Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2024
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Hoạt động trồng trọt: Trong tháng tập trung vào chăm sóc lúa và cây màu vụ Mùa. Tính đến trung tuần tháng Tám, toàn Thành phố gieo cấy được 71,9 nghìn ha lúa vụ Mùa, bằng 99,3% cùng kỳ năm trước; 3.231 ha ngô, bằng 99,1%; 213 ha khoai lang, bằng 94,7%; 288 ha đậu tương, bằng 99%; 539 ha lạc, bằng 98%; 9.776 ha rau, bằng 98,7%; 278 ha đậu, bằng 86,3%. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố, trà lúa mùa sớm đã bắt đầu phân hóa đòng, lúa đại trà đẻ nhánh rộ, cây màu đang giai đoạn phát triển thân lá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, một số nơi bị úng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến cây trồng. Để khôi phục sản xuất sau mưa bão, đồng thời hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương đôn đốc, hướng dẫn nông dân khẩn trương thực hiện các biện pháp chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, các máy bơm nước được huy động tối đa để thoát nước, xử lý các diện tích lúa bị ngập úng, chết, không thể gieo cấy bổ sung. Ngay sau khi nước rút, nông dân có thể chuyển sang trồng rau ăn lá, cây ngắn ngày, đồng thời tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Hoạt động chăn nuôi: Trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với nguy cơ lây lan diện rộng và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có dịch bệnh xảy ra. Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn thịt, đồng thời tuyên truyền sâu, rộng đến các hộ chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và công tác phòng chống dịch.
Đến nay, trên địa bàn hiện có: Đàn trâu 29,5 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ; đàn bò 125,3 nghìn con, giảm 2,3%; đàn lợn 1,48 triệu con, tăng 0,8%; đàn gia cầm 42,2 triệu con, tăng 1,7% (đàn gà 28,2 triệu con, tăng 2,1%). Tính chung 8 tháng năm 2024, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1,4 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 7,1 nghìn tấn, giảm 0,1%; thịt lợn 172,5 nghìn tấn, tăng 3,1%; thịt gia cầm 111,6 nghìn tấn, tăng 3,7% (thịt gà 83,9 nghìn tấn, tăng 4%); trứng gia cầm 1.959 triệu quả, tăng 4,8%.
1.2. Lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất lâm nghiệp:
Trong tháng tập trung vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Tháng Tám sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.050 m3, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng củi đạt 75 ste, tăng 2,7%. Tính chung 8 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 90 ha, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 454 nghìn cây, tăng 0,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 14,2 nghìn m3, giảm 3,8%; sản lượng củi đạt 518 ste, tăng 3,4%.
Sản lượng thủy sản: Tháng Tám ước đạt 11,2 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 11 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khai thác 226 tấn, giảm 0,9%. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 81,2 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 80,1 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khai thác 1.102 tấn, giảm 0,9%.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Tám ước tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,7% và tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,2% và tăng 1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 3% và tăng 8,8%; ngành khai khoáng tăng 2,7% và tăng 10,7%. Ước tính 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%.
Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm 2024 có 20/23 ngành sản xuất có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 19%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,5%; sản xuất trang phục tăng 7,7%. Bên cạnh đó, 3 ngành sản xuất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,1%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc giảm 4,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 1,8%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 8/2024 tăng 0,6% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm nay, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,1%; khu vực Nhà nước tăng 1,7%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 1,6% (trong đó sản xuất chế biến thực phẩm giảm 14,4%; dệt giảm 9,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 8,6%; sản xuất máy móc, thiết bị giảm 7,6%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,7%; ngành khai khoáng tăng 22,5%.
3. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng Tám ước tính đạt 7.325 tỷ đồng, tăng 12,6 % so với thực hiện tháng trước và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 2.655 tỷ đồng, tăng 11,4% và tăng 53,4%; vốn NSNN cấp huyện 4.377 tỷ đồng, tăng 14% và tăng 44%; vốn NSNN cấp xã 293 tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 84%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm 2024, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 14,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% và đạt 40,4%; vốn NSNN cấp huyện 21,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39% và đạt 50,3%; vốn NSNN cấp xã 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 64,7% và đạt 50,5%.
Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thành phố:
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến nay, dự án đã giải ngân 10,3% kế hoạch vốn.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 36% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 8,2% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 8,1% kế hoạch vốn.
Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1: Với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 61,9% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024.
Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Cung Thiếu nhi Hà Nội là dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 80,9% kế hoạch vốn. Dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
4. Đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài
4.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng Tám, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.204 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5%; 573 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 12%; 1.313 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 12%; 407 doanh nghiệp giải thể, tăng 18%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 20,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 7,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11%; 19,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21%; có gần 3 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 20%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
4.2. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Tháng Tám, thành phố Hà Nội thu hút 67,9 triệu USD vốn FDI, trong đó: 28 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 22,2 triệu USD; có 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 16,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 25 lượt, đạt 29,1 triệu USD.
Tính chung 8 tháng năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Đăng ký cấp mới 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 177,7 triệu USD.
5. Hoạt động thương mại, dịch vụ
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong tháng Tám, thành phố Hà Nội triển khai công tác phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; kết nối giao thương giữa 5 Thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ; kết nối về thương mại điện tử với chủ để “Doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số”; tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng, xúc tiến thương mại; tập trung cung cấp hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là trong dịp Quốc khánh 2/9/2024.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước tính đạt 70,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 43,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 13,7%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% và tăng 9,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% và tăng 23,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 12,7%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 544,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 344,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng mức và tăng 10,4% (đá quý, kim loại quý tăng 43,4%; lương thực, thực phẩm tăng 12,6%; hàng may mặc tăng 9,7%; ô tô con tăng 7,5%; xăng dầu tăng 7,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 6,3%; nhiên liệu khác tăng 6,2%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 5,4%; hàng hóa khác tăng 14,1%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 73,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5% và tăng 11,4% (dịch vụ lưu trú tăng 33,4%; dịch vụ ăn uống tăng 9,2%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 43,4%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 108 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,8% và tăng 6%.
5.2. Vận tải và bưu chính chuyển phát
Tổng doanh thu hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính chuyển phát tháng Tám ước đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng doanh thu ước đạt 143,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Vận chuyển hành khách: Tháng Tám, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 37,4 triệu lượt người, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1,1 tỷ lượt người.km, tăng 1,7% và tăng 6,8%; doanh thu ước tính đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 14,5%. Tính chung 8 tháng năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 279,4 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 8,3 tỷ lượt người.km, tăng 14,7%; doanh thu đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17%.
Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Tám ước tính đạt 136,9 triệu tấn, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 13,2 tỷ tấn.km, tăng 0,7% và tăng 9,1%; doanh thu ước tính đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% và tăng 11,1%. Tính chung 8 tháng năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,1 tỷ tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 103,6 tỷ tấn.km, tăng 13,1%; doanh thu đạt 60,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9%.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng Tám ước tính đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, doanh thu đạt 59,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng Tám ước tính đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, doanh thu đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay (từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9/2024), các đơn vị vận tải đang tích cực tăng cường phương tiện, nhân lực phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó: Công ty cổ phần bến xe Hà Nội có kế hoạch tăng cường 700 lượt xe cho các ngày cao điểm tại các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm từ chiều 30/8 đến hết ngày 4/9/2024. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng lên kế hoạch tăng thêm đôi tàu Thống nhất chạy hàng ngày tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Các hãng Hàng không sẵn sàng tăng chuyến, dự kiến cao hơn 20% so với ngày thường nhằm phục vụ nhu cầu hành khách trong dịp Quốc khánh.
