Cục Thống kê TP Hà Nội tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024
Chiều ngày 28/06/2024, Cục Thống kê thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Thành phố 6 tháng đầu năm 2024. Ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê thành phố Hà Nội chủ trì buổi Họp báo. Tham dự buổi Họp báo có lãnh đạo các Sở, ban ngành của Thành phố; báo Hà Nội Mới; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; báo Kinh tế và Đô thị; báo Quốc phòng Thủ đô, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Tạp chí Con số và sự kiện, Tổng cục Thống kê; các Phó Cục trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục.
Tại buổi Họp báo, ông Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê Thành phố đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024, cụ thể:
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,53%; quý II tăng 6,44%). Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay tăng nhẹ so với mức tăng 5,86% của cùng kỳ năm trước nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại, mức tăng trưởng quý II cao hơn 0,91 điểm % so với quý I là rất quan trọng và đáng ghi nhận.
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tính tăng 6,55% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,91%; quý II tăng 7,15%), đóng góp 4,41 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng GRDP 6 tháng như: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 18,86%, đóng góp 0,7 điểm % vào mức tăng chung; bán buôn, bán lẻ tăng 8,91%, đóng góp 0,91 điểm %; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,78%, đóng góp 0,13 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,31%, đóng góp 0,6 điểm %; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,29%, đóng góp 0,4 điểm %; giáo dục và đào tạo tăng 6,23%, đóng góp 0,24 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 5,2%, đóng góp 0,44 điểm %; thông tin, truyền thông tăng 4,77%, đóng góp 0,72 điểm %. Các ngành dịch vụ khác tiếp tục duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ: Hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị- xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng tăng 4,55%; hoạt động nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 3,81%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 3,26%; kinh doanh bất động sản tăng 2,82%; dịch vụ khác tăng 0,67%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 5,37% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,12%; quý II tăng 5,57%), đóng góp 1,04 điểm % vào mức tăng GRDP. Ngành công nghiệp những tháng đầu năm gặp khó khăn do nhiều ngành sản phẩm chủ lực sụt giảm, bước sang quý II/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực khi các đơn hàng tiếp tục tăng; ước 6 tháng giá trị tăng thêm đạt 5,33%, đóng góp 0,66 điểm %, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,53%, đóng góp 0,5 điểm %; sản xuất phân phối điện tăng 15,45%, đóng góp 0,11 điểm %; hoạt động cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 8,63%, đóng góp 0,05 điểm %. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm ước tăng 5,45%, đóng góp 0,38 điểm % vào mức tăng chung.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I tăng 4,19%; quý II tăng 1,90%), đóng góp 0,07 điểm % vào mức tăng GRDP. Những tháng đầu năm, trên địa bàn Thành phố không xuất hiện dịch bệnh lớn, hoạt động tái đàn được quan tâm, đàn lợn hiện có tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng 1,4%; đàn trâu tăng 2,1%. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gieo cấy lúa chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng rau, hoa, cây cảnh; tăng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 0,48 điểm % mức tăng GRDP chung.
Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,3%; khu vực dịch vụ chiếm 66,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,61% (cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tương ứng là: 2,20%; 20,79%; 66,21% và 10,80%).
Hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố trong quý II/2024 có những tín hiệu khả quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý II ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,5% so với quý trước và tăng 18,8% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 28,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11%; nhập khẩu đạt 19,7 tỷ USD, tăng 14,9%.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2024 đạt 208,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước đạt 76 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7%; vốn ngoài nhà nước đạt 118,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 14,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý 6 tháng đầu năm nay đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 30,7% kế hoạch năm, trong đó: NSNN cấp Thành phố thực hiện 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% và đạt 26,4%; NSNN cấp huyện thực hiện 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 31,1% và đạt 34,4%; NSNN cấp xã thực hiện 1,2 tỷ đồng, tăng 62,6% và đạt 35,2%.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1.165 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn đạt 1.036 triệu USD; 78 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 74 triệu USD).
Đăng ký doanh nghiệp Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội có 15,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 149,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3%; hơn 6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 17%; thực hiện thủ tục giải thể cho gần 2,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 14%; gần 17 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 26%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 252,1 nghìn tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Thu nội địa 237,7 nghìn tỷ đồng, đạt 62,8% dự toán và tăng 12,8%; thu từ dầu thô 2 nghìn tỷ đồng, đạt 66,5% và tăng 3,1%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 12,3 nghìn tỷ đồng, đạt 45,6% và tăng 9,2%.
Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 48 nghìn tỷ đồng, đạt 32,8% dự toán năm và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Chi thường xuyên 25,1 nghìn tỷ đồng, đạt 43,8% và tăng 10,6%; chi đầu tư phát triển 22,9 nghìn tỷ đồng, đạt 28,2% và tăng 43,6%.
Hoạt động huy động vốn đến cuối tháng 6/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.322 nghìn tỷ đồng, tăng 0,12% so với tháng trước và giảm 0,26% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng đến 30/6/2024 đạt 3.832 nghìn tỷ đồng, tăng 0,81% so với tháng trước và tăng 5,95% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 0,66% so với tháng 12/2023 và tăng 5,39% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 5,32% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Một số vấn đề xã hội: 6 tháng đầu năm nay, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 124,9 nghìn lao động, đạt 75% kế hoạch năm và tăng 10% cùng kỳ năm trước, trong đó Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 2,1 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 37,3 nghìn lao động; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 128 phiên giao dịch việc làm giúp 8,7 nghìn người tìm được việc sau khi kết thúc phiên giao dịch; có 2,2 nghìn người được giải quyết đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 76,7 nghìn người tự tạo việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 35,9 nghìn người với số tiền hỗ trợ 1.088 tỷ đồng; 100% trường hợp đề nghị hưởng BHTN được tư vấn tìm việc làm mới, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 385 người với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 5,2 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công; tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công là 1.252 tỷ đồng, trong đó thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho gần 80 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.094 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 88 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 35 tỷ đồng; chi quà Tết 35 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, Thành phố đã khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 686 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 15 huyện, thị xã đạt 94,7% kế hoạch năm, trong đó 272 nhà đã hoàn thành với tổng số tiền giải ngân 30,8 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành 100% kế hoạch sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trước 30/9/2024.
Tình hình dịch bệnh trong tháng Sáu, trên địa bàn Thành phố không ghi nhận ổ dịch lớn, số ca mắc dịch bệnh mùa Hè giảm mạnh so với tháng trước. Công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được Thành phố quan tâm thực hiện. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố, ghi nhận 745 trường hợp mắc Sốt xuất huyết (cùng kỳ 2023 có 360 ca mắc); bệnh Tay chân miệng 1.472 ca mắc (cùng kỳ 764 ca mắc); bệnh thủy đậu 627 ca mắc (cùng kỳ 1.678 ca mắc); số ca mắc Covid-19 ghi nhận 667 ca mắc (cùng kỳ 16,3 nghìn ca mắc); ho gà 116 ca mắc. Các bệnh truyền nhiễm khác xuất hiện rải rác không đáng kể, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.
Hoạt động văn hóa, thể thao trong 6 tháng đầu năm, Thành phố tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm với hình thức phong phú, đa dạng; đăng 529 tin, bài tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô trên các báo, tạp chí (in và điện tử) thành phố Hà Nội đăng Chuyên mục “Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô”; gửi 19 tin, bài tới gần 10,3 triệu lượt người sử dụng Zalo; đăng 19 tin bài trên mạng xã hội Lotus; lan tỏa 215 tin, bài trên các trang thông tin điện tử tổng hợp có lượng người truy cập lớn như baomoi, soha. Thực hiện trang trí tuyên truyền trên pano các loại bao gồm các cụm pano tranh cổ động cố định tấm lớn, cụm pano vừa và nhỏ tại các dải phân cách, tuyến đường khu vực trung tâm Thành phố. 6 tháng đầu năm, thể thao thành tích cao Hà Nội đạt 1.064 huy chương trong đó: 52 huy chương tại các giải đấu quốc tế (7 huy chương Vàng, 20 huy chương Bạc, 25 huy chương Đồng) và 1.012 huy chương trong nước (389 huy chương Vàng, 316 huy chương Bạc, 307 huy chương Đồng). Thể thao quần chúng tiếp tục được tổ chức tại các quận, huyện, thị xã với các giải đấu, hội thi thể dục thể thao tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân tại địa phương và các vùng lân cận.
Tại buổi họp báo, Ông Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê đã trả lời câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên báo chí và truyền thông liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội của Thành phố.
Một số hình ảnh tại buổi Họp báo
Ông Vũ Văn Tấn - Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Thống kê TP Hà Nội chủ trì buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo
Tin khác