2 dự án đạt giải Nhất, 2 dự án giải Nhì và 3 dự án giải Ba…

Về giáo dục nghề nghiệp, đến nay trên địa bàn Hà Nội có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề, trong đó: 66 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 38 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 132 doanh nghiệp, loại hình khác. Tính chung cả năm 2024, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 239,2 nghìn lượt người (trong đó 29,6 nghìn người trình độ cao đẳng; 28,2 nghìn người trình độ trung cấp; 181,4 nghìn người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng), vượt 1,8% kế hoạch tuyển sinh năm 2024, tăng 2,4% so với năm 2023. Có hơn 197 nghìn học sinh, sinh viên tốt nghiệp (cao đẳng 17,1 nghìn người; trung cấp 18,3 nghìn người; sơ cấp và dưới 3 tháng 161,6 nghìn người), tăng 0,5%. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong năm đã góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động tại Thành phố và các tỉnh lân cận.

5. Tình hình dịch bệnh

Trong năm 2024, trên địa bàn Thành phố dịch bệnh được kiểm soát tốt. Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan trong thời điểm giao mùa như Sốt xuất huyết Dengue, Tay chân miệng, Thủy đậu giảm so với năm 2023. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được Thành phố quan tâm thực hiện.

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát tốt, cụ thể: Bệnh Sốt xuất huyết Dengue ghi nhận 8.432 ca mắc, không có trường hợp nào tử vong, giảm nhiều so với năm trước (năm 2023 ghi nhận 33,5 nghìn ca mắc; 4 ca tử vong). Bệnh Tay chân miệng 2.448 ca mắc (năm 2023 ghi nhận 2.706 ca mắc). Bệnh thủy đậu 884 ca mắc (năm 2023 ghi nhận 2.096 ca mắc). Bệnh uốn ván 18 ca mắc, 1 ca tử vong (năm 2023 ghi nhận 25 ca mắc, 3 ca tử vong). Bệnh liên cầu lợn 10 ca mắc, 1 ca tử vong (năm 2023 ghi nhận 15 ca mắc, 2 ca tử vong). Ho gà 241 ca mắc (năm 2023 không ghi nhận ca mắc). Bệnh sởi 165 ca mắc (năm 2023 không ghi nhận). Ngoài ra từ đầu đầu năm có 3 ca não mô cầu và 2 ca mắc viêm não Nhật Bản. Các dịch bệnh khác được kiểm soát, Thành phố chưa ghi nhận trường hợp mắc

các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, tái nổi như Cúm A/H5N1, bệnh do vi rút Marburg, Ebola, Mers-CoV,

bệnh đậu mùa khỉ và viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn được Thành phố quan tâm, đẩy mạnh, tập trung cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội đầu năm 2025. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc dịp cuối năm 2024. Duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% xã, phường, thị trấn và các trường học trên địa bàn Thành phố.

6. Hoạt động văn hóa, thể thao

Năm 2024, Thành phố đã tổ chức 3.021 sự kiện văn hóa, thể thao; Thủ đô được bình chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam. Tại các di tích lịch sử thu hút lượng lớn khách đến tham quan và trải nghiệm với hơn 3,5 triệu lượt người, vượt kế hoạch năm, tăng 6,1% so với năm trước. Thể thao Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam.

