02438254 239 | hanoi@gso.gov.vn

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tháng 3 và quý I năm 2025

02/04/2025 23:34

Kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội quý I năm 2025 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sức ép cạnh tranh gia tăng ở thị trường xuất khẩu cùng căng thẳng hàng rào thương mại, thuế quan để bảo hộ sản xuất; việc thay đổi chính sách của một số nền kinh tế lớn, áp lực tỷ giá tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bất ổn địa chính trị gia tăng, lạm phát giảm chậm buộc hầu hết các nước tiếp tục thực hiện thắt chặt tiền tệ đã tác động đến kinh tế thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Trung ương; thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình hành động, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Thành phố năm 2025. Nhờ đó, kinh tế Thành phố có nhiều điểm sáng và tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo. Kết quả cụ thể các ngành, lĩnh vực quý I/2025 như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2025 ước tính tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao trong 5 năm gần đây. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước, Thành phố đạt được kết quả tăng trưởng tích cực trong quý I/2025 cho thấy tính kịp thời, hiệu quả các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện

mục tiêu, các chỉ tiêu phát triển, nhiệm vụ và các giải pháp đột phá của từng ngành, từng lĩnh vực với tinh thần “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.

Trong quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 3,09%, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP chung của Thành phố. Những tháng đầu năm 2025, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Thành phố đã thu hoạch xong cây màu vụ Đông, lúa và cây màu vụ Xuân sinh trưởng, phát triển tốt; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm thực hiện. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động tái đàn được quan tâm; sản lượng thịt gia súc, gia cầm quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước (thịt trâu tăng 1,1%; thịt lợn tăng 3%; thịt gia cầm tăng 3,3%); sản lượng thủy sản tăng 3,9%.

Khu vực công nghiệp, xây dựng quý I/2025 ước tính tăng 5,54%, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP. Ngành công nghiệp ngay từ tháng đầu năm đã nỗ lực tăng trưởng tích cực với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố mở xưởng hoạt động trở lại, nhanh chóng bắt tay vào sản xuất; 99,5% công nhân đi làm ngay ngày đầu của năm mới, đảm bảo sản xuất các đơn hàng trong nước và xuất khẩu, tiếp tục chuẩn bị cho đơn hàng trong quý II/2025. Ước tính giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 5,36% (quý I/2024 tăng 5,09%) đóng góp 0,63 điểm % vào mức tăng chung (trong đó: Ngành chế biến, chế tạo tăng 5,57%; sản xuất phân phối điện tăng 5,30%; hoạt động cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 2,24%).

Ngành xây dựng với sự vào cuộc quyết liệt của Thành phố, nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2025 với mục tiêu giải ngân vượt kế hoạch vốn được giao, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu và các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, kỹ thuật. Dự kiến trong năm nay, Thủ đô sẽ có 11 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, cung cấp gần 6.000 căn hộ, tương đương 345 nghìn m2 sàn xây dựng. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng quý I/2025 ước tăng 5,9% so với cùng kỳ (quý I/2024 tăng 5,72%), đóng góp 0,33 điểm % vào mức tăng chung.

Khu vực dịch vụ có nhiều tín hiệu khởi sắc khi Thành phố cùng doanh nghiệp kinh doanh thương mại và các hệ thống bán lẻ triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, đa dạng hóa phương thức bán hàng linh động; các sàn thương mại điện tử có nhiều chương trình khuyến mại cùng chính sách, dịch vụ giúp khách hàng mua sắm thuận tiện và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nhất là các gói chương trình hàng Việt, các chương trình ưu đãi lớn, giảm giá, khuyến mại, miễn phí vận chuyển và các chương trình ưu đãi riêng cho khách hàng thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, quý I là thời điểm diễn ra các hoạt động Lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025 nên các hoạt động dịch vụ vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn diễn ra sôi động, có nhiều điểm sáng. Tăng trưởng khu vực dịch vụ quý I/2025 ước tính đạt 8,34%, đóng góp 5,82 điểm % vào mức tăng GRDP. Các ngành dịch vụ đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng chung của Thành phố: Thông tin và truyền thông tăng 7,10%, đóng góp 1,13 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 12,26%, đóng góp 1,09 điểm %; bán buôn, bán lẻ tăng 7,83%, đóng góp 0,84 điểm %; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,0%, đóng góp 0,79 điểm %; hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm lĩnh vực du lịch, lữ hành) tăng 15,62%, đóng góp 0,63 điểm %; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 6,12%, đóng góp 0,37 điểm %; giáo dục và đào tạo tăng 7,87%, đóng góp 0,33 điểm %; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,10%, đóng góp 0,21 điểm %; quản lý Nhà nước tăng 9,98%, đóng góp 0,15 điểm %; kinh doanh bất động sản tăng 2,78%, đóng góp 0,12 điểm %; y tế và trợ giúp xã hội tăng 7,22%, đóng góp 0,1 điểm %; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 6,02%, đóng góp 0,03 điểm %; dịch vụ khác tăng 3,60%, đóng góp 0,02 điểm %; dịch vụ làm thuê các công việc trong các hộ gia đình tăng 7,62%, đóng góp 0,01 điểm %.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý I ước tính tăng 4,69%, đóng góp 0,51 điểm % mức tăng GRDP.

Cơ cấu GRDP quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 17,83%; khu vực dịch vụ chiếm 69,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,13% (cơ cấu GRDP quý I/2024 tương ứng là: 2,08%; 18,39%; 69,14% và 10,39%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Quý I/2025, Thành phố đã thu hoạch xong cây màu vụ Đông, thực hiện gieo cấy lúa Đông Xuân sớm hơn cùng kỳ năm trước; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục được quan tâm chú trọng. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu trồng rừng theo kế hoạch, thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025. Nuôi trồng thủy sản thuận lợi, sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.

