02438254 239 | hanoi@gso.gov.vn

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười Một và 11 tháng năm 2024

02/12/2024 20:22

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

Hoạt động trồng trọt trong tháng tập trung vào thu hoạch lúa, cây màu vụ Mùa và gieo trồng cây màu vụ Đông. Tính đến ngày 20/11/2024, toàn Thành phố đã thu hoạch xong 62,2 nghìn ha lúa vụ Mùa, bằng 85,9% (giảm 10,2 nghìn ha) so với vụ Mùa năm trước; năng suất lúa trên diện tích gieo trồng sơ bộ đạt 49,2 tạ/ha, giảm 8,9 tạ/ha (năng suất thu hoạch đạt 56,8 tạ/ha, giảm 1,3 tạ/ha) chủ yếu do tác động của cơn bão số 3 (YAGI) với cường độ mạnh, sức tàn phá lớn và hoàn lưu sau bão gây mưa ngập lụt tại một số địa phương làm ảnh hưởng nặng nề đến diện tích thu hoạch và năng suất cây trồng.

Tiến độ gieo trồng cây màu vụ Đông năm nay, tính đến trung tuần tháng Mười Một Thành phố đã trồng được 13,8 nghìn ha rau, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; 4,6 nghìn ha ngô, bằng 96,6%; 617 ha khoai lang, bằng 97,2%; 651 ha đậu tương, bằng 98,6%; 164 ha đậu, tăng 64%; 137 ha lạc, bằng 79,2%.

Trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với nguy cơ lây lan diện rộng và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có dịch bệnh xảy ra. Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn thịt, đồng thời tuyên truyền sâu, rộng đến các hộ chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và công tác phòng chống dịch.

Chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định, tiếp tục có sự phục hồi và tăng đàn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường những tháng cuối năm. Đàn trâu hiện có 29,5 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 124,5 nghìn con, giảm 2,4%; đàn lợn 1,48 triệu con, tăng 0,8%; đàn gia cầm 42,5 triệu con, tăng 1,4% (đàn gà 28,5 triệu con, tăng 1,9%). Tính chung 11 tháng năm 2024, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.953 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò đạt 9.726 tấn, giảm 0,1%; thịt lợn đạt 239,8 nghìn tấn, tăng 3,4%; thịt gia cầm đạt 153,9 nghìn tấn, tăng 3,6% (thịt gà 115,8 nghìn tấn, tăng 4%); trứng gia cầm 2.711 triệu quả, tăng 5%.

1.2. Lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ và lâm sản. Tháng Mười Một sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.110 m3, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng củi đạt 77 ste, tăng 4,1%. Tính chung 11 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 119 ha, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 630 nghìn cây, tăng 0,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 20,7 nghìn m3, giảm 3,8%; sản lượng củi đạt 755 ste, tăng 3,7%.

Sản lượng thủy sản tháng Mười Một ước đạt 11,6 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 11,5 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khai thác 111 tấn, giảm 1,8%. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 115,6 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 114 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khai thác 1.594 tấn, giảm 1,4%.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Mười Một ước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,6% và tăng 7,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 8,9% và tăng 7,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 2,1% và tăng 7,1%; ngành khai khoáng giảm 3,3% và giảm 4,3%. Ước tính 11 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,5%; công nghiệp khai khoáng tăng 0,3%.

Trong 11 tháng năm 2024, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,8%; sản xuất trang phục tăng 8,6%; chế biến thực phẩm tăng 8,1%; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%. Hai ngành sản xuất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 4,4%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 1,7%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 11/2024 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước giảm 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1%; khu vực Nhà nước tăng 1,6%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 1,1% (trong đó sản xuất chế biến thực phẩm giảm 19,2%; dệt giảm 8,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 6,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,9%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2%; ngành khai khoáng tăng 18,2%.

3. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng Mười Một ước tính đạt 8.920 tỷ đồng, tăng 11,2 % so với thực hiện tháng trước và tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 3.619 tỷ đồng, tăng 15,6% và tăng 36%; vốn NSNN cấp huyện 4.900 tỷ đồng, tăng 8,3% và tăng 67,3%; vốn NSNN cấp xã 401 tỷ đồng, tăng 9,2% và gấp 2,2 lần.

 Tính chung 11 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 62,3 nghìn tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 75,2% kế hoạch năm 2024, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 24,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32% và đạt 66,9%; vốn NSNN cấp huyện 35,4 nghìn tỷ đồng, tăng 39,9% và đạt 81,5%; vốn NSNN cấp xã 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 82,9% và đạt 83,7%.

Tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố:

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt Sông Hồng, Sông Đuống và 8 nút giao khác. Sau hơn 1 năm khởi công, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 11,6% kế hoạch vốn.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 43,6% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 10,1% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 11% kế hoạch vốn.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội: Có mức đầu tư 16,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, 84,1% vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270 nghìn m³/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha. Đến nay hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy trên để xử lý đã hoàn thành 90% khối lượng, ngày 01/12/2024 Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm.

4. Đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài

4.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng Mười Một, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.095 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, giảm 48,6%; 651 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7,1%; 1.074 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 7,7%; 434 doanh nghiệp giải thể, tăng 44,2%.

Tính chung 11 tháng năm 2024, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 27,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 276,7 nghìn tỷ đồng, giảm 6,9% về số lượng doanh nghiệp và giảm 13,8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 9,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 12,7%; 22,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18,2%; hơn 4,3 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 29,2%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

4.2. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Tháng Mười Một, thành phố Hà Nội thu hút 152 triệu USD vốn FDI, trong đó: 25 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 16,8 triệu USD; có 20 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 99 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 21 lượt, đạt 36,2 triệu USD.

Tính chung 11 tháng năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1,8 tỷ USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 258 dự án với số vốn đạt 1,2 tỷ USD; 180 lượt tăng vốn đầu tư với 283,2 triệu USD; 213 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 341,1 triệu USD.

5. Hoạt động thương mại, dịch vụ

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng, Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác bình ổn giá, liên kết vùng, xúc tiến thương mại, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thành phố đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, tiêu thụ, kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa, nông sản tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Nai, Cà Mau, Bạc Liêu; tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin kết nối sản phẩm các tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Bình Thuận, Trà Vinh…) đến các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội, góp phần đảm bảo cung - cầu hàng hóa tăng cao cuối năm và chuỗi sự kiện kích cầu tiêu dùng nội địa mua sắm dịp Black Friday 2024.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước tính đạt 80,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 50,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 12,8%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 5,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 33,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 11,2%.

Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 780,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 492,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,1% tổng mức và tăng 11,1% (đá quý, kim loại quý tăng 35,3%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13%; lương thực, thực phẩm tăng 12,8%; hàng may mặc tăng 10,5%; xăng dầu tăng 10%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 8,6%; ô tô con tăng 8,5%; hàng hóa khác tăng 12%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 107,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,7% và tăng 10,7% (dịch vụ lưu trú tăng 31,4%; dịch vụ ăn uống tăng 8,5%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 26,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4% và tăng 39,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 154,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,8% và tăng 6,8%.

5.2. Vận tải và bưu chính chuyển phát

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính chuyển phát tháng Mười Một ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng doanh thu ước đạt 203,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Vận chuyển hành khách: Tháng Mười Một, hoạt động vận chuyển hành khách tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 37 triệu lượt người, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1,1 tỷ lượt người.km, tăng 1,2% và tăng 6,4%; doanh thu ước tính đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 14,2%. Tính chung 11 tháng năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 386,7 triệu lượt người, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 11,5 tỷ lượt người.km, tăng 12,2%; doanh thu đạt 20,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1%.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Mười Một ước tính đạt 144,9 triệu tấn, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 14,2 tỷ tấn.km, tăng 3,2% và tăng 13,1%; doanh thu ước tính đạt 8,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 13,2%. Tính chung 11 tháng năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,5 tỷ tấn, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 144,8 tỷ tấn.km, tăng 12,6%; doanh thu đạt 84,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%.

Doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng Mười Một ước tính đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, doanh thu đạt 85,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng Mười Một ước tính đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, doanh thu đạt 12,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

5.3. Hoạt động du lịch

Những tháng cuối năm, ngành Du lịch Thủ đô đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa; các doanh nghiệp du lịch, lữ hành mở bán nhiều Chương trình Du lịch Tết Ất Tỵ 2025 với đa dạng sự lựa chọn và mức giá khuyến mãi tốt nhất thông qua việc khuyến khích đăng ký sớm, tạo sức hút khách đặt tour, tăng sức mua tour du lịch dịp nghỉ Lễ dài ngày cuối năm. Đồng thời, Thành phố xây dựng đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, Website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội.

Nhiều Chương trình Lễ hội lớn được tổ chức trong tháng như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội khơi gợi sự quan tâm, tìm hiểu và niềm tự hào của người dân và công chúng về di sản của Hà Nội; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, tạo nguồn lực phát triển, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, qua đó khẳng định vị thế của Hà Nội là điểm đến ẩm thực hấp dẫn tới bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng Mười Một ước đạt 677 nghìn lượt người, tăng 13,8% so với tháng trước và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 11 tháng năm 2024 khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 5.795 nghìn lượt người, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế tháng Mười Một ước đạt 495 nghìn lượt người, tăng 19% so với tháng trước và tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, khách quốc tế ước đạt 4.027 nghìn lượt người, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 462,1 nghìn lượt người, tăng 8,8%; Trung Quốc 455,9 nghìn lượt người, tăng 68,1%; Mỹ 254,7 nghìn lượt người, tăng 22,8%; Nhật Bản 240,9 nghìn lượt người, tăng 21,2%; Anh 212,2 nghìn lượt người, tăng 39%; Pháp 193,4 nghìn lượt người, tăng 52,9%; Đức 142,5 nghìn lượt người, tăng 46,1%; Ma-lai-xi-a 105,5 nghìn lượt khách, tăng 8,6%; Xin-ga-po 87,3 nghìn lượt người, tăng 3,6%; Canada 70,8 nghìn lượt người, tăng 27,3%.

Khách du lịch nội địa tháng Mười Một ước đạt 182 nghìn lượt người, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 1.768 nghìn lượt người, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

5.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Mười Một ước tính đạt 1,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 1 tỷ USD, tăng 2,1% và tăng 30,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 766 triệu USD, tăng 1,1% và tăng 26,1%. Trong tháng, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 290 triệu USD, tăng 55,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 268 triệu USD, tăng 92%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 236 triệu USD, tăng 35,5%; hàng dệt may đạt 205 triệu USD, tăng 25%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 72 triệu USD, tăng 4,7%; hàng hóa khác đạt 440 triệu USD, tăng 21%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Xăng dầu đạt 126 triệu USD, giảm 7,8%; hàng nông sản đạt 91 triệu USD, giảm 6,7%; giày dép và sản phẩm từ da đạt 31 triệu USD, giảm 18,3%.

Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 17,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,3 tỷ USD, tăng 12,1%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 25,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 28,5%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13,9%; hàng dệt may đạt 2,1 tỷ USD, tăng 10,2%; hàng nông sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 34,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 724 triệu USD, tăng 3,6%; hàng hóa khác đạt 4,3 tỷ USD, tăng 13,2%. Riêng nhóm hàng giầy dép và sản phẩm từ da đạt 326 triệu USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười Một ước tính đạt 3,7 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 1,9% và giảm 0,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 617 triệu USD, tăng 1,2% và tăng 11,1%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 730 triệu USD, tăng 1,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 336 triệu USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ; sắt thép đạt 261 triệu USD, tăng 48,9%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 239 triệu USD, tăng 15,4%; kim loại đạt 129 triệu USD, tăng 33,4%; chất dẻo đạt 119 triệu USD, tăng 5,6%; vải đạt 87 triệu USD, tăng 2,4%; sản phẩm hóa chất đạt 81 triệu USD, tăng 15,1%. Trong tháng, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu đạt 404 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ; hàng hóa khác đạt 1,1 tỷ USD, giảm 24,4%.

Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 37,3 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 31,1 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,8%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 6,6 tỷ USD, tăng 16,8%; xăng dầu đạt 4,3 tỷ USD, giảm 11,3%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,4 tỷ USD, tăng 15%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,4 tỷ USD, tăng 43,2%; sắt thép đạt 2,1 tỷ USD, tăng 26,5%; kim loại đạt 1,4 tỷ USD, tăng 46,7%; chất dẻo đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6,3%; hàng hóa khác đạt 12,8 tỷ USD, tăng 6%.

6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 2,18% so với tháng 12/2023 và tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm nay tăng 4,37% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng Mười Một, 4/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống giảm 0,94%, tác động làm CPI giảm 0,29% chủ yếu do giá thực phẩm giảm 1,5% (trong đó giá thịt lợn giảm 1,51%; thịt gia cầm giảm 0,95%; các mặt hàng thủy hải sản giảm 0,2%; nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm mạnh 8,75%). Các nhóm hàng: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,16%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,12%; nhóm giao thông giảm 0,09% cùng tác động làm giảm CPI chung 0,03%. Cũng trong tháng Mười Một, 6/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước: Nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 1,12%, tác động làm CPI tăng 0,23% (trong đó giá tiền thuê nhà tăng 0,7%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,42%); nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,33%, tác động làm CPI tăng 0,02%. Các nhóm còn lại tăng nhẹ không tác động nhiều đến CPI chung: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%. Riêng nhóm giáo dục tương đương tháng trước.

Bình quân 11 tháng năm 2024, CPI tăng 4,37% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng: Nhóm giáo dục tăng 18,04% (tác động làm CPI bình quân chung 11 tháng năm nay tăng 1,43%) do 3 tháng đầu năm 2024 các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,07% (tác động làm CPI tăng 1,23%) do giá nước sạch tăng 26,73%; giá điện tăng 7,71%; giá nhà thuê tăng 8,32%. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,24% (tác động làm CPI tăng 0,27%); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,38% (tác động làm CPI tăng 1,05%) do giá lương thực tăng 10,63% (trong đó giá gạo tăng 14,36%); thực phẩm tăng 2,59%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,83%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,41% (tác động làm CPI tăng 0,05%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,69% (tác động làm CPI tăng 0,10%); văn hóa, giải trí, du lịch tăng 1,53% (tác động làm CPI tăng 0,07%); giao thông tăng 0,63% (tác động làm CPI tăng 0,06%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18% (tác động làm CPI tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,56% (tác động làm CPI tăng 0,23%) chủ yếu do giá vàng cao dẫn đến giá đồ trang sức tăng 32,22% và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 24,90%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,21% (tác động làm CPI giảm 0,04%).

Chỉ số giá vàng tháng Mười Một tăng 3,26% so với tháng trước, tăng 39,86% so với tháng 12/2023 và tăng 45,70% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 32,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Mười Một tăng 1,73% so với tháng trước, tăng 4,33% so với tháng 12/2023 và tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

7. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán

7.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 11 tháng năm 2024 ước thực hiện 447,2 nghìn tỷ đồng, vượt 9,5% dự toán năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Thu nội địa 416,6 nghìn tỷ đồng, vượt 10,1% dự toán và tăng 18,5%; thu từ dầu thô 3,8 nghìn tỷ đồng, vượt 26,6% và bằng 92,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 26,5 nghìn tỷ đồng, đạt 98,1% và tăng 20,8%.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 11 tháng năm 2024: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 66,8 nghìn tỷ đồng, đạt 94,7% dự toán năm và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 28,4 nghìn tỷ đồng, vượt 6,4% và tăng 10,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 83,4 nghìn tỷ đồng, vượt 6,1% và tăng 20,5%; thuế thu nhập cá nhân 45,6 nghìn tỷ đồng, vượt 11,2% và tăng 25%; thu tiền sử dụng đất 35,2 nghìn tỷ đồng, đạt 97,4% và gấp 3 lần cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ 6,8 nghìn tỷ đồng, vượt 4,9% và tăng 15,6%; thu phí và lệ phí 21,8 nghìn tỷ đồng, vượt 11,9% và tăng 23,8%.