Hoạt động văn hóa: Năm 2024, Thành phố đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Liên hoan phim quốc tế, các chương trình nghệ thuật với quy mô lớn. Công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục quan tâm; công tác quản lý Di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng, đưa di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô. Đặc biệt, dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), Thành phố đã ghi dấu ấn với người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế thông qua 2 sự kiến lớn: “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 35 hoạt động có ý nghĩa khác. Cùng với đó, Thành phố thực hiện tuyên truyền, cổ động trực quan bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên 17,6 nghìn m² pano; 24,1 nghìn chiếc banner; 30,9 nghìn Quốc kỳ, Đảng kỳ; 88 cụm cờ; 23 cụm mô hình; 22 cụm logo hợp hồng kỳ, 5 cụm cột cờ, 1.100 hồng kỳ, nhiều bài viết, hình ảnh đẹp được đăng trên trang thông tin điện tử hanoicreative.com và hanoidep.vn... tạo không khí vui tươi, phấn khởi, niềm tự hào dân tộc của người dân Thủ đô, cũng như du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Hà Nội.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, các di tích trên địa bàn Thành phố đã đón hơn 3,5 triệu lượt khách, tăng 6,1% so với năm trước; doanh thu phí 194 tỷ đồng, vượt 128% dự toán giao cả năm. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tổ chức 3.021 buổi biểu diễn, trong đó 516 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại; 2.505 buổi biểu diễn thu phí với số tiền 65,8 tỷ đồng, thu hút 1,1 triệu lượt khán giả.

Hoạt động thể thao: Trong năm 2024, thành phố Hà Nội đã cử đi tập huấn trong nước: 43 đoàn, 196 huấn luyện viên, 1.012 vận động viên, 3 chuyên gia; tập huấn quốc tế: 10 đoàn, 11 huấn luyện viên, 93 vận động viên. Bên cạnh đó đã cử đi thi đấu trong nước: 152 đoàn, 720 huấn luyện viên, 4.138 vận động viên, 9 chuyên gia, 8 trọng tài; cử đi thi đấu quốc tế: 28 đoàn, 34 huấn luyện viên, 186 vận động viên, 2 chuyên gia, 1 trọng tài. Tính chung cả năm 2024, thể thao thành tích cao Hà Nội đạt được 3.369 huy chương các loại, trong đó: 327 huy chương tại các giải đấu quốc tế (128 huy chương Vàng, 99 huy chương Bạc, 100 huy chương Đồng) và 3.042 huy chương trong nước (1.136 huy chương Vàng, 911 huy chương Bạc, 995 huy chương Đồng).

Trong thể thao quần chúng: Năm 2024 thành phố Hà Nội đã tổ chức 14 giải thể thao quần chúng, 28 giải thể thao các môn Hà Nội mở rộng và hội thi, hội thao, hội khỏe các ngành; tổ chức thi đấu 16 môn thể thao Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X với sự tham gia của 7.814 vận động viên, Ban tổ chức đã trao 370 huy chương Vàng, 365 huy chương Bạc, 671 huy chương Đồng cho các vận động viên xuất sắc trong các môn thi đấu; tổ chức thi đấu 12 môn thể thao hè năm 2024 với 4.577 vận động viên tham dự, trao 279 huy chương Vàng, 277 huy chương Bạc, 483 huy chương Đồng cho các vận động viên xuất sắc. Bên cạnh đó, đoàn thể thao Hà Nội tham gia các Giải thể thao quần chúng toàn quốc đạt 26 huy chương. Cũng trong năm, Thành phố tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn viên cứu hộ, cấp 127 giấy chứng nhận cứu hộ trên địa bàn Hà Nội; 1 lớp hướng dẫn viên người cao tuổi với 82 giấy chứng nhận cho hướng dẫn viên người cao tuổi trên địa bàn. Triển khai 28 lớp dạy bơi miễn phí của Thành phố tại 22 quận, huyện, thị xã cho 4,2 nghìn trẻ; chỉ đạo tổ chức các lớp bơi hè cấp quận, huyện, thị xã cho 35 nghìn trẻ em tại địa phương.

7. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Năm 2024, Thành phố tiếp tục bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm lễ hội, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, giải pháp, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Với quyết tâm chính trị cao nhất, công tác giữ gìn an ninh, trật tự được đảm bảo tuyệt đối an toàn, góp phần quan trọng cho các sự kiện chính trị, ngoại giao lớn của đất nước và Thủ đô.

