Cục Thống kê TP Hà Nội tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội TP Hà Nội năm 2024
Chiều ngày 03/01/2025, Cục Thống kê thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Thành phố năm 2024. Bà Nguyễn Thúy Chinh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội chủ trì buổi Họp báo. Tham dự buổi Họp báo có lãnh đạo các Sở, ban ngành của Thành phố; báo Hà Nội Mới; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; báo Kinh tế và Đô thị; báo Quốc phòng Thủ đô, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Tạp chí Con số và sự kiện, Tổng cục Thống kê…; các Phó Cục trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục.
Tại buổi Họp báo, bà Nguyễn Thúy Chinh - Phó Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội năm 2024, cụ thể:
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước tính tăng 6,52% so với năm trước (quý I tăng 5,41%; quý II tăng 6,80%; quý III tăng 6,71%; quý IV tăng 7,01%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột quân sự leo thang kéo dài tại một số quốc gia, khu vực, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại tới sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân..., kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng 6,52% với xu hướng cải thiện qua từng quý là kết quả khá tích cực và đáng ghi nhận.
Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá 7,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng GRDP năm 2024, trong đó một số ngành, lĩnh vực tăng cao, đóng góp nhiều vào tăng trưởng GRDP chung của Thành phố: Thông tin, truyền thông tăng 6,12%, đóng góp 0,91 điểm %; bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%, đóng góp 0,85 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,15%, đóng góp 0,76 điểm %; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,24%, đóng góp 0,55 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 6,2%, đóng góp 0,49 điểm %; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,48%, đóng góp 0,41 điểm %. Các ngành dịch vụ còn lại duy trì tăng trưởng: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,8%; dịch vụ làm thuê các công việc trong hộ gia đình tăng 7,16%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 7,05%; giáo dục và đào tạo tăng 6,87%; quản lý Nhà nước tăng 6,37%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 4,7%; kinh doanh bất động sản tăng 4,21%; dịch vụ khác tăng 2,23%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2024 ước tính tăng 6,21% so với năm trước (cao hơn mức tăng 5,05% của năm trước), đóng góp 1,34 điểm % vào mức tăng GRDP. Ước tính giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 6,20%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng chung (ngành chế biến, chế tạo tăng 5,82%; sản xuất phân phối điện tăng 9,48%; cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 10,32%). Ngành xây dựng năm nay ước tăng 6,21%, đóng góp 0,52 điểm % vào mức tăng GRDP.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 ước tính tăng 2,52% so với năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 4,0%, đóng góp 0,41 điểm % vào mức tăng GRDP.
Quy mô GRDP năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.426 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8%. Cơ cấu GRDP năm 2024: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%; khu vực dịch vụ chiếm 65,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,65% (cơ cấu GRDP năm 2023 tương ứng là: 1,98%; 23,17%; 64,89% và 9,96%).
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 ghi nhận nỗ lực vượt bậc của hoạt động xuất nhập khẩu; Thành phố triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội cả năm đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 19,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu đạt 41 tỷ USD, tăng 9,4%. Kết quả này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố năm 2024 đạt 548,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023. Trong đó, vốn Nhà nước 208,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%; vốn ngoài nhà nước 305 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý năm 2024 đạt 72,3 nghìn tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm trước và bằng 87,3% kế hoạch năm (Vốn NSNN cấp Thành phố 28,3 nghìn tỷ đồng, tăng 31% và đạt 78,4%; NSNN cấp huyện 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng 41,2% và đạt 93,7%; NSNN cấp xã 3,3 tỷ đồng, tăng 92,5% và đạt 99,6%).
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024, toàn Thành phố thu hút 2.162 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 293 dự án với số vốn đạt 1.212 triệu USD; 205 dự án bổ sung tăng vốn với 297 triệu USD; 279 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 652 triệu USD.
Đăng ký doanh nghiệp năm 2024 Hà Nội có 29,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký 303 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14,4% vốn đăng ký so với năm 2023; có 9,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 13%; gần 23,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18%; 4,8 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 28,9%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đạt kết quả tích cực, tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm ước thực hiện 509,3 nghìn tỷ đồng, đạt 124,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,8% so với năm trước, trong đó: Thu nội địa 473,8 nghìn tỷ đồng, đạt 125,2% dự toán và tăng 24,3%; thu từ dầu thô 4,8 nghìn tỷ đồng, đạt 158,8% và tăng 5,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 30,4 nghìn tỷ đồng, đạt 112,7% và tăng 25,4%.