2.1. Nông nghiệp

Kết quả sản xuất vụ Đông: Diện tích cây trồng vụ Đông trên địa bàn Thành phố đạt 27,5 nghìn ha, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích Ngô đạt 5 nghìn ha, bằng 90,1%; sản lượng đạt 26 nghìn tấn, bằng 89,3%. Khoai lang 886 ha, bằng 99,3%; sản lượng 8,5 nghìn tấn, tăng 1,8%. Đậu tương 790 ha, tăng 9,6%; sản lượng 1,5 nghìn tấn, tăng 16,2%. Lạc 188 ha, bằng 83,8%; sản lượng 428 tấn, bằng 85,9%. Đậu các loại 37 ha, bằng 36,6%; sản lượng 66 tấn, bằng 36,7%. Rau các loại 14,6 nghìn ha, tăng 1,6%; sản lượng 333,7 nghìn tấn, tăng 2,2%. Điều kiện thời tiết vụ Đông năm nay thuận lợi, nhất là đối với sản xuất nhóm cây rau, đậu, hoa và cây có hạt chứa dầu. Năng suất rau các loại 228,8 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha so cùng kỳ; đậu tương 19,6 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; lạc 22,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; khoai lang 96,4 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha; ngô 52,1 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình sản xuất vụ Xuân: Tính đến ngày 20/3/2025, Thành phố đã gieo trồng được 79,8 nghìn ha lúa vụ Xuân, bằng 98,5% cùng kỳ năm trước; 3,2 nghìn ha ngô, tăng 9,5%; 173 ha khoai lang, bằng 80,8%; 119 ha đậu tương, bằng 77,3%; 1,1 nghìn ha lạc, bằng 91,9%; 8,9 nghìn ha rau, tăng 1,7%; 221 ha đậu, tăng 13,9%. Hiện nay lúa và cây màu vụ Xuân sinh trưởng và phát triển theo đúng khung thời vụ. Các ngành chức năng đang tập trung chỉ đạo địa phương hướng dẫn người dân bảo vệ và chăm sóc tốt cây trồng; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Tính chung vụ Đông Xuân năm nay, toàn Thành phố ước tính gieo trồng được 79,8 ha lúa, bằng 98,5% so cùng kỳ; ngô 8,2 ha, bằng 96,8%; khoai lang 1,1 nghìn ha, bằng 95,8%; đậu tương 909 ha, bằng 103,9%; lạc 1,3 nghìn ha bằng 90,6%; rau các loại 23,4 nghìn ha, bằng 101,6%; đậu các loại 258 ha, bằng 87,8% so với vụ Đông Xuân năm 2024.

Cây lâu năm: Diện tích trồng cây lâu năm trên địa bàn Thành phố đến nay ước đạt 23,2 nghìn ha, bằng 97,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó diện tích cây ăn quả đạt 19,6 nghìn ha, bằng 97,5%; cây lấy quả chứa dầu 24 ha, tăng 9,1%; cây chè 1,9 nghìn ha, bằng 94,5%; cây gia vị, dược liệu lâu năm 227 ha, bằng 94,2%; cây lâu năm khác 1,5 nghìn ha, bằng 99,3%. Tính chung từ đầu năm đến nay, ước tính sản lượng một số cây trồng chủ yếu: Chuối 25 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ; ổi 3,1 nghìn tấn, tăng 0,5%; táo 9,8 nghìn tấn, tăng 2,4%; chè búp 2,5 nghìn tấn, bằng 96,7%. Sản xuất cây lâu năm trên địa bàn Thành phố đang dần hồi phục sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 YAGI năm trước, đặc biệt là nhóm cây ăn quả và cây cảnh chịu ảnh hưởng nặng của bão.

Chăn nuôi: Hoạt động chăn nuôi cơ bản thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Các cơ sở chăn nuôi bám sát diễn biến thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân Thủ đô sau dịp Tết. Đến nay, đàn trâu có 28,8 nghìn con, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2024; đàn bò 119 nghìn con, giảm 3,7%; đàn lợn 1,25 triệu con, giảm 1,7%; đàn gia cầm 35,8 triệu con, tăng 0,6% (đàn gà 27 triệu con, tăng 0,4%). Tính chung quý I/2025, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 532 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2024; thịt bò 2,7 nghìn tấn, giảm 2%; thịt lợn 66,1 nghìn tấn, tăng 3%; thịt gia cầm 42,9 nghìn tấn, tăng 3,3% (thịt gà 32,3 nghìn tấn, tăng 3,2%); trứng gia cầm 368 triệu quả, tăng 4,1%.

2.2. Lâm nghiệp và thủy sản

Lâm nghiệp: Những tháng đầu năm, sản xuất lâm nghiệp tập trung triển khai trồng mới cây lâm nghiệp phân tán, trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng Ba ước đạt 50 ha, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2024; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 197 nghìn cây, giảm 4,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,7 nghìn m3, giảm 4%. Tính chung quý I/2025, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 50 ha, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 264 nghìn cây, giảm 4,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5 nghìn m3, giảm 4%; sản lượng củi đạt 185 ste, tăng 2,8%. Cũng trong quý I/2025 trên địa bàn Thành phố xảy ra 04 vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn với diện tích 2 ha chủ yếu là thảm thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng; 01 vụ phá rừng phòng hộ tại huyện Chương Mỹ với diện tích rừng 0,5 ha.

Thủy sản: Sản xuất thủy sản trong quý trên địa bàn phát triển ổn định. Nuôi trồng thủy sản được Thành phố xác định theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Các mô hình nuôi trồng hữu cơ, sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) sẽ được khuyến khích để nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản. Sản lượng thủy sản trong tháng Ba ước đạt 9,3 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 9,3 nghìn tấn, tăng 3,9%. Ước tính quý I/2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 27,8 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng thủy sản nuôi trồng cá), tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

3. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Thành phố trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 ước tính tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó IIP tháng Ba tăng 5,2%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Ba ước tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5% và tăng 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,7% và tăng 4,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,9% và tăng 6,6%; ngành khai khoáng tăng 0,5% và giảm 0,5%. Ước tính quý I/2025, chỉ số IIP tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,2%; khai khoáng giảm 5,4%.

Trong quý I năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 44,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 15,5%; dệt tăng 14,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,4%; sản xuất kim loại tăng 12,3%; sản xuất trang phục tăng 7,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 18,7%. Bên cạnh đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ: Sản xuất thiết bị điện giảm 7,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 7,2%; in, sao chụp bản ghi giảm 3,6%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 1,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 0,9%.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba tăng 12,4% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2024. Ước tính quý I/2025, chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 59,1%; sản xuất kim loại tăng 32,5%; sản xuất trang phục tăng 10,3%; sản xuất da tăng 9,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 7,0%. Một số ngành chỉ số tiêu thụ giảm: Sản xuất phương tiện vận tải giảm 24%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 16,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 15,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 13,4%; in, sao chép bản ghi giảm 12,9%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thời điểm 31/3/2025 giảm 2,9% so với cuối tháng trước và giảm 6,3% so với cuối quý I/2024. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 61,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 48%; sản xuất trang phục giảm 29,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 26,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 23,5%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng: Dệt tăng 133,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 40,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 32,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 26%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 3/2025 tăng 0,5% so với cuối tháng trước và tăng 0,6% so với cùng thời điểm năm trước. Ước tính quý I/2025, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,4% so với quý I/2024, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,9%; khu vực Nhà nước giảm 0,7%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (trong đó sản xuất máy móc, thiết bị tăng 32,2%; sản xuất trang phục tăng 6,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 4,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 4,1%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tương đương quý trước; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,4%; ngành khai khoáng giảm 33,6%.

4. Đầu tư và xây dựng

Ngay từ đầu năm, đầu tư từ ngân sách Nhà nước được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý I/2025 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý cao nhất cả nước, đạt 14,3 nghìn tỷ, tăng 43,8%; thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 cả nước, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 49,5%.

4.1. Thực hiện vốn đầu tư: Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố quý I/2025 ước tính đạt 93,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước 35,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư và tăng 18,3%; vốn ngoài Nhà nước 51 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,6% và tăng 5,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,6% và tăng 9,1%.