5.3. Hoạt động du lịch
Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng Tám ước đạt 546 nghìn lượt người, tăng 13,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 4.052 nghìn lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Khách quốc tế tháng Tám ước đạt 373 nghìn lượt người, tăng 19,7% so với tháng trước và tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, khách quốc tế ước đạt 2.818 nghìn lượt người, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 331,9 nghìn lượt người, tăng 14,4%; Trung Quốc 325,3 nghìn lượt người, tăng 80,4%; Mỹ 186,1 nghìn lượt người, tăng 27,4%; Nhật Bản 168 nghìn lượt người, tăng 30,9%; Anh 158,2 nghìn lượt người, tăng 48,7%; Pháp 138,7 nghìn lượt người, tăng 64,2%; Đức 94,8 nghìn lượt người, tăng 55,6%; Ma-lai-xi-a 69,4 nghìn lượt người, tăng 14,7%; Xin-ga-po 60,2 nghìn lượt người, tăng 8,2%; Thái Lan 45,3 nghìn lượt người, giảm 26,1%.
Khách du lịch nội địa tháng Tám ước đạt 173 nghìn lượt người, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 1.234 nghìn lượt người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác: Trên địa bàn Thành phố hiện có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với 71,2 nghìn phòng, trong đó 606 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 26,6 nghìn phòng, chiếm 37% tổng số phòng và 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Trong tháng Tám, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt 57,3%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 60,7% (cùng kỳ 8 tháng năm 2023 tăng 60,3%). Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Những ngày cuối tháng Tám, ngành Du lịch Thủ đô đang nỗ lực, xây dựng, đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhân dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Trong đó, có gần 20 sự kiện nổi bật được tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Chương trình "Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội"; Triển lãm "Nghiên bút còn thơm" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối miễn phí tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long; Chương trình "Vui tết độc lập" gồm: Tái hiện chợ phiên vùng cao "Sắc màu vùng cao"; giới thiệu, trải nghiệm "Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh giữa lòng Hà Nội" tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Lễ hội Xứ Sở Thần Tiên tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn; Chương trình tinh hoa Bắc Bộ đặc biệt có bắn pháo hoa sẽ được tổ chức vào ngày 2/9 tại Công viên Biển Tuần Châu Hà Nội; sự kiện Wonder Moon Festival - Lễ hội mùa thu tại Ocean City - Điểm du lịch Dương Xá, huyện Gia Lâm… Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cùng Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hỗ trợ nước uống, sữa, bánh mì phục vụ nhân dân và du khách đến viếng Lăng Bác vào ngày 2/9/2024 tại Khu Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Tám ước tính đạt 1,8 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 2,5% và tăng 21,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 704 triệu USD, giảm 6,7% và tăng 4,3%. Trong tháng, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 286 triệu USD, tăng 23,4%; hàng dệt may đạt 221 triệu USD, tăng 2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 220 triệu USD, tăng 0,8%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 214 triệu USD, tăng 12,3%; xăng dầu đạt 162 triệu USD, tăng 43,5%; hàng hóa khác đạt 409 triệu USD, tăng 15,6%. Trong tháng Tám, có 3 nhóm hàng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Hàng nông sản đạt 85 triệu USD, giảm 5,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 64 triệu USD, giảm 8,2%; hàng gốm sứ đạt 19 triệu USD, giảm 3,8%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,9%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,8 tỷ USD, tăng 17,1%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10,4%; hàng dệt may đạt 1,5 tỷ USD, tăng 2,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 18,9%; xăng dầu đạt 1 tỷ USD, tăng 17,3%; hàng nông sản đạt 982 triệu USD, tăng 43,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 524 triệu USD, tăng 5%; hàng hóa khác đạt 3 tỷ USD, tăng 11,1%. Có 2/12 nhóm hàng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Giầy dép và sản phẩm từ da đạt 245 triệu USD, giảm 10,7%; điện thoại và linh kiện đạt 77 triệu USD, giảm 14,4%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tám ước tính đạt 3,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 3 tỷ USD, giảm 0,2% và tăng 12,4; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 572 triệu USD, giảm 6,5% và tăng 8,1%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 640 triệu USD, tăng 35,5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 234 triệu USD, tăng 10,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 206 triệu USD, tăng 35,4%; kim loại đạt 149 triệu USD, tăng 75,5%; vải đạt 81 triệu USD, tăng 13,1%; sản phẩm hóa chất đạt 77 triệu USD, tăng 7,9%; hàng hóa khác đạt 1,3 tỷ USD, tăng 29,3%. Một số nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ: Xăng dầu đạt 373 triệu USD, giảm 39,3%; sắt thép đạt 157 triệu USD, giảm 7,7%; chất dẻo đạt 112 triệu USD, giảm 0,1%; ngô đạt 61 triệu USD, giảm 7,7%; thức ăn gia súc đạt 53 triệu USD, giảm 7,7%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,8 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 16,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 5,3%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 4,5 tỷ USD, tăng 20,8%; xăng dầu đạt 3,4 tỷ USD, giảm 4,2%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, tăng 22,5%; sắt thép đạt 1,4 tỷ USD, tăng 25,8%; kim loại khác đạt 987 triệu USD, tăng 56,2%; chất dẻo đạt 843 triệu USD, tăng 7,4%; hàng hóa khác đạt 9,5 tỷ USD, tăng 17,8%.
