Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2025
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Đến nay, Thành phố đã thu hoạch xong cây màu vụ Đông với diện tích 5 nghìn ha ngô, năng suất ước đạt 52,6 tạ/ha; 886 ha khoai lang, năng suất đạt 94 tạ/ha; 750 ha đậu tương, năng suất đạt 18,5 tạ/ha; 188 ha lạc, năng suất 22,2 tạ/ha; 14,6 nghìn ha rau, năng suất 228 tạ/ha; 77 ha đậu các loại, năng suất 17,9 tạ/ha.
Trong tháng Hai, các địa phương tập trung gieo trồng lúa và cây màu vụ Xuân. Công tác lấy nước đợt hai, đợt cuối điều tiết nước hồ thủy điện phục vụ sản xuất vụ Xuân 2025 được thực hiện khẩn trương nhằm đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất. Tính đến 20/02/2025, Thành phố đã gieo trồng vụ Đông Xuân được 55,6 nghìn ha lúa, đạt 69,7% kế hoạch gieo cấy, gấp 2,6 lần tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân năm trước; 6,8 nghìn ha ngô, bằng 105,5%; 956 ha khoai lang, bằng 105,6%; 791 ha đậu tương, bằng 108,5%; 710 ha lạc, bằng 196,1%; 21,1 nghìn ha rau các loại, bằng 105,3%; 120 ha đậu các loại, bằng 100,8%.
Tiến độ gieo trồng vụ Xuân năm 2025 sớm do Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến sớm hơn so với Tết Nguyên đán năm trước. Ngay sau Tết, Thành phố có kế hoạch, hướng dẫn, tuyên truyền các địa phương tranh thủ thời tiết ấm áp, nguồn nước thuận lợi, khẩn trương gieo cấy nhằm bảo đảm kế hoạch, phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa Xuân trước ngày 28/2/2025. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5 - 10% giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời trong trường hợp điều kiện thời tiết không thuận.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trước, trong và sau Tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm. Đàn trâu hiện có 28,8 nghìn con, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 112 nghìn con, giảm 2,6%; đàn lợn 1,2 triệu con, giảm 0,8%; đàn gia cầm 31,5 triệu con, tăng 1,6% (đàn gà 22,4 triệu con, tăng 1,8%).
1.2. Lâm nghiệp và thủy sản
Hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, ngày 5/2, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đồng loạt tổ chức lễ phát động và triển khai trồng hàng chục nghìn cây xanh nhân dịp Xuân Ất Tỵ, với mục tiêu năm 2025 trồng mới cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị và cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung chăm sóc quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong tháng Hai, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1,7 nghìn m3, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước 69 nghìn cây, giảm 1,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng gỗ đạt 3,4 nghìn m3, giảm 0,9%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 69 nghìn cây, giảm 1,4%.
Sản xuất thủy sản trong tháng trên địa bàn phát triển ổn định, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang tích cực chuẩn bị cho đợt thả giống nuôi mới đối với những diện tích đã thu hoạch cuối năm 2024. Sản lượng thủy sản tháng 02/2025 ước đạt 9,2 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá nuôi trồng), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2024; tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản đạt 18,4 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong năm 2025, ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 3/2, tức mùng 6 tháng Giêng), trên địa bàn Thành phố đã có 91,7% doanh nghiệp mở xưởng sản xuất (các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tỉ lệ đạt 97,5%), tỷ lệ công nhân quay lại làm việc cũng đạt mức cao, với 95,2% lao động trở lại (các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là 96%). Đến ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng), tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động trở lại là 99,5%, trong đó các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đạt 100%; công nhân quay lại làm việc cũng tăng lên 99,5%, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết và kế hoạch sản xuất đầu năm 2025.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Hai ước tính tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% và tăng 22,2%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,5% và tăng 4,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8% và tăng 3,7%; công nghiệp khai khoáng tăng 0,9% và tăng 18,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,2%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,7%; công nghiệp khai khoáng giảm 3,7%.
Trong 2 tháng đầu năm, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất máy móc, thiết bị khác tăng 53,9%; dệt tăng 25,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 21,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 19,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 19,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,6%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 8,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,6%; in, sao chụp bản ghi giảm 5,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 2,9%.
Cùng với xu hướng chung của toàn ngành công nghiệp, tính chung 2 tháng đầu năm nay, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo) có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tủ lạnh, loại sử dụng trong gia đình tăng 55,2%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 46,0%; thuốc kháng sinh dạng bột/cốm tăng 43,6%; sữa và kem dạng bột tăng 41,8%; quạt công suất dưới 125W tăng 35,0%; bộ phận tua bin phản lực, tua bin cánh quạt tăng 34,7%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 28,1%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 26,1%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số giảm như: Dược phẩm giảm 47,0%; xe mô tô, xe máy công suất dưới 250cc giảm 44,1%; quần áo người lớn giảm 34,9%; bàn bằng gỗ giảm 33,0%; máy biến thế điện giảm 32,2%; thuốc kháng sinh dạng viên giảm 29,1%; thép không gỉ giảm 23,3%; cửa bằng plasstic giảm 22,2%.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay người lao động được nghỉ từ ngày 25/01/2025 đến hết ngày 02/02/2025 nên chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 02/2025 ước tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%; khu vực Nhà nước giảm 0,4%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,5%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo tăng 0,6% (sản xuất máy móc, thiết bị tăng 38,7%; sản xuất trang phục tăng 6,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 4,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 4,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 3,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 2,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 3,8%). Lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%; ngành khai khoáng giảm 33,8%.
3. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 02/2025 ước tính đạt 4.601 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 96,7% so với cùng kỳ năm 2024 (chủ yếu tháng 02/2024 trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán; năm 2025 Chính phủ quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công), trong đó: NSNN cấp Thành phố thực hiện 1.785 tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 80,4%; NSNN cấp huyện 2.626 tỷ đồng, tăng 2,0% và gấp 2,1 lần cùng kỳ; NSNN cấp xã 190 tỷ đồng, tăng 14,6% và tăng 91,7%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 9.096 tỷ đồng, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 8,7% kế hoạch năm 2025, trong đó: NSNN cấp Thành phố thực hiện 3.540 tỷ đồng, tăng 38,7% và đạt 7,1%; NSNN cấp huyện 5.200 tỷ đồng, tăng 48,4% và đạt 10,2%; NSNN cấp xã 355 tỷ đồng, tăng 39,8% và đạt 9,1%.
Năm 2025, Thành phố có 282 dự án được cấp vốn đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó 233 dự án chuyển tiếp, 49 dự án xây mới. Có 84 dự án sẽ hoàn thành trong năm nay, trong đó 76 dự án chuyển tiếp và 8 dự án mới. Kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2025 gần 104,6 nghìn tỷ đồng, tăng 26,2% so với kế hoạch vốn của năm 2024, trong đó nguồn Thành phố được Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 12,4 nghìn tỷ đồng, tăng 74%. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố đang gấp rút thi công khẩn trương, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.
Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thành phố:
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 75 nghìn tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt Sông Hồng, Sông Đuống và 8 nút giao khác. Sau hơn 1 năm khởi công, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 14,2% kế hoạch vốn.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 50,8% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 15,2% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 22,4% kế hoạch vốn.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội: Có mức đầu tư 16,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, 84,1% vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270 nghìn m³/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha. Đến nay hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy trên để xử lý đã cơ bản hoàn thành, trong 6 tháng đầu năm 2025 nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm. Đến nay dự án đã giải ngân 36,3% kế hoạch vốn.
4. Tình hình đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài
4.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng Hai, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 1.428 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 7.039 tỷ đồng, giảm 42,5%; 440 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 15,8%; 875 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 3,7%; 476 doanh nghiệp giải thể, tăng 78,9%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 3.294 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 20,8 nghìn tỷ đồng, giảm 18% về số lượng doanh nghiệp và giảm 50,3% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 3.166 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3,9%; 13,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20,2%; 977 doanh nghiệp giải thể, tăng 29%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
4.2. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Tháng Hai, thành phố Hà Nội thu hút 371,2 triệu USD, trong đó: 31 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký 9,2 triệu USD; có 12 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 336,3 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 28 lượt, đạt 25,7 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, toàn Thành phố thu hút hơn 1.101 triệu USD vốn FDI, tăng 2%. Trong đó: Đăng ký cấp mới 51 dự án với số vốn đạt 20,1 triệu USD; 24 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 1.038 triệu USD; 52 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 42,7 triệu USD.
5. Thương mại, du lịch và dịch vụ
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng Hai năm nay là thời điểm diễn ra các hoạt động Lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025, tình hình cung cầu hàng hóa tại các chợ truyền thống, chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại cơ bản ổn định, đảm bảo nguồn cung ra thị trường, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước tính đạt 71,9 nghìn tỷ đồng, giảm 8,1% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 46,1 nghìn tỷ đồng, giảm 9,2% và tăng 5,2%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% và tăng 18,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6,8% và tăng 7,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, giảm 10,8% và tăng 6,9%.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 150,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 96,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng mức và tăng 11,4% (đá quý, kim loại quý tăng 15,9%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,8%; phương tiện đi lại tăng 14,4%; xăng dầu tăng 13,3%; lương thực, thực phẩm tăng 12,6%; ô tô con và hàng may mặc cùng tăng 12,5%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,3%; hàng hóa khác tăng 8,8%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 19,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8% và tăng 15% (dịch vụ lưu trú tăng 18,4%; dịch vụ ăn uống tăng 14,6%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3% và tăng 12,2%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,6% và tăng 11,1%.