Chi ngân sách địa phương 11 tháng năm 2024 ước thực hiện 90 nghìn tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán năm và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 43,1 nghìn tỷ đồng, đạt 53,2% dự toán và tăng 28,9%; chi thường xuyên 46,9 nghìn tỷ đồng, đạt 81,9% và tăng 14,8%.

7.2. Tín dụng ngân hàng

Tình hình thực hiện lãi suất: Tình hình thực hiện lãi suất: Trong 11 tháng năm 2024, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, lãi suất huy động tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp. Thời điểm tháng 11/2024 lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 1,6 - 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 2,0 - 5,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,5 - 6,3%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Các NHTM trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí, thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối tháng 11/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.677 nghìn tỷ đồng, tăng 0,52% so với cuối tháng trước và tăng 6,39% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 5.022 nghìn tỷ đồng, tăng 0,58% và tăng 7,53%; phát hành giấy tờ có giá đạt 655 nghìn tỷ đồng, tăng 0,04% và giảm 1,61%.

Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 4.282 nghìn tỷ đồng, tăng 0,79% so với cuối tháng trước và tăng 18,38% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.873 nghìn tỷ đồng, tăng 0,93% và tăng 24,44%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.409 nghìn tỷ đồng, tăng 0,68% và tăng 14,07%. Tính đến cuối tháng 11/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,72% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 13,68% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,89%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,13%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,31%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%, cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%, cho vay chứng khoán chiếm 0,53%.

7.3. Thị trường chứng khoán

Tính đến hết ngày 25/11/2024, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.198 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 313 doanh nghiệp và Upcom có 885 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 622,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cuối tháng trước và tăng 5,4% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó HNX đạt 158,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,01% và giảm 0,86%; Upcom đạt 464,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và tăng 7,7%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/11/2024 đạt 1.827 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối tháng trước và tăng 35,7% so cùng thời điểm năm trước, trong đó HNX đạt 313,5 nghìn tỷ đồng, giảm 1,6% và tăng 3,3%; Upcom đạt 1.514 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 45,1%.

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tính đến hết giao dịch ngày 25/11/2024, khối lượng trung bình 1 ngày/tháng đạt 49,7 triệu CP được chuyển nhượng, giảm 8,3% so với trung bình tháng trước và giảm 53,5% so với trung bình cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 0,9 nghìn tỷ đồng, giảm 11,3% và giảm 56%. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trung bình 1 ngày/tháng đạt 41,5 triệu CP, giảm 9% và giảm 58,9%; giá trị đạt 0,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% và giảm 60,4%. Tính đến hết giao dịch ngày 25/11/2024, khối lượng giao dịch chung 11 tháng năm 2024 đạt 16,8 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 335,3 nghìn tỷ đồng, giảm 24,9% về khối lượng và giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Mười, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 196 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 35 mã giao dịch; cá nhân 161 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới 10 tháng năm 2024 đạt 1.429 nghìn tài khoản.

8. Một số vấn đề xã hội

8.1. Giải quyết việc làm

Theo Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng Mười Một, Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 16,9 nghìn lao động, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, Thành phố giải quyết việc làm cho 213,2 nghìn lao động, vượt 29,1% kế hoạch năm và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 53,3 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 3.925 tỷ đồng; 17,4 nghìn lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; trên 4,4 nghìn lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động; 138,1 nghìn lao động nhận được việc từ dịch vụ cung ứng việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.