Chia theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý I/2025 ước tính đạt 57,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,5% tổng vốn đầu tư và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2024; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 26,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% và tăng 8,1%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,1% và tăng 8,2%; bổ sung vốn lưu động đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,4% và tăng 6,3%; vốn đầu tư khác đạt 928 tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 3,9%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng Ba ước tính đạt 5.238 tỷ đồng, tăng 14,7% so với thực hiện tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 2.243 tỷ đồng, tăng 26,1% và tăng 55,4%; vốn NSNN cấp huyện 2.769 tỷ đồng, tăng 6,9% và tăng 37%; vốn NSNN cấp xã 226 tỷ đồng, tăng 12,9% và tăng 34,8%. Ước tính quý I/2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch năm và tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 5,8 nghìn tỷ đồng, đạt 11,6% và tăng 44,6%; vốn NSNN cấp huyện 7,9 nghìn tỷ đồng, đạt 15,6% và tăng 43,6%; vốn NSNN cấp xã 592 tỷ đồng, đạt 15,1% và tăng 40,3%.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong tháng 3/2025 thành phố Hà Nội thu hút 312,7 triệu USD vốn FDI, trong đó: 29 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 9,1 triệu USD; có 9 lượt điều chỉnh tăng vốn dự án đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 126,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 27 lượt, đạt 177,4 triệu USD. Tính chung quý I năm 2025, Hà Nội thu hút 1.415 triệu USD vốn FDI, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Đăng ký cấp mới 81 dự án với số vốn đạt 29 triệu USD; 34 dự án bổ sung tăng vốn với 1.165 triệu USD; 83 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 221 triệu USD.

4.2. Hoạt động xây dựng

Nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2025 với mục tiêu giải ngân vượt kế hoạch vốn được giao, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu và các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác xây dựng cơ bản Quý I/2025 do UBND Thành phố tổ chức, kế hoạch đầu tư năm 2025 là 87,1 nghìn tỷ đồng (gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024 và bằng 10,5% tổng số vốn của cả nước), trong đó đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất là 42,5 nghìn tỷ đồng (gấp 1,18 lần so với kế hoạch năm 2024); đối với các dự án trọng điểm, kế hoạch vốn năm nay là 18,2 nghìn tỷ đồng bố trí vốn cho 16 dự án trọng điểm, bằng 20,9% kế hoạch. Để khắc phục các tồn tại hạn chế của việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 và bảo đảm việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư phải xây dựng và nỗ lực, quyết tâm triển khai kế hoạch thúc đẩy tiến độ, giải ngân từng tháng đối với từng dự án ngay từ đầu năm.

Năm 2025 thành phố Hà Nội có 282 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó: 233 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư 253,7 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2025 là 29,3 nghìn tỷ đồng); có 49 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 6,7 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 2,2 nghìn tỷ đồng). Một số ngành, lĩnh vực có mức đầu tư vốn lớn như: Lĩnh vực giao thông có 85 dự án với 22,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 72,6% kế hoạch vốn năm; lĩnh vực bảo vệ môi trường 4 dự án với 1,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8%; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp 32 dự án với 1,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5%; lĩnh vực y tế, dân số và gia đình 16 dự án với 1,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2%. Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố đang khẩn trương thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.

Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thành phố:

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 75 nghìn tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt Sông Hồng, Sông Đuống và 8 nút giao khác. Sau hơn 1 năm khởi công, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 14,9% kế hoạch vốn.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 50,9% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 16,5% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 24,6% kế hoạch vốn.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội: Có mức đầu tư 16,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, 84,1% vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270 nghìn m³/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha. Đến nay hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy trên để xử lý đã cơ bản hoàn thành, trong 6 tháng đầu năm 2025 nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm. Đến nay dự án đã giải ngân 36,4% kế hoạch vốn.

Ngoài ra, một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác cũng được Thành phố dự kiến khởi công xây dựng trong năm như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công vào tháng 5/2025; dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khởi công trong quý II/2025.

5. Hoạt động doanh nghiệp

5.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng Ba, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 1.849 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, giảm 39,5%; 715 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,5%; 1.101 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giảm 0,1%; 376 doanh nghiệp giải thể, tăng 8,6%.

Tính chung quý I/2025, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 5,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 44,6 nghìn tỷ đồng, giảm 18,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 38,1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 3,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5%; 14,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18,1%; 1,4 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 25,5%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2025 cho thấy: Có 16,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý IV/2024; 49,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 34,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Những tháng tiếp theo, các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ khả quan hơn với 34,1% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý II/2025 sẽ tốt hơn so với quý I; 46% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 20% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Chia theo loại hình kinh tế, có 80% doanh nghiệp khu vực Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 79,3% và 82,7%.

6. Hoạt động thương mại, dịch vụ

6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Trong quý I/2025, Thành phố thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá trước và sau dịp Tết Nguyên đán. Cùng với kiểm soát tốt giá tiêu dùng, sự phục hồi mạnh mẽ của các nhóm ngành dịch vụ, du lịch đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2025 tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 74,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 47,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 13,5%; khách sạn, nhà hàng đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% và tăng 19,5%; du lịch lữ hành đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 24%; dịch vụ khác đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% và tăng 11,9%.

Ước tính quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 226,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (Đá quý, kim loại quý tăng 19,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,6%; phương tiện đi lại và phụ tùng tăng 14,3%; lương thực, thực phẩm tăng 13,6%; xăng dầu các loại tăng 13,5%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 13,2%; nhiên liệu khác tăng 11,3%; hàng hóa khác tăng 11,9%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng mức và tăng 17,5% (dịch vụ lưu trú đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6%; dịch vụ ăn uống đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 22,7%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 43,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,4% và tăng 11,8% (dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 12,4%; y tế tăng 9,7%; kinh doanh bất động sản tăng 8,8%; dịch vụ khác tăng 10,4; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 1,9%).

6.2. Vận tải và bưu chính chuyển phát

Quý I/2025 là thời điểm trùng với Tết Nguyên đán nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân tăng cao. Nhờ chất lượng phục vụ được quan tâm, cùng với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, hoạt động vận tải đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa. Tổng doanh thu vận tải và bưu chính chuyển phát quý I/2025 ước tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách tăng 17,7%; vận tải hàng hóa tăng 13,6%.

Vận tải hành khách: Trong tháng Ba, số lượt hành khách vận chuyển ước tính đạt 41,7 triệu lượt người, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước tính đạt 1,2  tỷ lượt người.km, tăng 2,4% và tăng 19%; doanh thu ước tính đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 18,8%. Ước tính quý I/2025, số lượt hành khách vận chuyển đạt 122,2 triệu lượt người, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 3,6 tỷ lượt người.km, tăng 18,6%; doanh thu ước đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% (quý I/2024 vận chuyển tăng 13%; luân chuyển tăng 26,3% và doanh thu tăng 17,4%).