Tổng hợp tình hình hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn Thành phố
Công tác chuẩn bị và tổ chức các hoạt động phục vụ Tết: Đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2025, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã có Kế hoạch sản xuất, khai thác, luân chuyển hàng hóa từ 02-03 tháng trước Tết. Vì vậy, hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Để thúc đẩy hoạt động bán hàng trong dịp Tết, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, hệ thống bán lẻ đều đa dạng hóa phương thức bán hàng (bán hàng trực tiếp, qua các kênh bán hàng thương mại điện tử thông qua website, nền tảng mạng xã hội) và liên kết với các đơn vị giao hàng để thu hút người mua sắm. Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, doanh thu bán hàng phục vụ Tết của các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tăng trung bình 5% so với Tết Giáp Thìn 2024; một số đơn vị phân phối lớn doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 25% tổng doanh thu bán hàng; số lượng đơn đặt hàng tăng trung bình 15% - 20% so với trước Tết và so với cùng kỳ Tết 2024; tỷ lệ khách hàng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt chiếm 50% tại các hệ thống phân phối lớn và chiếm khoảng 30% - 40% tại các cửa hàng tiện lợi nhỏ. Giá cả hàng hóa duy trì ổn định so với thời điểm trước Tết. Sau Tết các đơn vị vẫn đảm bảo lượng hàng hóa trong kho hợp lý sẵn sàng phục vụ nhân dân. Đến ngày mùng 6 Tết, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mở cửa trở lại với nhiều chương trình khuyến mãi, lì xì đầu xuân cho khách hàng, hàng hóa tại các điểm bán vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết đáp ứng nhu cầu mua sắm sau Tết của người dân.
Đối với các chợ trên địa bàn: Vào các ngày sát Tết, lượng hàng thực phẩm tươi sống về chợ tăng 20% và lượng khách đến mua sắm tăng trung bình 30% so với ngày thường. Giá cả hàng hóa tại chợ ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Tại các chợ truyền thống, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến, được các hộ kinh doanh và người tiêu dùng lựa chọn. Từ chiều mùng Hai Tết, một số chợ đã hoạt động trở lại tuy nhiên số lượng tiểu thương chưa nhiều. Theo phong tục truyền thống, đầu năm các mặt hàng được bày bán và tiêu thụ trong ngày này chủ yếu là hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ việc đi lễ, nguồn cung các mặt hàng tươi sống tương đối phong phú như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau xanh… nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, giá bán hàng hoá cơ bản ổn định so với thời điểm sát Tết.
Đối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT): Các sàn TMĐT đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại cùng chính sách, dịch vụ giúp khách hàng mua sắm thuận tiện và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa như liên kết với các tỉnh thành xây dựng các gói chương trình hàng Việt, các chương trình ưu đãi như cung cấp voucher tích lũy, voucher giảm giá và mã miễn phí vận chuyển, các chương trình ưu đãi riêng cho khách hàng thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử hoặc thẻ ngân hàng, chơi mini game săn mã khuyến mại… để hỗ trợ người tiêu dùng mua được sản phẩm cần thiết, giá hợp lý... Thời điểm trước Tết, số lượng đơn hàng của các sàn thương mại điện tử tăng trưởng khoảng 30% - 50% so với cùng kỳ năm trước, tập trung nhiều đối với các nhóm hàng mứt, hoa quả sấy khô, kẹo, bánh, nước giải khát.
Đối với các điểm tổ chức chợ Hoa Xuân: Lượng khách tham quan, mua sắm dịp Tết 2025 bắt đầu tăng từ sau ngày 23 tháng Chạp, lượng người mua tăng cao nhất trong ngày 25/01/2025 (tức ngày 26 tháng Chạp) với mức tăng khoảng 20% so với những ngày trước đó. Nhu cầu của người dân tập trung vào các mặt hàng đào, quất, mai có kích cỡ nhỏ, dáng đẹp hoặc các loại hoa lạ như mộc lan, tuyết mai, các loại hoa cây cảnh có giá bán hợp lý. Giá bán các loại hoa như ly, cúc, hồng thấp hơn so với năm trước do thời tiết thuận lợi; giá bán đào, quất ở mức cao hơn so với năm trước do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Chiều ngày 29 tháng Chạp, một số mặt hàng hoa tiếp tục áp dụng giảm giá 30%-50% để thu hút người dân mua sắm, đẩy mạnh lượng hàng bán ra. Đến trước 20h00 ngày 28/01/2025 (tức ngày 29 Tết) các điểm tổ chức chợ Hoa Tết đã thực hiện việc đóng cửa, dừng hoạt động, thu dọn vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Tình hình cung ứng xăng dầu đảm bảo cung cấp đầy đủ cho thị trường Hà Nội; 100% các đơn vị kinh doanh điện triển khai phương án đảm bảo điện an toàn, củng cố cơ sở vật chất lưới điện, làm tốt công tác dự phòng, duy trì cấp điện an toàn, liên tục, ổn định trên địa bàn trong suốt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy nổ tại các doanh nghiệp được nghiêm túc thực hiện, không xảy ra sự cố cháy nổ, mất an toàn hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
5.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Hai ước tính đạt 1.371 triệu USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 558 triệu USD, giảm 0,4% và giảm 19,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 813 triệu USD, giảm 0,6% và tăng 75,4%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Hàng dệt may đạt 194 triệu USD, tăng 67,4%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 192 triệu USD, tăng 38,4%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 168 triệu USD, tăng 4%; hàng nông sản đạt 112 triệu USD, tăng 13,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 70 triệu USD, gấp 2 lần cùng kỳ; giày dép và các sản phẩm từ da đạt 38 triệu USD, gấp 2,1 lần cùng kỳ; hàng hóa khác đạt 372 triệu USD, tăng 31%. Trong tháng, 3/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm với so cùng kỳ: Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 138 triệu USD, giảm 10,3%; xăng dầu đạt 39 triệu USD, giảm 68,8%; điện thoại và linh kiện đạt 6 triệu USD, giảm 1,1%.