6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 tăng nhẹ 0,07% so với tháng trước, tăng 1,29% so với tháng 12/2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng năm nay tăng 5,24% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng Tám, 8/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,50% (tác động làm tăng CPI chung 0,10%) do đầu năm học mới, nhu cầu thuê nhà của sinh viên các trường đại học nhiều hơn nên giá tiền thuê nhà tăng 0,52%, đồng thời một số vật liệu xây dựng chính dùng để bảo dưỡng nhà ở tăng 1,21%. Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 0,43% (tác động làm tăng CPI chung 0,13%) do giá thực phẩm tăng 0,62%; giá lương thực tăng 0,18%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%. Nhóm giáo dục tăng 0,23% (tác động làm tăng CPI chung 0,02%). Các nhóm còn lại CPI tăng nhẹ: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; văn hóa, giải trí, du lịch và một số hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,03%. Bên cạnh đó, có 2/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: Nhóm giao thông giảm 1,96% (tác động làm giảm CPI chung 0,19%) do bình quân trong tháng giá xăng giảm 5,61% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 6,95%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm nhẹ 0,04%. Riêng bưu chính viễn thông tương đương tháng trước
Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 5,24% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng: Nhóm giáo dục tăng 29,33% (tác động làm CPI bình quân chung 8 tháng năm nay tăng 2,32%) do 3 tháng đầu năm 2024 các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,23% (tác động làm CPI tăng 1,27%) do bình quân 8 tháng năm 2024 sản lượng tiêu thụ điện tăng dẫn đến giá điện bình quân tăng 8,73% so với bình quân cùng kỳ; giá nước tăng 33,11%; giá nhà thuê tăng 8,68%. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,52% (tác động làm CPI tăng 0,23%); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,23% (tác động làm CPI tăng 1,0%) do 8 tháng năm nay giá lương thực tăng 11,61% (trong đó giá gạo tăng 15,73%); thực phẩm tăng 2,34%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,53%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,53% (tác động làm CPI tăng 0,05%); giao thông tăng 2,34% (tác động làm CPI tăng 0,23%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,87% (tác động làm CPI tăng 0,11%); văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,93% (tác động làm CPI tăng 0,04%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% (tác động làm CPI tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,85% (tác động làm CPI tăng 0,24%) chủ yếu do giá đồ trang sức tăng 28,62% và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 23,05%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông trong 8 tháng năm 2024 giảm 1,32 (tác động làm CPI giảm 0,04%).
Chỉ số giá vàng tháng Tám tăng 1,54% so với tháng trước, tăng 25,04% so với tháng 12/2023 và tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Tám giảm 0,53% so với tháng trước, tăng 3,7% so với tháng 12/2023 và tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,75% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
7. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán
7.1. Thu, chi ngân sách
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2024 ước thực hiện 343,6 nghìn tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán pháp lệnh năm và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Thu nội địa 323,9 nghìn tỷ đồng, đạt 85,6% dự toán và tăng 18,7% so cùng kỳ với năm 2023; thu từ dầu thô 2,8 nghìn tỷ đồng, đạt 92,3% và tăng 16,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 16,8 nghìn tỷ đồng, đạt 62,2% và tăng 9,5%.
Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 8 tháng năm 2024: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 57,4 nghìn tỷ đồng, đạt 81,4% dự toán năm và tăng 6,1% cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 21,9 nghìn tỷ đồng, đạt 81,9% và tăng 17,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 70,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,2% và tăng 26,4%; thuế thu nhập cá nhân 34,4 nghìn tỷ đồng, đạt 83,9% và tăng 24,3%; thu tiền sử dụng đất 17,3 nghìn tỷ đồng, đạt 48% và gấp 3 cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ 4,6 nghìn tỷ đồng, đạt 70,4% tăng 9,7%; thu phí và lệ phí 16,3 nghìn tỷ đồng, đạt 83,8% và tăng 26%.
Chi ngân sách địa phương 8 tháng năm 2024 ước thực hiện 62,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,8% dự toán năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 28,5 nghìn tỷ đồng, đạt 35,2% và tăng 28,5%; chi thường xuyên 34,2 nghìn tỷ đồng, đạt 59,7% và tăng 13,4%.
7.2. Tín dụng ngân hàng
Tình hình thực hiện lãi suất: Tháng Tám, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khuyến khích các Tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 6,9 - 9,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,6%/năm theo quy định của NHNN. Lãi suất tiền gửi tác động theo đó phổ biến ở mức 0,2 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 1,6 - 5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,5 - 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,7 - 6,0%/năm.
Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối tháng 8/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.801 nghìn tỷ đồng, tăng 1,27% so với cuối tháng trước và tăng 8,73% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 5.140 nghìn tỷ đồng, tăng 1,39% và tăng 10,07%; phát hành giấy tờ có giá đạt 661 nghìn tỷ đồng, tăng 0,32% và giảm 0,67%.
Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 4.103 nghìn tỷ đồng, tăng 1,15% so với cuối tháng trước và tăng 13,44% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.790 nghìn tỷ đồng, tăng 1,73% và tăng 18,96%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.313 nghìn tỷ đồng, tăng 0,71% và tăng 9,51%. Tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,69% trong tổng dư nợ. Các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.
Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 13,9% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,9%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,32%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.
7.3. Thị trường chứng khoán
Tính đến hết tháng Bảy năm 2024, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.190 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 314 doanh nghiệp và Upcom có 876 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 601,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 156,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,5% và tăng 5,6%; Upcom đạt 444,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 5,1%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng Bảy đạt 1.819 nghìn tỷ đồng, giảm 8,2% so với tháng trước và tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 327 nghìn tỷ đồng, giảm 1% và tăng 9,9%; Upcom đạt 1.492 nghìn tỷ đồng, giảm 9,7% và tăng 37,2%.
Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tháng Bảy khối lượng giao dịch đạt 1.369 triệu CP được chuyển nhượng, giảm 13,9% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 29,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,3% và giảm 19,8%. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 1.245 triệu CP, giảm 15% và giảm 41,5%; giá trị đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, giảm 12,8% và giảm 24,1%. Tính chung 7 tháng năm 2024, khối lượng giao dịch đạt 12,3 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 249,8 nghìn tỷ đồng, giảm 4,5% về khối lượng và tăng 27,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Bảy, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 246 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 27 mã giao dịch; cá nhân 219 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới 7 tháng năm 2024 đạt 1.114 nghìn tài khoản.
8. Một số vấn đề xã hội
8.1. Giải quyết việc làm
Trong tháng 8/2024, Thành phố hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hơn 18,3 nghìn lao động, trong đó: Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách vay với số tiền 266 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 3,2 nghìn lao động; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm với 695 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, kết quả có 1,7 nghìn lao động được tuyển dụng; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động là 340 người; cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 13,1 nghìn lao động. Tính chung 8 tháng năm 2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 164,1 nghìn lao động, đạt 99,4% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong tháng Tám, Thành phố đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 7,6 nghìn người với số tiền được hỗ trợ là 229,8 tỷ đồng; 100% trường hợp đề nghị hưởng BHTN được tư vấn giới thiệu việc làm mới, trong đó hỗ trợ học nghề 703 triệu đồng. Tính chung 8 tháng năm 2024, Thành phố đã ra quyết định hưởng BHTN cho 50,4 nghìn người với số tiền được hỗ trợ gần 1,5 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 638 người với số tiền 2,6 tỷ đồng.