Chi ngân sách địa phương năm 2024 ước thực hiện 112,1 nghìn tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán năm và tăng 1,4% so với năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 56,6 nghìn tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán và giảm 0,7%; chi thường xuyên 55,4 nghìn tỷ đồng, đạt 96,7% và tăng 3,7%.
Hoạt động huy động vốn đến cuối tháng 12/2024 đạt 5.805 nghìn tỷ đồng, tăng 0,65% so với cuối tháng trước và tăng 8,8% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đến cuối tháng 12/2024 đạt 4.331 nghìn tỷ đồng, tăng 0,83% so với cuối tháng trước và tăng 19,74% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 2,9% so với tháng 12/2023. CPI bình quân năm 2024 tăng 4,25% so với bình quân năm 2023.
Chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 2,60% so với tháng trước, tăng 36,22% so với tháng 12/2023. Bình quân năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 32,93% so với bình quân năm 2023.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2024 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 4,35% so với tháng 12/2023. Bình quân năm 2024, chỉ số giá USD tăng 4,84% so với bình quân năm 2023.
Một số vấn đề xã hội:
Dân số trung bình thành phố Hà Nội năm 2024 ước đạt đạt 8.718 nghìn người, tăng 1,5% so với năm 2023, trong đó dân số khu vực thành thị 4.281 nghìn người, chiếm 49,1% tổng dân số và tăng 1,6%; dân số khu vực nông thôn 4.437 nghìn người, chiếm 50,9% và tăng 1,4%. Chia theo giới tính dân số nam 4.336 nghìn người, chiếm 49,7% và tăng 1,7% so với năm 2023; dân số nữ 4.382 nghìn người, chiếm 50,3% và tăng 1,4%.
Năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia vào hoạt động kinh tế là 4.165 nghìn người, trong đó 4.117 nghìn người có việc làm, tăng 2,2% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của một nhân khẩu ước 7.546 nghìn đồng/tháng, tăng 9,9%. Tỷ lệ thất nghiệp toàn Thành phố là 1,70%, giảm 0,31 điểm % so với năm trước, trong đó khu vực Thành thị là 2,54%, giảm 0,43 điểm %; khu vực nông thôn là 0,90%, giảm 0,21 điểm %. Trong năm 2024, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 225,9 nghìn lao động, đạt 136,9% kế hoạch năm, tăng 5,4% so với năm trước, quyết định trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 76,8 nghìn người với số tiền 2.386 tỷ đồng.
Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2024 tiếp tục được Thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả. Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của Thành phố đạt 95,3% dân số với 8,17 triệu người tham gia, tăng 2,5% so với cuối năm 2023, vượt 0,8% kế hoạch năm; hơn 2,1 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 4,5%, vượt 1% kế hoạch năm; hơn 107 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 21,2% và 2.070 nghìn người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 4,7%.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội Tổng kinh phí năm nay chi cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố là 2.521 tỷ đồng, trong đó: Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 2.169 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 185 tỷ đồng; chi quà lễ tết 71 tỷ đồng; chi điều dưỡng tập trung 96 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.102 đối tượng là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác tại các cơ sở bảo trợ xã hội với với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,76 triệu đồng/người/tháng và chi khác 350 nghìn đồng/tháng. Trong năm, Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 38,5 tỷ đồng, vượt 68,5% kế hoạch; tặng 2.030 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5,7 tỷ đồng, vượt 63,1% kế hoạch; tu sửa nâng cấp 63 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 166 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch; vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 209 nhà ở cho người có công với cách mạng với kinh phí 8,6 tỷ đồng, vượt 57,1% kế hoạch.
Tình hình dịch bệnh: Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát tốt, cụ thể: Bệnh Sốt xuất huyết Dengue ghi nhận 8.432 ca mắc, không có trường hợp nào tử vong, giảm nhiều so với năm trước. Bệnh Tay chân miệng 2.448 ca mắc, giảm 9,5%; Bệnh thủy đậu 884 ca mắc, giảm 59,7%; Bệnh uốn ván 18 ca mắc, 1 ca tử vong, giảm 28,0% số ca mắc và 2 ca tử vong; Bệnh liên cầu lợn 10 ca mắc, 1 ca tử vong, giảm 33,3% số ca mắc và 1 ca tử vong; Ho gà 241 ca mắc; Bệnh sởi 165 ca mắc. Ngoài ra từ đầu đầu năm có 3 ca não mô cầu và 2 ca mắc viêm não Nhật Bản. Các dịch bệnh khác được kiểm soát.