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 2.748 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 1.118 triệu USD, giảm 29,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.630 triệu USD, tăng 47,8%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 388 triệu USD, tăng 31%; máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 386 triệu USD, tăng 14,1%; hàng nông sản đạt 224 triệu USD, tăng 3,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 141 triệu USD, tăng 24,5%; giầy dép và các sản phẩm từ da đạt 77 triệu USD, tăng 42,7%; hàng hóa khác đạt 743 triệu USD, tăng 15%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ như: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 338 triệu USD, giảm 5,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 276 triệu USD, giảm 12,4%; xăng dầu đạt 79 triệu USD, giảm 70,9%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Hai ước tính đạt 3.141 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 2.666 triệu USD, giảm 0,6% và tăng 29,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 475 triệu USD, giảm 1,3% và tăng 10,8%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 588 triệu USD, tăng 68,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 196 triệu USD, tăng 47,9%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 195 triệu USD, tăng 43,2%; kim loại khác đạt 129 triệu USD, tăng 70,3%; chất dẻo đạt 100 triệu USD, tăng 34,9%; vải đạt 76 triệu USD, tăng 30,4%; hàng hóa khác đạt 1.071 triệu USD, tăng 26,4%. Trong tháng, 4/14 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ: Xăng dầu đạt 372 triệu USD, giảm 2,5%; sắt thép đạt 138 triệu USD, giảm 7,5%; hàng điện gia dụng và linh kiện đạt 52 triệu USD, giảm 22,4%; ngô đạt 44 triệu USD, giảm 44,3%.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 6.305 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 5.349 triệu USD, tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 956 triệu USD, tăng 0,1%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 1.178 triệu USD, tăng 31,9%; xăng dầu đạt 746 triệu USD, giảm 5,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 393 triệu USD, tăng 36,4%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 391 triệu USD, tăng 13,3%; sắt thép đạt 276 triệu USD, giảm 14,1%; kim loại khác đạt 259 triệu USD, tăng 45,3%; chất dẻo đạt 200 triệu USD, tăng 7,5%; hàng hóa khác đạt 2.157 triệu USD, tăng 1,2%.
5.3. Vận tải và bưu chính chuyển phát
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu đi lại của người lao động quay trở lại Thành phố tiếp tục công việc; học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng quay trở lại trường học; người dân đi tham quan du Xuân, Lễ hội đầu năm tăng cao nên lượng phương tiện giao thông tăng đáng kể. Cùng với chất lượng phục vụ được quan tâm, ứng dụng hiện đại công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ chất lượng tốt được đẩy mạnh, hoạt động vận tải trong tháng 02/2025 đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa.
Vận chuyển hành khách: Số lượt hành khách vận chuyển tháng Hai ước đạt 40,1 triệu lượt người, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1,2 tỷ lượt người.km, tăng 1,4% và tăng 27,5%; doanh thu ước tính đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 15,9%. Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, số lượt hành khách vận chuyển đạt 79,6 triệu lượt người, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 2,3 tỷ lượt người.km, tăng 17,6%; doanh thu đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3%.
Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Hai ước tính đạt 146,3 triệu tấn, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 14,3 tỷ tấn.km, giảm 1% và tăng 11,3%; doanh thu ước tính đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% và tăng 11,8%. Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 295,2 triệu tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 28,7 tỷ tấn.km, tăng 12,3%; doanh thu đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13%.
Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải: Tháng Hai ước tính đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 25,7% so với cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, doanh thu ước đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát: Tháng Hai ước tính đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, doanh thu ước đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2024.
5.4. Du lịch
Ngay từ đầu năm, Thành phố chú trọng đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình tuyên truyền, quảng bá trên kênh CNN. Xây dựng đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, Website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội. Thành phố sản xuất nhiều clip mới về Thủ đô, thực hiện biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch được chuẩn hóa sang 5 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch. Điểm mới trong năm nay, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển du lịch đường sông, kết nối điểm đến dọc sông Hồng, sông Đuống, mở rộng tuyến từ bến Chương Dương Độ đến Sơn Tây, Ba Vì; tăng cường liên kết, quảng bá và xúc tiến các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, ASEAN, EU, cũng như các thị trường mới tiềm năng như Ấn Độ, Đông Âu...
Trong tháng 02/2025, nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới đã công bố kết quả giải thưởng thường niên tôn vinh những điểm đến xuất sắc nhất dựa trên đánh giá từ hàng triệu du khách toàn cầu. Thành phố Hà Nội tự hào được ghi danh trong 3 hạng mục quan trọng: Vị trí thứ 2 trong 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới; vị trí thứ 7 trong 25 điểm đến hàng đầu thế giới và vị trí thứ 14 ở hạng mục đặc biệt trong 25 điểm đến được yêu thích nhất mọi thời đại nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Tripadvisor.
Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội do cơ sở lưu trú phục vụ tháng Hai ước đạt 563 nghìn lượt người, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, khách du lịch đến Hà Nội đạt 1.117 nghìn lượt người, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Khách quốc tế tháng Hai ước đạt 390 nghìn lượt người, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đạt 783 nghìn lượt người, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 91,1 nghìn lượt người, tăng 13,7%; Trung Quốc 75,7 nghìn lượt người, tăng 2,7%; Mỹ 56,9 nghìn lượt người, tăng 4,1%; Anh 45,6 nghìn lượt người, tăng 25,8%; Nhật Bản 39,7 nghìn lượt người, tăng 29%; Pháp 38 nghìn lượt người, tăng 39,8%; Đức 32,2 nghìn lượt người, tăng 17,7%; Ma-lai-xi-a đạt 24,1 nghìn lượt người, tăng 15,6%; Xin-ga-po 12,2 nghìn lượt người, tăng 16,1%; Thái Lan 11,8 nghìn lượt người, tăng 3,7%.
Khách nội địa tháng Hai ước đạt 173 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, khách nội địa đến Hà Nội đạt 334 nghìn lượt người, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác: Tính đến cuối tháng 02/2025, trên địa bàn Thành phố có 3.761 cơ sở lưu trú du lịch với 71,3 nghìn phòng, trong đó 94 khách sạn, khu căn hộ được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 12,3 nghìn phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tháng 02/2025 ước đạt 62,3%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đến nay trên địa bàn Hà Nội có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trong đó có
45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Về hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên: Tính đến cuối tháng 02/2025 trên địa bàn Hà Nội có 2.041 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 518 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 7 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 6.472 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.377 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 103 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động.
6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2025 tăng 0,39% so với tháng trước, tăng 0,90% so với tháng 12/2024 và tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 2,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong tháng Hai, các nhóm hàng CPI đều tăng so với tháng trước: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,68%, tác động làm tăng CPI chung 0,14% (trong đó giá tiền thuê nhà tăng 1,09%; giá gas trong nước tăng 0,6%; giá dầu hỏa tăng 0,18%). Nhóm giao thông tăng 0,63%, tác động làm tăng CPI chung 0,01% chủ yếu do giá xăng bình quân trong tháng tăng 0,7% so với bình quân tháng trước. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,44%, tác động làm tăng CPI 0,02% do sau Tết đang là mùa Lễ hội đầu năm mới. Kéo theo nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng 0,4%, tác động làm tăng CPI chung 0,12%, (trong đó ăn uống ngoài gia đình tăng 0,75%; giá lương thực tăng 0,51%; giá thực phẩm tăng 0,25%). Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,31%, tác động làm tăng CPI 0,02%. Các nhóm còn lại tăng nhẹ, không tác động nhiều đến CPI chung: Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,21%; thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,15%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; nhóm giáo dục và nhóm thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%.
Bình quân 2 tháng đầu năm 2025 CPI tăng 2,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 9/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 19,89%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,47%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 3,66%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,57%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,85%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,81%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,71%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,39%. Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 2 tháng đầu năm giảm so với bình quân cùng kỳ: Nhóm giáo dục giảm 7,68%; giao thông giảm 1,34%; bưu chính viễn thông giảm 0,91%.
Chỉ số giá vàng tháng 02/2025 tăng 6,51% so với tháng trước, tăng 7,54% so với tháng 12/2024 và tăng 39,87% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 37,0% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2025 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 0,24% so với tháng 12/2024 và tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
7. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán
7.1. Thu, chi ngân sách
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2 tháng đầu năm 2025 ước thực hiện 185,7 nghìn tỷ đồng, đạt 36,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 63,1% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Thu nội địa 180,8 nghìn tỷ đồng, đạt 38,2% và tăng 64,5%; thu từ dầu thô 310 tỷ đồng, đạt 7,4% và bằng 43,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4,6 nghìn tỷ đồng, đạt 16,7% và tăng 41,9%.
Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 2 tháng đầu năm 2025: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán năm và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2024; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 9,2 nghìn tỷ đồng, đạt 30,3% và tăng 17,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 38,5 nghìn tỷ đồng, đạt 37,4% và tăng 46,4%; thuế thu nhập cá nhân 11,1 nghìn tỷ đồng, đạt 22,3% và tăng 20,1%; thu tiền sử dụng đất 23,4 nghìn tỷ đồng, đạt 55,1% và gấp 9,7 lần cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ 1,1 nghìn tỷ đồng, đạt 14,9% và tăng 6,7%; thu phí và lệ phí 3,8 nghìn tỷ đồng, đạt 16,2% và bằng 89,4%.
Chi ngân sách địa phương 2 tháng đầu năm 2025 ước thực hiện 18,5 nghìn tỷ đồng, đạt 11,1% dự toán năm và tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Chi đầu tư phát triển 5,3 nghìn tỷ đồng, đạt 6,1% và bằng 93,6%; chi thường xuyên 13,2 nghìn tỷ đồng, đạt 18,6% và tăng 56%.
7.2. Tín dụng ngân hàng
Tình hình thực hiện lãi suất: Tháng Hai, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chính sách lãi suất linh hoạt cho vay tín dụng. Thời điểm trong tháng 02/2025 lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2 - 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 2,9 - 6,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,7 - 6,6%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Các NHTM trên địa bàn dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng.
Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối tháng 02/2025, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 6.096 nghìn tỷ đồng, tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 0,61% so với thời điểm kết thúc năm 2024, trong đó tiền gửi đạt 5.382 nghìn tỷ đồng, tăng 0,35% và tăng 0,68%; phát hành giấy tờ có giá đạt 714 nghìn tỷ đồng, tăng 0,05% và tăng 0,11%.
Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối tháng 02/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 4.560 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 1,21% so với thời điểm kết thúc năm 2024, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.952 nghìn tỷ đồng, tăng 0,63% và tăng 1,45%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.608 nghìn tỷ đồng, tăng 0,58% và tăng 1,03%. Tính đến cuối tháng 02/2025, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,83% trong tổng dư nợ. Các TCTD thực hiện ngăn ngừa, kiểm soát nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn được đảm bảo.
Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 12,44% trong tổng dư nợ; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,2%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,9%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,13%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,31%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%, cho vay chính sách xã hội chiếm 0,38%.
7.3. Thị trường chứng khoán
Tính đến hết ngày 25/02/2025, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.199 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 311 doanh nghiệp và Upcom có 888 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 639,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cuối tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 165,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% và tăng 4,7%; Upcom đạt 473,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% và tăng 9,1%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/02/2025 đạt 1.860,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,1% so với cuối tháng trước và tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 377,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8% và tăng 18,9%; Upcom đạt 1.483 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% và tăng 29,1%.
Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tính đến hết ngày 25/02/2025, khối lượng giao dịch trung bình 1 ngày/tháng đạt 64,9 triệu CP được chuyển nhượng, tăng 36% so với trung bình 1 ngày/tháng trước và giảm 24% so với trung bình 1 ngày/tháng cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 1,04 nghìn tỷ đồng, tăng 36,8% và giảm 36,9%. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trung bình 1 ngày/tháng đạt 59 triệu CP, tăng 44,4% và giảm 26,4%; giá trị đạt 0,95 nghìn tỷ đồng, tăng 45% và giảm 38,3%. Tính đến hết ngày 25/02/2025, khối lượng giao dịch chung 2 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 30,6 nghìn tỷ đồng, giảm 35,2% khối lượng và giảm 45,9% giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Một, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 148 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 15 mã giao dịch; cá nhân 133 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới tháng 01/2025 đạt 80,7 nghìn tài khoản.
8. Một số vấn đề xã hội
8.1. Giải quyết việc làm
Theo Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng Hai năm nay, Thành phố giải quyết việc làm cho 13,7 nghìn lao động, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: 3,6 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; 404 lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 305 lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động; 9,4 nghìn lao động nhận được việc từ dịch vụ cung ứng việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, Thành phố giải quyết việc làm cho 26,4 nghìn lao động, đạt 15,8% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2024.
Cũng trong tháng 02/2025, Thành phố ra quyết định trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 3,8 nghìn người với số tiền hỗ trợ 105,8 tỷ đồng, giảm 20,8% về số người và giảm 34,7% số tiền so với cùng kỳ năm 2024; hỗ trợ học nghề cho 81 trường hợp, số tiền hỗ trợ học nghề là 330 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, Thành phố quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 7,6 nghìn người với số tiền hỗ trợ 214 tỷ đồng, giảm 24% về số người và giảm 32,1% số tiền; 100% người thất nghiệp được tư vấn hỗ trợ việc làm mới, trong đó hỗ trợ học nghề cho 117 người có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 488,4 triệu đồng.
8.2. Bảo đảm an sinh xã hội
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cơ quan, địa phương, lực lượng chức năng đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đảm bảo người dân đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình; mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết. Cũng trong dịp này Thành phố đã thăm hỏi tặng 2.270 nghìn suất quà Tết cho các đối tượng chính sách ưu đãi, người có công, người nghèo, người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền 1.067 tỷ đồng, đạt 188% so với kế hoạch tặng quà của Thành phố, tăng 33,5 tỷ đồng (tương đương tăng 3,2%); số suất quà tăng 51,7 nghìn suất (tương đương tăng 2,3%) so với kết quả tặng quà Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong tháng Hai, công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 432 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan, cộng dồn 2 tháng đầu năm 2025 Thành phố giải quyết trên 1.114 hồ sơ. Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho hơn 78 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 480 tỷ đồng. Công tác bảo trợ xã hội được thực hiện tốt, trên địa bàn Thành phố hiện có 204 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các quận, huyện, thị xã đã chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch cho các đối tượng với tổng kinh phí chi trả tháng 02/2025 là 289,3 tỷ đồng, cộng dồn 2 tháng đầu năm là 578,6 tỷ đồng. Tại các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.130 người (gồm người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,8 triệu đồng/người/tháng, trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng và chi khác 350 nghìn đồng/tháng.
8.3. Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội
Năm 2025, theo kế hoạch Thành phố giao: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 95,5% dân số. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 47,5% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,5%. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 45% lực lượng lao động.