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Ba ước tính đạt 151,2 triệu tấn, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 14,7 tỷ tấn.km, tăng 2,4% và tăng 13,7%; doanh thu ước tính đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 14,1%. Ước tính quý I/2025, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 448 triệu tấn, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 43,4 tỷ tấn.km, tăng 12,9%; doanh thu ước đạt 25,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% (quý I/2024 vận chuyển tăng 15,3%; luân chuyển tăng 17% và doanh thu tăng 17,6%).

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải tháng Ba ước tính đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I/2025 ước tính đạt 27,4 nghìn tỷ đồng, tăng 27,4% so cùng kỳ năm trước (quý I/2024 doanh thu tăng 6,2%).

Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng Ba ước tính đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I/2025 ước tính đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024 doanh thu tăng 11,6%).

6.3. Hoạt động du lịch

Ngay từ những tháng đầu năm 2025, Thành phố chủ động đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”. Khách du lịch đến Hà Nội quý I/2025 tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Thành phố đẩy mạnh đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, Website, mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội. Tiếp tục sản xuất nhiều clip mới về Thủ đô, thực hiện biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch được chuẩn hóa sang 5 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch. Điểm mới trong năm nay, Thành phố sẽ chú trọng phát triển du lịch đường sông, kết nối điểm đến dọc sông Hồng, sông Đuống, mở rộng tuyến từ bến Chương Dương Độ đến Sơn Tây, Ba Vì; tăng cường liên kết, quảng bá và xúc tiến các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, ASEAN, EU, cũng như các thị trường mới tiềm năng như Ấn Độ, Đông Âu... Quý I năm 2025, nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới đã công bố kết quả giải thưởng thường niên tôn vinh những điểm đến xuất sắc nhất dựa trên đánh giá từ hàng triệu du khách toàn cầu, Thành phố Hà Nội được ghi danh trong 3 hạng mục quan trọng: Vị trí thứ 2 trong 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới; vị trí thứ 7 trong 25 điểm đến hàng đầu thế giới và vị trí thứ 14 ở hạng mục đặc biệt trong 25 điểm đến được yêu thích nhất mọi thời đại nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Tripadvisor.

Trong tháng Ba khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 690 nghìn lượt người, tăng 17,7% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 1.830 nghìn lượt người, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Khách quốc tế đến Hà Nội tháng Ba ước đạt 515 nghìn lượt người, tăng 24,7% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, khách quốc tế đạt 1.321 nghìn lượt người, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024 khách quốc tế đạt 1126 nghìn lượt người, tăng 59,7%). Trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 140,9 nghìn lượt người, tăng 5,4%; Trung Quốc 130,4 nghìn lượt người, tăng 10,7%; Mỹ 105 nghìn lượt người, tăng 20,1%; Anh 82,1 nghìn lượt người, tăng 18,8%; Pháp 75,3 nghìn lượt người, tăng 29,7%; Nhật Bản 74,8 nghìn lượt người, tăng 19,7%; Đức 58,1 nghìn lượt người, tăng 15,3%; Ma-lai-xi-a 35,1 nghìn lượt người, tăng 2,3%; Xin-ga-po 22,4 nghìn lượt người, giảm 4,6%; Thái Lan 18,7 nghìn lượt người, giảm 17,8%.

Khách nội địa tháng Ba ước đạt 175 nghìn lượt người, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, khách nội địa ước đạt 509 nghìn lượt người, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024 khách nội địa đạt 416 nghìn lượt người, tăng 22,8%).

Tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác: Tính đến cuối tháng 3/2025, trên địa bàn Thành phố có 3.761 cơ sở lưu trú du lịch với 71,3 nghìn phòng, trong đó 85 khách sạn, khu căn hộ được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với gần 12 nghìn phòng. Trong tháng Ba, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 62,3%, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2024; ước tính quý I/2025 công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 61,6%, giảm 0,5 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Đến nay trên địa bàn Hà Nội có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trong đó có

45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Về hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên: Tính đến tháng 3/2025 trên địa bàn Hà Nội có 2.045 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 524 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 7 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 6.528 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.412 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 158 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động.

6.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa  

Hoạt động xuất, nhập khẩu của Thành phố những tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2025 cao nhất trong nhiều năm gần đây, ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 2,6%; nhập khẩu đạt trên 10 tỷ USD, tăng 9,1%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Ba ước tính đạt 1.489 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng trước và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 836 triệu USD, tăng 2,1% và giảm 6,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 653 triệu USD, tăng 2,2% và tăng 2,9%. Tính chung quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 4.323 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2.215 triệu USD, giảm 10,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.108 triệu USD, tăng 21,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 622 triệu USD, tăng 16,5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 593 triệu USD, tăng 3,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 567 triệu USD, tăng 19,5%; hàng dệt may đạt 479 triệu USD, tăng 3,1%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 187 triệu USD, tăng 0,7%; hàng hóa khác đạt 1.169 triệu USD, tăng 14,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Hàng nông sản đạt 318 triệu USD, giảm 15,4%; xăng dầu đạt 144 triệu USD, giảm 63%; hàng gốm sứ đạt 46 triệu USD, giảm 5,4%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước tính đạt 3.461 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2.821 triệu USD, tăng 2,4% và tăng 3,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 640 triệu USD, giảm 1,3% và tăng 15,9%. Tính chung quý I/2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 10 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15,8%. Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn trong quý I năm nay tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1.765 triệu USD, tăng 23,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 731 triệu USD, tăng 62,3%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 613 triệu USD, tăng 10,2%; sắt thép đạt 580 triệu USD, tăng 21%; kim loại khác đạt 473 triệu USD, tăng 70,3%; chất dẻo đạt 389 triệu USD, tăng 33,4%; hàng hóa khác đạt 3.369 triệu USD, tăng 3,5%.

7. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước, tăng 0,98% so với tháng 12/2024 và tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý I năm nay tăng 2,75% so với bình quân cùng kỳ năm 2024.

Trong tháng Ba, 7/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,77%, tác động làm tăng CPI chung 0,16% (trong đó giá tiền thuê nhà tăng 2,25%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác tăng 2,49%). Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,62%, tác động làm tăng CPI chung 0,03% do sau Tết đang là mùa Lễ hội đầu năm mới. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16%, tác động làm tăng CPI 0,01%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04%, tác động làm tăng CPI chung 0,01% (trong đó giá thực phẩm tăng 0,05%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%). Các nhóm còn lại tăng nhẹ, không tác động nhiều đến CPI chung: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%. Trong tháng có 4/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: Nhóm giao thông giảm 1,3% (tác động làm giảm CPI chung 0,13%) do bình quân trong tháng giá xăng giảm 3,8%; giá dầu diezen giảm 4,67%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%; nhóm đồ uống, thuốc lá giảm 0,06%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình giảm 0,03%.

