02438254 239 | hanoi@gso.gov.vn

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2024

29/04/2024 09:23

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

Hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào chăm sóc lúa, cây màu vụ Xuân và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành gieo cấy lúa vụ Xuân với diện tích ước đạt 80,9 nghìn ha, bằng 98,1% cùng kỳ năm trước; hiện lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, trà lúa sớm đang giai đoạn làm đòng, trỗ bông.

Công tác gieo trồng cây màu vụ Xuân được các địa phương tích cực triển khai, đến trung tuần tháng Tư toàn Thành phố đã gieo trồng được 3,3 nghìn ha ngô, bằng 93,6% cùng kỳ năm trước; 1,3 nghìn ha lạc, bằng 93,8%; 214 ha khoai lang, tăng 1,4%; 212 ha đậu tương, bằng 96,8%; 196 ha đậu các loại, tăng 12,6%; 9,8 nghìn ha rau, bằng 98,3%. Tính chung vụ Đông Xuân năm nay, Thành phố gieo trồng được 8,9 nghìn ha ngô, bằng 99,6%; 1,5 nghìn ha lạc, bằng 92,4%; 1,1 nghìn ha khoai lang, tăng 0,7%; 933 ha đậu tương, bằng 99,8%; 296 ha đậu các loại, tăng 19,8%; 24,1 nghìn ha rau, bằng 97,9%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn lợn hiện có 1,45 triệu con, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023; đàn trâu 29,3 nghìn con, tăng 2,1%; đàn bò 126,4 nghìn con, giảm 1,9%; đàn gia cầm 40,8 triệu con, tăng 1,5% (đàn gà 27,1 triệu con, tăng 1,5%). Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 85,5 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023; thịt trâu 702 tấn, tăng 2,2%; thịt bò 3,7 nghìn tấn, giảm 0,1%; thịt gia cầm 54,9 nghìn tấn, tăng 2,5% (thịt gà 41,4 nghìn tấn, tăng 2,9%); trứng gia cầm 960 triệu quả, tăng 3,3%.

1.2. Lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng vụ Xuân và trồng cây lâm nghiệp phân tán; chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ và lâm sản. Trong tháng Tư, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 27 ha, bằng 96,4% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 136 nghìn cây, tăng 1,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,7 nghìn m3, bằng 96,1%; sản lượng củi đạt 62 ste, tăng 3,3%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 90 ha, bằng 97,8% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 454 nghìn cây, tăng 0,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 6,8 nghìn m3, bằng 96%; sản lượng củi đạt 241 ste, tăng 3,4%.

Sản lượng thủy sản tháng Tư ước đạt 9 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 8,9 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khai thác đạt 105 tấn, giảm 1,9%. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 36,1 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 35,7 nghìn tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 392 tấn, giảm 2,2%.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Tư ước tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9% và tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,9% và tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 1,5% và tăng 9,7%; ngành khai khoáng tăng 19,6% và giảm 16,7%. Ước tính 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; khai khoáng giảm 12,2%.

Trong 4 tháng đầu năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,3%; sản xuất trang phục tăng 6,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 11,3%. Bên cạnh đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 4,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 3,6%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 3,2%; sản xuất đồ uống giảm 0,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc giảm 12,8%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 4/2024 tăng 0,4% so với cuối tháng trước và giảm 0,8% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài Nhà nước cùng giảm 2,5%; khu vực Nhà nước tăng 1,6%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (trong đó sản xuất máy móc, thiết bị giảm 24%; dệt giảm 10,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 9,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,6%; sản xuất trang phục giảm 4,8%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,3%; ngành khai khoáng tăng 45,6%.

3. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng Tư ước tính đạt 3.946 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thực hiện tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 1.520 tỷ đồng, tăng 5,3% và tăng 18,2%; vốn NSNN cấp huyện 2.245 tỷ đồng, tăng 11,1% và tăng 28,5%; vốn NSNN cấp xã 181 tỷ đồng, tăng 8,3% và tăng 42,9%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 13,9 nghìn tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 5,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,3%, tăng 11,9%; vốn NSNN cấp huyện 7,8 nghìn tỷ đồng, đạt 20,2% và tăng 33,4%; vốn NSNN cấp xã 0,6 nghìn tỷ đồng, đạt 18,5% và tăng 43,4%.

Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thành phố:

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,9%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 28,9% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 7,1% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,8% kế hoạch vốn.

Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1: Với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 47,4% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024.

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Dự án được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 73,7% kế hoạch vốn. Dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong cuối năm 2024.

4. Thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp

4.1. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Tháng Tư, thành phố Hà Nội có 20 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 103,9 triệu USD; có 14 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 57,4 triệu USD; có 27 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn đạt 15,5 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1.132 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1.008 triệu USD; 47 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 79 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 65 lượt, đạt 45 triệu USD.

4.2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng Tư, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.514 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24%; 758 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%; 1.878 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16%; 269 doanh nghiệp giải thể, giảm 13%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 9,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 97,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 4,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10%; hơn 14,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 24%; có 1,4 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 12%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

5. Hoạt động thương mại, dịch vụ

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng Tư, Thành phố thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong dịp nghỉ Lễ kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính đạt 66,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 8,4%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 8,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 52,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 2,1%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 171,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,5% tổng mức và tăng 9,2% (đá quý, kim loại quý tăng 24,1%; lương thực, thực phẩm tăng 10,9%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 9,1%; hàng may mặc tăng 8,9%; ô tô con tăng 6,9%; xăng dầu tăng 6,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6%; hàng hóa khác tăng 13,2%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 34 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8% và tăng 12,5% (dịch vụ lưu trú tăng 37,9%; dịch vụ ăn uống tăng 10,1%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1% và tăng 49%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 52,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,6% và tăng 1,7%.

5.2. Vận tải và bưu chính chuyển phát

Vận chuyển hành khách: Trong tháng Tư, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 34,7 triệu lượt người, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt hơn 1 tỷ lượt người.km, tăng 1,5% và tăng 10,2%; doanh thu ước tính đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 18%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 135,2 triệu lượt người, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 4 tỷ lượt người.km tăng 21,8%; doanh thu đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5%.

Vận tải hàng hóa

: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Tư ước tính đạt 134,5 triệu tấn, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 13 tỷ tấn.km, tăng 0,7% và tăng 12,5%; doanh thu ước tính đạt 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 15,4%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 526,4 triệu tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 51,4 tỷ tấn.km, tăng 15,8%; doanh thu đạt 30 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1%.

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải tháng Tư ước tính đạt 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 29,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng Tư ước tính đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023.

5.3. Hoạt động du lịch

Khách du lịch đến Hà Nội tháng Tư ước đạt 605 nghìn lượt người, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2.147 nghìn lượt người, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Khách quốc tế tháng Tư ước đạt 450 nghìn lượt người, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế ước đạt gần 1.576 nghìn lượt người, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 179,6 nghìn lượt người, tăng 28,2%; Trung Quốc 160,8 nghìn lượt người, gấp 2,4 lần; Mỹ 116,5 nghìn lượt người, tăng 41%; Anh 97,6 nghìn lượt người, tăng 64,9%; Pháp 84,1 nghìn lượt người, tăng 67,8%; Nhật Bản 84 nghìn lượt người, tăng 42,9%; Đức 68,6 nghìn lượt người, tăng 73,9%; Ma-lai-xi-a đạt 46,6 nghìn lượt khách, tăng 31,6%; Xin-ga-po 32 nghìn lượt người, tăng 10,2%; Thái Lan 30,2 nghìn lượt người, giảm 29%.