Cũng trong tháng Mười Một, Thành phố ra quyết định trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 5,7 nghìn người với số tiền hỗ trợ 193 tỷ đồng, giảm 15% về số người và giảm 2,2% số tiền so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 70,4 nghìn người với số tiền hỗ trợ 2.171 tỷ đồng, giảm 10,5% về số người và giảm 1,1% số tiền; 100% người thất nghiệp được tư vấn hỗ trợ việc làm mới, trong đó hỗ trợ học nghề cho hơn 1 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 4,2 tỷ đồng.

8.2. Bảo đảm an sinh xã hội

Tháng Mười Một, công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 782 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan, cộng dồn 11 tháng năm 2024 Thành phố giải quyết trên 10,2 nghìn hồ sơ với kinh phí trên 2,3 nghìn tỷ đồng, trong đó thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 78.521 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.991 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 175 tỷ đồng; chi quà Lễ, Tết 71 tỷ đồng; chi điều dưỡng 94,2 tỷ đồng.

Công tác trợ giúp xã hội và hỗ trợ đột xuất: Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 203 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các quận, huyện, thị xã đã chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch cho các đối tượng với tổng kinh phí chi trả 11 tháng năm 2024 là 1.613 tỷ đồng. Tại các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.080 người (gồm người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,8 triệu đồng/người/tháng, trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng và chi khác 350 nghìn đồng/tháng. Bên cạnh đó, công tác thăm hỏi và hỗ trợ đột xuất từ đầu năm đến nay là 870,2 triệu đồng.

Về thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa: Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 36,1 tỷ đồng, vượt 55% kế hoạch; tặng 1.855 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5,5 tỷ đồng, vượt 49% kế hoạch; tu sửa nâng cấp 58 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 160,6 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch; vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 192 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 7,6 tỷ đồng, vượt 44,4 % kế hoạch; 57 Mẹ Việt Nam anh hùng đang được các cơ quan đơn vị phụng dưỡng. Đối tượng người có công, cá nhân, tập thể tiêu biểu được nhận 299,6 nghìn suất quà với số tiền 237,8 tỷ đồng; thực hiện điều dưỡng tập trung đối với 18,4 nghìn lượt người có công và thân nhân với tổng kinh phí trên 81,5 tỷ đồng.

8.3. Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp

Năm 2024, kế hoạch Thành phố giao: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 94,5% dân số; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 45% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,5%; số người tham gia Bảo hiểm (BH) thất nghiệp đạt 40% lực lượng lao động. Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến 30/11/2024 trên địa Thành phố tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,5% dân số (vượt 1% so với kế hoạch) với 8.135 nghìn người tham gia, tăng 2,4% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Có 2.146 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 45,9% lực lượng trong độ tuổi lao động (vượt 0,9% so kế hoạch), tăng 4,3% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 103 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chưa bao gồm các trường hợp đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH), chiếm 2,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,4% kế hoạch, tăng 25,6% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BH thất nghiệp là 2.078 nghìn người, chiếm 44,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 4,4% kế hoạch, tăng 4,4% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 11/2024, tổng số tiền thu từ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 62,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8.658 tỷ đồng (tăng 16,1%) so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 71,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8.012 tỷ đồng (tăng 12%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng là 41,3 nghìn tỷ đồng; chi khám chữa bệnh BHYT 23,3 nghìn tỷ đồng.

8.4. Giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Tháng Mười Một, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tổ chức nhiều hoạt động Kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp phát triển Giáo dục và Đào tạo. Trong dịp này, Thành phố đã tổ chức Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cho 70 nhà giáo tiêu biểu xuất sắc ở các cấp học có nhiều tâm huyết, sáng tạo vượt qua khó khăn cống hiến đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”; trao thưởng cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” cho các học sinh đạt giải với 01 giải Đặc biệt, 10 giải Nhất, 20 giải Nhì và 39 giải Ba, cuộc thi là dịp để học sinh trong các trường học, cơ sở giáo dục thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và tri ân đối với thầy cô giáo mà mình yêu quý, trân trọng, cảm phục, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.