Giáo dục, đào tạo và dạy nghề: Đến nay, toàn Thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 01 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội với 70,2 nghìn phòng học; hơn 2,2 triệu học sinh; 130 nghìn giáo viên. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 105 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; 09 văn phòng đại diện nước ngoài; 1.051 trung tâm các loại, trong đó: 946 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 105 trung tâm bồi dưỡng kỹ năng. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 65,1% (công lập 80,4%), trong đó tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia của các cấp học: Mầm non là 56,6% (công lập 79,8%); Tiểu học 73,1% (công lập 77,7%); Trung học cơ sở 81,7% (công lập 87,6%); Trung học phổ thông 37,1% (công lập 67,2%).
Chất lượng giáo dục, đào tạo Hà Nội luôn được giữ vững. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp toàn Thành phố đạt 99,8%, trong đó 194 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông, Hà Nội dẫn đầu các địa phương với 184 học sinh đoạt giải, tăng 43 giải so với năm học trước (gồm 14 giải Nhất, 61 giải Nhì, 54 giải Ba và 55 giải Khuyến khích); kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Hà Nội đạt 2 giải Nhất, 1 giải Ba; kỳ thi Thiên văn và Vật lý Thiên văn quốc tế lần thứ 17 tại Brazil, Hà Nội đạt 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Ngoài ra, Hà Nội đứng đầu Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V với 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba;...
Hoạt động văn hóa, thể thao Trong năm 2024, Thành phố tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và Thủ đô, đặc biệt, dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), Thành phố đã ghi dấu ấn với người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế thông qua 2 sự kiến lớn: “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 35 hoạt động có ý nghĩa khác. Cùng với đó, Thành phố thực hiện tuyên truyền, cổ động trực quan với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, niềm tự hào dân tộc của người dân Thủ đô, cũng như du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Hà Nội. Các di tích trên địa bàn Thành phố đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt khách tham quan, tăng 6,1% so với năm trước; doanh thu phí 194 tỷ đồng, vượt 128% dự toán giao cả năm. Đến nay, các đơn vị nghệ thuật đã tổ chức trên 3 nghìn buổi biểu diễn, trong đó 516 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và 2.505 buổi biểu diễn thu phí với số tiền 65,8 tỷ đồng, thu hút 1,1 triệu lượt khán giả.
Tính chung cả năm 2024, thể thao thành tích cao Hà Nội đạt 3.369 huy chương (1.264 HCV, 1.010 HCB, 1.095 HCĐ), trong đó: 327 huy chương tại các giải đấu quốc tế (128 HCV, 99 HCB, 100 HCĐ); 3.042 huy chương tại các giải đấu trong nước (1.136 HCV, 911 HCB, 995 HCĐ). Trong thể thao quần chúng, Thành phố đã tổ chức 14 giải thể thao quần chúng, 28 giải thể thao các môn Hà Nội mở rộng và hội thi, hội thao, hội khỏe các ngành; tổ chức thi đấu 16 môn thể thao Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X với sự tham gia của 7.814 vận động viên, Ban tổ chức đã trao 370 huy chương Vàng, 365 huy chương Bạc, 671 huy chương Đồng cho các vận động viên xuất sắc trong các môn thi đấu; tổ chức thi đấu 12 môn thể thao hè năm 2024 với 4.577 vận động viên tham dự, trao 279 huy chương Vàng, 277 huy chương Bạc, 483 huy chương Đồng cho các vận động viên xuất sắc. Bên cạnh đó, đoàn thể thao Hà Nội tham gia các Giải thể thao quần chúng toàn quốc đạt 26 huy chương...
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thúy Chinh - Phó Cục trưởng Cục Thống kê và Ông Nguyễn Tây Nam – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên báo chí và truyền thông liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội của Thành phố.
Huy Hoàng - Phòng Thống kê Tổng hợp
Một số hình ảnh tại buổi Họp báo:
Bà Nguyễn Thúy Chinh - Phó Cục trưởng Cục Thống kê chủ trì buổi Họp báo
Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham dự và trẳ lời câu hỏi của phóng viên
Toàn cảnh buổi họp báo
Tin khác