Khách du lịch nội địa tháng Tư ước đạt 155 nghìn lượt người, tăng 15,7% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, khách trong nước đến Hà Nội ước đạt 571 nghìn lượt người, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác: Trên địa bàn Thành phố hiện có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với 71,2 nghìn phòng, trong đó 607 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 26,6 nghìn phòng, chiếm 37% tổng số phòng và 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Trong tháng Tư, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt 66,1%, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 62,5%, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 39 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút, đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

5.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Tư ước tính đạt 1.543 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 1.041 triệu USD, tăng 16,2% và tăng 15,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 502 triệu USD, giảm 20,8% và giảm 13,8%. Trong tháng, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 211 triệu USD, tăng 29,3%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 194 triệu USD, tăng 13,9%; hàng dệt may đạt 172 triệu USD, tăng 0,8%; hàng nông sản đạt 162 triệu USD, tăng 62,9%; xăng dầu đạt 119 triệu USD, tăng 21%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 75 triệu USD, tăng 20,7%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 162 triệu USD, giảm 24,8%; giầy dép và sản phẩm từ da đạt 25 triệu USD, giảm 33,5%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 19 triệu USD, giảm 20,7%; hàng hóa khác đạt 379 triệu USD, giảm 5,5%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 5,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,3 tỷ USD, giảm 2,7%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 783 triệu USD, tăng 6,2%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 729 triệu USD, tăng 15,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 637 triệu USD, tăng 11,3%; hàng dệt may đạt 637 triệu USD, tăng 2,6%; hàng nông sản đạt 538 triệu USD, tăng 72%; xăng dầu đạt 509 triệu USD, tăng 16,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 261 triệu USD, tăng 8,3%; hàng hóa khác đạt 1,4 tỷ USD, tăng 2,5%. Có 3/12 nhóm hàng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Giầy dép và sản phẩm từ da đạt 101 triệu USD, giảm 29,6%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 65 triệu USD, giảm 20,4%; điện thoại và linh kiện đạt 29 triệu USD, giảm 59,7%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tư ước tính đạt 3.201 triệu USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 2.705 triệu USD, giảm 1% và tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 496 triệu USD, giảm 10,2% và giảm 5%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Xăng dầu đạt 494 triệu USD, tăng 32,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 210 triệu USD, tăng 16,1%; sắt thép đạt 159 triệu USD, tăng 9,6%; chất dẻo đạt 105 triệu USD, tăng 35,3%; kim loại khác đạt 98 triệu USD, tăng 28,4%; hàng điện gia dụng và linh kiện đạt 74 triệu USD, tăng 49,2%; sản phẩm hóa chất đạt 70 triệu USD, tăng 11,6%; hàng hóa khác đạt 1.053 triệu USD, tăng 7,7%. Trong tháng, 3/14 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 543 triệu USD, giảm 0,2%; vải đạt 75 triệu USD, giảm 0,3%; ngô đạt 40 triệu USD, giảm 25%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 2 tỷ USD, giảm 4,6%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 1.974 triệu USD, tăng 8,7%; xăng dầu đạt 1.790 triệu USD, tăng 5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 767 triệu USD, tăng 5,4%; sắt thép đạt 639 triệu USD, tăng 22,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 612 triệu USD, giảm 6,8%; chất dẻo đạt 397 triệu USD, tăng 5,9%; kim loại khác đạt 376 triệu USD, tăng 21,6%; hàng hóa khác đạt 4.308 triệu USD, tăng 12,2%.

6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 giảm 0,46% so với tháng trước, tăng 0,72% so với tháng 12/2023 và tăng 5,74% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 5,28% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng Tư, 6/11 nhóm hàng có CPI giảm so với tháng trước, trong đó: Nhóm giáo dục giảm 10,24% (tác động làm giảm CPI chung 0,81%) do Hà Nội thực hiện Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND ngày 29/3/2024 của HĐND Thành phố về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội (giảm so với mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội). Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,35% (tác động làm giảm CPI chung 0,07%) do giá gas giảm 0,94% so với tháng trước; sản lượng tiêu thụ điện, nước giảm dẫn đến bình quân trong tháng giá điện giảm 0,97%; giá nước giảm 4,64%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,25% (tác động làm giảm CPI chung 0,08%) chủ yếu do giá lương thực giảm 0,16%; thực phẩm giảm 0,45%. Các nhóm còn lại giảm nhẹ: Nhóm đồ uống, thuốc lá giảm 0,05%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình giảm 0,02%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%.