Tính đến tháng 11/2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 65,1%, trong đó: Mầm non đạt 56,6%; tiểu học 73,1%; trung học cơ sở 81,7%; trung học phổ thông 37,1%. Thành phố tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng, phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành chỉ tiêu công nhận mới 114 trường công lập đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại 300 trường đạt chuẩn.

Về giáo dục nghề nghiệp: Hoàn thiện xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động các trường trung cấp, cao đẳng công lập Thành phố giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035, trong đó có nội dung sắp xếp lại các trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc Thành phố theo đúng chỉ đạo, quy hoạch của Trung ương và Thành phố. Đến nay trên địa bàn Hà Nội có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề, trong đó: 66 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 38 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 132 doanh nghiệp, loại hình khác. Tính chung 11 tháng năm 2024, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 239,2 nghìn lượt người (trong đó 29,6 nghìn người trình độ cao đẳng; 28,2 nghìn người trình độ trung cấp; 181,4 nghìn người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng), vượt 1,8% kế hoạch tuyển sinh năm 2024, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023. Có hơn 197 nghìn học sinh, sinh viên tốt nghiệp (cao đẳng 17,1 nghìn người; trung cấp 18,3 nghìn người; sơ cấp và dưới 3 tháng 161,6 nghìn người), tăng 0,5%. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong năm đã góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động tại Thành phố và các tỉnh lân cận.

8.5. Tình hình dịch bệnh

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 14/10 đến ngày 14/11/2024 tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát tốt, cụ thể như sau:

Bệnh Sốt xuất huyết Dengue có xu hướng tăng cao, trong tháng ghi nhận 2.583 ca mắc, gấp 2,2 lần tháng trước; cộng dồn 11 tháng năm 2024 ghi nhận 6.743 ca mắc (cùng kỳ năm 2023 ghi nhận 33,5 nghìn ca mắc; 4 ca tử vong). Bệnh Tay chân miệng 182 ca mắc, giảm 43 ca so tháng trước; cộng dồn có 2.368 ca mắc (cùng kỳ 2.566 ca mắc). Ho gà ghi nhận 3 ca mắc, giảm 5 ca so với tháng trước; cộng dồn 11 tháng có 239 ca mắc (cùng kỳ không ghi nhận ca mắc). Bệnh liên cầu lợn trong tháng không ghi nhận ca mắc; cộng dồn 11 tháng ghi nhận 9 ca mắc, 1 ca tử vong (cùng kỳ 15 ca mắc, 2 ca tử vong). Bệnh thủy đậu 80 ca mắc, tăng 24 ca so tháng trước; cộng dồn 11 tháng 884 ca mắc (cùng kỳ 2.022 ca mắc). Bệnh uốn ván 1 ca mắc, cộng dồn 11 tháng ghi nhận 18 ca mắc, 1 ca tử vong (cùng kỳ 22 ca mắc, 2 ca tử vong). Bệnh sởi có xu hướng tăng, trong tháng ghi nhận 64 ca mắc, cộng dồn 11 tháng ghi nhận 87 ca (cùng kỳ không ghi nhận). Ngoài ra cộng dồn từ đầu đầu năm có 1 ca mắc rubella, 2 ca não mô cầu và 2 ca mắc viêm não Nhật Bản. Các dịch bệnh khác được kiểm soát, Thành phố chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được Thành phố quan tâm. Thành phố đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% xã, phường, thị trấn và các trường học trên địa bàn Thành phố.