8.2. Bảo đảm an sinh xã hội
Trong tháng Tám, Thành phố thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, cán bộ lão thành cách mạng nhân dịp Kỷ niệm kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, Thành phố Hà Nội tặng gần 2,9 nghìn suất quà tương đương 6,1 tỷ đồng đến các đối tượng chính sách theo quy định bảo đảm kịp thời, công khai, dân chủ. Cũng trong tháng, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 1.247 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí 857 triệu đồng. Tính chung 8 tháng năm 2024, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 7,5 nghìn hồ sơ hưởng chế độ người có công và thân nhân người có công. Tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công là 1.727 tỷ đồng, trong đó thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp gần 79 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.454 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 140 tỷ đồng; chi quà Lễ, Tết 70 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 63 tỷ đồng.
Đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 33,7 tỷ đồng, đạt 147,6% kế hoạch năm; tặng 1.734 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5,4 tỷ đồng, đạt 139,3%; tu sửa nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 157,3 tỷ đồng, đạt 171%; vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 159 nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng với kinh phí 6,5 tỷ đồng, đạt 119,5%; các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn Thành phố được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng được Thành phố quan tâm thực hiện, từ đầu năm đến nay đã có 714 ngôi nhà được khởi công xây dựng, sửa chữa, đạt 98,6% kế hoạch năm, trong đó đã hoàn thành 294 nhà xây mới và 237 nhà sửa chữa, đạt 73,3%.
Tính đến cuối tháng Tám, toàn Thành phố có 203,3 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với tổng kinh phí chi trả 8 tháng năm 2024 là 1.182 tỷ đồng. Thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.016 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác tại các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,8 triệu đồng/người/tháng (riêng trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng) và chi khác 350 nghìn đồng/tháng.
8.3. Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội
Năm 2024, theo kế hoạch Thành phố giao: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 94,5% dân số. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 45% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,5%. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 40% lực lượng lao động.
Ước tính đến hết 8 tháng năm 2024 theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố đạt 94,4% dân số với 7.997 nghìn người tham gia, tăng 0,7% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Có 2.098 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 44,6% lực lượng trong độ tuổi lao động), tăng 1,9% và tăng 4,9%; hơn 91,1 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 2,5%), tăng 10,8% và tăng 17,3%. Số người tham gia BHTN là 2.030 nghìn người (chiếm 42,5%), tăng 2,0% và tăng 5,1%. Tính đến cuối tháng 8/2024, tổng số tiền thu từ BHXH, BHYT, BHTN là 43,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN là 51,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 29,5 nghìn tỷ đồng; chi khám chữa bệnh BHYT 16,4 nghìn tỷ đồng).
8.4. Giáo dục, đào tạo và dạy nghề
Trong tháng Tám, các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành xong công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2024-2025, đây là năm thứ 9 thành phố Hà Nội triển khai tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến, cũng là năm ghi nhận số hồ sơ đăng ký trực tuyến có tỷ lệ cao nhất. Đến nay 100% các Trường đã xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy, đồng thời chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất sẵn sàng chào đón năm học mới. Toàn Thành phố tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2024, thành phố Hà Nội thực hiện đúng theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, học sinh các cấp học tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng, riêng học sinh lớp 1 tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Theo kế hoạch, năm học 2024-2025 thành phố Hà Nội có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường so với năm học trước), 01 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với 70,2 nghìn lớp học; năm học này có 2.238 nghìn học sinh (tăng khoảng 48 nghìn học sinh so với năm học trước) và 130 nghìn giáo viên. Tính đến cuối tháng Tám, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 64,5%, trong đó mầm non 55,4%; tiểu học 72,8%; trung học cơ sở 81%; trung học phổ thông 37,1%.