Tính đến hết tháng 02/2025, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố đạt 95,26% dân số với 8.085 nghìn người tham gia, tăng 0,22% so cuối tháng trước và tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước. Có
2.188 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 46,4%), tăng 0,09% và tăng 5,43%; gần 105,9 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 2,9%), tăng 0,79% và tăng 28,49%. Số người tham gia BHTN là 2.120 nghìn người (chiếm 44,9%), tăng 0,09% và tăng 15,72%.
Tính đến cuối tháng Hai, tổng số tiền thu từ BHXH, BHYT, BHTN là 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,54% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN là 6.437 tỷ đồng, tăng 18,43% so với cùng kỳ năm 2024 (trong đó chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 4.062 tỷ đồng; chi khám chữa bệnh BHYT 1.788 tỷ đồng).
8.4. Tình hình dịch bệnh và an toàn thực phẩm
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trong tháng Hai (từ ngày 16/01/2025 đến ngày 15/02/2025) tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát tốt, cụ thể như sau: Bệnh Sốt xuất huyết Dengue có xu hướng giảm so với tháng trước. Trong kỳ báo cáo ghi nhận 111 ca mắc, cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay toàn Thành phố có 441 ca mắc, không có trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2024 có 432 ca mắc, 0 tử vong). Bệnh Tay chân miệng ghi nhận 79 ca mắc, cộng dồn từ đầu năm ghi nhận 96 ca mắc, 0 tử vong (cùng kỳ 70 ca mắc, 0 tử vong). Số ca mắc Sởi trên địa bàn trong tháng ghi nhận 417 ca mắc, cộng dồn từ đầu năm đến nay ghi nhận 441 ca mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong (cùng kỳ 0 ghi nhận ca mắc). Bệnh ho gà 7 ca mắc, 0 tử vong (cùng kỳ 0 ghi nhận ca mắc). Các dịch bệnh khác như thủy đậu, dại, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, uốn ván không ghi nhận ca mắc. Đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội Xuân 2025, các cơ quan chức năng của Thành phố đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là ở những nơi có khu du lịch, điểm di tích, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Lễ hội đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tập trung tăng cường lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không đạt so với hồ sơ công bố; sản xuất, buôn bán hàng hóa có nhãn nhưng không ghi đầy đủ hoặc ghi không đúng nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn sản phẩm; quảng cáo thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố; kinh doanh hàng hóa có hình ảnh, chữ viết không đúng với bản chất của sản phẩm.
8.5. Giáo dục và đào tạo
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ dài 9 ngày, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã duy trì lịch trực bảo vệ, công tác an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy, nổ được bảo đảm, không để xảy ra sự cố. Việc đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ được thực hiện chu đáo, ngay từ chiều ngày 02/02/2025 (mùng 5 Tết) cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học đã tới trường làm vệ sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất, hệ thống điện, đèn chiếu sáng được đặc biệt quan tâm; các trường mầm non và phổ thông có tổ chức bữa ăn bán trú chú trọng rà soát các điều kiện bếp ăn và kiểm tra nguồn thực phẩm, sẵn sàng tổ chức bữa ăn an toàn, bảo đảm dinh dưỡng ngay trong ngày đầu tiên 03/02/2025 học sinh trở lại trường học; nhanh chóng ổn định nền nếp dạy, học ngay trong những ngày đầu năm mới.
Kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông (THPT) năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 25 và 26/12/2024 có 6.482 thí sinh dự thi, thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với 200 học sinh đoạt giải, trong đó có 18 giải Nhất, 60 giải Nhì, 65 giải Ba và 57 giải Khuyến khích. Kết quả năm nay cao hơn hẳn so với năm trước (năm 2023 - 2024 học sinh Hà Nội đoạt 184 giải với 14 giải Nhất, 61 giải Nhì, 54 giải Ba và 55 giải Khuyến khích). Cũng trong tháng Hai, Thành phố công bố kết quả xếp giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi Thành phố các môn văn hóa lớp 12 cấp THPT năm học 2024-2025, tuyên dương các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc, công nhận 2.535/4.400 học sinh đoạt giải với 123 giải Nhất, 543 giải Nhì, 718 giải Ba, 1.151 giải Khuyến khích.
Đến hết tháng Hai, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 65,1% (công lập 80,4%), trong đó tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia của các cấp học: Mầm non là 56,6% (công lập 79,8%); Tiểu học 73,1% (công lập 77,7%); Trung học cơ sở 81,7% (công lập 87,6%); Trung học phổ thông 37,1% (công lập 67,2%). Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề trên địa bàn Hà Nội hiện có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề, trong đó: 66 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 39 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 131 doanh nghiệp, loại hình khác.