Bình quân quý I/2025, CPI tăng 2,75% so với bình quân quý I/2024, trong đó 8/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng, tác động nhiều nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 19,9% (tác động làm tăng CPI chung 1,01%) do ngày 10/12/2024 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ra Nghị quyết 45/2024/NQ-HĐND Quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội quản lý theo đó giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố sẽ điều chỉnh tăng áp dụng mức giá mới. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,5% (tác động làm tăng CPI chung 1,32%), trong đó giá nước sạch tăng 2,72%; giá điện tăng 5,2%; giá nhà thuê tăng 10,1%. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 3,88% (tác động làm tăng CPI chung 0,19%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,69% (tác động làm tăng CPI chung 0,83%), trong đó giá lương thực tăng 4,66%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,37%; giá thực phẩm tăng 1,79%). Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,25% (tác động làm tăng CPI chung 0,19%) chủ yếu do giá đồ trang sức tăng 39,13% và giá dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 29,98%. Các nhóm còn lại không tác động nhiều đến CPI chung: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,84%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,71%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,72%. Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân quý I/2025 giảm so với bình quân cùng kỳ: Nhóm giáo dục giảm 7,68%; giao thông giảm 2,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,86%.

Chỉ số giá vàng tháng Ba tăng 5,11% so với tháng trước, tăng 13,03% so với tháng 12/2024 và tăng 40,79% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2025, chỉ số giá vàng tăng 38,25% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Ba tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 0,77% so với tháng 12/2024 và tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2025, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,66% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

8. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán

Ngay từ đầu năm 2025, Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án hoàn thành; chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên theo dự toán năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quý I/2025 tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách địa phương tăng 16,4%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp.

8.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I năm 2025 thực hiện 250,1 nghìn tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Thu nội địa 241,5 nghìn tỷ đồng, đạt 51% và tăng 70,6%; thu từ dầu thô 0,8 nghìn tỷ đồng, đạt 18,6% và bằng 67%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7,8 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% và tăng 55,0%.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa quý I/2025: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 27,2 nghìn tỷ đồng, đạt 33,7% dự toán năm và giảm 4,3% cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 11,5 nghìn tỷ đồng, đạt 37,9% và tăng 21,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 48,6 nghìn tỷ đồng, đạt 47,3% và tăng 50,1%; thuế thu nhập cá nhân 18,7 nghìn tỷ đồng, đạt 37,4% và tăng 27,7%; thu tiền sử dụng đất 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% và gấp 12,4 lần cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ 1,8 nghìn tỷ đồng, đạt 24,5% và tăng 10,6%; thu phí và lệ phí 5,7 nghìn tỷ đồng, đạt 24,2% và tăng 0,9%.

Chi ngân sách địa phương quý I năm 2025 ước thực hiện 23,1 nghìn tỷ đồng, đạt 13,9% dự toán năm và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Chi đầu tư phát triển 7,9 nghìn tỷ đồng, đạt 9,1% và tăng 1,8%; chi thường xuyên 15,2 nghìn tỷ đồng, đạt 21,5% và tăng 25,9%.

Một số lĩnh vực chi chủ yếu trong chi thường xuyên ngân sách địa phương trong quý I/2025: Chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện 6.275 tỷ đồng, đạt 25,3% dự toán và tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước; chi các hoạt động kinh tế 999 tỷ đồng, đạt 7,6% và bằng 44,5%; chi quản lý hành chính Nhà nước 2.968 tỷ đồng, đạt 27,5% và tăng 42,7%; chi đảm bảo xã hội 1.105 tỷ đồng, đạt 16,5% và giảm 18,3%; chi y tế, dân số và gia đình 1.522 tỷ đồng, đạt 44,6% và gấp 3,5 lần; chi bảo vệ môi trường 799 tỷ đồng, đạt 24% và tăng 0,6%.

8.2. Tín dụng ngân hàng

Tình hình thực hiện lãi suất: Tháng Ba, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chính sách lãi suất linh hoạt cho vay tín dụng. Thời điểm trong tháng 3/2025 lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2 - 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 2,9 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,6 - 6,3%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,9%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối quý I/2025, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 6.092 nghìn tỷ đồng, tăng 0,29% so với tháng trước và tăng 0,54% so với thời điểm kết thúc năm 2024, trong đó tiền gửi đạt 5.362 nghìn tỷ đồng, tăng 0,33% và tăng 0,29%; phát hành giấy tờ có giá đạt 730 nghìn tỷ đồng, tương đương tháng trước và tăng 2,41%.

Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 4.610 nghìn tỷ đồng, tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 2,32% so với thời điểm kết thúc năm 2024, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.956 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% và tăng 1,68%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.654 nghìn tỷ đồng, tăng 0,65% và tăng 2,8%. Tính đến cuối quý I/2025, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,79% trong tổng dư nợ. Các TCTD thực hiện ngăn ngừa, kiểm soát nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn được đảm bảo. Các NHTM trên địa bàn dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 12% trong tổng dư nợ; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,2%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,9%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,13%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,31%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%, cho vay chính sách xã hội chiếm 0,38%.

8.3. Thị trường chứng khoán

Tính đến hết ngày 25/3/2025, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.198 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 312 doanh nghiệp và Upcom có 886 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 640,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1% so với cuối tháng trước và tăng 8,1% so với cuối tháng cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 166,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% và tăng 5%; Upcom đạt 473,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,02% và tăng 9,3%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/3/2025 đạt 1.842 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% so với cuối tháng trước và tăng 19,9% so với cuối tháng cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 387 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% và tăng 18%; Upcom đạt 1.455 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% và tăng 20,4%.

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tính đến hết giao dịch ngày 25/3/2025, khối lượng trung bình 1 ngày/tháng đạt 65,5 triệu CP được chuyển nhượng, tăng 0,1% so với trung bình 1 ngày/tháng trước và giảm 42,2% so với trung bình 1 ngày/tháng cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 1,17 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% và giảm 50,1%. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trung bình 1 ngày/tháng đạt 59,6 triệu CP, giảm 0,7% và giảm 45,5%; giá trị đạt 1,06 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% và giảm 53,1%. Tính đến hết ngày 25/3/2025, khối lượng giao dịch quý I/2025 đạt 3,2 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 54 nghìn tỷ đồng, giảm 39,4% khối lượng và giảm 48,8% giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Hai, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 177 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 19 mã giao dịch; cá nhân 158 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới đến hết tháng 2 đạt 230,7 nghìn tài khoản.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Giải quyết việc làm

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thành phố đã đẩy mạnh hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận được việc làm tốt, phù hợp với trình độ. Số lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia vào hoạt động kinh tế là 4,1 triệu người, tăng 1,59% so với cuối quý I/2024. Số lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2025 là hơn 54,1 nghìn người, đạt 32% kế hoạch năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến  31/3/2025, trên địa bàn thành phố Hà Nội lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 4.154 nghìn người, tăng 1,54% so với 31/3/2024. Số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm hàng năm là 4.114 nghìn người, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động nam là 2.055 nghìn người, chiếm 49,9% tổng số lượng lao động và giảm 0,77%; lao động nữ 2.059 nghìn người, chiếm 50,1% và tăng 4,06%. Chia theo khu vực: Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm khu vực thành thị là 1.977 nghìn người, chiếm 48,1% và tăng 4,43%; khu vực nông thôn 2.137 nghìn người, chiếm 51,9% và giảm 0,90%.