8.6. Hoạt động văn hóa, thể thao

Hoạt động văn hóa: Tháng Mười Một, Thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức biểu diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận phục vụ đông đảo tầng lớp nhân dân cũng như du khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội. Các di tích trên địa bàn đã thu hút 244,6 nghìn lượt khách tham quan, doanh thu phí ước đạt 11 tỷ đồng. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tổ chức 280 buổi biểu diễn, trong đó 68 buổi phục vụ chính trị, 212 buổi diễn doanh thu đạt 5,2 tỷ đồng, thu hút 63,2 nghìn lượt khán giả. Lũy kế từ đầu năm đến nay, các di tích trên địa bàn Thành phố đã đón hơn 2,7 triệu lượt khách; doanh thu phí 171 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch thu cả năm. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tổ chức 2,2 nghìn buổi biểu diễn, đạt 115% kế hoạch năm; thu hút gần 800 nghìn lượt khán giả, đạt 108%; doanh thu 35,1 tỷ đồng, đạt 110% (11 tháng năm 2023 tổ chức 725 buổi biểu diễn, thu hút 451,8 nghìn lượt người, doanh thu 12,6 tỷ đồng).

Hoạt động thể thao: Trong tháng Mười Một, Thành phố đã cử các đoàn huấn luyện viên, vận động viên đi tập huấn, thi đấu các giải đấu trong nước và quốc tế. Thể thao thành tích cao trong tháng đạt 9 huy chương tại các giải đấu quốc tế (5 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc); 242 huy chương trong nước (84 huy chương Vàng, 79 huy chương Bạc, 109 huy chương Đồng) nâng tổng số huy chương của thành phố Hà Nội trong 11 tháng năm 2024 đạt 3.165 huy chương các loại, trong đó: 259 huy chương tại các giải đấu quốc tế (107 huy chương Vàng, 72 huy chương Bạc, 80 huy chương Đồng) và 2.906 huy chương trong nước (1.085 huy chương Vàng, 871 huy chương Bạc, 950 huy chương Đồng).

8.7. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong tháng, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Thành phố tiếp tục bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm lễ hội, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người. Với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, giải pháp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Theo số liệu tổng hợp từ Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ tháng Mười Một (từ 15/10/2024 đến 14/11/2024) trên địa bàn Hà Nội như sau:

Phạm pháp hình sự: Trong tháng phát hiện hơn 575 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 316 vụ do công an khám phá. Số đối tượng vi phạm bị bắt giữ theo luật là 597 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 161 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế với 190 đối tượng, thu nộp ngân sách gần 35 tỷ đồng.

Tệ nạn xã hội: Trong tháng đã phát hiện 36 vụ cờ bạc, bắt giữ 120 đối tượng; phát hiện 106 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về ma tuý, bắt giữ 260 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 96 vụ với 183 đối tượng.

Tai nạn giao thông: Tháng Mười Một, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 122 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 69 người chết và bị thương 98 người. Chia theo mức độ nghiêm trọng, có 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 2 người và bị thương 2 người; có 69 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 67 người và bị thương 24 người; số vụ tai nạn ít nghiêm trọng và va chạm là 52 vụ làm 72 người bị thương. Cộng dồn 11 tháng năm 2024, xảy ra 1.371 vụ tai nạn giao thông, trong đó 1.351 vụ tai nạn đường bộ và 20 vụ tai nạn đường sắt, làm 623 người chết và 1.132 người bị thương (11 tháng năm 2023, xảy ra 578 vụ tai nạn giao thông, làm 308 người chết và 456 người bị thương).

Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Trong tháng phát hiện 319 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 323 đối tượng, xử lý 320 vụ với 329 đối tượng, thu nộp ngân sách 4,5 tỷ đồng. Cũng trong tháng Mười Một, trên địa bàn Thành phố xảy ra 91 vụ cháy nổ, không gây thiệt hại về người, trong đó: 20 vụ cháy trung bình và 71 vụ cháy nhỏ. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh nguyên nhân cháy và đánh giá thiệt hại về tài sản do các vụ cháy gây ra. Cộng dồn 11 tháng năm 2024, trên địa bàn Thành phố xảy ra 1.125 vụ cháy, nổ làm 26 người chết và 14 người bị thương (11 tháng năm 2023, xảy ra 226 vụ cháy, làm 72 người chết và 51 người bị thương)./. 


File đính kèm