Trong tháng có 5/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước: Nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 6,87% (tác động làm tăng CPI chung 0,35%) do Hà Nội thực hiện Nghị quyết 05/2024/NQ-HĐND ngày 29/3/2024 của HĐND Thành phố quy định mức tăng giá tăng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc Thành phố quản lý. Nhóm giao thông tăng 1,91% (tác động làm tăng CPI chung 0,19%) do bình quân trong tháng giá xăng tăng 4,80%; giá dầu diezen tăng 2,01% so với tháng trước. Các nhóm còn lại tăng nhẹ: Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,2%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,08%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 5,28% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 8/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng: Nhóm giáo dục tăng 34,9% (tác động làm CPI bình quân chung 4 tháng đầu tăng 2,76%) do 3 tháng đầu năm các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,02% (tác động làm CPI tăng 1,22%) do bình quân 4 tháng giá gas tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ điện, nước tăng dẫn đến giá điện bình quân tăng 9,15%; giá nước tăng 33,17%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,19% (tác động làm CPI tăng 0,99%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,61% (tác động làm CPI tăng 0,05%); giao thông tăng 2,19% (tác động làm CPI tăng 0,21%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,96%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,8%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,35% chủ yếu do giá đồ trang sức tăng 23,45% và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 2,46% đã tác động làm CPI bình quân chung tăng 0,26%. Trong 4 tháng đầu năm nay, có 3/11 nhóm hàng CPI bình giảm so với bình quân cùng kỳ: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,5%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08%.

Chỉ số giá vàng tháng Tư tăng 7,81% so với tháng trước, tăng 17,91% so với tháng 12/2023 và tăng 30,75% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 22,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Tư tăng 1,15% so với tháng trước, tăng 2,85% so với tháng 12/2023 và tăng 6,23% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

7. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán

7.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 198,1 nghìn tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa 189,3 nghìn tỷ đồng, đạt 50% dự toán và tăng 6,7%; thu từ dầu thô 1,6 nghìn tỷ đồng, đạt 52,2% và tăng 33%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7,2 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% và bằng 95,2% cùng kỳ năm 2023.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 4 tháng đầu năm 2024:

Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 35,5 nghìn tỷ đồng, đạt 50,3% dự toán năm và bằng 90,5% cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 13,2 nghìn tỷ đồng, đạt 49,4% và tăng 11,3%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 41,4 nghìn tỷ đồng, đạt 52,7% và tăng 13,7%; thuế thu nhập cá nhân 19,1 nghìn tỷ đồng, đạt 46,7% và tăng 14,2%; thu tiền sử dụng đất 6,3 nghìn tỷ đồng, đạt 17,5% và gấp 2,6 lần; thu lệ phí trước bạ 2,2 nghìn tỷ đồng, đạt 33,2% và giảm 3,1%; thu phí, lệ phí 7,4 nghìn tỷ đồng, đạt 37,8% và tăng 22,7%.

Chi ngân sách địa phương

4 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 27,6 nghìn tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán năm và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Chi thường xuyên 17,1 nghìn tỷ đồng, đạt 29,8% và tăng 8,2%; chi đầu tư phát triển 10,5 nghìn tỷ đồng, đạt 13% dự toán và tăng 18,1%.

7.2. Tín dụng ngân hàng

Tình hình thực hiện lãi suất: Tháng Tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khuyến khích các Tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất cho vay bình quân của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 7,7 - 9,8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,7%/năm theo quy định của NHNN. Lãi suất tiền gửi tác động theo đó vẫn phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,2 - 3,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,9 - 5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,8 - 5,8%/năm.

Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối tháng 4/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.343 nghìn tỷ đồng, tăng 0,78% so với tháng trước và tăng 0,15% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 4.686 nghìn tỷ đồng, tăng 0,87% và tăng 0,35%; phát hành giấy tờ có giá đạt 657 nghìn tỷ đồng, tăng 0,14% và giảm 1,25%.

Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3.670 nghìn tỷ đồng, tăng 0,81% so với tháng trước và tăng 1,47% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.504 nghìn tỷ đồng, tăng 0,63% và giảm 0,06%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.166 nghìn tỷ đồng, tăng 0,93% và tăng 2,57%. Tính đến cuối tháng 4/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,9% trong tổng dư nợ. Các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 15,64% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,05%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,99%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,18%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,34%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,44%.