Về giáo dục nghề nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề, trong đó: 67 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 75 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề và 113 doanh nghiệp, loại hình khác
Tính chung 8 tháng năm 2024, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tuyển sinh được 180,2 nghìn lượt người (trong đó 23,2 nghìn người trình độ cao đẳng; 20,2 nghìn người trình độ trung cấp; 136,8 nghìn người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng), đạt 76,7% kế hoạch tuyển sinh năm 2024.
8.5. Tình hình dịch bệnh
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến ngày 14/8/2024 tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát tốt, cụ thể như sau: Bệnh Sốt xuất huyết Dengue có xu hướng tăng, trong tháng ghi nhận 683 ca mắc, tăng 438 ca so với tháng trước; cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay Thành phố ghi nhận 1.858 ca mắc (cùng kỳ năm 2023 có 3.512 ca mắc). Bệnh Tay chân miệng ghi nhận 138 ca mắc, tăng 41 ca; cộng dồn từ đầu năm có 1.796 ca mắc (cùng kỳ 1.124 ca mắc). Số ca mắc Covid-19 ghi nhận 273 người, cộng dồn 1.122 ca mắc (cùng kỳ 19,5 nghìn ca). Ho gà 43 ca mắc, cộng dồn 216 ca mắc (cùng kỳ không có ca mắc). Bệnh thủy đậu 41 ca mắc; cộng dồn 725 ca mắc (cùng kỳ 1.876 ca mắc). Liên cầu lợn 4 ca mắc, 1 ca tử vong; cộng dồn 7 ca mắc, 1 tử vong (cùng kỳ 14 ca mắc, 1 tử vong). Uốn ván 1 ca mắc, cộng dồn 12 ca mắc (cùng kỳ 15 ca mắc, 2 tử vong).
Các bệnh truyền nhiễm khác xuất hiện rải rác không đáng kể, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Hiện nay thời tiết mưa ẩm, dự báo trong thời gian tới các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan như Covid-19, cúm, thủy đậu, ho gà, sởi, rubella, adeno vi rút, Tay chân miệng, sốt xuất huyết... có thể gia tăng. Vì vậy các địa phương cần làm tốt công tác tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống các ổ dịch mới để kiểm soát tốt nguy cơ bùng phát dịch và giảm thiểu số ca mắc.
Cũng trong tháng Tám, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, khống chế không để ngộ độc thực phẩm nhất là những nơi đông người gây tử vong góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định an toàn xã hội và nâng cao đời sống người dân.
8.6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), ngay từ đầu tháng Tám, tại khu vực nội thành, trung tâm Thành phố và các trục đường chính công tác tuyên truyền, cổ động trực quan được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo nội dung, mẫu tranh cổ động đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung trang trí tại các khu vực trung tâm, các tuyến đường chính, trụ sở các công sở, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các điểm văn hoá công cộng, nơi đông người qua lại. Đài truyền thanh cơ sở tăng cường tin bài, thời lượng phát thanh tuyên truyền trước, trong và sau ngày Kỷ niệm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.
Hoạt động văn hóa: Trong tháng Tám theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội, tại các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố đã tổ chức tiếp đón các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân đến dâng hương, tham quan du lịch tất cả các ngày trong tuần với 117,5 nghìn lượt khách, đạt 6,5 tỷ đồng doanh thu phí. Tính chung 8 tháng năm 2024, các di tích đã đón gần 2,2 triệu lượt khách tham quan, doanh thu phí tham quan 120 tỷ đồng, vượt 65% dự toán giao cả năm. Cũng trong tháng, các đơn vị nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và phục vụ đông đảo các tầng lớp Nhân dân với 202 buổi diễn (40 buổi phục vụ chính trị và 162 buổi diễn doanh thu) đạt 5,4 tỷ đồng. Cộng dồn 8 tháng năm 2024, các đơn vị nghệ thuật của Thành phố đã tổ chức 1.529 buổi biểu diễn (235 buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại; 1.294 buổi diễn doanh thu), đạt 59% kế hoạch năm; thu hút 553,4 nghìn lượt khán giả, hoàn thành 74,3% kế hoạch; doanh thu 37,2 tỷ đồng, đạt 76,9%.