Trong quý I năm nay, tình hình lao động việc làm trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, Hà Nội đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập. Theo đó, tháng 3/2025, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 27,7 nghìn lao động, gấp 2 lần tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung quý I/2025, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 54,1 nghìn lao động, đạt 32% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó

: (1) Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 1.650 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 20,1 nghìn lao động; (2) Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 46 phiên giao dịch việc làm với 1.665 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng, kết quả 1,9 nghìn người nhận việc làm mới sau khi kết thúc phiên giao dịch; (3) có 927 người được giải quyết đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; (4) 31,1 nghìn người được tạo việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố và qua các hình thức khác.

Cũng trong tháng 3/2025, Thành phố ra quyết định trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 3,6 nghìn người với số tiền hỗ trợ 224,4 tỷ đồng. Tính chung quý I/2025, Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 11,2 nghìn người với số tiền hỗ trợ 438,4 tỷ đồng, giảm 20% số người và giảm 2,7% số tiền so với cùng kỳ năm trước; tư vấn giới thiệu việc làm cho 9.095 người; hỗ trợ học nghề cho 240 người với số tiền hơn 930,8 triệu đồng.

2. Bảo đảm an sinh xã hội

Trong quý I/2025, công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; hoạt động hỗ trợ, tặng quà được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. 

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cơ quan, địa phương, lực lượng chức năng đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đảm bảo người dân đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình; mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết. Cũng trong dịp này, Thành phố đã thăm hỏi tặng 2.271 nghìn suất quà Tết cho các đối tượng chính sách ưu đãi, người có công, người nghèo, người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền 1.067 tỷ đồng, đạt 188% so với kế hoạch tặng quà của Thành phố, tăng 33,5 tỷ đồng, tương đương tăng 3,2% so với kết quả tặng quà Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cùng Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp chỉ đạo chính quyền, Công đoàn các cấp tổ chức Chương trình "Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng", "Chợ Tết Công đoàn năm 2025", "Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2025"; tổ chức hỗ trợ, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên và người lao động; chăm lo cho đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”. Theo số liệu báo cáo, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi 355,2 tỷ đồng từ ngân sách công đoàn và các nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho 787,8 nghìn lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cụ thể: Hỗ trợ bằng tiền cho 436 nghìn lượt người với 247 tỷ đồng; hỗ trợ bằng quà hơn 300 lượt người với 89,6 tỷ đồng; hỗ trợ bằng vé xe cho 14 nghìn người với số tiền 4,9 tỷ đồng; các hình thức hỗ trợ khác cho 37,8 nghìn lượt người với 13,7 tỷ đồng.

Tính chung quý I/2025, Thành phố tiếp nhận và giải quyết gần 1,7 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công. Hiện nay, Thành phố đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với gần 800 nghìn người hưởng ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó người hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là trên 80 nghìn người với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng/tháng. Các Trung tâm đang nuôi dưỡng 43 người có công và thân nhân, 127 con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; các Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Các hoạt động thăm, tặng quà người có công với cách mạng và thắp nến tri ân, sửa sang các phần mộ liệt sĩ, nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn Thành phố được quan tâm thực hiện thường xuyên.

3. Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội

Năm 2025, theo kế hoạch Thành phố giao: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 95,5% dân số. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 47,5% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,5%. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 45% lực lượng lao động.

Ước tính đến hết quý I/2025, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố đạt 95,27% dân số với 8.126 nghìn người tham gia, tăng 0,25% so với cuối tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Có

2.192 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 46,4%), tăng 0,18% và tăng 5,87%; gần 107,7 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 2,94%), tăng 1,7% và tăng 27,85%. Số người tham gia BHTN là 2.123 nghìn người (chiếm 44,94%), tăng 0,14% và tăng 5,99%.

Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng số tiền thu từ BHXH, BHYT, BHTN là 17,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,99% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN là 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2024 (trong đó chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 12,2 nghìn tỷ đồng; chi khám chữa bệnh BHYT 6,4 nghìn tỷ đồng).

4. Giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Những ngày đầu năm mới, chất lượng giáo dục, đào tạo Hà Nội tiếp tục được giữ vững; giáo viên, học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết được thực hiện chu đáo, ổn định nền nếp dạy và học theo đúng chương trình năm học. Thành phố Hà Nội vinh dự là năm thứ 13 liên tiếp dẫn đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp Trung học phổ thông.

Năm học 2024 - 2025, toàn Thành phố có 2.913 Trường mầm non, phổ thông các cấp; 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội với hơn 2,2 triệu học sinh; 130 nghìn giáo viên và 70,2 nghìn lớp. Trong đó: Khối trường công lập có 2.310 trường (tăng 26 trường so với năm học trước) với 1,9 triệu học sinh (tăng 38 nghìn học sinh), 51 nghìn lớp và 92 nghìn giáo viên; Khối trường Tư thục có 604 trường (tăng 13 trường) với 333 nghìn học sinh (tăng 10 nghìn học sinh), gần 19,2 nghìn lớp và 38 nghìn giáo viên.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được Thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2024, trên địa bàn Thành phố có 61,4% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia (công lập 75,8%). Trong đó tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia của các cấp học: Mầm non là 55,2% (công lập 77,7%); Tiểu học 70,1% (công lập 74,5%); Trung học cơ sở 74,8% (công lập 80,2%); Trung học phổ thông 28,9% (công lập 51,6%).

Chất lượng giáo dục, đào tạo Hà Nội tiếp tục được giữ vững, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo, chủ động trong dạy và học, ngành Giáo dục Thủ đô đã đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học; phát huy hiệu quả các phong trào thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông (THPT) năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 25 và 26/12/2024 có 6.482 thí sinh dự thi, thành phố Hà Nội lần thứ 13 liên tiếp dẫn đầu cả nước với 200 học sinh đoạt giải, trong đó có 18 giải Nhất, 60 giải Nhì, 65 giải Ba và 57 giải Khuyến khích. Kết quả năm nay cao hơn năm học trước (năm 2023 - 2024 học sinh Hà Nội đoạt 184 giải với 14 giải Nhất, 61 giải Nhì, 54 giải Ba và 55 giải Khuyến khích). Tháng 02/2025, Thành phố công bố kết quả xếp giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi Thành phố các môn văn hóa lớp 12 cấp THPT năm học 2024-2025, tuyên dương các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc, công nhận 2.535/4.400 học sinh đoạt giải với 123 giải Nhất, 543 giải Nhì, 718 giải Ba, 1.151 giải Khuyến khích.