7.3. Thị trường chứng khoán

Tính đến hết tháng Ba năm 2024, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.192 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 322 doanh nghiệp và Upcom có 870 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 592,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 159 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% và tăng 6,3%; Upcom đạt 433,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% và tăng 5,1%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng Ba đạt 1.537 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 328 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% và tăng 26,5%; Upcom đạt 1.209 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% và tăng 24,7%.

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tháng Ba khối lượng giao dịch đạt 2.378 triệu CP được chuyển nhượng, gấp 1,7 lần tháng trước và gấp 1,6 lần cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 49,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần và gấp 2,3 lần. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 2.296 triệu CP, cùng gấp 1,8 lần tháng trước và cùng kỳ năm trước; giá trị đạt 47,2 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần và gấp 2,5 lần. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, khối lượng giao dịch đạt 5,3 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 105,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34,9% về khối lượng và tăng 79% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Ba, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 265 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 24 mã giao dịch; cá nhân 241 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới 3 tháng đầu năm 2024 đạt 411 nghìn tài khoản.

8. Một số vấn đề xã hội

8.1. Giải quyết việc làm

Trong tháng 4/2024, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, đã có 27,7 nghìn lao động được giải quyết việc làm, tăng 60,1% so với tháng trước và tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách vay với số tiền 830,4 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 11,8 nghìn lao động; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm với 681 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, kết quả có 1,8 nghìn lao động được tuyển dụng; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 14,1 nghìn lao động. Tính chung 4 tháng đầu năm, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 73,3 nghìn lao động, đạt 44,4% kế hoạch năm, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng trong tháng Tư, Thành phố đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 6,6 nghìn người với số tiền được hỗ trợ là 172,8 tỷ đồng; 100% trường hợp đề nghị hưởng BHTN được tư vấn giới thiệu việc làm mới, trong đó hỗ trợ học nghề 263,2 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, Thành phố đã ra quyết định hưởng BHTN cho 19,4 nghìn người với số tiền được hỗ trợ là 623,2 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp và hỗ trợ học nghề với số tiền 998,2 triệu đồng.

8.2. Bảo đảm an sinh xã hội

Trong tháng Tư, Thành phố thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Bên cạnh đó Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã đến dâng hương tại các Nghĩa trang liệt sĩ và di tích lịch sử cách mạng tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cũng trong tháng, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 754 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã chi cho công tác ưu đãi người có công là 789,7 tỷ đồng, trong đó thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 80 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 731,7 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 23 tỷ đồng; chi quà Tết 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo luôn được Thành phố quan tâm thực hiện, từ đầu năm đến nay đã có 460 ngôi nhà được khởi công xây sửa, đạt 63,5% kế hoạch năm, trong đó 46 nhà xây mới và sửa chữa đã hoàn thành.

Tính đến cuối tháng Tư, toàn Thành phố có trên 203,3 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với tổng kinh phí chi trả 4 tháng đầu năm 2024 là 646 tỷ đồng. Thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.020 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác tại các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,8 triệu đồng/người/tháng (riêng trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng) và chi khác 350 nghìn đồng/tháng.

8.3. Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội

Năm 2024, theo kế hoạch Thành phố giao: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 94,5% dân số. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 45% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,5%. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 40% lực lượng lao động.

Ước tính đến hết 4 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố đạt 94,3% dân số với 8.001 nghìn người tham gia, tăng 0,2% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Có

2.085 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 44,3% lực lượng trong độ tuổi lao động), tăng 1,4% và tăng 5,8%; hơn 112,9 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 2,4%), tăng 6,2% và tăng 52,2%. Số người tham gia BHTN là 2.018 nghìn người (chiếm 40%), tăng 1,4% và tăng 5,9%.

Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng số tiền thu từ BHXH, BHYT, BHTN là 20,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN là 24,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 14 nghìn tỷ đồng; chi khám chữa bệnh BHYT 7,6 nghìn tỷ đồng).

8.4. Giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Trong tháng, Thành phố công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của các trường công lập, tư thục và công lập tự chủ. Theo đó, các trường tiếp tục triển khai tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) công lập năm học 2024-2025 theo phương thức thi tuyển 3 môn toán, văn, ngoại ngữ.