Hoạt động thể thao: Trong tháng Tám, Thành phố đã cử các đoàn huấn luyện viên, vận động viên đi tập huấn, thi đấu các giải đấu trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp tổ chức các giải thi đấu chuyên nghiệp theo kế hoạch. Thể thao thành tích cao trong tháng đạt 428 huy chương trong nước (173 huy chương Vàng, 120 huy chương Bạc, 135 huy chương Đồng) nâng tổng số huy chương của thành phố Hà Nội 8 tháng năm 2024 đạt 1.987 huy chương các loại, trong đó: 80 huy chương tại các giải đấu quốc tế (14 huy chương Vàng, 32 huy chương Bạc, 34 huy chương Đồng) và 1.907 huy chương trong nước (727 huy chương Vàng, 568 huy chương Bạc, 612 huy chương Đồng).
8.7. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Theo số liệu tổng hợp từ Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ tháng Tám (từ 15/7/2024 đến 14/8/2024) trên địa bàn Hà Nội như sau:
Phạm pháp hình sự: Trong tháng phát hiện hơn 677 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 323 vụ do công an khám phá; số đối tượng vi phạm bị bắt giữ theo luật là 673 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 236 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế với 278 đối tượng, thu nộp ngân sách 8,1 tỷ đồng. Cộng dồn 8 tháng năm 2024, phát hiện 4.899 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ theo luật 4.803 đối tượng; 2.462 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, bắt giữ 2.850 đối tượng; thu nộp ngân sách 599,2 tỷ đồng.
Tệ nạn xã hội: Trong tháng đã phát hiện 4 vụ cờ bạc, bắt giữ 6 đối tượng. Tổng số vụ vi phạm pháp luật về ma tuý bị phát hiện là 273 vụ, bắt giữ 422 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 229 vụ với 353 đối tượng. Cộng dồn 8 tháng năm nay, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện 376 vụ cờ bạc, bắt giữ 1.883 lượt đối tượng; số vụ vi phạm pháp luật về ma tuý bị phát hiện là 2.521 vụ, bắt giữ 3.865 lượt đối tượng.
Tai nạn giao thông: Tháng Tám, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 124 vụ tai nạn giao thông làm 58 người chết và bị thương 99 người. Trong đó, 122 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 57 người chết, 98 người bị thương và 2 vụ tai nạn đường sắt làm 1 người chết và 1 người bị thương. Chia theo mức độ nghiêm trọng, có 1 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết 4 người và bị thương 1 người; có 59 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 54 người và bị thương 22 người; số vụ tai nạn ít nghiêm trọng và va chạm là 66 vụ làm 76 người bị thương. Cộng dồn 8 tháng năm 2024, xảy ra 1.025 vụ tai nạn giao thông, trong đó 1.008 vụ tai nạn đường bộ và 17 vụ tai nạn đường sắt, làm 439 người chết và 859 người bị thương.
Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Trong tháng, phát hiện 793 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 795 đối tượng; xử lý 786 vụ với 788 đối tượng; thu nộp ngân sách 2,5 tỷ đồng. Cũng trong tháng Tám, trên địa bàn Thành phố xảy ra 113 vụ cháy làm 1 người chết, trong đó có 1 vụ cháy nghiêm trọng làm 1 người chết; 10 vụ cháy trung bình và 101 vụ cháy nhỏ. Cộng dồn 8 tháng năm 2024, ghi nhận 6.102 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 6.138 đối tượng; 793 vụ cháy làm 25 người chết và 8 người bị thương./.
Tập tin : BC KTXH TP.HaNoi_T8.2024.signed.pdf
Tin khác