Về giáo dục nghề nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề. Trong đó, 67 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 75 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 113 doanh nghiệp, các loại hình khác. Trong quý I/2025, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 27 nghìn người (trong đó 1.226 người trình độ cao đẳng; 1.041 người trình độ trung cấp; 24,7 nghìn người trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng), đạt 11,3% kế hoạch tuyển sinh năm 2025, góp phần cung cấp nguồn lao động có trình độ đào tạo cho thị trường lao động.

5. Tình hình dịch bệnh

Những tháng đầu năm 2025, dịch bệnh Sởi diễn biến phức tạp trong nước với số ca mắc tăng cao. Thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh tại mỗi địa phương, các trường học và những nơi tập trung đông người, đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Sởi trên địa bàn, nhờ đó tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Theo Báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố trong tháng 3/2025 cơ bản được kiểm soát, một số dịch bệnh theo mùa có xu hướng tăng so với cùng kỳ, trong tuần qua (từ ngày 21/3 đến ngày 28/3), toàn thành phố ghi nhận 189 trường hợp mắc sởi tại 28 quận, huyện. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Nam Từ Liêm 25 người; Hoàng Mai 19 người; Bắc Từ Liêm, Long Biên 14 người; Thanh Trì 13 người; Hà Đông, Đống Đa, Thường Tín 9 người. Cộng dồn từ đầu năm đến 28/3/2025, Thành phố ghi nhận 1.247 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 1 tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (0 ca mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: Dưới 6 tháng ghi nhận 11%; từ 6 - 8 tháng ghi nhận 14%; từ 9 - 11 tháng ghi nhận 11%; từ 1 - 5 tuổi ghi nhận 23%; từ 6 - 10 tuổi ghi nhận 15%; trên 10 tuổi ghi nhận 25%. Theo CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

Trong tuần ghi nhận 186 trường hợp Tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã; 120 xã, phường, thị trấn, 0 tử vong, tăng 80 trường hợp so với tuần trước (106 trường hợp, 0 tử vong). Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông 26 người; Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm 20 người; Thanh Trì 18 người; Chương Mỹ 13 người; Hoài Đức 10 người. Cộng dồn từ đầu năm đến 28/3/2025 ghi nhận 582 trường hợp, 0 tử vong; tăng 94% so với cùng kỳ năm 2024 (300 ca mắc, 0 tử vong), bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc Tay chân miệng đang có xu hướng tăng theo chu kỳ dịch hàng năm, ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng, dự báo số mắc sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, trong tuần ghi nhận 6 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, 0 tử vong; giảm 1 trường hợp so với tuần trước; cộng dồn từ đầu năm 2025 ghi nhận 199 trường hợp mắc, 0 tử vong; giảm 63,4% so với cùng kỳ năm 2024 (543 ca mắc, 0 tử vong), bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 27 quận, huyện, thị xã. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp uốn ván, cộng dồn từ đầu năm ghi nhận 5 trường hợp, tương đương so với cùng kỳ năm 2024 (5 ca mắc, 0 tử vong).

Một số dịch bệnh khác từ đầu năm đến nay trên địa bàn Thành phố ghi nhận 4.226 trường hợp mắc cúm A (H1N1) và cúm B, tăng 96% so với cùng kỳ; bệnh ho gà ghi nhận 12 trường hợp, giảm 65%; liên cầu lợn ghi nhận 1 trường hợp, tương đương cùng kỳ; Thủy đậu ghi nhận 288 trường hợp, giảm 8%. Trong tuần tới, các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi, thực hiện tổ chức tiêm chủng liên tục tất cả các ngày trong tuần, đạt tiến độ từ 95% trở lên trước 31/3/2025. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh Tay chân miệng tại cộng đồng và trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch; tổ chức các hoạt động xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng theo quy định.

6. Hoạt động văn hóa, thể thao

Quý I/2025 trùng với Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi động. Hoạt động thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm hướng tới các giải đấu chuyên nghiệp; phong trào thể thao quần chúng được tổ chức rộng khắp các địa phương.

Hoạt động văn hóa: Trong quý I/2025, Thành phố đã thực hiện hoạt động văn hóa, văn nghệ Chào đón năm mới Ất Tỵ và chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025); Kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3/1931-26/3/2025). Thành phố thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan, triển lãm ảnh trong các dịp Lễ lớn với 3,8 nghìn m2 pano; 5,4 nghìn băng rôn dọc; 10 cụm mô hình; 8,4 nghìn cờ Quốc kỳ, Đảng kỳ; 16 cụm cờ tại các vòng xoay, đảo giao thông; duy trì trang trí chiếu sáng mỹ thuật tại các trục đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm Thủ đô và các vị trí cửa ngõ ra vào Thành phố. Tuyên truyền các hoạt động Tết kết hợp tuyên truyền, quảng bá các hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và các sự kiện chính trị của đất nước với số lượt truy cập đạt trung bình hơn 2 nghìn lượt/ngày.

Đặc biệt đêm 30 Tết diễn ra Chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long” với chủ đề “Những mùa Xuân rực rỡ” là sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu điểm trong thời khắc đón chào năm mới Ất Tỵ, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước, quốc tế và truyền thông, tạo thêm vị thế, sự hấp dẫn du khách đến với Thủ đô Hà Nội. Tổ chức 05 triển lãm ảnh: Triển lãm “Hà Nội tầm vóc mới, vị thế mới chào 2025” nhân dịp Chào năm mới (Tết dương lịch) 2025; triển lãm “Mừng đất nước đổi mới, Mừng Đảng quang vinh, Mừng xuân Ất Tỵ 2025”; triển lãm ảnh nội dung tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại buổi gặp mặt đoàn kiều bào tiêu biểu thuộc Chương trình “Xuân Quê hương 2025”; triển lãm ảnh “95 năm ánh sáng soi đường”; triển lãm ảnh “Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố Hà Nội”. Tại các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố đã tổ chức tiếp đón các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân đến dâng hương, tham quan du lịch tất cả các ngày trong dịp Tết. Trong tháng Ba, các di tích đã đón 166,5 nghìn lượt khách, doanh thu phí ước đạt hơn 9,3 tỷ đồng; tính chung quý I/2025, đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu phí tham quan 53,8 tỷ đồng, đạt 37,1% kế hoạch thu năm. Các đơn vị nghệ thuật trong quý I tiếp tục biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và phục vụ đông đảo các tầng lớp Nhân dân với 657 buổi diễn (trong đó 38 buổi phục vụ chính trị và 619 buổi diễn doanh thu) với số tiền 17,6 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2024; thu hút 156,1 nghìn lượt khán giả, tăng 29,1%.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội trong tháng Ba tiếp tục duy trì mở cửa đón khách tham quan, bố trí cán bộ thuyết minh hướng dẫn, ước tính trong tháng 3 đón 4.780 lượt khách tham quan; tính chung quý I/2025, Bảo tàng Hà Nội đón 14,9 nghìn lượt khách, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu phí ước đạt 195,5 triệu đồng. Thư viện Hà Nội phục vụ bạn đọc tại chỗ, cho mượn về nhà và qua không gian mạng với số lượng trên 500 nghìn lượt người, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2024; phục vụ hơn 1,2 triệu lượt tài liệu, tăng 50,2%; số lượng người cấp mới và đổi thẻ thư viện gần 2 nghìn người, tăng 52,5%.