Theo kế hoạch, có 115 trường công lập không chuyên và 8 trường công lập tự chủ tuyển hơn 74 nghìn học sinh; 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên tuyển gần 3 nghìn học sinh, tăng hơn 300 học sinh so với năm học trước.

Đối với các trường THPT tư thục và THPT tự chủ tài chính, đa số các trường xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện và học tập của học sinh tại bậc Trung học cơ sở, đồng thời một số trường kết hợp lấy kết quả Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025.

Bên cạnh đó, Thành phố có văn bản hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT, trường hiệp quản, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp THPT), các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; hướng dẫn, chuẩn bị và tổ chức triển khai công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.

Về giáo dục nghề nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề. Trong đó, 67 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 75 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 113 doanh nghiệp, các loại hình khác. Trong 4 tháng đầu năm 2024, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 41 nghìn người (trong đó 1,1 nghìn người trình độ cao đẳng; 1,4 nghìn người trình độ trung cấp; 38,5 nghìn người trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng), đạt 17,4% kế hoạch tuyển sinh năm 2024, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, góp phần cung cấp nguồn lao động có trình độ đào tạo cho thị trường lao động trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận.

8.5. Tình hình dịch bệnh

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 15/3 đến ngày 14/4/2024 tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát tốt, cụ thể như sau:

Bệnh Sốt xuất huyết Dengue có xu hướng giảm so với tháng trước, trong tháng ghi nhận 90 ca mắc; cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay Thành phố ghi nhận 571 ca mắc (cùng kỳ năm 2023 có 206 ca mắc). Bệnh Tay chân miệng có chiều hướng tăng nhanh, trong kỳ báo cáo ghi nhận 454 ca mắc; cộng dồn từ đầu năm đến nay có 614 ca mắc (cùng kỳ 358 ca mắc). Bệnh thủy đậu 196 ca mắc; cộng dồn 393 ca mắc (cùng kỳ 1.090 ca mắc). Số ca mắc Covid-19 ghi nhận 118 ca; cộng dồn 4 tháng đầu năm có 606 ca mắc. Ho gà trong 4 tháng ghi nhận 46 ca mắc. Các bệnh truyền nhiễm khác xuất hiện rải rác không đáng kể, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Hiện nay, thời tiết đang giao mùa, dự báo trong thời gian tới, các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan như Covid-19, cúm, thủy đậu, ho gà, sởi, rubella, adeno vi rút, Tay chân miệng, sốt xuất huyết... có thể có xu hướng gia tăng.

Vì vậy các địa phương và cơ sở giáo dục cần làm tốt công tác tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống các ổ dịch mới để kiểm soát tốt nguy cơ bùng phát dịch và giảm thiểu số ca mắc.

Cũng trong tháng Tư, Hà Nội triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024” Thành phố đã đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, khống chế không để ngộ độc thực phẩm nhất là những nơi đông người gây tử vong góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định an toàn xã hội và nâng cao đời sống người dân.