Theo số liệu tổng hợp từ Công an Thành phố, trong tháng Mười Hai trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện 880 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ theo luật 933 đối tượng; phát hiện 10 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, bắt giữ 37 đối tượng; 3 vụ cờ bạc, bắt giữ 13 đối tượng; 40 vụ vi phạm pháp luật về ma túy, bắt giữ 66 đối tượng; 16 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 18 đối tượng, tổng thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng. Cộng dồn cả năm 2024, trên địa bàn Thành phố phát hiện 7,6 nghìn vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ theo luật hơn 7,6 nghìn đối tượng; gần 3,2 nghìn vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, bắt giữ 3,7 nghìn đối tượng; triệt phá 503 vụ cờ bạc, bắt giữ 2,4 nghìn đối tượng; phát hiện 3,1 nghìn vụ vi phạm pháp luật về ma túy, bắt giữ 4,9 nghìn đối tượng; xử lý 7,9 nghìn vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với hơn 7,9 nghìn đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước trên 47 tỷ đồng. 

Hà Nội với mật độ dân số cao và lưu lượng phương tiện lớn, Thành phố luôn đối mặt với những thách thức trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Trong tháng, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông làm 73 người chết và bị thương 96 người. Cộng dồn cả năm 2024, trên địa bàn Thành phố xảy ra 1.503 vụ tai nạn giao thông, làm 696 người chết và bị thương 1.228 người, trong đó: 1.483 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 681 người chết và bị thương 1.223 người; 20 vụ tai nạn đường sắt làm chết 15 người và bị thương 5 người (năm 2023 xảy ra 710 vụ tai nạn giao thông làm 370 người chết và 548 người bị thương). Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, từ ngày 15/12/2024 Công an thành phố Hà Nội đã triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông và phòng ngừa tội phạm. Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường trọng điểm, hạn chế tối đa tai nạn giao thông, bảo vệ an ninh trật tự những ngày cuối năm với lượng người và phương tiện tăng cao.

Về phòng chống cháy nổ, tháng Mười Hai trên địa bàn Thành phố xảy ra 112 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, trong đó có 21 vụ cháy trung bình và 90 vụ cháy nhỏ, các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh nguyên nhân và đánh giá thiệt hại về tài sản do các vụ cháy gây ra. Cộng dồn cả năm 2024, trên địa bàn Thành phố xảy ra 1.238 vụ cháy, nổ làm 26 người chết và 14 người bị thương (năm 2023 xảy ra 251 vụ cháy làm 72 người chết và 55 người bị thương).

Khái quát lại, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội cả nước và thành phố Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, năm 2024 kinh tế - xã hội Thành phố đã đạt những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, Cụ thể: GRDP tăng 6,52% vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt 24,7% dự toán và tăng 23,8% so với năm trước. Khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa đảm bảo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi nhưng vẫn duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; thị trường lao động việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo và cải thiện.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và chuẩn bị, củng cố các yếu tố tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức;  các cuộc xung đột quân chưa chấm dứt làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến khó lường; tình hình thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán, trái phiếu trong nước có tín hiệu tích cực song vẫn còn khó khăn; áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực… tác động trực tiếp đến kinh tế cả nước và Thủ đô Hà Nội. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và Quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, hiệu quả, khả thi để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển đô thị; tập trung xử lý, giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, không khí, hạ tầng giao thông.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Quan tâm thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp; dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích lịch sử.


Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng hạ tầng khu Công nghiệp. Thu hút đầu tư đối với các dự án mới có quy mô lớn, công nghệ cao, tạo nhân tố mới tiềm năng để sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng trưởng đột phá.

Bốn là, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, kiểm soát tốt giá cả hàng hóa; bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường; tăng cường kiểm tra phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn liền với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Năm là, các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu... Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Sáu là, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm tiêu dùng; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế. Bám sát khung thời vụ, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Tiếp tục phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bảy là, thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, lao động, việc làm; quan tâm, chăm sóc chu đáo đối với người có công, đối tượng trợ giúp xã hội, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách thường xuyên và đột xuất. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

File đính kèm