 Hoạt động thể thao: Trong tháng Ba, Thành phố tiếp tục cử các đoàn huấn luyện viên, vận động viên đi tập huấn, thi đấu các giải đấu trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp tổ chức các giải thi đấu chuyên nghiệp theo kế hoạch. Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã cử 10 đoàn đi tập huấn với 256 lượt người, trong đó tập huấn trong nước có 41 Huấn luyện viên (HLV), 212 vận động viên (VĐV); tập huấn quốc tế có 3 HLV. Bên cạnh đó, Thành phố cử 26 đoàn tham dự thi đấu các giải với 713 lượt người, trong đó thi đấu trong nước có 24 đoàn gồm 07 cán bộ, 111 HLV, 586 VĐV; tham gia giải quốc tế có 2 đoàn gồm 3 HLV và 6 VĐV. Thể thao thành tích cao Hà Nội 3 tháng đầu năm 2025 đạt được 130 huy chương tại các giải đấu trong nước, gồm 43 huy chương Vàng, 31 huy chương Bạc, 56 huy chương Đồng.

Về thể thao quần chúng trong 3 tháng đầu năm 2025 tại tất cả các quận, huyện, thị xã đã triển khai tổ chức nhiều giải đấu, hội thi thể dục thể thao tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân tại địa phương và các vùng lân cận. Các hoạt động thể dục thể thao đa dạng, phong phú, phù hợp với mọi lứa tuổi, từ những môn thể thao cổ truyền của dân tộc như: Các trò chơi dân gian, Vật cổ truyền, Bắn nỏ, Cờ người, Đẩy gậy, Kéo co, Nhảy bao... đến những môn thể thao được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Võ, Quần vợt, Bóng bàn...

7. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong tháng, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Thành phố tiếp tục bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm Lễ hội đầu Xuân, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người. Với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, giải pháp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Theo số liệu tổng hợp từ Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ tháng Ba (từ 15/02/2025 đến 14/3/2025) trên địa bàn Hà Nội như sau:

Phạm pháp hình sự: Trong tháng phát hiện hơn 379 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 223 vụ do công an khám phá. Số đối tượng vi phạm bị bắt giữ theo luật là 331 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 22 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế với 60 đối tượng, thu nộp ngân sách gần 4 tỷ đồng.

Tệ nạn xã hội: Trong tháng đã phát hiện 3 vụ cờ bạc, bắt giữ 11 đối tượng; phát hiện 34 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về ma tuý, bắt giữ 82 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 32 vụ với 68 đối tượng.

Tai nạn giao thông: Tháng Ba, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 104 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 59 người chết và 63 người bị thương. Chia theo mức độ nghiêm trọng, có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết, có 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 2 người và 1 người bị thương; có 62 vụ nghiêm trọng làm chết 54 người và 17 người bị thương; 40 vụ ít nghiêm trọng và va chạm làm 45 người bị thương. Riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 25/01/2025 đến ngày 02/02/2025), trên địa bàn Thành phố xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 10 người chết, 12 người bị thương (giảm 22 vụ, giảm 06 người chết, 32 người bị thương so với Tết Nguyên đán năm 2024). Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2025, Thành phố ghi nhận 306 vụ tai nạn giao thông, trong đó 300 vụ tai nạn đường bộ và 6 vụ tai nạn đường sắt, làm 177 người chết và 199 người bị thương (3 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 387 vụ tai nạn giao thông, làm 176 người chết và 314 người bị thương).

Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Trong tháng phát hiện 34 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 34 đối tượng, xử lý 38 vụ với 42 đối tượng, thu nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng. Cũng trong tháng Ba, trên địa bàn Thành phố xảy ra 90 vụ cháy nổ làm 1 người bị thương, hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh nguyên nhân cháy và đánh giá thiệt hại về tài sản do các vụ cháy gây ra. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn Thành phố phát hiện 2.218 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, đã xử lý 2.158 vụ, thu nộp ngân sách 9,8 tỷ đồng. Xảy ra 347 vụ cháy, nổ làm 3 người chết và 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính giá trị ban đầu trên 12,2 tỷ đồng (3 tháng đầu năm 2024, xảy ra 299 vụ cháy, nổ làm 6 người chết và 3 người bị thương).

Khái quát lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định, nhưng với sự chủ động, quyết liệt của Trung ương và Thành phố, kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt được các kết quả quan trọng trong quý I năm 2025: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng rõ nét, GRDP quý I năm nay tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước; thu NSNN trên địa bàn đạt 49,5% dự toán năm, tăng 69,3% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý cao nhất cả nước đạt 14,3 nghìn tỷ, tăng 43,8%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,4 tỷ USD, tăng 49,5%; khách du lịch đến Hà Nội do cơ sở lưu trú phục vụ tăng 18,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 13,3%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I thấp hơn so với bình quân cùng kỳ 2,37 điểm %; hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi tích cực; các lĩnh vực văn hóa, thể thao tiếp tục phát triển; giáo dục được quan tâm chú trọng; y tế, an sinh xã hội, giải quyết việc làm được bảo đảm. Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nước và Thủ đô Hà Nội. Để hoàn thành kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 9 tháng cuối năm các cấp, các ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các Văn bản, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; Thành phố đã giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển cả năm đến từng ngành, từng lĩnh vực, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, chú trọng các dự án trọng điểm, xác định đầu tư công là đòn bẩy, kinh tế tư nhân là điểm tựa thúc đẩy phát triển kinh tế. Quan tâm, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa để phát triển du lịch bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, đồng thời thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực; Bảo đảm tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi); xây dụng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để trong từng ngành, lĩnh vực, tiếp tục đơn giản hóa thu tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư cả trong và ngoài ngân sách.

Hai là, Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển; hoàn thành nhanh, gọn từng dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; xử lý hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án nhà ở xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Ba là, kiểm soát tốt giá tiêu dùng dưới 4,5%; tiếp tục tìm kiếm, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt.

Bốn là, theo dõi sát diễn biến thị trường và hàng rào thuế quan của các quốc gia, nhất là chính sách thương mại của Mỹ trong bối cảnh hiện nay; xây dựng các kịch bản thích ứng kịp thời các tình huống, tận dụng các yếu tố thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, về đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Năm là, nâng cao hiệu quả các cụm công nghiệp; hoàn thiện, hiện đại hóa, hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thu hút dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng nhằm gia tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch Hà Nội; tiếp tục thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 360 độ và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố; xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ khách du lịch tra cứu thông tin du lịch Hà Nội. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển của Thành phố. Phát triển sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm đặc sản các vùng miền, làng nghề có thương hiệu, sản phẩm có sự tham gia đông đảo của cộng đồng./.



File đính kèm