8.6. Hoạt động văn hóa, thể thao

Hoạt động văn hóa: Trong tháng Tư, Thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan Chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Ngày Quốc tế Lao động 01/5; Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố đã tổ chức tiếp đón các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân đến dâng hương, tham quan du lịch tất cả các ngày trong tuần. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, các di tích đã đón hơn 1,3 triệu lượt khách tham quan, đạt 47,5% kế hoạch năm; doanh thu phí tham quan 70,4 tỷ đồng, đạt 93,9%. Trong tháng, các đơn vị nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và phục vụ đông đảo các tầng lớp Nhân dân với 185 buổi diễn, thu hút 60,1 nghìn lượt khán giả, doanh thu 4,5 tỷ đồng. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, Thành phố đã tổ chức 770 buổi biểu diễn, đạt 35% kế hoạch năm; thu hút 212,4 nghìn lượt khán giả, đạt 27,8%; doanh thu 19,6 tỷ đồng, đạt 40,4%.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội duy trì mở cửa đón khách tham quan, bố trí cán bộ thuyết minh hướng dẫn, đón tiếp khách đến tham quan, trong 4 tháng đầu năm 2024 đã đón 39,7 nghìn lượt khách. Tiếp tục duy trì các trưng bày chuyên đề, triển lãm như: Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - đất trăm nghề” tại khu nhà phố cổ; Trưng bày các mẫu vật thiên nhiên Hà Nội; Trưng bày chuyên đề “Hà Nội 1972 - khát vọng hòa bình”; Không gian nghệ thuật sáng tạo và triển lãm nghệ thuật chủ đề “Ego - người”; trưng bày chủ đề “Bác Hồ với Hà Nội” và “Không gian nghệ thuật Sen thư pháp”; chủ đề “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê”. Thư viện Hà Nội phục vụ bạn đọc tại chỗ, cho mượn về nhà và qua không gian mạng với số lượng trên 500 nghìn lượt người, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2023; phục vụ hơn 1,2 triệu lượt tài liệu, tăng 50,2%; số lượng người cấp mới và đổi thẻ thư viện gần 2 nghìn người, tăng 52,5%.

Hoạt động thể thao: Trong tháng Tư, Thành phố đã cử các đoàn huấn luận viên, vận động viên đi tập huấn, thi đấu các giải đấu trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp tổ chức các giải thi đấu chuyên nghiệp theo kế hoạch. Thể thao thành tích cao Hà Nội 4 tháng đầu năm 2024 đạt được 19 huy chương tại các giải đấu quốc tế (1 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc, 8 huy chương Đồng) và 93 huy chương trong nước (36 huy chương Vàng, 21 huy chương Bạc, 36 huy chương Đồng).

Về thể thao quần chúng, tiếp tục được tổ chức tại các quận, huyện, thị xã với các giải đấu, hội thi thể dục thể thao tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân tại địa phương và các vùng lân cận. Các hoạt động thể dục thể thao đa dạng, phong phú, phù hợp với mọi lứa tuổi, từ những môn thể thao cổ truyền của dân tộc đến những môn thể thao được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Võ, Quần vợt, Bóng bàn...

8.7. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Theo số liệu tổng hợp từ Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ tháng Tư (từ 15/3/2024 đến 14/4/2024) trên địa bàn Hà Nội như sau:

Phạm pháp hình sự: Trong tháng đã phát hiện 671 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 326 vụ do công an khám phá. Số đối tượng vi phạm bị bắt giữ theo luật là 639 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 164 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế với 214 đối tượng, thu nộp ngân sách 4,5 tỷ đồng. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2024, phát hiện 1.614 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ theo luật 1.666 đối tượng; 1.289 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, bắt giữ 1.465 đối tượng; thu nộp ngân sách 46,1 tỷ đồng.

Tệ nạn xã hội: Trong tháng đã phát hiện 40 vụ cờ bạc, bắt giữ 209 đối tượng. Tổng số vụ vi phạm pháp luật về ma tuý bị phát hiện là 280 vụ, bắt giữ 419 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 268 vụ với 379 đối tượng.

Tai nạn giao thông: Tháng Tư, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 159 vụ tai nạn giao thông làm 61 người chết và bị thương 123 người. Trong đó, 155 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 57 người chết, 123 người bị thương và 4 vụ tai nạn đường sắt làm 4 người chết. Chia theo mức độ nghiêm trọng, có 70 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 61 người và bị thương 29 người; số vụ tai nạn ít nghiêm trọng và va chạm có 89 vụ làm 94 người bị thương. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, xảy ra 544 vụ tai nạn giao thông, trong đó 535 vụ tai nạn đường bộ và 9 vụ tai nạn đường sắt, làm 236 người chết và 436 người bị thương.

Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Trong tháng, phát hiện 189 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 190 đối tượng; xử lý 200 vụ với 198 đối tượng; thu nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng. Cũng trong tháng Tư, trên địa bàn Thành phố xảy ra 89 vụ cháy, trong đó có 14 vụ cháy trung bình và 75 vụ cháy nhỏ. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, ghi nhận 2.263 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 2.286 đối tượng; 377 vụ cháy làm 6 người chết và 3 người bị thương./.


File đính kèm