8.6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa: Trong tháng Hai, Thành phố đã thực hiện công tác thông tin tuyên truyền chào năm mới Ất Tỵ và chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trang trí cổ động trực quan 1.718 m2 pano các loại;10 cụm mô hình; 1.987 băng rôn dọc; 3.024 Quốc Kỳ và Đảng Kỳ; 08 cụm cờ; duy trì chiếu sáng mỹ thuật tại các tuyến phố, tuyến đường trọng điểm của Thủ đô, các vị trí cửa ngõ ra vào Thành phố, vị trí tại các vòng xoay, đảo giao thông... Đăng các hoạt động, hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội trên hệ thống 50 màn hình Led; tổ chức triển lãm ảnh trưng bày 180 bức ảnh khổ lớn “Mừng đất nước đổi mới, Mừng Đảng quang vinh, Mừng xuân Ất Tỵ 2025” tại Nhà triển lãm; đăng 120 tin, bài trên Cổng Thông tin điện tử Hà Nội với số lượt truy cập đạt trung bình hơn 2000 lượt/ngày.
Các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố đã tổ chức tiếp đón các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân đến dâng hương, tham quan du lịch tất cả các ngày trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ước tính trong tháng 02/2025, các di tích đã đón hơn 400 nghìn lượt khách tham quan, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu phí 25 tỷ đồng, tăng 27,6%. Tính chung 2 tháng đầu năm nay các di tích đón 648 nghìn lượt người, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu phí 36,6 tỷ đồng, tăng 16,9% (hoàn thành 48,8% kế hoạch giao thu năm 2025). Tại Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày chuyên đề, các hoạt động giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm, sự kiện lịch sử, văn hóa phục vụ Nhân dân và khách tham quan, trong tháng đón 2,1 nghìn lượt khách đến tham quan, lũy kế 2 tháng đầu năm đón 2,8 nghìn lượt khách. Cũng trong tháng Hai, Thành phố đã tổ chức được 229 buổi diễn, trong đó 06 buổi phục vụ chính trị, 223 buổi diễn có doanh thu với tổng số tiền là 4,5 tỷ đồng, tăng 30,9% số buổi và tăng 18,4% doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thể thao: Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các quận, huyện, thị xã đã triển khai, tổ chức nhiều giải đấu, hội thi thể dục thể thao tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao sức khỏe cho Nhân dân tại địa phương và các vùng lân cận. Các hoạt động thể dục thể thao đa dạng, phong phú, phù hợp với mọi lứa tuổi, từ những môn thể thao cổ truyền của dân tộc như: Các trò chơi dân gian, Vật cổ truyền, Bắn nỏ, Cờ người, Đẩy gậy, Kéo co, Nhảy bao... đến những môn thể thao được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia tập luyện như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Võ, Quần vợt, Bóng bàn...
8.7. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Trong tháng, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Thành phố tiếp tục bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm Lễ hội đầu Xuân, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người. Với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, giải pháp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Theo số liệu tổng hợp từ Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ tháng Hai (từ 15/01/2025 đến 14/02/2025) trên địa bàn Hà Nội như sau:
Phạm pháp hình sự: Trong tháng phát hiện hơn 482 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 306 vụ do công an khám phá. Số đối tượng vi phạm bị bắt giữ theo luật là 462 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 253 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế với 291 đối tượng, thu nộp ngân sách gần 94,4 tỷ đồng.
Tệ nạn xã hội: Trong tháng đã phát hiện 28 vụ cờ bạc, bắt giữ 117 đối tượng; phát hiện 114 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về ma tuý, bắt giữ 163 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 108 vụ với 148 đối tượng.
Tai nạn giao thông: Tháng Hai, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 84 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 55 người chết và 53 người bị thương, trong đó đường bộ có 80 vụ tai nạn làm 51 người chết và 53 người bị thương và 4 vụ tai nạn đường sắt làm chết 4 người. Chia theo mức độ nghiêm trọng, có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết và 1 người bị thương, có 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 2 người và 1 người bị thương; có 54 vụ nghiêm trọng làm chết 50 người và 14 người bị thương; 28 vụ ít nghiêm trọng và va chạm làm 37 người bị thương. Riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 25/01/2025 đến ngày 02/02/2025), trên địa bàn Thành phố xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 10 người chết, 12 người bị thương (giảm 22 vụ, giảm 06 người chết, 32 người bị thương so với Tết Nguyên đán năm 2024). Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2025, Thành phố ghi nhận 202 vụ tai nạn giao thông, trong đó 196 vụ tai nạn đường bộ và 6 vụ tai nạn đường sắt, làm 118 người chết và 136 người bị thương (2 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 280 vụ tai nạn giao thông, làm 128 người chết và 233 người bị thương).
Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Trong tháng phát hiện 513 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 513 đối tượng, xử lý 521 vụ với 522 đối tượng, thu nộp ngân sách 2,6 tỷ đồng. Cũng trong tháng Hai, trên địa bàn Thành phố xảy ra 113 vụ cháy nổ và 4 vụ cháy rừng nhỏ ở lớp thực bì, làm 3 người chết và 3 người bị thương và gây thiệt hại về tài sản ước tính giá trị ban đầu 10,6 tỷ đồng. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh nguyên nhân cháy và đánh giá thiệt hại về tài sản do các vụ cháy gây ra. Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn Thành phố xảy ra 257 vụ cháy, nổ làm 3 người chết và 3 người bị thương (02 tháng đầu năm 2024, xảy ra 209 vụ cháy, làm 5 người chết và 1 người bị thương)./.
Tập tin : BC KTXH_T2.2025_HaNoi_ghep.pdf
Tin khác